Sự khốc liệt của giải đấu: nhiệt độ không khí không phải là tất cả

Với điều kiện nắng nóng của các giải đấu mùa hè, như Tien Phong Marathon, mục tiêu việc rút ngắn thời gian chạy càng trở nên khó khăn hơn với mỗi vận động viên dưới tác động của nhiều yếu tố như hơi nóng, độ ẩm, ánh sáng mặt trời, gió…Việc xác định độ khốc liệt của một giải đấu mùa hè không chỉ thể hiện qua chỉ số nhiệt độ ngoài trời thông thường mà là kết quả tác động của nhiều yếu tố nêu trên. Trên thế giới, khái niệm nhiệt độ tam cầu đã được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực này. Một nghiên cứu mới được thực hiện đưa ra đề xuất áp dụng một chỉ số khác thay thế là “nhiệt độ sinh lý quy đổi”.

Trong tập luyện và thi đấu marathon, nhiệt độ không khí không phản ánh hết toàn bộ điều kiện khó khăn mà môi trường xung quanh tác động lên cơ thể người chạy, giống như việc chúng ta chạy bộ trong một ngày mùa đông có gió lớn hay một ngày mùa hè có độ ẩm cao. Ngoài ra, yếu tố ảnh sáng mặt trời cũng chưa được chúng ta xem xét đầy đủ. Vài năm trước, các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh rằng việc chạy trong một ngày nắng nóng sẽ khiến chúng ta mệt mỏi nhanh gấp 2 lần so với chạy trong một ngày âm u nhiều mây ngay cả khi hai yếu tố nhiệt độ và độ ẩm không đổi. Thực tế cho thấy ánh nắng khiến nhiệt độ cơ thể tương đương với khi chúng ta tăng tốc độ thêm khoảng 18 giây mỗi km chạy.

Chạy bộ mùa hè: Nhiệt độ tăng ảnh hưởng tới thành tích thi đấu như thế nào?

Đây chính là lý do mà các đơn vị tổ chức giải đấu và các chuyên gia sinh lý học thể thao không chỉ nhìn vào những con số hiển thị trên nhiệt kế (hoặc ngay cả chỉ số nhiệt trong đó có xét tới ảnh hưởng của độ ẩm nhưng thiếu bức xạ mặt trời hay sức  gió) khi đánh giá về khả năng thi đấu của các chân chạy vào những ngày nắng nóng. Thay vào đó, tiêu chí được các chuyên gia sử dụng để tham khảo là “nhiệt độ tam cầu” hay WBGT trong đó bao gồm các chỉ số thu được từ ba loại nhiệt kế: nhiệt kế bầu khô đo nhiệt độ không khí, nhiệt kế bầu ướt tính tới tác động của độ ẩm và gió và nhiệt kế cầu đen đo mức độ bức xạ của mặt trời. Nói một cách đơn giản, WBGT là trung bình có trọng số của ba thông số đo lường trên trong đó chỉ số bầu ướt chiếm 70%, 20% là chỉ số cầu đen và 10% là chỉ số bầu khô.

Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa WBGT của các giải đấu và số lượng các chân chạy bị ngất hoặc cần chăm sóc y tế. Kết quả của các nghiên cứu này là sự ra đời của bộ định mức nhiệt độ WBGT dựa trên  hướng dẫn của Đại học Y học Thể thao Hoa Kỳ  để các chân chạy và đơn vị tổ chức áp dụng. Nếu nhiệt độ WBGT trên 28 độ C, nên hủy giải đấu; trên 23 độ C, cần hết sức cẩn trọng; dưới 10 độ C sẽ xuất hiện nguy cơ hạ thân nhiệt độ ngột… Đây là những định mức nhằm đảm bảo an toàn cho người chạy bên cạnh một bộ hướng dẫn riêng giúp người chạy xác định khi nào tốc độ chạy sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ khi trên 15 độ C đối với cự ly marathon.

Sốc nhiệt: Tình trạng sức khoẻ nguy hiểm có thể gặp khi chạy bộ trời nắng

Đây là bộ định mức đã được hình thành từ rất lâu và có sự đồng thuận cao từ giới  khoa học nếu chúng ta biết rằng những hướng dẫn về nhiệt độ WBGT đầu tiên được xây dựng cho các giải đấu từ năm 1983. Nhưng một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh cho rằng chúng ta có thể áp dụng một thang tham khảo chính xác hơn là thang Nhiệt độ sinh lý quy đổi (PET) giúp dự báo các nguy cơ hiệu quả hơn, đặc biệt vào những ngày nắng nóng.

