(dịch lại từ bài viết của Jonathan Gault đăng trên LetsRun, 3/3/2020)
Marty Hehir chụp chai nước của mình nhưng anh chưa vội uống. Hai luồng suy nghĩ thoáng qua trong đầu của anh.
Nếu tôi uống, tôi sẽ phải đi ị
Nếu tôi không uống thì có lẽ tôi cũng sẽ thành bãi ị
Hehir, một runner của câu lạc bộ Reebok đến từ Boston, vô cùng bực tức khi anh chạy đến dặm thứ 18 của giải đua US Olympic Trials Marathon được tổ chức vào hôm thứ Bảy vừa rồi. Anh đã chạy một giải đua để đời, có mặt trong nhóm runner khá đông đang đuổi theo một nhóm 5 người tách ra chạy ở phía trước. Các cơ bắp và hai lá phổi của anh đang trong tư thế sẵn sàng tấn công, nhưng cái bao tử của anh lại ra lệnh tấp vô lề.
Mọi việc bắt đầu ở dặm thứ 11, và đến khi Hehir nốc cạn chai nước của mình ở dặm thứ 14 anh biết rằng anh phải đi cầu. Gấp!
“Thường thì tôi có thể quên nó đi, nhưng mọi việc trở nên tồi tệ,” Hehir kể lại.
Tin vui giữa giờ tuyệt vọng, như thể có một ốc đảo xuất hiện trên sa mạc, anh thấy một loạt nhà tiêu công cộng hiện ra bên lề, khi chạy ngang qua trạm tiếp nước ở dặm thứ 18. Anh cần phải quyết định chớp nhoáng. Tấp vô lề chắc chắn sẽ mất thời gian. Hay là cố chạy 8 dặm nữa mà không phải ị đùng trong quần. Ị trong quần là điều mà anh không thể chấp nhận.
Hehir biết mình phải làm gì, và không vui một chút nào về điều anh sắp phải làm. Ném mạnh chai nước xuống đất trong cơn thịnh nộ, anh chạy nhanh vào nhà cầu di động, nhanh chóng trút bỏ gánh nặng, xong bật tung cánh cửa để hòa nhập lại cuộc đua. Anh đã chạy bung ngay trước mặt Scott Smith (một runner tên tuổi với PB là 2:11:14 ở Chicago Marathon 2019, ở giải đua Olympic Trials này Scott về hạng 19 với thời gian 2:14:49). Scott kể lại là Hehir chạy bắn ra khỏi nhà tiêu như một con dơi bay nhanh ra khỏi địa ngục.
Hehir ước chừng đã mất 15 đến 20 giây để đi cầu (lâu hơn Shalane Flangan vài giây khi cô ấy ghé trạm tiêu công cộng ở giải Boston 2018), nhưng anh tin đó là điều đáng làm. Hehir cho biết:
“Nếu tôi không dừng thì chắc chắn tôi sẽ chạy chậm lại. Nếu có một quyết định thông minh trong thi đấu thì đó là một quyết định sáng suốt nhất để chạy về đích nhanh hơn. Đây chỉ là chiến lược thuần túy.”
Hehir không cần mất nhiều thời gian để đạt tốc độ trở lại. Tại dặm 19 anh ở vị trí thứ 21, sau nhóm đầu 14 giây. Nhưng với cái bụng không còn là mối lo nữa, Hehir đã có thể rút ngắn bớt khoảng cách đó và còn hơn thế nữa. Trong số 13 runner mà anh chạy chung cho tới khi phải tách rời ở dặm 18 để tống đi cái của nợ, Hehir đã đuổi kịp hết tất cả ngoại trừ một người: Jake Riley, người sẽ có mặt ở Olympic với thành tích hạng nhì.
Hehir, một thành viên của đội tuyển băng đồng NCAA 2015 thuộc Đại học Syracuse, đã về đích hạng sáu với kỷ lục cá nhân là 2:11:29 – hai phút nhanh hơn so với lần ra mắt 2:13:49 ở giải đua California International Marathon 2018. Thành tích này không hề tệ chút nào cho một người phải thăng bằng cuộc sống của một runner chuyên nghiệp và một sinh viên y khoa (anh đang theo học ở trường Y Sidney Kimmel tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia) và đồng thời cùng vợ là Monica chăm sóc cô con gái McKenna gần 2 tuổi.
Khi tôi bắt liên lạc được Hehir qua điện thoại vào thứ Hai, anh ta có vẻ lạc quan về tất cả mọi thứ (bạn cũng sẽ như thế thôi nếu bạn chạy PR hai phút tại Olympic Trials). Anh nói anh không cảm thấy xấu hổ, một phần vì biết mình đang được xếp chung với những người “nổi tiếng”. Uta Pippig, runner người Đức đã giành chiến thắng tại Boston Marathon 1996 trong khi chiến đấu với bệnh tiêu chảy. Paula Radcliffe còn tệ hơn ở giải đua London năm 2005, cô ấy thậm chí không thể chờ đợi vào nhà vệ sinh công cộng – cô ta tấp vô lề ở trạm nước, tuột quần xuống xã bầu tâm sự xong rồi trở lại đường đua như không có gì. Ồ, hôm đó cô ấy đã giật giải nhất nữ.
“Chuyện này xảy ra hà rầm – runner sẽ viện cớ là họ có vấn đề về dạ dày hoặc gặp sự cố về đường tiêu hóa,” Hehir nói. “Đó chỉ là những danh từ hoa mỹ, nói huỵch toẹt ra là họ cần phải đi ị. Chỉ có điều là không ai thích thừa nhận điều đó.”
Trước khi chấm dứt buổi phỏng vấn, tôi phải hỏi Hehir một câu, và đó là câu hỏi mà ai cũng muốn biết.
Bạn có chùi không?
“Còn lâu! Bạn phải biết tôi không muốn là kẻ ị trong quần khi chạy đua. Cái này mà mang ra làm trò cười sau giải đua thì tôi chỉ có chít. Ngoại trừ cái đó ra thì bạn muốn trêu tôi sao cũng được.”
Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Câu chuyện về bạn này đã được viết và đăng trên Chay365 tại đây. […]
[…] Olympic Trials 2020 chứng kiến màn trình diễn siêu hạng của một runner bị Tào Tháo đuổi nhưng vẫn về hạng 6. […]
[…] Bị “Tào Tháo đuổi” vẫn về hạng 6 Olympic Trial […]