• You are here:
  • Home »
  • Chân dung »

Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon 50 bang nước Mỹ, sắp hoàn thành “Big 6”

Là 1 trong số hơn 26.000 người hoàn thành London Marathon 2021, bà Châu Smith, người phụ nữ gốc Việt chạy 7 cuộc marathon trong 7 ngày liên tiếp trên 7 lục địa trong dịp sinh nhật tuổi 70 vào năm 2017, vẫn chứng tỏ sự dẻo dai đáng kinh ngạc của mình ở tuổi 74.

NHỮNG CỘT MỐC CHẠY BỘ ĐÁNG CHÚ Ý CỦA BÀ CHÂU SMITH

Chạy 7 cuộc marathon trên 7 lục địa trong 7 ngày kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 (năm 2017)

Chạy 8 cuộc marathon trên 8 lục địa trong 8 ngày, năm 2018 (bổ sung thêm Zealandia / New Zealand)

Hoàn thành hơn 100 cuộc chạy marathon

Hoàn thành marathon ở tất cả 50 bang của Hoa Kỳ (2020)

Hoàn thành marathon đầu tiên tại Việt Nam ở giải Vietnam Trail Marathon (Mộc Châu, Sơn La) với thời gian dưới 10 giờ đồng hồ (2019)

Đã chạy 4/6 giải Major gồm: Boston MarathonChicago MarathonNYC MarathonLondon Marathon

Xem phần 1: Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon từ Mộc Châu đến London, 7 lục địa, 50 bang nước Mỹ, sắp hoàn thành “Big 6” 

Chinh phục thử thách 7 marathon 7 ngày 7 lục địa

Trong hành trình chinh phục “777”, bà Châu phải chạy với mọi hình thái thời tiết khác nhau. Lúc ở nơi nóng ẩm, lúc ở nơi giá buốt nhất với tổng quãng đường chạy bộ 300,8km và quãng đường bay hơn 53.000km. Di chuyển là phần khó khăn nhất của thử thách chứ không hẳn là cuộc chạy marathon. Thời gian biểu cho mỗi cuộc chạy đã được lên chi tiết đến từng giờ, đôi khi đến từng khoảng 30 phút một.

Bà Châu cùng 7 VĐV trong hành trình Marathon Adventure “777” đi qua các chặng: Perth (Australia), Singapore, Amsterdam (Hà Lan), Cairo (Ai Cập), New York (Mỹ), Punta Arenas (Chile) và King George Island (Nam Cực). 

“Ở Australia, thời tiết nóng ẩm rất khó chịu. Chưa xuất phát mà tôi đã chảy mồ hôi ròng ròng”, bà kể. 

Sau đó là một chu trình lặp đi lặp lại. Bắt xe buýt tới điểm xuất phát chạy marathon. Chạy 26,2 dặm (hay 42,195km). Lên xe buýt trở lại khách sạn. Tắm rửa. Ra sân bay và bay đến điểm tiếp theo. 

Bà Châu tại Amsterdam trong hành trình chạy Triple 7. Ảnh: NVCC

“Chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian giới hạn cho mỗi cuộc chạy marathon để có thể bắt chuyến bay đến điểm đến tiếp theo. Khi check-in khách sạn, chúng tôi đặt hành lý ở đó, mặc bộ đồ chạy bộ và chỉ có 10-20 phút để đến điểm chạy. Tôi đã ăn khi ở trong xe ô tô hoặc trên máy bay. Tôi ngủ bất cứ khi nào tôi có thể. Thành thật mà nói, các cuộc đua marathon là phần dễ dàng nhất trong cuộc phiêu lưu. Chạy bộ giúp tôi có thời gian tận hưởng phong cảnh địa phương”. 

Bà Châu tại Australia trong hành trình chạy Triple 7. Ảnh: NVCC

Bà Châu tại New York City trong hành trình chạy Triple 7. Ảnh: NVCC

Bà Châu tại đảo King Island (Nam Cực) trong hành trình chạy Triple 7. Ảnh: NVCC

Ở Nam Cực, bà Châu và các VĐV khác phải chạy trong điều kiện thời tiết giá lạnh, đường chạy dốc và gió mạnh.

