• You are here:
  • Home »
  • Sức khỏe »

Tập luyện nặng có ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tim mạch không?

Một nghiên cứu mới theo dõi một nhóm chủ thể thực hiện 35 giờ tập luyện mỗi tuần trong vòng 10 năm và không thấy bằng chứng nào về nguy cơ tim mạch

Tác giả Alex Hutchinson viết cho tạp chí Outside Online

Ở thời điểm năm 2011, nhà vô địch giải Boston Marathon và là phóng viên kỳ cựu của tạp chí Runner’s World, Amby Burfoot, đã phỏng vấn một chuyên gia tim mạch hàng đầu về những quan điểm cho rằng chạy nhiều có thể tác động xấu tới tim. Lúc đó, đề tài tranh luận này chưa thực sự làm tốn giấy mực của báo chí cho tới khi một năm sau đó xuất hiện hai bài viết rùng rợn trên các mặt báo: “Chạy bộ và đường tới mộ,” “Đừng chết vì chạy dài, chạy nhanh và chạy lâu,” và nhiều bài viết tương tự.

Nhưng đó cũng là lúc dấy lên những nghi vấn và Burfoot thực sự mệt mỏi về việc này. Các nghiên cứu quy mô nhỏ dường như chỉ ra rằng khối lượng tập luyện sức bền cao có thể tác động tiêu cực tới các chỉ điểm sức khỏe gián tiếp khác nhau như mô tim trở nên dày hơn và tăng mức độ vôi hoá trong các động mạch bị xơ cứng. Khi đó, Burfoot muốn tìm kiếm thêm các bằng chứng cụ thể hơn và tuyên bố “Nếu có hãy vác vài cái xác về đây!”

Các môn thể thao sức bền làm tăng nguy cơ xơ hoá cơ tim

Trong thời gian 8 năm sau đó, khi nỗi sợ về những rủi ro do chạy nhiều gây ra tăng dần rồi lắng dần xuống. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Burfoot. Các nhà nghiên cứu đã dành vô số thời gian để tìm kiếm những “cái xác” này, lục lọi dữ liệu của hàng chục nghìn người để xem liệu những tay tập luyện nặng nhất có bị chết sớm nhanh hơn người ta nghĩ hay không. Nhìn chung (như kết quả tôi đã phát hiện khi tìm hiểu kỹ những nghiên cứu này trong năm 2016), bức tranh tổng thể rất sáng sủa đối với dân chạy bộ.

Tuy nhiên, số liệu còn thiếu rất nhiều: ở hầu hết các nghiên cứu, nếu chỉ tập luyện một giờ mỗi ngày bạn cũng bị xếp vào nhóm cực cao. Đối với nhiều dân chạy marathon, siêu marathon, dân ba môn phối hợp (tri) và các con nghiện sức bền khác, thời lượng này chỉ được xem là món khai vị của bữa tiệc sức bền.

Đọc thêm:

Câu Hỏi Thường Gặp Về Nhịp Tim Và Chạy Bộ

Tập chạy đường dài theo nhịp tim

Tâm sự của một chân chạy mắc bệnh tim mạch

Điều này khiến cho một số số liệu mới được công bố tại một hội thảo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tại Philadelphia tuần trước trở nên càng thú vị: số liệu được thu thập từ một nhóm các vận động viên sức bền cực độ, những người tập luyện bình quân hơn 5 giờ mỗi ngày và đã tập trong hàng chục năm. Tin tốt là: phần lớn tim của họ đều rất bình thường.

Phân tích mới này được thực hiện tiếp nối một nghiên cứu thực hiện trước đó và được công bố vào đầu năm nay do một nhóm nghiên cứu đứng đầu là Laura DeFina tại Viện Cooper ở Dallas phối hợp với chuyên gia tim mạch Benjamin Levine của Trung tâm Y học Tây Nam Đại học Texas. Nghiên cứu trước đó đã theo dõi 21.758 nam giới khỏe mạnh đã tham gia xét nghiệm tại Cooper Clinic bắt đầu từ năm 1998 và kết quả cho thấy hoạt động thể chất mức độ “cao” (khái niệm này được trình bày ở phần sau) thực tế có liên quan tới mức độ vôi hoá gia tăng, cho thấy động mạch cứng hơn và yếu hơn nhưng dường như không làm gia tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác sau một thập kỷ nghiên cứu bổ sung. Nói cách khác, các yếu tố nguy cơ báo hiệu bệnh tật ở người bình thường không hẳn cũng hoạt động tương tự ở những người có tình trạng thể lực rất tốt.

Vậy nên hiểu thế nao về hoạt động thể chất mức độ “cao”? Các nhà nghiên cứu định nghĩa là hoạt động trên 3.000 MET-phút mỗi tuần. Một MET (hay “chỉ số trao đổi chất quy đổi”) đo lường cường độ tập luyện nhân với với tốc độ trao đổi chất cơ sở khi nghỉ. Ví dụ, khi ngồi không đọc bài viết này chúng ta tiêu thụ khoảng 70 calo mỗi giờ. Nếu chúng ta chạy với tốc độ 10:00 phút/dặm (khoảng 6:12 phút/km), tương đương với cường độ quy đổi khoảng 10 MET đối với một người bình thường, cứ mỗi giờ chúng ta sẽ đốt khoảng 700 calo. Nếu chúng ta chạy 60 phút ở tốc độ này, chúng ta tích lũy được 600 MET-phút tập luyện (60 phút x 10 MET). Tóm lại, chúng ta có thể suy ra rằng 3.000 MET-phút tương đương với 5 giờ chạy ở tốc độ 10:00 phút/dặm gat khoảng 30 dặm (48km) mỗi tuần ở tốc độ này.

