Chiến thuật lập PR: chạy theo đường tiếp tuyến

Mỗi người đến với chạy bộ dù xuất phát điểm khác nhau nhưng có lẽ đều hướng tới mục tiêu cải thiện bản thân dù là tập để chạy nhanh hơn, chạy xa hơn, chạy với nhịp tim thấp hơn…Một trong những tiêu chí được nhiều chân chạy lựa chọn làm mốc so sánh đánh giá sự tiến bộ của bản thân là việc lập thành tích cá nhân mới (PR) khi tham dự các giải đấu.

Bên cạnh việc có được chế độ tập luyện phù hợp, sự kiên trì và đều đặn tuân thủ giáo án tập luyện, chế độ dinh dưỡng, ngủ và nghỉ phục hồi, việc nghiên cứu kỹ đường chạy để có được chiến thuật về đích hiệu quả nhất cũng góp phần vô cùng quan trọng quyết định một chân chạy có thể lập được PR mới hay không. Và một trong những chiến thuật đó là chạy theo đường tiếp tuyến.

Bạn đã bao giờ cán đích một giải đấu, đồng bộ lên Strava và nhận ra rằng quãng đường của mình dài hơn quãng đường nhiều người thi đấu cùng cự ly hay chưa? Ngoài yếu tố GPS thì cách lựa chọn phần đường chạy của bạn trong quá trình thi đấu cũng sẽ tạo ra sự chênh lệch này dù tất cả các bạn đều chạy theo cùng cung đường mà Ban Tổ chức quy định. Vậy chạy theo đường tiếp tuyến là gì?

Chạy theo đường tiếp tuyến

“Chạy theo đường tiếp tuyến” là cụm từ được cộng đồng chạy bộ bàn tới rất nhiều, bao gồm cả những chân chạy chuyên nghiệp thành tích cao và những chân chạy phong trào. Về cơ bản, chạy theo đường tiếp tuyến là chạy khoảng cách ngắn nhất có thể từ điểm A đến điểm B (tức từ vạch xuất phát đến vạch đích). Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta luôn chạy theo mép đường cong phía trong của đường chạy.

Những đường chạy được USATF (Liên đoàn điền kinh Mỹ) chứng nhận thường được đo theo đường tiếp tuyến. Do đó nếu tham gia các giải đấu có chứng nhận của USATF mà không chạy theo đường tiếp tuyến, quãng đường chạy thực tế của chúng ta sẽ dài hơn so với công bố chính thức của Ban tổ chức. Một số giải đấu còn đánh dấu đường tiếp tuyến ngay trên mặt đường chạy, như trường hợp của giải Berlin và Chicago là đường màu xanh Dương, dù việc bám theo những đường kẻ này trong một giải chạy hàng chục nghìn người là điều rất khó khăn.

Hầu hết các giải đấu đều có những khúc cua hoặc những đoạn đường vặn vẹo giống như rắn trườn. Ví dụ, với đường chạy của giải Boston, nếu muốn chạy theo đường tiếp tuyến, chúng ta phải chạy theo đường chéo nối hai mép đường trong của mỗi đoạn đường cong (hình minh họa phía trên). Do đó, chúng ta phải chạy theo hình zig-zag mới có thể đảm bảo chạy quãng đường ngắn nhất từ xuất phát tới đích.

Người chạy theo đường màu đỏ và màu vàng dù chạy song song nhau nhưng đường màu đỏ sẽ dài hơn. Đường màu xanh lá là đường chạy khi chúng ta phải tránh né đám đông.

Lý thuyết thì đơn giản như vậy nhưng thực tế việc nắm vững khái niệm này và áp dụng vào thi đấu lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ví dụ, chân chạy và huấn luyện viên Devore chia sẻ sau khi lập thành tích cá nhân 2:31:08: tôi bước vào giải đấu với ý thức rõ ràng phải chạy theo đường tiếp tuyến. Kết quả quãng đường chạy của tôi là 42.3km thay vì 42.8km như lần chạy đầu tiên năm 2021.

Cô cho biết thêm: “tôi nói về việc chạy theo đường tiếp tuyến từ vài năm trước đây nhưng tôi cho rằng phải tới giải Boston năm nay tôi mới thực sự hiểu rõ. Thường tôi tập trung chạy nhanh nhất có thể nhưng năm nay tôi thấy rõ việc quan sát và chạy theo đường tiếp tuyến đã giúp tôi bắt kịp và “chén” được nhiều người chạy trước mình mà không cần quá cố gắng. Một điều thật đơn giản mà trước đây tôi chưa từng làm.”

Đường thẳng nối A và C, chạm qua B là đường tiếp tuyến của đoạn cong B, là đường cần chạy.

Bạn đừng nên nhìn vào bản đồ và yên tâm rằng đường chạy sẽ thẳng. Ngay cả khi đường chạy có vẻ thẳng, sẽ vẫn có những đoạn quẹo phải hoặc trái và sẽ luôn có đường tiếp tuyến để chúng ta bám theo vì đơn giản chúng ta chạy trên không gian mở.

Ai cũng nên chạy theo đường tiếp tuyến?