“Chúng tôi chạy quanh một vòng dài 2 dặm, tôi cứ tưởng cán đích rồi hóa ra mới chỉ 26 dặm. Tôi còn phải chạy thêm 0,2 dặm cuối cùng. Tôi rất hạnh phúc sau khi hoàn thành. Tôi đã khóc khi một mọi người chạy đến chúc mừng tôi”, bà nhớ lại.

Bà Châu tại Cairo (Ai Cập) trong hành trình chạy Triple 7. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, với bà Châu, thử thách ở Ai Cập và Chile còn ấn tượng hơn. Tại xứ sở kim tự tháp, chẳng có biển báo nào để chỉ dẫn đường chạy nên các VĐV lạc đường và vật vã để chạy qua các giao lộ trong tình trạng giao thông lộn xộn. Bà mất gần 6 giờ để hoàn thành và phải bắt chuyến bay khác để đến chặng tiếp theo. Đã có người gợi ý bà nên chạy half marathon thôi (21km) nhưng bà Châu không chịu chấp nhận.

Bà Châu tại Chile trong hành trình chạy Triple 7. Ảnh: NVCC

“Câu lạc bộ chạy ở đó, Maadi Runners, đã hỗ trợ cho cuộc chạy của chúng tôi. Họ giao nhiệm vụ cho 2 người địa phương kèm mỗi vận động viên. Tôi thật may mắn vì có hai người Mỹ đang làm việc và sinh sống ở đó đã giúp tôi vượt qua giao thông hỗn loạn của Cairo. Là một phụ nữ đang ở một quốc gia phần lớn là người Hồi giáo, tôi cần lời khuyên và sự bảo vệ của những người vốn quen thuộc với phong tục địa phương”, bà hồi tưởng.

Bà Châu tại Ai Cập. Ảnh: NVCC

Ở Chile, gió cực mạnh với tốc độ lên tới 45-50mph (tương đương cấp 8-9) đã quật bà ngã xuống đường, ngay cạnh một chiếc xe tải lớn trờ tới ngay sau đó.

Vẫn còn những vùng đất mới cần chinh phục

“Tôi đã đọc về việc New Zealand được coi là một lục địa khác. Tôi đã viết thư cho nhóm chạy, đề nghị một cuộc hội ngộ ở đó vào năm sau. Người tổ chức đã đưa ra gợi ý về một cuộc phiêu lưu mới có tên là Triple 8 Quest. Tôi cảm thấy mình như có tội lỗi khi tôi muốn chạy lại sớm như vậy vừa ngay sau Triple 7”, bà Châu chia sẻ.

Hành trình chạy 8 marathon trong 8 ngày liên tiếp tại 8 lục địa (bao gồm cả New Zealand) của bà Châu

“Nó khá tốn kém, nhưng vì tôi cảm thấy việc chạy bộ rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, một lý do chính đáng”.

Bà Châu ở giải Boston Marathon 2013. Ảnh: NVCC

Ngoài những nơi đại diện cho các lục địa, bà Châu cùng với chồng mình còn chạy marathon ở một số địa danh nổi tiếng trên thế giới mà nhiều runner phải mơ ước.

Bà Châu tại New Zealand trong hành trình chạy Triple 8. Ảnh: NVCC

Bà đã chạy ở Vạn Lý Trường Thành (2005) và Hy Lạp, quê hương của marathon. Đó là 2 nơi mà bà ao ước được đến từ lâu. Hiện nay, số lượng huy chương, bib chạy bộ và cúp lưu niệm trong suốt 25 năm chạy bộ trên khắp thế giới của hai vợ chồng bà Châu bày kín gian phòng.

Bà Châu và những tấm huy chương hoàn thành marathon khắp các lục địa. Ảnh: NVCC

Ngoài chạy marathon, các thử thách cảm giác mạnh đều khiến bà Châu Smith cảm thấy thích thú, muốn khám phá. Ví như, bà từng thử nhảy tự do ở thác nước Victoria (Zambia) từ độ cao hơn 70m xuống dòng sông Zambezi. 

Hoàn thành marathon ở tất cả 50 bang nước Mỹ giữa đại dịch Covid

Ngày 15 tháng 3 năm 2020 là một ngày đặc biệt đối với marathoner Châu Smith. Cả gia đình bà Châu đi đến đảo Big Island (Hawaii) để cổ vũ và chúc mừng cuộc chạy marathon ở tiểu bang thứ 50, tiểu bang cuối cùng của nước Mỹ được bà Châu chinh phục dưới đôi chân kỳ diệu của mình. 

