Với việc ngày tổ chức Dalat Ultra Trail 2020 (DLUT2020) được chuyển sang tháng 6, khả năng trời mưa vào ngày diễn ra giải là đặc biệt cao vì hiện nay khu vực này đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Vậy nên, việc chúng ta chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng “lầy lội” theo đúng nghĩa đen là điều bắt buộc, trừ khi ngày thi đấu rơi vào những ngày đẹp trời trong mùa chỉ toàn những ngày “xấu trời”. Việc chuẩn bị cũng cần xét tới tác động của gió và khả năng chịu lạnh của bản thân. Chúng ta cũng cần thử nghiệm các dụng cụ khi chạy dưới mưa để không bị quá lóng ngóng vào ngày thi đấu. Bài viết dưới đây tổng hợp một vài kinh nghiệm cá nhân của người viết để các bạn có thể tham khảo nhằm chuẩn bị tốt hơn về mặt tinh thần và kỹ thuật cho giải đấu.
Lịch các giải chạy năm 2020 cập nhật mới nhất sau “cơn bão” virus Corona
Mục lục
Thời tiết Đà Lạt hầu như ít biến động, thường sẽ có nắng ấm vào ban ngày và lạnh ban đêm. Các bạn chạy chậm hoặc chạy các cự ly dài như 70km và 100km phải xuất phát sớm và (có thể) về đích muộn cần đặc biệt lưu ý.
Điểm mấu chốt khi chạy trong điều kiện thời tiết này là phải giữ cho cơ thể khô ráo và ấm hoặc có thể bị ướt nhưng phải đảm bảo giữ được thân nhiệt. Nếu để cơ thể ướt, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng vô cùng thảm hại. Do đó, việc đầu tiên là kiếm cho mình bộ đồ mưa chống thấm tốt. Một bộ áo chống thấm tốt thường sẽ có 3 lớp với các đường chỉ được bịt kín và kèm mũ trùm đầu. Khi chọn áo chống thấm, tiêu chí quan trọng chúng ta cần quan tâm là độ thông thoáng của áo vì chạy trail là hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng nhưng lại di chuyển với tốc độ chậm. Nhiều khi chạy liên tục trong áo chống thấm khiến cơ thể không thoáng gió và gây ra hiện tượng mồ hôi thấm ngược. Để khắc phục nhược điểm này, nhiều loại áo chống thấm có thiết kế khóa dưới nách để tăng độ thông thoáng. Cần lưu ý, nếu để mở, các khu vực này có thể thấm nước khi chạy trong điều kiện mưa to. Nhược điểm lớn nhất của các dòng áo chống thấm hiện nay như Minimus Stretch Ultra hay Arc’teryx Norvan SL Hoody là giá cả rất cao.
Khi chọn áo chống thấm, chúng ta nên đặt tiêu chí giữ cho cơ thể khỏi bị ướt lâu nhất có thể. Áo cần có mũ trùm đầu để nước mưa không thể chảy từ đầu xuống cổ và vào trong người. Trừ khi chúng ta chạy trong điều kiện mưa nhiều giờ liên tục ở các cự ly siêu dài, việc mặc quần chống thấm là tùy thuộc sơ thích từng người.
Ngoài ra, nên cân nhắc để thêm một đôi vớ dự phòng và áo vào túi chống thấm để thay khi cần thiết. Nên tận dụng gửi đồ BTC tại các điểm gửi đồ quy định đối với các cự ly 70km và 100km. Những đồ nên gửi có thể rất đa dạng nhưng tối thiểu nên có tất/vớ, quần áo khô, giày, đồ ăn bổ sung, đèn pin hoặc pin dự phòng/thay thế.
Ngoài áo chống thấm, nếu bạn không hướng tới mục tiêu thứ hạng, việc mang theo một tấm chăn giữ nhiệt là cần thiết để có thể giữ thân nhiệt trong trường hợp mưa lạnh hoặc trời tối. Đặc điểm của chăn giữ nhiệt là nhẹ và có thể bó gọn nên rất phù hợp khi nhét vào phía sau ba lô chạy.
Một vấn đề khác chúng ta cần đặc biệt lưu ý là chuẩn bị sẵn các bịch zip chống thấm để đựng đồ dùng điện tử như điện thoại, pin dự phòng, vớ, tất, quần áo dự phòng.
Ngoài ướt và lạnh, một hệ quả tất yếu khi trời mưa là đường trơn và lầy lội. Ví dụ điển hình cho tình trạng này là điều kiện đường ở giải La An năm 2019. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đi không được mà trượt cũng không xong. Dù sao đi nữa, việc giắt lưng một vài kỹ năng chạy khi gặp đường trơn, sình lầy cũng là cần thiết để sẵn sàng đối phó với điều kiện này.
Nếu các bạn tìm lại hình ảnh các chân chạy của giả La An năm 2019, các bạn sẽ hiểu được các khái niệm như chạy bằng tay hay chạy bằng mông….Dưới đây là một vài mẹo các bạn có thể cân nhắc áp dụng để chuẩn bị cho điều kiện đường lầy lội.