Đối với hầu hết mọi người, đây là khối lượng tập luyện rất lớn. Nhưng khi đọc nghiên cứu này, Burfoot thấy rằng có rất nhiều chủ thể trong nhóm đối tượng nghiên cứu có thời gian tập luyện lớn hơn nhiều. Ông hỏi Levine về số liệu của nhóm có cường độ rất cao này và kết quả chính là những con số được trình bày tại hội nghị nêu trên, so sánh 2.088 nam giới và phụ nữ có mức độ hoạt động thể chất cao (trên 3.000 MET-phút mỗi tuần) với 66 nam giới và phụ nữ có mức độ hoạt động thể chất “phi thường” (trên 10.000 MET-phút mỗi tuần). Vì tính tò mò của mình mà Burfoot được liệt kê thành tác giả thứ 7 của nghiên cứu này và sau đó đã viết một bài về kết quả của nghiên cứu trên tờ Washington Post.

42,195km suối nguồn tươi trẻ

(Ngoài lề, một điều thú vị là một vài nghiên cứu trước đó đã liệt kê những hoạt động tập luyện trên 60 đến 90 phút mỗi ngày vào nhóm “tập luyện sức bền quá mức” (EEE), một định nghĩa mà bản thân nó đã bao hàm luôn kết luận của nghiên cứu. Việc nghiên cứu mới này sử dụng thuật ngữ “phi thường-extraordinary” cho chúng ta thấy phần nào mức độ cảm thông của các nhà nghiên cứu.)

Trong số 66 người tập luyện phi thường này, 12 người là nữ. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 53,2 tuổi, bình quân tập luyện 35,1 giờ và tích lũy 13.921 MET-phút mỗi tuần và đã tập luyện trong khoảng 28,5 năm. Số liệu này cho phép chúng ta xác định cường độ tập luyện trung bình là 6.6 MET, tương đương với chạy nhẹ chậm hoặc đạp xe ở ngưỡng nhẹ nhàng. Do số liệu được thu thập theo kết quả trả lời điều tra nên chúng ta không thể xác định chính xác nhóm này thực sự tập luyện môn gì chưa kể làm cách nào để họ có thời gian cho việc tập luyện. Rõ ràng, hầu hết các thành viên trong nhóm đều không chạy 5 giờ mỗi ngày nên nhiều khả năng nhiều người trong nhóm là các vận động viên ba môn phối hợp và xe đạp đường dài.

Sau trung bình 10 năm nghiên cứ, hai trong số 66 người đã qua đời. Không ai trong số này qua đời vì lý do liên quan đến bệnh tim hay các vấn đề tim mạch khác. Nhìn chung, kết quả của nhóm phi thường gần như tương tự với nhóm tập luyện cường độ cao. Họ có các chỉ số BMI, VO2max, lượng cholesterol, mức độ vôi hóa động mạch vành và nhiều chỉ số khác như nhau. Quy mô mẫu nhỏ và các kết quả nghiên cứu sẽ cụ thể hơn theo thời gian khi các thành viên trong nhóm dần qua đời. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc không phát hiện được những tác động cụ thể của việc tập luyện 35 giờ mỗi tuần cũng là một điểm sáng số liệu quan trọng trên biểu đồ trước nay đã thiếu rất nhiều số liệu.

Đối với những người có quan điểm tiêu cực, điều này có nghĩa việc gia tăng thời gian tập luyện lên nhiều giờ mỗi ngày có thể không mang lại thêm bất kỳ lợi ích nào cho sức khỏe của bản thân so với cường độ tập luyện nhẹ hơn. Một vài số liệu trước đây cho thấy việc thực hiện các khuyến nghị chuẩn về hoạt động thể chất – 30 phút hoạt động mức độ trung bình 5 lần mỗi tuần sẽ mang lại hầu hết lợi ích cho cơ thể. Còn đối với những người tích cực, dường như việc tập luyện điên cuồng cũng chẳng thể khiến bạn xuống mồ sớm.

Còn đối với câu thách thức của Burfoot năm 2011, chúng ta vẫn phải chờ đợi đáp án. Levine trả lời Burfoot trong bài viết trên Washington Post rằng “Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên cơ sở số liệu nhiều hơn so với các nghiên cứu trước đó và là công cụ cơ bản để phản bác lại quan điểm cho rằng đường phố đầy rẫy những xác chết của dân chạy bộ. Chúng tôi nghiên cứu những người tập luyện nặng nhất và trong 10 năm nghiên cứu chưa xảy ra trường hợp nào tử vong vì bệnh tim mạch.”

Tác giả Alex Hutchison là phóng viên, biên tập viên kì cựu của Runner’s World, là tiến sĩ y khoa trong lĩnh vực sinh lý học, là một vận động viên cự ly trung bình và dài từng thi đấu cho đội tuyển quốc gia Canada. Ông cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách phân tích chạy bộ dưới góc nhìn khoa học, mà cuốn quen thuộc nhất với chúng ta là “Cardio or Weight, Which Comes First?” (tạm dịch “Sức bền hay sức mạnh?”). Các bài viết của Alex Hutchison, vì thế, ngập tràn chứng cứ khoa học, và rất đáng tin cậy, dù đôi lúc hơi khó đọc.

About the Author Phạm Thao

>
68 Shares