Giải chạy marathon ở Big Island, Hawaii là cuộc chạy marathon của bà Châu ở bang thứ 50, bang cuối cùng của nước Mỹ. Ảnh: NVCC

“Chồng và con gái út chạy half marathon còn con gái lớn và chồng của nó đã ở đó để cổ vũ và chúc mừng một cột mốc mới của tôi”. Năm 1996, bà Châu chạy cuộc marathon đầu tiên trên đất Mỹ. Như vậy, bà Châu đã chạy marathon hết 50 bang của nước Mỹ sau 1/4 thế kỷ.  Ngoài những nơi gắn bó và sinh sống, bà Châu thích chạy ở Big Sur (vì đẹp) và Boston Marathon nhất (vì khó, đòi hỏi BQ). 

Bà Châu được gia đình cổ vũ ở Hawaii, cuộc marathon ở bang thứ 50 trên nước Mỹ. Ảnh: NVCC

Thật may cho gia đình bà Châu bởi ngay ngày hôm sau, Hawaii bắt đầu phong tỏa vì Covid-19. Ông Michael và bà Châu bay về nhà ở thành phố Kansas, Missouri. Sau đó, bà Châu quyết định sẽ chạy liên tục hàng ngày cho đến khi tìm thấy vắc-xin. Thậm chí, bà Châu còn tranh thủ chạy ở… phi trường nếu thời gian còn trống.

“Đó là cách tôi ủng hộ nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Kỉ lục của tôi đạt gần 300 ngày liền kể từ khi vắc xin bắt đầu được sản xuất. Tôi quyết định tiếp tục chạy mỗi ngày cho đến khi kiểm soát được Covid”. 

Huy chương cự ly 42km VTM tại Việt Nam được bà Châu treo cùng với các huy chương chạy khắp các lục địa. Ảnh: NVCC

Tại Sao Chạy Bộ Giảm Cân Là Môn Thể Thao Lý Tưởng Nhất Cho Phụ Nữ

Nữ đại biểu quốc hội Việt Nam chạy marathon: Chạy bộ rèn tính kiên nhẫn

6 bài học cuộc sống từ những người phụ nữ tiên phong trong phong trào chạy bộ Mỹ

Hành trình chạy đua tới Boston Marathon của bà ngoại 51 tuổi

Còn 2 mảnh ghép để hoàn tất “6 Majors”

London Marathon 2021 là giải Major thứ 4 của bà Châu và là giải Major đầu tiên ở ngoài nước Mỹ. Như vậy bà Châu chỉ còn thiếu 2 “mảnh ghép” Berlin Marathon và Tokyo Marathon, đủ điều kiện sở hữu tấm huy chương 6 cánh dành cho người hoàn thành bộ sưu tập 6 giải marathon lớn nhất thế giới: Boston Marathon, Chicago Marathon, NYC Marathon, London Marathon, Berlin Marathon, Tokyo Marathon. 

Bà Châu ở giải Boston Marathon 2015. Ảnh: NVCC

Trước đây, bà Châu đã từng 3 lần đạt BQ – đủ chuẩn thời gian để tham dự giải Boston Marathon. Tuy vậy, Big 6 vẫn chưa phải là điểm dừng cuối cùng đối với người phụ nữ gốc Việt 74 tuổi này. 

“Tôi muốn tập luyện để chạy nhanh hơn, đủ điều kiện tham gia cuộc thi chạy Comrades Ultramarathon ở Nam Phi”.

Bà Châu (trái) ở giải London Marathon (giải Major thứ 4) vừa rồi. Ảnh: NVCC

Với tất cả tình yêu dành cho chạy bộ trong hơn 2 thập kỷ qua, đặc biệt là những nỗ lực không biết mệt mỏi ở tuổi ngoài 70, bà Châu đã được các hãng truyền thông lớn của thế giới ca ngợi. Bà được vinh danh tấm gương phụ nữ tập thể thao trọn đời, người truyền cảm hứng cho phụ nữ bất chấp tuổi tác, quốc tịch, màu da.

Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bà Châu cùng chồng đã về Việt Nam để chạy cự ly 42km giải Vietnam Trail Marathon tại Mộc Châu, Sơn La.