Đầu tiên chúng ta phải khẳng định, giày chạy đường bằng không phù hợp cho những tuyến đường rừng núi, đặc biệt trong điều kiện đường trơn trượt và sình lầy. Chúng ta nên chọn loại giày có gai dài để tạo ma sát trong điều kiện đường trơn trượt. Buộc giày thật kỹ trước khi chuẩn bị chạy để tránh trường hợp chân rút ra nhưng giày ở lại trong bùn lầy. Ngoài ra, nên chọn các loại giày có độ thoát nước tốt để đảm bảo hơi ẩm thoát ra ngoài nhanh nhằm giữ nhiệt cho bàn chân và giảm thiểu tình trạng bàn chân bị phồng rộp. Một số loại giày còn được thiết kế với công nghệ gai tự làm sạch bùn như Salomon XA Pro 3D. Việc dừng lại gỡ bùn đất ra khỏi giày gần như là không cần thiết trừ khi bùn đất khiến giày mất ma sát với mặt đường.
Trong điều kiện mưa lạnh, bàn chân thường bị mất nhiệt do nước lọt vào giày. Chúng ta nên xem xét khả năng đầu tư một đôi tất làm bằng chất liệu neoprene để tạo ra một lớp bảo vệ tốt hơn cho chân.
Việc bị trượt trên đường có nguy cơ gây ra các cảm giác căng cứng ở phần cơ đùi sau và cơ hông. Để giảm thiểu nguy cơ này, trước khi chạy chúng ta nên dành thời gian tập các bài tập khởi động động (dynamic warm-up) thật kỹ các nhóm cơ.
Nếu biết sử dụng gậy chạy đúng cách, chúng ta sẽ giảm tải được rất nhiều áp lực lên cơ đùi và cơ bắp chân khi lên dốc. Trong điều kiện đường trơn trượt, gậy chạy cũng là công cụ tốt hỗ trợ giảm tốc độ, giữ thăng bằng khi chạy. Gậy chạy có nhiều loại với ba kiểu thiết kế chính: gậy có chiều dài cố định, gậy có thể gấp lại hình chữ Z và gậy có thể rút gọn lại. Việc chọn loại thiết kế nào là sở thích của từng người. Người viết bài này ưu tiên các loại gậy hình chữ Z và được làm từ chất liệu sợi các-bon nhằm giảm thiểu trọng lượng gậy. Chúng ta có thể đeo gậy ở ba lô sau lưng hoặc đeo ngang trước ngực hoặc cầm tay trong suốt quá trình chạy. Các bạn có thể tham khảo sản phẩm của một số hãng sản xuất gậy được nhiều chân chạy ưa dùng như Leki và Black Diamond. Đối với gaiter, trong điều kiện đường nhiều sỏi đá hoặc bùn lầy nhẹ, đeo gaiter sẽ giúp giảm nguy cơ đất đá và bùn lọt vào trong giày. Tuy nhiên, với điều kiện sình lầy như ở La An 2019 hay có thể DLUT2020 sắp tới, việc đeo gaiter nhiều khi có thể khiến chúng ta phải mang thêm gánh nặng. Quyết định cuối cùng vẫn là ở các bạn.
Chạy trong điều kiện trời mưa và đường trơn trượt khiến cơ thể mất rất nhiều sức do chúng ta phải sử dụng tất cả các nhóm cơ lưng, thân trên, và nhiều các nhóm cơ khác mà bình thường chúng ta không sử dụng khi chạy để giữ thăng bằng cơ thể. Vậy nên, không nên lấy các giải diễn ra trong điều kiện thời tiết xấu là mục tiêu để đạt được thành tích mới cho bản thân.
Trong điều kiện đường trơn trượt, chạy bước dài sẽ rất khó kiểm soát. Chúng ta nên bước ngắn lại, guồng chân nhanh một chút nếu cảm thấy an toàn để giữ được trọng tâm cơ thể trong trường hợp bị trượt chân. Khi chạy giữ thân người thẳng, chạy chậm lại một chút hơn bình thường. Nếu chẳng may bị trượt, tiếp tục trượt, không nên phản ứng thái quá khiến cơ thể bị té ngã theo hướng ngược lại.
Thái độ khi chạy trong điều kiện đường trơn trượt sẽ gần như quyết định việc chúng ta tiếp tục hay dừng cuộc chơi. Trong trường hợp đường lầy lội tới mức ngoài sức tưởng tưởng, chúng ta phải dùng trí tưởng tượng để xử lý tình huống. Hãy tưởng tượng chúng ta của thời thơ ấu (đặc biệt các bạn xuất thân từ các vùng nông thôn hoặc miền núi), thích nhảy trong vũng nước mưa, thích nghịch bùn đất, thích chạy chân trần khi trời mưa trên đường đất sét trơn trượt mà chẳng quan tâm tới việc bị trượt ngã hay bẩn quần áo.
Chúc mọi người giữ vững tinh thần lạc quan, ăn hết mình tại các CP và chạy hết mình dù trời có mưa, đường có trơn trượt vì đâu có mấy khi chúng ta có lý do chính đáng hơn để được một lần quay trở lại thời thơ ấu.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]
[…] Cần biết: Chạy trong điều kiện mưa lạnh, đư&… […]
[…] Chạy bộ trong điều kiện mưa lạnh đường tr… […]
[…] đến hạ thân nhiệt. Nhưng trong những giải chạy đường núi tổ chức vào mùa đông, nguy cơ hạ thân […]