Dữ liệu thu thập từ các giải vô địch điền kinh thế giới trong thời gian vừa qua cho thấy, chúng ta không cần quá lo ngại về cách bàn chân tiếp xúc với mặt đất khi chạy
Trong khuôn khổ của một dự án sinh cơ học khổng lồ trong thời gian diễn ra giải vô địch điền kinh thế giới năm 2017 tại London, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt máy quay tốc độ cao trên đường chạy marathon để ghi lại và đánh giá xu hướng bàn chân tiếp đất của các chân chạy tại bốn điểm trong suốt quá trình thi đấu cự ly này. Giả thuyết mà nhóm nghiên cứu đưa ra là hầu hết các vận động viên đều tiếp đất ở phần giữa hoặc mũi bàn chân nhưng tỷ lệ chân chạy tiếp đất bằng gót sẽ tăng đáng kể về phần cuối của thời giant hi đấu. Nhưng thực tế chứng minh, cả hai giả thuyết này đều không chính xác.
Một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Brian Hanley thuộc Đại học Leeds Beckett đứng đầu vừa công bố kết quả phân tích của nhóm trên Tạp chí Sinh cơ học. Tiêu đề của nghiên cứu này là “Hầu hết các vận động viên marathon tham dự giải Vô địch điền kinh thế giới của IAAF 2017 đều là người tiếp đất bằng phần phía sau của bàn chân và hầu hết các vận động viên này đều không thay đổi cách tiếp đất trong quá trình thi đấu”—đây cũng là câu tóm tắt xúc tích các phát hiện mà nhóm đã thu thập được nhưng đây cũng là kết luận làm nóng lại chủ đề tranh luận tưởng như đã tắt lịm dần trong hơn chục năm qua.
Thực tế, chúng ta đã tranh luận với nhau về cách bàn chân tiếp xúc mặt đất trong hơn một thế kỷ nhưng cuộc tranh luận ở kỷ nguyên hiện đại bắt đầu từ sự xuất hiện của cuốn sách “Sinh ra để chạy” vào năm 2009. Luận điểm cơ bản được nêu ra là tiếp đất bằng giữa hoặc mũi bàn chân giúp tận dụng được khả năng hấp thụ lực tác động của các mô mềm như gân gót chân và do đó giảm lực tác động lên cơ thể khi bàn chân tiếp xúc với mặt đất so với cách tiếp đất bằng gót. Trong quá trình này, gân gót chân cũng giãn ra như một dây thun đàn hồi tích trữ năng lượng và truyền năng lượng đó vào bước chân tiếp theo. Ít nhất, về lý thuyết, giả thuyết cho thấy được lợi ích kép là phòng ngừa chấn thương và hiệu quả sử dụng năng lượng khi chạy.
Quan điểm trái chiều với cách tiếp cận này cũng rất nhiều, bao gồm cả những bằng chứng cho thấy việc chuyển chức năng hấp thụ lực khi bàn chân tiếp đất từ gân sang lớp đế giữa của giày (midsole) thực tế lại đơn giản hơn và do đó sẽ giúp các chân chạy tiết kiệm năng lượng. Và còn có vô số các quan điểm trái chiều khác. Từ đó, câu hỏi được đặt ra là những chân chạy tốt nhất thế giới tiếp đất như thế nào với giả định rằng những người có thói quen tiếp đất không đúng sẽ bị những người có cách tiếp đất đúng đánh bại trên đương đua.
Cách tiếp cận này được rất nhiều người ủng hộ. Nhiều vận động viên chạy đường dài ưu tú nhất thế giới xuất thân từ các vùng nông thôn của Kenya và những năm tháng tập luyện đầu đời họ không sử dụng giày và do đó hình thành thói quen không tiếp đất bằng gót. Nếu đạt thành tích tốt, họ sẽ được một hãng giày nào đó tài trợ và bắt đầu sử dụng những đôi giày có độ đệm tốt hơn và từ đó có thể có xu hướng chuyển sang tiếp đất bằng gót. Trong trường hợp này, họ thành công là nhờ cách bàn chân tiếp đất hay dù bàn chân tiếp đất thế nào họ vẫn thành công?
