Đánh Giá Giày VaporFly 4%

Trên website của Nike vừa mở bán đôi VaporFly 4% Flyknit màu xanh nước biển. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu không phải đây là lần đầu tiên có hai phiên bản 4% được bán đồng thời. Còn nhớ hồi tháng Bảy 2017, hai tháng sau sự kiện Breaking2, lần đầu tiên đôi giày 4% được tung ra thị trường (với màu xanh nước biển nhạt), tất cả các website đã cháy hàng chỉ trong một buổi sáng. Tình hình cũng tương tự với các đợt bán sau đó (tháng 10.2017 màu đỏ, tháng 4.2018 màu xanh đậm). Trang web runningwarehouse còn ra quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 3 đôi. Sở hữu VaporFly 4% là niềm ao ước của mỗi người chạy bộ, còn đám gian thương trên eBay tha hồ chặt chém gấp rưỡi, gấp đôi giá gốc. Trang runrepeat tự hỏi Nike quảng cáo một sản phẩm rầm rộ để làm gì khi mà chỉ bán nó với số lượng hết sức giới hạn? Nên tự bạn đánh giá độ tin cậy của những người anh em thiện lành nói rằng nhanh tay vớt được hàng gốc giá rẻ nhé.

Bây giờ thì chiến dịch tiếp thị lớp lang, bài bản của Nike đã thành hình. Chưa bao giờ mua VaporFly lại đơn giản như thế, đồng nghĩa chưa bao giờ dân chạy bộ lại sẵn sàng móc hầu bao đến thế. Dĩ nhiên giá bán không hề giảm, vẫn nguyên 250 USD chưa thuế, tính ra tiền Việt cỡ 6,3-6,5 triệu. VaporFly bản Flyknit, cũng như nhiều dòng giày Nike khác, có thêm mẫu khác màu để người mua lựa chọn. Khi tiền không phải là vấn đề, câu hỏi là đôi 4% này có xứng đáng với kỳ vọng hay không?

Mình có hai đôi VaporFly, một đôi bản Original màu tím đậm, một đôi bản Flyknit. Sau 6 tháng dùng VaporFly cho các giải đua cự ly từ 10k đến 42k, mình có vài nhận xét như sau:
– Các đôi VaporFly đang được bán hiện nay sử dụng chất liệu Flyknit, gồm các mắt lưới dệt thành một khối. Thấy quảng cáo là chất liệu Flyknit sẽ đem lại cảm giác thoáng mát, nhưng mình xỏ chân vào thấy không khác gì đôi VaporFly bản cũ (dùng chất liệu Flymesh, tương tự đôi Zoom Streak).
– Về thiết kế: phần giữa và mũi giày thuôn nhỏ. Nói chung, đây là đặc điểm chung của giày Nike, nhất là dòng giày chạy đua. Đôi Zoom Streak có mũi rất hẹp, chỉ chạy 20 km là bong trợt da vùng ngón cái hoặc ngón út. Đôi giày Nike duy nhất mình thấy phần toebox rộng là Nike Pegasus Turbo. Tuy nhiên, mình vẫn có thể xỏ VaporFly cỡ 9 US chạy 42km mà không bị kích chân.
– Về trọng lượng: giày không nhẹ (số liệu của runningwarehouse là 6.7oz cho cỡ 9 US, khoảng 190 gram, tương tự kết quả cân của mình). Các đôi ASICS Hyperspeed 7 hay ASICS Tartherzeal 6 có cân nặng khoảng 170-180 gram. Như vậy VaporFly nặng hơn tầm 5-8%
– Giày có độ dốc gót-mũi rất cao (10 mm) và lớp đệm êm. Có thể nói đây là đôi giày êm nhất mình từng đi, vượt cả Hoka Cliffton.
– Phần mũi giày cao 29mm, phần gót giày cao 39mm, vì thế lần đầu xỏ chân vào có cảm giác “cao lênh khênh”, mất thăng bằng như đi giày cao gót, phải mất vài buổi mới quen. Với các bạn nữ quen heels thì đây không phải vấn đề.
– Phần đế giày hơi cứng và khó kiểm soát ở tốc độ cao.Những đoạn ngoặt rẽ, U-turn hơi khó khăn và giảm tốc độ đáng kể
– Giày cao nên chạy đường mưa không thật chân lắm. Ngoài ra, tương tự các các đôi giày chạy đua khác, khả năng bám đường của VaporFly không phải tốt
– Độ nảy: rất tuyệt vời, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể. Điều này đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm khi so sánh với đôi adidas adizero. Ai quan tâm có thể đọc ở link dưới đây https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5856879/
– Một điều quan trọng là khi race “all-out”: trong ¼ quãng đường cuối cùng rất ít khi gặp cảm giác mỏi chân. Có thể nói đây là điểm mạnh nhất của đôi VaporFly. Với đôi HyperSpeed, khoảng 10 km cuối chân mình khá ì. Điều này hoàn toàn không xuất hiện với đôi VaporFly, vấn đề là khi ấy tim phổi còn đủ sức tải tốc độ cao hay không. Cũng tương tự khi leo dốc, mình có thể tăng tốc độ tương đối thoải mái
– Độ bền: khá hạn chế, đôi VaporFly “original” mình mua tháng Tám, sau gần 200 km đã bong nhẹ phần đế

