UTMB 2021: Anh thợ rượu Pháp, cô giáo Mỹ lập kỷ lục trong mùa giải “tái sinh”

Trong mùa giải “tái sinh”, Francois D’haene và Courtney Dauwalter đều tái lập thành tích, giành chức vô địch UTMB rất thuyết phục.

Sau 2 năm đóng băng vì đại dịch Covid-19 (năm 2020 UTMB buộc phải hủy), giải chạy địa hình ultra trail UTMB  đã trở lại trong sự hân hoan chào đón của những người yêu chạy bộ ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Đây là lần thứ 18 giải chạy ultra trail có qui mô lớn nhất thế giới này được tổ chức.

Xuất phát UTMB 2021. Ảnh: UTMB

UTMB năm nay có tổng cộng 2.347 VĐV có mặt tại vạch xuất phát ở Chamonix. Điều kiện thời tiết năm nay được đánh ra là rất thuận lợi. Các VĐV không gặp phải thách thức đáng kể nào của mưa, tuyết hay gió mạnh trên vùng núi cao.

Runner Hà thành chạy 160km trên máy treadmill để xem UTMB cho… phê

UTMB 2021: Ultra runner CH Séc tử nạn ở giải TDS

Jim Walmsley – nhà vô địch giải Western States 100 năm 2021 chia sẻ kinh nghiệm chạy trời nóng trong cuộc đua địa hình

Trong số những VĐV vắng mặt, đáng chú ý nhất có ĐKVĐ Pau Capell không thể tham dự do dính chấn thương đầu gối. UTMB vẫn còn tương đối đầy đủ gương mặt từng lên ngôi vô địch trong những năm gần đây: Courtney Dauwalter, Francois D’haene, Xavier Thevenard, Capa Francesca.

Francois (áo trắng) và Xavier (áo xanh) khi vẫn còn song ca “Những ngày đẹp trời” ở những km đầu tiên. Ảnh: UTMB

Xét phong độ hiện tại, Francois D’haene (Vô địch UTMB 2012, 2014, 2017), Xavier Thevenard (Vô địch UTMB 2013, 2015, 2018, Á quân 2019, Vô địch CCC 2010, TDS 2014, OCC 2016), Jim Walmsley (Vô địch WSER 100 2018,2019, 2021, hạng 5 UTMB 2017) là 3 ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch nam còn Courtney  Dauwalter chiếm trọn niềm tin của giới ultra trail cho chức vô địch nữ.

UTMB xuất phát lúc 5 giờ chiều (giờ địa phương) tức 10 giờ tối (giờ VN) thứ 6 27/8. Các VĐV được chia làm 3 “wave” – lượt xuất phát.

Đường chạy UTMB 2021. Ảnh: UTMB

Ở cuộc đua của nam, thế trận an bài từ khá sớm khi trật tự 3 VĐV nam dẫn đầu không đổi với bộ 3 người Pháp Francois, Aurelien Dunand-Pallaz, Mathieu Blanchard. Jim Walmsley, niềm hi vọng lớn nhất của Mỹ đã chứng tỏ mình là đối thủ lớn nhất của Francois khi anh luôn đua 1-2 với nhà vô địch UTMB 2017 trong 90km đầu tiên.

Tuy nhiên, sau đó Jim Walmsley bất ngờ dần tụt lại và đến km thứ 99 phải dừng cuộc chơi. Như vậy, Jim đã không thể cải thiện thứ hạng của mình ở giải đấu này mặc dù đặt rất nhiều tâm huyết, nhất là sau khi anh vừa giành chức vô địch Western State Endurance Run (WSER 100). Xavier Thevenard, một đối trọng khác của Francois thậm chí còn tệ hơn khi nhà vô địch UTMB 2018 “giương cờ trắng” sau km thứ 51. Các chân chạy mạnh khác bị DNF còn có Tim Tollefson, Tom Owens, Dmitry Mitayev.