Dù mục tiêu của chúng ta không phải là đứng bục, việc chạy theo đường tiếp tuyến vẫn mang lại nhưỡng lợi thế quan trọng và lợi thế lớn nhất là giúp chúng ta về đích sớm nhất có thể. Ngoài ra, nếu chạy theo tuyến đường thẳng nhất có thể, chúng ta sẽ đỡ tốn sức hơn do giảm bớt tổng quãng đường phải chạy.

Nếu không biết cách chạy theo đường tiếp tuyến, chúng ta cần xét tới yếu tố quãng đường khi tính toán thành tích mục tiêu vì có thể quãng đường thực tế chạy sẽ dài hơn khoảng 300-400m.

Cuối cùng, việc chạy theo đường tiếp tuyến là cách đánh lừa suy nghĩ khi cuộc đua bước vào giai đoạn khốc liệt về thể chất và tinh thần. Chúng ta có thể chia đường chạy thành các đoạn đường cong nhỏ và đặt mục tiêu chạy tới đoạn cong tiếp theo thay vì tập trung suy nghĩ còn bao xa thì đến đích hay mình phải chạy qua cây cầu này, đoạn dốc kia…

Đường chạy đông khó có thể chạy theo đường tiếp tuyến

Việc chạy theo đường tiếp tuyến sẽ gặp khó khăn trong một số trường hợp như quay đầu chữ U quá gắt, đường chạy quá nghiêng ở góc đường cong và việc chạy sát vào phía trong lề để bám theo đường tiếp tuyến có thể gây nhiều nguy hại tới khớp gối.

Chạy theo đường tiếp tuyến khi tập luyện?

Việc chạy theo đường tiếp tuyến khi tập luyện phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mật độ giao thông, phương tiện trên đường chạy.

Chạy theo đường tiếp tuyến buộc chúng ta phải băng qua đường thường xuyên và qua đó vi phạm quy tắc bất thành văn trong chạy bộ là “chạy ngược dòng xe cộ”. Đảm bảo địa điểm chạy an toàn trước khi quyết định tập luyện chiến thuật chạy này.

Đường chạy A dài 24m, B dài thêm 3m, C thêm 6m trong khi đường D tăng thêm 12m.

Đối với giai đoạn chuẩn bị cho thi đấu, việc chuẩn bị tinh thần cũng như nghiên cứu và khảo sát đường chạy là hết sức cần thiết để tính toán số lần đổi hướng chạy, số đoạn đường cong…có thể áp dụng chiến thuật chạy này.

Còn khi thi đấu?

Nếu bạn chợt nhận ra mình không chạy theo đường tiếp tuyến khi thi đấu, đừng nên hoảng và đừng tăng tốc đột ngột để bù đắp lại thời gian, đặc biệt ở đoàn đầu cuộc đua. Nên tập trung chạy theo đường tiếp tuyến sau khi đường đua đã thưa người, đặc biệt trong những cuộc đua có nhiều vận động viên xuất phát cùng lúc.

Việc tăng tốc ngay từ đầu thường là sai lầm vì chúng ta sẽ sớm chạm ngưỡng tốc độ lactate và nhịp tim tăng nhanh đột ngột. Ngoài ra, nếu đường chạy quá đông và việc chạy theo tiếp tuyến buộc chúng ta phải tốn năng lượng chạy vòng quanh để tránh đám đông thì cần cân nhắc không nên áp dụng chiến thuật này.

Ví dụ thực tế?

Ở tốc độ chạy bán marathon trong 2 giờ, chạy 100m sẽ mất 34 giây nên chạy thêm 400m sẽ tăng thời gian lên hơn 2 phút. Nếu chúng ta chạy tới mốc 21,1km lúc 1:59, chúng ta có nguy cơ hoàn thành cuộc đua sau thời gian 2:01 và trượt mục tiêu chạy dưới 2 giờ. Có đúng chúng ta đã chay bán marathon dưới 2 giờ không? Chắc chắn là vậy. Nhưng có đúng chúng ta đã hoàn thành cuộc đua dưới 2 giờ không? Tiếc rằng câu trả lời là không và thời gian của Ban Tổ chức là thời gian ghi nhận ý nghĩa nhất.

Để hình dung mức độ chênh lệch, chúng ta có thể đo lường độ dài của đường chạy trên sân điền kinh. Làn 1 có độ dài 400m (đo đường cách mép trong của sân 30cm) và mỗi làn tiến về phía mép ngoài sân sẽ dài hơn.

Độ dài mỗi làn:

  • Làn 1: 400
  • Làn 2: 407.67
  • Làn 3: 415.33
  • Làn 4: 423
  • Làn 5: 430.66
  • Làn 6: 438.33
  • Làn 7: 446
  • Làn 8: 453.66

Mỗi làn sẽ dài hơn làn phía trong 7,67m.

Cự ly 10K quanh đường chạy sẽ cần 25 vòng với điều kiện chạy ở làn trong. Khi chạy cùng số vòng này ở làn 2, quãng đường tăng thêm là 191,67m so với Làn 1, tương đương với gần một phần hai vòng sân.

Xét cho cùng, nếu mục tiêu của chúng ta là giảm từng giây và từng phút thành tích cá nhân, chiến thuật chạy theo đường tiếp tuyến có thể là yếu tố thành công quan trọng. Nếu mục tiêu là tham gia cuộc đua chỉ để tìm niềm vui trong chạy bộ, hãy lắng nghe hơi thở và nhịp đập trái tim mình.

Theo Runner’s World

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares