Tám Chuyện Về Giày Chạy Bộ

Với người chạy bộ, có lẽ không có gì quan trọng hơn đôi giày, tương tự như ống kính máy ảnh đối với nhiếp ảnh gia. Người mới chụp hình lúc nào cũng lỉnh kỉnh vác theo đủ loại ống kính (tele, góc rộng, khẩu lớn), người chụp lâu năm biết rõ mình cần dùng ống kính nào trong hoàn cảnh nào. Dân chạy bộ cũng vậy, những kẻ mê chạy biết rõ công dụng, ưu và nhược điểm của từng dòng giày.

Trong 1 năm rưỡi đầu tiên tập chạy, mình gần như chỉ dùng 1 dòng duy nhất, Asics Nimbus. Lý do chọn ASICS hết sức cảm tính, vì giày đẹp quá. Đôi ASICS nào cũng bắt mắt, phối màu tinh tế (cái này càng về sau càng thấy đúng). So với ASICS, giày Nike hay Adidas quá “monotone”, thiết kế đơn điệu, chủ yếu là màu trắng với đen.  Giày Nimbus cực êm chân, bảo vệ tốt, ít chấn thương, nhưng khá nặng, tầm 11 oz cho chiếc giày cỡ 9 US.

Mình có đến 4 đôi Nimbus (dùng mãi tới bây giờ mới hỏng 2 đôi). Hồi đó cuồng ASICS đên mức nghĩ cả đời chỉ “chung thuỷ” với nhãn hàng này thôi. Quần áo, mũ, tất đều thích đồ ASICS. Đôi giày trail đầu tiên của mình là ASICS Gel-Scout, chinh chiến đủ mọi địa hình hard ground, soft ground. Nhưng mấy đôi Nimbus bắt đầu bộc lộ điểm yếu về trọng lượng. Mình chuyển dần sang những đôi nhẹ hơn, bắt đầu là Adidas Rocket Boost, Skechers GoRun, rồi Newton Distance, cùng với đó là xu hướng “minimalist” thay cho “maximalist”.Distance III_weight copy

Đôi Adidas Rocket Boost dùng lần đầu hồi tập giải Sông Hồng 2014, công nghệ Boost cho mình cảm giác có như hòn bi lăn dưới chân khi chạy. Nhưng đế giày xuống cấp nhanh. Sau tầm 200 km là thấy giảm độ êm, chạy dài quá 20 km thì đau rát phần trước bàn chân (forefoot).

Đôi Skechers Gorun mình chỉ xài tầm 300 km. Phần giữa nhô lên, chắc để hỗ trợ người chạy đáp chân mid-foot. Điều này khiến mình khá khó chịu. Nhưng giày đặc biệt nhẹ. Có lẽ mỗi dòng giày phù hợp với một cấu tạo giải phẫu chân khác nhau. Mình đem đôi Gorun tặng cậu em, thấy cậu em khen suốt (nhưng cậu này chưa chạy quá 15 km lần nào).

Distance III

Lần đầu chạy đôi Distance III, cảm giác tê rần hai bắp chuối, mấy hôm sau còn mỏi, chứng tỏ vùng này phải làm việc nhiều hơn. Độ dốc gót mũi của Distance III chỉ là 2 mm, có thể coi như đôi minimalist đầu tiên của mình. Chạy nhiều rồi quen.

Distance III có lẽ là đôi giày hoàn hảo nhất, tính tổng hợp các khía cạnh. Dùng để chạy dài, chạy biến tốc, hay chạy đua đều ổn. Distance IV nặng hơn III đôi chút, ôm khít cổ chân hơn, nhưng không thoải mái bằng. Về độ bền thì cả hai em này đều không bền lắm (so với kì vọng của chúng ta). Chỉ chạy tầm 1000 km là mòn vẹt phần gót.

Phần lưới (mesh) của Distance III còn bị thủng, dù chân mình không sục sạo vào đâu. Nhìn đôi giày cũ mèm, in bao “dấu ấn thời gian”, tự nhiên thấy thân thuộc. Hôm trước vừa đặt hàng một đôi Distance III mới toe – lần đầu tiên mua hai phiên bản giống hệt nhau của một dòng giày. Amazon đang giảm giá khá sâu (80-100 USD cho Distance III, tuỳ kích cỡ và thời điểm đặt hàng), so với 150 USD của Distance IV và 160 USD của Distance V. Nhưng nghe bảo Distance V cũng không được chuộng bằng các mẫu trước đó. 