Francois D’haene vượt qua Kilian Jornet, Xavier Thevenard lập kỷ lục VĐV nam sở hữu nhiều danh hiệu vô địch UTMB nhất (4/19 mùa giải). Ảnh: UTMB

Không còn Jim và Xavier, Francois “đơn thương độc mã” ở 60km cuối của cuộc đua. Dù rất cố gắng để thu hẹp khoảng cách song Aurelien không thể làm gì hơn trước một đối thủ quá mạnh. Francois D’haene, một người thợ nấu rượu vang, đã về đích đầu tiên sau 20 giờ 45 phút. Một kỷ lục mới của UTMB khi Francois trở thành VĐV nam đầu tiên 4 lần vô địch UTMB. Anh cũng là người đầu tiên vô địch 2 giải lớn Hardrock 100 và UTMB trong cùng 1 năm. Cách đây hơn 1 tháng, Francois đã phá kỷ lục giải Hardrock 100 do Kilian Jornet nắm giữ (thành tích chung cuộc hay thành tích theo hướng ngược chiều kim đồng hồ đều là kỷ lục).

Aurelien về đích sau đó 13 phút. Mathieu Blanchard về đích thứ 3, sau nhà vô địch 26 phút. Đáng chú ý, vị trí thứ 4 hạng mục nam là Ludovic Pommeret, nhà vô địch UTMB 2016. Năm nay anh 46 tuổi nhưng vẫn dẻo dai. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm, “lão tướng” Ludovic dần dần vượt qua các đối thủ trẻ hơn trong Top 20 để vươn lên giành hạng 4 trong cuộc đua 100 miles đầy khốc liệt.

Mimmi Kotko chạy trong đêm với 2 đầu gối chảy máu vì ngã. Ảnh: UTMB

Ở cuộc đua của nữ, nhìn cách Courtney di chuyển trên đường chạy thanh thoát thì có thể thấy… trời xanh đã an bài ở UTMB. Ngôi vô địch khó lòng thoát khỏi ultra runner người Mỹ, người từng là cô giáo dạy cấp 2 trước khi “nhảy hố vôi”.

Ngay từ km thứ 31 (Les Contamines), Tanguy đã dừng cuộc chơi do bị đau bụng. Đến km66, một loạt các chân chạy mạnh rụng dần, trong đó có Francesca Canepa. Nếu bạn thấy cái tên này thân  quen thì bạn đã đúng. Nhà vô địch nữ UTMB 2018 từng sang Việt Nam chạy giải Vietnam Mountain Marathon 2019. Năm đó, Francesca cũng gặp vấn đề về sức khỏe nên không thể sải bước trên đỉnh Silverstone để về đích ở Topas Ecolodge.

Courtney Dauwalter cứu rỗi UTMB “một màu” khi chen vào Top 10, xếp hạng 7 chung cuộc, phá kỷ lục giải tới 2 tiếng đồng hồ. Ảnh: UTMB

Vị trí thứ 2 trong 60km cuối của cuộc đua là sự tranh chấp giữa Mimmi Kotka (người Thụy Điển, hiện đang sống ở…Chamonix) và Camille Bruyas (Pháp). Do bị vấp ngã và chảy máu đầu gối ở km66 nên Mimmi Kotka không thể giữ vị trí thứ 2 và để Camille Bruyas vượt qua ở đoạn cuối. Courtney Dauwalter đã cán đích sau 22 giờ 30 phút, nhanh hơn kỷ lục cũ 2 tiếng đồng hồ. Thành tích quá đỗi ấn tượng bởi Courtney xếp hạng 7 chung cuộc, xếp trên rất nhiều “hổ báo” nam khác.

Kỷ lục đường đua của nữ trước đây thuộc về Rory Bosio (2013). Khi đó, cung đường còn ngắn hơn bây giờ 3km và không đi qua đỉnh Pyramides Calcaires (Italy).

Hai nhà vô địch, “thợ rượu” Francois và “cô giáo” Courtney ra cổng đích đón những VĐV cuối cùng hoàn thành. Ảnh: UTMB

Hiện tại, Courtney không có đối thủ xứng tầm để có thể đe dọa vị trí số 1 ở các giải ultra trail mà cô tham gia. Phong độ xuất sắc của ultra runner sinh năm 1985 này phần nào cứu rỗi giải UTMB khỏi “một màu” khi VĐV chủ nhà Pháp chiếm thế thượng phong trong Top 10 chung cuộc, trong đó có 5 người ở Top 5.

