Các Cuộc Đua Sức Bền Siêu Dài: Nữ Đang Dần Đánh Bại Nam? – Kỳ 2

Những ai mong mỏi một câu trả lời chính xác và khoa học có thể sẽ thấy thất vọng. Cho đến độ tuổi lên 10, xét về tố chất thể thao, các bé gái và bé trai là giống nhau. Tốc độ chạy tối đa là ngang nhau ở cả nữ và nam, và tốc độ bơi tối đa cũng vậy. Nhưng rồi quá trình dậy thì xảy ra và testosterone làm mọi thứ thay đổi. Đến độ tuổi 14, các cậu con trai sẽ có trái tim lớn hơn, cánh tay khoẻ hơn, bờ vai rộng hơn, chi dài hơn và khối lượng cơ cao hơn. Mạnh mẽ hơn, nhanh hơn cho đến cuối đời.

Năm 2010, một nhà vật lí học người Israel tên là Ira Hammerman bắt đầu xem xét các kỉ lục của 82 môn thể thao khác nhau, từ chạy bộ cho đến trượt băng tốc độ để xem liệu có một quy luật nào đó dẫn đến “sự khác biệt về hiệu năng” hay không. Ở tất cả các môn thể thao, với mọi cự li, sự khác biệt là rõ rệt: Kỉ lục về tốc độ của nữ chậm hơn của nam khoảng từ 9 – 11%.

Tuy nhiên, đối với các cuộc thi sức bền siêu dài, lượng dữ liệu bị giới hạn. Mặc dù chạy bộ siêu dài đang có một sự bùng nổ về độ phổ biến, nhưng vẫn không có nhiều giải đua có cự li trên 200 dặm, và số lượng nữ giới tham gia các giải này vẫn còn tương đối ít ỏi.

Vì vậy, phải chăng chuyện lợi thế tương đối mà hormone nam mang lại sẽ kết thúc sau một cự li nhất định nào đó là không thể có? Nhà khoa học thể thao Ross Tucker nghi ngờ điều này. Ông chỉ ra rằng tỉ lệ thành công đối với nữ giới trong các cuộc đua cự li siêu dài có thể có nguyên nhân là trên thực tế, đây là các sự kiện không khách quan – số lượng quá ít ỏi các vận động viên nữ say mê với cự li ultra và có tham gia các giải đấu khiến các phân tích hay phép ngoại suy đều trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, ông vẫn băn khoăn không hiểu cấu tạo cơ thể của nữ giới liệu có phải là một lợi thế trong bơi đường trường hay không. “Tỉ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn có thể là đủ để tạo ra sự khác biệt giữa nam và nữ, đặc biệt là trong nước lạnh,” ông nói. Tỉ lệ phần trăm mỡ cao hơn sẽ tăng độ nổi, và kéo theo đó là mức giảm năng lượng hao phí. Mỡ còn giúp giữ nhiệt trong nước lạnh nữa.

Gertrude Erdele – Người phụ nữ đầu tiên bơi vượt Kênh Anh

Và ngoài ra, còn một giả thuyết nữa là phụ nữ thể hiện tốt trong các cuộc đua siêu dài vì họ có khả năng đốt mỡ làm nhiên liệu tốt hơn nam – giúp họ vận động hiệu quả hơn. Nhưng nếu điều đó là sự thật, thì Tucker sẽ phải thấy khoảng cách thành tích giữa hai giới sẽ thu hẹp lại đối với những môn thể thao mà độ phụ thuộc vào mỡ tăng lên – nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Rất nhiều người bênh vực phe nam giới cho rằng đó là khả năng chịu đau cũng như khái niệm “hố sâu đau đớn” và sự tôn vinh cơn đau. Ôi dào, nghe mà phát ngán

“Trong chạy bộ, từ các cuộc đua 100 mét cho đến các giải siêu marathon 90km, khoảng cách giữa nam và nữ chẳng hề thay đổi,” ông nói. “Mặc dù vậy, có thể ở đâu đó vẫn có một ‘điểm uốn’ và mọi sự bắt đầu khác đi từ đấy. Chỉ là ta có quá ít dữ liệu để khẳng định.”

Nhưng nếu nữ giới giành chiến thắng chỉ vì chuyện ai tham gia và không tham gia giải đó – thì tại sao Paris lại giành thắng lợi với cách biệt lớn đến vậy. Xét cho cùng, khi cô giành chiến thắng ở giải Spine, người về đích thứ hai là Eoin Keith, một nhà cựu vô địch của giải và là người giữ kỉ lục đường đua mà chính cô phá vỡ – anh ta không thể bị coi là một vận động viên tầm thường. Câu trả lời có lẽ nằm ở cơ thể chứ không phải ở cái đầu.