1459673_10153531710189388_2680843330352784252_n

Bạn bè chạy bộ của mình, như Cao Cao Ha, anh Cuong Doan Nguyen cũng toàn thích giày mỏng. Bây giờ tiêu chí đầu tiên của mình khi chọn giày là trọng lượng. Đến khi ASICS tung ra sản phẩm rất đình đám Quantum 360, có phủ GEL từ mũi tới gót, mình cũng không quan tâm nữa.

Như vậy lại hay, tiết kiệm kha khá tiền vì giày cushioning thường đắt hơn đáng kể. Mình đã tặng đi 1 đôi UltraBoost vì nặng quá. Sau đó Adidas Việt Nam tặng thêm một đôi UltraBoost nữa, mình giữ lại dùng. Tập chạy bằng giày nặng có lẽ cũng có lợi đôi chút, khi “chiến” giải chạy giày nhẹ sẽ thoải mái hơn nhiều. 

Có lẽ nhiều người chạy bộ trên thế giới cũng vậy, những đôi giày nhẹ ngày càng được ưa chuộng. Ngay cả một đôi siêu êm chân, đế dày 29mm, là Hoka Cliffton cũng chỉ nặng có 8.8 oz. Hoka One One nổi tiếng với tiêu chuẩn “êm chân và nhẹ”. Cùng với Altra là hai hãng giày đình đám thuộc dòng “minimax” (minimum drop, maximum cushioning). Đôi Cliffton được dân chạy bộ khen ngợi nức nở, nhưng mình chạy không quen, được tầm 15 km là thấy đau phần trước cẳng chân (shin splint). Không hiểu sao?

Nhiều người hỏi nên dùng một đôi giày chạy trong bao lâu? Thật khó để trả lời. Mình có khoảng 20 đôi giày chạy, và chỉ thực sự “cho nghỉ” 2-3 đôi (đôi nào ít dùng thì tặng bạn bè từ lúc còn mới). Giày của mình toàn đồ chính hãng, không có hàng “fake” nên ngoại hình gần như không thay đổi nhiều, chỉ bụi và cũ dần theo thời gian. Những đôi như Salomon Sonic, có cảm giác phần thân giày không bao giờ rách hay hỏng được.

Tuy nhiên đế giày khấu hao khá rõ, cái này phải chạy bộ dài dài (tầm >15km) mới cảm nhận được. Những đôi nặng về cushioning như Nimbus (giá tầm 150 USD) thì bền hơn rõ ràng, so với Newton minimalist hay giày chạy đua Adidas Rocket Boost, ASICS HyperSpeed. Adidas UltraBoost là một đôi rất bền. Hoka Cliffton cũng vậy.

IMG_3158

Quan điểm của mình là giày race thì phải ngon, còn giày tập thì thoải mái (trừ bài tập nặng, interval). Nếu giày đế quá mỏng, quá mòn, thì coi như chạy barefoot, có sao đâu.

Giày chạy đua ưa thích nhất của mình là đôi ASICS Piranha SP5. Thiết kế đẹp, đế mỏng, ôm chân, đặc biệt là siêu nhẹ. Chỉ có 3,1 oz, tương đương gần 1 lạng, nhẹ hơn cái iPhone. Nhẹ đến mức mình ngại không dám đeo “stride sensor” ở chân, sợ rằng như thế thì trọng lượng hai bên chân sẽ chênh lệch rõ ràng.

Lần đầu xỏ chân vào đôi này mình còn cảm giác đây là món đồ chơi trẻ con, phần đinh nhựa ở gót giày gây ấn tượng không mấy thiện cảm về một món đồ “hàng mã”. Tuy nhiên đã chinh chiến trong đủ loại thời tiết (nắng, mưa phùn, mưa rào) mà giày vẫn ngon. Piranha SP5 được xếp vào dòng giày đua, khuyến cáo cho cự ly từ 10 km trở xuống. Nhưng giải HCMC 2016 mình đã dùng để chạy 21 km không gặp vấn đề gì. Chỉ có 42 km là chưa dám liều thử.