Trao giải Top 10 nam UTMB. Ảnh: UTMB

Việt Nam & UTMB

Trong danh sách các VĐV xuất phát UTMB có 2 VĐV liên quan đến Việt Nam. Một người là Nathalie Cochet, nhà vô địch VMM 100km nữ rất quen thuộc đối với cộng đồng chạy bộ Việt Nam mang quốc tịch Pháp. Người còn lại là Lâm Nguyễn, một VĐV hiện đang sinh sống tại Pháp. Nathalie Cochet (bib 462) không tham gia (DNS) còn Lâm Nguyễn (bib 2277) DNF tại km thứ 99.

Theo Chay365 ghi nhận được đến thời điểm này, Việt Nam có 2 người (quốc tích Việt Nam) đã từng hoàn thành UTMB. Anh Vũ Văn Thịnh hoàn thành UTMB 2017 và Quang Trần hoàn thành UTMB 2018.

Màn cầu hôn tại cổng đích UTMB. Ảnh: UTMB

Thảm họa Hoàng Hà Thạch Lâm và nốt trầm buồn châu Á

UTMB năm nay lặng lẽ, trầm mặc hơn khi UTMB vắng bóng rất nhiều chân chạy mạnh của Trung Quốc vì cả lý do dịch bệnh lẫn thiên tai. Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm hồi tháng 5 đã cướp đi sinh mạng của 21 vận động viên, trong đó có Lương Tinh (Liang Jing), ultra runner số 1 Trung Quốc.

Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm: Toàn cảnh biến cố thể thao lớn nhất lịch sử Trung Quốc

Thảm họa Hoàng Hà Thạch Lâm 100km: Do thiên tai hay nhân tai?

Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm: Bài học ứng phó sự cố

Lương Tinh (Liang Jing), ultra runner số 1 từng tham dự UTMB, tử nạn ở thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm hồi tháng 5. Ảnh: UTMB

Sau sự cố nghiêm trọng này, các giải chạy ultra trail ở Trung Quốc bị cấm tổ chức vô thời hạn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 khiến nhiều VĐV mạnh khác của Trung Quốc như Guo-Min Deng, Can-Hua Luo, Min Qi, Yan-Qiao Yun, Jia-Ju Zhao không thể tham dự. Các ultra runner này phải đối mặt với việc bị cách ly ít nhất 14 ngày khi bay qua lại giữa Trung Quốc và Pháp. Nếu những cái tên kể trên có mặt ở Chamonix thì cuộc chiến UTMB sẽ không chỉ có “một màu” xanh-trắng-đỏ.

UTMB vẫn giữ “đặc sản” tỉ lệ DNF cao, trên 35% (826/2347)

Dấu lặng ở TDS, lần đầu tiên UTMB có VĐV tử nạn

Trong 19 năm lịch sử, UTMB đã được tổ chức rất chuyên nghiệp và an toàn. Tuy nhiên, UTMB 2021 là năm đầu tiên có 1 VĐV tử nạn trong khi đang chạy ở giải TDS (cự ly 145km, elevation gain hơn 9.000m). Sự cố này buộc BTC giải UTMB phải hủy một phần của cuộc đua, hơn 1.000 VĐV bị yêu cầu phải dừng để đảm bảo an toàn.

Lính cứu hỏa Ho Chung-Wong, gương châu Á vượt khó

Điểm sáng duy nhất của châu Á là Ho Chung-Wong, VĐV Hong Kong giành hạng 10 nam và thứ 11 chung cuộc. Thành tích của Ho Chung-Wong cũng là gương điển hình của một châu Á đang vượt khó trong cơn đại dịch.

Wong Ho Chung (team The North Face) tại UTMB 2021. Ảnh: Wong Ho Chung.

Người lính cứu hỏa có 14 năm kinh nghiệm chữa cháy này đã dành 6 tháng trời để tập luyện cho cuộc đua lớn nhất của anh trong 2 năm qua. Đại dịch Covid-19 khiến việc tập luyện của các ultra runner châu Á như Wong Ho Chung gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, hạng 10 nam của Ho Chung-Wong cũng vinh quang không kém hạng 6 mà anh đã từng đạt được tại UTMB 2019.

Kết quả Top 20 nam UTMB

Kết quả Top 10 nữ

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
>
0 Shares