Paris không chạy để giành giải. Cũng như Thomas, người đang làm việc cho một công ty về y tế ở Colorado, cô chỉ là dân nghiệp dư, và làm một công việc toàn thời gian khác. Nếu như tất cả các giải chạy đường núi trên cả nước bị huỷ vào ngày mai thì cô vẫn đều đặn chạy lên các ngọn đồi núi đó mỗi ngày. Cô kể tôi nghe về những ngày nghỉ trên núi cùng người anh trai cuối giai đoạn tuổi teen và đầu độ tuổi đôi mươi. Họ mang theo tất cả đồ đạc cần thiết đủ sống trong một tuần, rồi đi tới những ngọn núi xa xôi nhất, leo núi, ăn, ngủ, và lặp lại. Cô không chạy quá nhiều giải kể từ giải Spine hồi tháng Giêng, nhưng trong mùa hè, cô cùng với chồng vào một người bạn đã hoàn thành đường chạy Petite Trotte à Léon (PTL). Là một phần của sự kiện chạy bộ siêu dài lớn nhất – giải Ultra Trail du Mont Blanc (UTMB) – PTL không hẳn là một giải đua mà là một cuộc phiêu lưu sức bền. Đường chạy dài 300km xuyên qua Pháp, Ý và Thuỵ Sĩ, với 25.000m tăng độ cao. “Như vậy mới đáng gọi là đi nghỉ,” Paris nói và mỉm cười.

Tôi e rằng đó không phải là một kì nghỉ mẫu mực đối với hầu hết mọi người. Nhưng nó nhắc tôi nhớ đến một cuộc trò chuyện với tay đua xe đạp Emily Chappell, người phụ nữ đầu tiên về đích ở giải Transcontinental 2016 và tự băn khoăn với câu hỏi điều gì khiến các vận động viên nữ vượt qua được nam giới.

“Tôi cứ lẩn vẩn mãi về cách giải thích hiện tại đối với môn xe đạp – những lời biện minh của nam giới,” cô nói. “Rất nhiều phần trong đó nói về cơn đau, khả năng chịu đựng, ‘hố sâu đau đớn’, vinh quang của nỗi đau và tìm kiếm cơn đau. Ôi dào, nghe mà phát ngán. Giả thuyết hợp lý mà tôi đang tìm thấy là những người chơi thể thao sức bền thường là những người có cuộc sống khá thoải mái, và hâu hết họ đều đi tìm kiếm đớn đau ở một nơi khác. Tôi biết nói vậy là vơ đũa cả nắm, nhưng liệu có phải nam giới thì đang tìm kiếm cơn đau mà họ thiếu trong cuộc sống, còn nữ giới lại đang tìm kiếm tự do?”

Đây là một giả thuyết có tính thuyết phục. Rất nhiều sự kiện sức bền được quảng bá với hàng tá những ngôn từ tôn sùng nam tính – nào là “dữ dằn”, hay là “tối thượng”, hoặc “chiến binh” này nọ. Nhưng cứ nhai đi nhai lại về sự hành xác ấy liệu có phải là cách tốt nhất để tiếp cận một giải đua siêu dài hay không, khi mà quản lý tâm trí cũng quan trọng không kém, thậm chí có thể hơn, so với chế ngự cơ thể? Nếu bạn cứ dấn sâu vào cách suy nghĩ rằng bạn đến đây để chịu đau và chịu đựng chứ không phải để giải trí, thì những người xuất phát với tinh thần thoải mái và mong chờ chuyến đi đã vượt trước bạn một quãng rồi.

Có thể nói vậy thì hơi mơ hồ, nhưng Thomas lại đồng ý rằng đối với cô, bơi lội là tự do, không phải là vinh quang. “Đây mới chính là tôi!” cô nói. “Tôi thực sự chẳng quan tâm đến ganh đua và giành thắng lợi – tôi chỉ thích được thúc ép chính bản thân mình. Các cuộc bơi đường trường ngoài không gian mở như vậy khiến tôi cảm thấy tự do và mạnh mẽ. Tôi nhìn sang bên kia Kênh Anh và nói, ‘mình đã bơi được qua đó’, và cảm thấy thật mạnh mẽ. Tôi thích cảm giác được ở một mình trong khoảng nước mênh mông, biết rằng mình đang dựa vào chính bản thân mình để vượt qua nó.”

Tiến sĩ Josephine Perry, một nhà tâm lý học thể thao và là tác giả cuốn sách Performing Under Pressure (Trình diễn dưới áp lực), còn tiến một bước xa hơn. Bà tin rằng phụ nữ chịu đau giỏi hơn. “80% nữ giới phải chịu cơn đau kinh kì vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, và khoảng 10% trong số họ gặp triệu chứng lạc nội mạc tử cung, là thứ có thể gây ảnh hưởng ghê gớm đến năng lực thể thao,” bà nói. “Nếu một đa số nữ giới đã hình thành một cơ chế mạnh mẽ giúp họ đối đầu với cơn đau thường xuyên này, và so với nó, cảm giác đau đớn trong ngắn hạn mà họ gặp phải khi chạy một giải đua cũng sẽ trở nên nhạt nhoà.”

Còn tiếp

Link tới Kỳ 1

Link tới Kỳ 3

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

  • […] Chị Thảo Nguyên Xanh với những bước chạy bền bỉ miệt mài. Có ngày chị đã chạy bộ 60 km (4 vòng quanh Hồ Tây) sáng sớm, rồi về đi làm. Ai đồng ý rằng “nữ giới đang dần đánh bại nam ở những cu…? […]

  • >
    107 Shares