HyperSpeed 7 copy

Với cự ly marathon mình thường dùng đôi ASICS HyperSpeed (lại là ASICS). Lần đầu tiên chạy đôi HyperSpeed 6 thấy hối hận vì chỉ mua size 9, mũi chân có cảm giác kích. Mũi chân cứ cọ vào đôi giày mới khiến mình sợ sẽ gặp hiện tượng “đen móng“. Nhưng càng chạy giày càng mềm ra.

HyperSpeed 6 cũng dùng công nghệ GEL, được coi như những đôi giày hiệu quả nhất xét trên khía cạnh cushioning/weight (không biết dịch thế nào, đại khái là tỉ lệ độ êm chân trên trọng lượng giày). Hôm trước vừa mua đôi HyperSpeed 7. Tính mình hay hoài cổ, chạy dòng 7 không khoái bằng dòng 6, đang cân nhắc mấy giải marathon cuối năm có nên tiếp tục với HyperSpeed 6 hay không?IMG_3160

Một đôi giày chạy đua khác mình cũng rất muốn trải nghiệm là New Balance MRC 5000. Website fellrnr.com đánh giá đôi này rất cao, thuộc loại “Best of the Best”. Điểm trên amazon không cao lắm. Cũng như Piranha SP5, nhiều người chê đôi MRC 5000 chóng hỏng. Lạ thật, có ai quan tâm đến độ bền của một chiếc xe F1?

Hôm trước trên Runner’s World có bài “Tại sao người chạy bộ nên từ từ chuyển đổi sang giày mỏng hơn”. Đại khái là có nghiên cứu cho thấy những người nặng cân khi đi giày mỏng thì sẽ dễ bị chấn thương. Rõ ràng, xu hướng đi giày nhẹ là tất yếu, nhưng từ khoá của bài không phải là “chuyển đổi” (transition) mà là “từ từ” (slowly). Quá trình chuyển đổi nên diễn ra từ từ, để cơ thể làm quen, tránh chấn thương. Bắt mấy chú quá cân đi đôi Piranha SP5 nhẹ như lông hồng, không chấn thương mới lạ.

Mình nói chung cũng không chăm sóc giày nhiều. Thường chẳng giặt giày bao giờ. Chạy trời mưa ướt thì để một chỗ cho khô. Không hiểu như vậy có khoa học không?

Có cần dùng giày xịn hay không? Nói chung cũng như truyện chưởng, mới học võ công thì kiếm không quan trọng, xài món gì cũng được, sau đó thì kiếm quan trọng, đến một lúc nào đó kiếm lại chẳng có gì quan trọng nữa. Mấy tụi bán giày bày ra đủ loại trường phái (đế dày, đế mỏng, bàn chân ngả ngoài ngả trong), nhưng quan điểm của mình là rồi bản thân sẽ thích nghi được hết.

Cứ đủng đỉnh chậm rãi thì chạy giày “fake”, hay Thượng Đình cũng được. Nhưng cần nhiều thời gian để cơ thể làm quen và tránh chấn thương. Khi chạy bộ cũng không thể quá thoải mái bung sức vì nguy cơ chấn thương cao. Khi tập nặng (chạy nhanh, chạy tempo, biến tốc, chạy dài) những đôi giày xịn sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều.

Tiền tốn vào giày cũng kha khá. Nhưng thật ra chạy đường nhựa “road” còn tiết kiệm khối so với chạy đường mòn (trail) phải đầu tư đủ cả gậy, quần áo, túi nước, đèn chuyên dụng. Giày chạy trail cũng thường đắt hơn giày road kha khá. Cũng là động tác chạy bộ, nhưng chạy road và chạy trail như hai môn thể thao khác nhau. Mình cũng thích chạy trail, nhưng chỉ đủ thời gian tập chạy road, vì thế vẫn còn gắn bó với mấy đôi giày nhẹ lâu dài.

About the Author Mr Marathoner

  • Trần Long says:

    Bác ơi. Cho bọn em ít địa chỉ uy tín mua giày chạy bộ với ạ. Cảm ơn nhiều

  • […] tập tốc độ là Asics Hyperspeed (giờ đã ngừng sản xuất), Asics Tartherzeal, hoặc Asics Piranha 5 – đôi giày có trọng lượng thấp đáng kinh ngạc […]

  • […] Xem thêm: Trao đổi về giày chạy bộ […]

  • >
    2 Shares