Bà Châu (phải) và người viết tại VTM 2019, Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Hải Đăng

“Đó là cuộc đua marathon đầu tiên của tôi tại Việt Nam. Khi tôi nhìn thấy quảng cáo của VTM, tôi đã nắm lấy cơ hội để trở thành một phần trong cuộc đua được tổ chức tại một vùng đất đẹp của quê hương. Tôi muốn thư giãn và tận hưởng phong cảnh, không lập thành tích cá nhân (PR) hay cố gắng đạt chuẩn BQ. Tôi và chồng hi vọng có thể cùng ngắm cảnh trong lúc chạy”, bà chia sẻ.

Hai vợ chồng bà Châu và ông Michael Smith tham quan một quán cà phê tại Đà Lạt. Ảnh. Nguyễn Đạt

Hai vợ chồng bà Châu và ông Michael Smith dạo chơi quanh hồ Xuân Hương tại Đà Lạt. Ảnh. Nguyễn Đạt

Bà Châu du lịch Đà Lạt và cổ vũ người viết chạy 42km tại giải DLUT. Ảnh. Nguyễn Đạt

Nếu phụ nữ khỏe mạnh và hạnh phúc, gia đình sẽ có lợi

“Lời khuyên của tôi là luôn bắt đầu chậm – đi bộ hoặc chạy một quãng đường ngắn. Sẽ rất tốt nếu bạn có những người khác chạy đồng hành, để hỗ trợ lẫn nhau. Tham gia một câu lạc bộ chạy, họ đã giúp tôi cải thiện tốc độ. Tôi thật may mắn khi có chồng bắt đầu chạy cùng. Ông ấy luôn khoe rằng mình đã giúp vợ trở thành một runner. Còn bây giờ, ông ấy chạy theo tôi”.

Ông Michael và bà Châu Smith ở một giải chạy tại California. Ảnh: NVCC

Sự tác động tích cực của chạy bộ giúp bà Châu hiếm khi cần phải dùng thuốc. Khi ốm, bà thích chữa theo bài thuốc dân gian kiểu Việt Nam. 

“Lúc tôi bị cảm lạnh, tôi cho sả và bạc hà vào nước sôi, trùm một tấm khăn lên đầu và hít thở hơi nước. Tôi thích ở ngoài trời, đặc biệt là khi tôi bị căng thẳng. Chỉ cần ra ngoài để chạy hoặc đi bộ một đoạn ngắn cũng có thể giúp tôi vượt qua bất cứ thứ gì mà tôi muốn”. 

Bà Châu bên đồi chè Mộc Châu. Ảnh: Nguyễn Đạt

Chế độ ăn uống của bà Châu không có gì quá đặc biệt: nhiều trái cây tươi, rau, đậu phụ và cá, không ăn nhiều thịt đỏ hoặc đồ ngọt, nhưng bà Châu vẫn tự thưởng cho mình sô-cô-la khi hoàn thành một bài chạy dài.

Huy chương các giải chạy marathon được bà Châu treo khắp nhà. Hàng dưới là huy chương marathon ở 50 bang nước Mỹ. Ảnh: NVCC

“Tôi cảm thấy rất thoải mái khi tự mình chạy mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, tôi phải cẩn thận. Là phụ nữ, chúng ta có nhiều trách nhiệm, không những phải làm việc, còn phải quán xuyến gia đình, con cái. Đa số không có thời gian cho chính mình. Nếu chúng ta quan tâm, trân trọng bản thân hơn, chúng ta sẽ có được sức khỏe và hạnh phúc. Chỉ có chính mình có thể làm cho mình, không ai làm giùm mình được”. 

“Chạy bộ phải trở thành một thói quen, một thứ gì đó hòa nhập vào cuộc sống của bạn đến nỗi bạn cảm thấy không ổn nếu không có nó. Đừng chấp nhận những lý do thất bại của bản thân như “Hôm nay tôi không thể chạy vì …” Dù mưa hay nắng, bạn luôn có thể mặc quần áo chạy bộ để tập luyện. Hãy ích kỷ một chút với thời gian của bạn. Nếu bạn khỏe mạnh và hạnh phúc, gia đình bạn sẽ có lợi”.

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
  • […] Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon 50 bang nước Mỹ… […]

  • […] Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon 50 bang nước Mỹ… […]

  • >
    0 Shares