Một trong những bài viết được trích dẫn nhiều nhất về chủ đề này là từ Nhật Bản từ năm 2007. Ở một giải đấu bán marathon lớn, ba phần tư các chân chạy đều tiếp đất bằng gót nhưng chỉ 62% các chân chạy trong nhóm 50 người về đích đầu tiên tiếp đất bằng gót, qua đó cho thấy các chân chạy nhanh không có xu hướng tiếp đất bằng gót. Vấn đề đối với việc đọc và hiểu những con số này là những chân chạy nhanh nhất tiếp đất theo một mô típ nhất định nhưng không hẳn mô típ tiếp đất ấy giúp các vận động viên chạy nhanh hơn.
Từ tiền đề này, qua nghiên cứu 71 chân chạy nam và 78 chân chạy nữ, nhóm nghiên cứu của ông Hanley thấy rằng khoảng 60% vận động viên nam và 70% nữ tiếp đất bằng gót. Hầu hết các vận động viên trong nhóm tiếp đất bằng giữa bàn chân được nhóm nghiên cứu xác định là “gót chân và phần giữa bàn chân hoặc thỉnh thoảng cả bàn chân tiếp xúc mặt đất cùng lúc”. Chỉ số ít vận động viên tiếp đất hoàn toàn bằng mũi chân.
Tỷ lệ này có chút thay đổi theo từng vòng, dao động từ 54% tiếp đất bằng gót ở vòng thứ nhất ở nội dung của nam cho tới 73% ở vòng thứ tư và vòng cuối trong nội dung của nữ. Hơn ba phần tư các vận động viên không thay đổi cách tiếp đất trong suốt thời giant hi đấu và những người có thay đổi hầu hết đều chuyển từ tiếp đất giữa bàn chân sang tiếp đất bằng gót, phù hợp với bằng chứng cho rằng mắt cá thường bị mỏi trước phần hông và gối do phải hoạt động nặng hơn.
Hình dưới đây cho thấy số lượng chân chạy tiếp xúc bằng gót (RFS), bằng giữa bàn chân (MFS) và mũi chân (FFS) ở mỗi vòng chạy cùng với sự thay đổi số lượng theo từng vòng ở nội dung thi đấu của nữ.
(Nguồn: Tạp chí Sinh cơ học)
Chúng ta có thể lý luận rằng tỷ lệ tiếp đất bằng gót gia tăng theo thời giant hi đấu (dữ liệu từ các vận động viên nam thể hiện xu hướng này rõ hơn). Tất nhiên, tình trạng đuối về cuối là một trong những nguyên nhân gây ra xu hướng này. Nhưng nhìn chung, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên về mức độ ổn định của các chân chạy.
Một điểm thú vị là khi so sánh giữa những người về đích ở nhóm nửa trên và nhóm nửa dưới. Nói cho cùng, ai cũng muốn mình chạy giống những Eliud Kipchoge của thế giới. Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa những vận động viên nam chạy nhanh và chạy chậm. Trên thực tế, bốn người về đích đầu tiên (Kenya, Ethiopia, Tanzania và Anh) đều tiếp đất bằng gót trong suốt thời giant hi đấu. Tuy nhiên, ở nội dung nữ có sự chênh lệch nhỏ: ở vòng cuối cùng, 87% nhóm 50% vận động viên về đích cuối cùng tiếp đất bằng gót, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 59% ở nhóm về đầu.
Kết luận mà chúng ta có thể đưa ra, ở góc độ nào đó, là không có kết luận nào. Đây không hẳn là câu nói vô nghĩa vì thực tế chúng ta chưa tìm ra được một mô típ cụ thể rõ ràng nào. Cụ thể, không có cơ sở nào để chúng ta kết luận rằng cách đáp chân không để lại tác động nào cả nhưng nếu hầu hết các chân chạy marathon hàng đầu thế giới đang đáp đất theo một mô típ nhất định thì mô típ ấy không hẳn là hoàn toàn không tốt. Từ đó nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận “những kết quả này cho thấy không có một mô típ tiếp đất tối ưu để tăng cường hiệu quả và thành tích chạy và chúng ta, những cỗ máy bào đường, không nên tập trung quá nhiều vào việc thay đổi thói quen tự nhiên của đôi chân.”
Tham khảo: Tư thế chạy bộ đúng để tránh chấn thương
Theo OutsideOnline
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]