Nói chung mình ít race nên cứ chạy đua là phá sâu PR, nên hơi khó kết luận những kỉ lục mới là nhờ VaporFly hay không? Nhưng xét cho cùng “mọi thứ trong đời đều là trải nghiệm lần đầu và không được chuẩn bị” (Milan Kundera). Chẳng có race nào giống race nào. “Buổi diễn tập đầu tiên cho ngày chạy đua lại chính là ngày chạy đua”. Vì thế, mình sẽ tiếp tục sử dụng VaporFly cho các giải đấu sắp tới, chừng nào mình còn đạt PR khi đi đôi giày này.

Lời kết: cái giá 250 USD đương nhiên rất chát. Nhưng nếu bạn phải bỏ ra rất nhiều mồ hôi, nỗ lực, thời gian chỉ để cải thiện 1 phút, hoặc vài chục giây khi thi đấu, hoá ra 250 USD lại giúp bạn tiết kiệm rất nhiều. Với mình, đây là một sự đầu tư xứng đáng.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] trọng lượng nhẹ hơn. Đúng như Chay365 từng nhận xét, chất liệu Flyknit của Vaporfly 4% tạo cảm giác ôm chân dễ chịu hơn hẳn […]

  • […] Đánh giá Nike ZoomX Vaporfly 4% […]

  • […] Cũng đeo đôi Vaporfly 4% […]

  • […] Giày có trọng lượng 190gr (tương đương 6.7 oz), chênh lệch không đáng kể so với đàn anh Vaporfly 4%). […]

  • […] Năm 2018, 64% vận động viên đứng bục trong giải 6 giải marathon lớn (6 majors) mang đôi Nike Zoom Vaporfly 4%. […]

  • […] cho thấy, giống như câu chuyện tranh luận về lợi ích của giày Vaporfly, lợi ích mà kỹ thuật núp gió mang lại […]

  • […] lớp đệm carbon ở đế giữa – như đôi Vaporfly – đã tiết kiệm công cho khớp cổ chân […]

  • […] Shalaya Kipp là một VĐV Olympic ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật. Năm 2016, cô tham gia nhóm nghiên cứu của trường đại học Colorado đánh giá mẫy siêu giày đầu tiên của Nike. Nghiên cứu cho thấy mẫu giày mới này cải thiện 4% hiệu năng chạy bộ khi so sánh với các đôi giày đua tân tiến nhất thời điểm đó của Nike (Zoom Streak 6) và adidas (adizero Adios Boost 2). Chính con số 4% này là lý do Nike đặt tên dòng giày của mình là Vaporfly 4%. […]

  • >
    0 Shares