Tien Phong Marathon 2020

Tien Phong Marathon 2020

PET được định nghĩa là nhiệt độ cần thiết khi ở trong phòng để giả lập cảm nhận của cơ thể khi ở ngoài. Nếu chúng ta ở bên ngoài, dưới bóng râm vào một ngày mùa hè tươi đẹp có nhiệt độ là 30 độ C, sức gió là 1m/s và áp suất hơi là 21 mbar (trường hợp này đồng nghĩa với độ ẩm tương đối là 50%), cơ thể chúng ta sẽ cảm nhận được luồng nhiệt tương tự như thể chúng ta đang ở trong một căn phòng có nhiệt độ 29 độ C. Điều này có nghĩa nhiệt độ PET trong bóng râm của ngày mùa hè tươi đẹp đó là gần 29 độ C. Nhưng nếu chúng ta bước ra khỏi bóng râm và tiếp xúc trực tiếp với ánh năng, PET sẽ tăng lên thành trên 42 độ C. Bức xạ mặt trời thực sự tạo ra sự khác biệt trong trường hợp này!

Nếu WBGT chỉ đơn thuần đo nhiệt độ bằng các nhiệt kế khác nhau thì việc tính toán PET phức tạp hơn nhiều vì phải mô phỏng được cơ thể trên thực tế phản ứng ra sao trước tác động của nhiệt độ, ánh nắng, gió… Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải giải được phương trình cân bằng nhiệt bao gồm các biến số tốc độ trao đổi chất, nhiệt tạo ra từ quá trình vận động (với giả định “hoạt động của ánh sáng” tạo ra 80 watt nhiệt), nhiệt thoát ra trong quá trình hô hấp, thoát mồ hôi, nhiệt đi vào và ra khỏi cơ thể qua quá trình bức xạ và đối lưu và nhiều biến số khác. Phương trình này được giải trên máy tính để cho ra kết quả PET với một tập hợp các thông số đầu vào nhất định.

Trong nghiên cứu mới này, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Gothenburg, Thụy Điển đã phân tích dữ liệu giai đoạn 2010-2017 của giải bán marathon Gothenburg, giải đấu có sự tham gia của trên 60.000 chân chạy mỗi năm. Giải đấu được tổ chức vào giữa tháng 5, đồng nghĩa với việc nhiệt độ dao động từ 10 đến 26 độ C. Bằng cách sử dụng cả WBGT và PET (cùng với thang Chỉ số Nhiệt Toàn cầu), nhóm đã dự báo số chân chạy sẽ ngất và số lần phải huy động xe cứu thương. PET cho ra kết quả sát nhất, dự báo với hệ số xác định là 71% số ca ngất hàng năm và 72% số lần phải huy động xe cứu thương. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta xác định được PET trước khi giải đấu diễn ra, chúng ta đã có thể nắm khá sát số lượng người sẽ cần được chăm sóc y tế trong năm đó. Trong khi đó, WBGT chỉ có hệ số xác định là 56% đối với cả hai biến số này.

Những kết quả này có sự ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thời tiết nắng nóng trong hai năm 2010 và 2013. Trong cả hai năm này, WBGT được xác định là 26,6 độ C, sát với ngưỡng phải hủy giải. PET đưa ra cảnh báo khẩn cấp hơn với mức nhiệt vào khoảng 37 độ C do có thể tính toán hiệu quả hơn nguy cơ bức xạ mặt trời. Đương nhiên, với việc dữ liệu nghiên cứu chỉ kéo dài 8 năm, chúng ta cần cẩn trọng khi quyết định liệu PET có giúp dự báo sát hơn trong tất cả các trường hợp hay không. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, chúng ta cần thử nghiệm ở nhiều giải đấu nữa và với nhiều bộ dữ liệu khác trước khi có thể đi đến kết luận cuối cùng.

Đối với nhiều chuyên gia về sinh lý nhiệt học và thể thao sức bền, PET là khái niệm rất thú vị nhưng rất phức tạp và khó tính toán. PET hầu hết chủ yếu được sử dụng trong thiết kế xây dựng và quy hoạch đô thị. Dù PET có một số ưu điểm như có thể sử dụng trong điều kiện nóng và lạnh và có nhiều khả năng có thể dự báo các ca bệnh do nắng nóng gây ra chính xác hơn WBGT nhưng sự hữu dụng của phương pháp này còn phụ thuộc vào việc tính toán chỉ số này có phức tạp hay không. Hiện nay đây là việc làm rất khó khăn.

Về lâu dài, nhiều khả năng cách tiếp cận theo PET sẽ được áp dụng phổ biến trên thế giới nhưng chúng ta cần xây dựng được một thang đo lường có thể tính toán chính xác hơn tác động của ánh nắng với cơ thể. Sự tương phản giữa PET 29 độ trong bóng râm và 47,7 độ ngoài nắng cho chúng ta thấy bức xạ mặt trời có tác động lớn ra sao.

Theo Outsideonline

About the Author Phạm Thao

>
127 Shares