Hành trình Richmond marathon (phần 2)

Phần 1

Trước giờ xuất phát

Chúng tôi rời hostel lúc 6h45 sáng. Nhiệt độ chỉ -3ºC. Gió thổi phần phật buốt cóng. Trên đường lác đác gặp một số VĐV cũng đi ra vạch xuất phát. Tham dự vài ba race, tôi đã biết cách quan sát giày để đánh giá trình độ runner. Người mới chạy hay đi giày đế dày, to nặng, thường là mấy thương hiệu quen thuộc như Asics, Brooks, hay Nike. Dân tập lâu năm đi giày mỏng hơn, của New Balance, Saucony,… Không đi giày chạy là đám “serious” nhất, chỉ thay giày ở điểm gửi đồ.

Một vận động viên đứng giãn cơ trong chăn ấm

Điểm xuất phát cự ly marathon nằm ở đường số 5, còn cự ly half marathon ở đường số 7. Khác với các giải chạy mà tôi từng tham gia, ở đây không có nhạc nhẽo xập xình gì cả. Trời lạnh, runner ai cũng nai nịt quần áo ấm. Số đồ này sẽ được cởi bỏ dần dọc đường chạy, sau đó thu nhặt để quyên góp cho mục đích từ thiện.

Các VĐV giữ ấm trước giờ xuất phát. Hình lấy từ Richmond Times

Trời lạnh không làm mất đi không khí của một ngày hội thể thao, ngày hội văn hoá. Selfie trước giờ xuất phát. Hình lấy từ Richmond Times

Tôi đưa vợ đến nơi gửi đồ của cự ly half marathon thì đúng lúc cự ly 8K xuất phát. Định chụp vài kiểu ảnh kỉ niệm nhưng iPhone bị treo trong nhiệt độ dưới zero. Vậy mới hiểu Canon sinh ra 1Dx để làm gì.

Sau khi xếp hàng gửi đồ, tôi phi nhanh ra khu đi vệ sinh. Dòng người xếp hàng dài dằng dặc ngắn đi một cách chậm chạp. Nhiều runner không thể chờ được phải bỏ tiết mục này. Tôi lỡ mất màn hát quốc ca đầy cảm xúc của các VĐV bản xứ. Thế là không kịp chạy warm-up rồi, tôi đành đứng tại chỗ làm nóng cơ bằng vài động tác khởi động. Một runner nữ nhìn thấy số bib của tôi (648, tương ứng nhóm 1) và nhường tôi lên trước. Nhờ vậy tôi kịp đứng trong hàng khi mọi người bắt đầu đếm ngược 10 giây. Hít một hơi, kéo kính chụp xuống mắt. Chuẩn bị race thôi.

Cự ly marathon xuất phát. Ảnh từ Richmond Times

10 km đầu tiên

Meb bảo rằng “Khi tiếng súng lệnh vang lên, cuộc chạy marathon sẽ trở thành một trò chơi trí não; và cách tốt nhất để chiến thắng trong những trò chơi trí não là có sẵn một kế hoạch”.

Như phần trước đã nói, kế hoạch của tôi là sẽ chạy 10km đầu tiên cùng pacer 3h15 (tương ứng pace 4:37 phút cho mỗi km). Lý do: (1) điều này đảm bảo tôi không hưng phấn quá độ và khởi đầu quá nhanh, (2) nếu tôi giữ được negative split thì chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ tốt hơn 3h 15 phút.

Tốc độ trong 10 km đầu tiên, chủ yếu leo dốc

Nhóm chạy 3h15 gồm khoảng 50 người, tập trung chạy trong yên lặng, chỉ có tiếng bước chân rầm rập đều đặn. Tôi nhìn vào mắt họ, nghe hơi thở của họ, và thấy chúng tôi như đúc từ một khuôn. FM 3h15 là một cột mốc đáng kể, không nghiêm túc với chạy bộ thì không dễ đạt được. 50 người ở đây, già hay trẻ, nam hay nữ, chạy cùng huấn luyện viên hay không, hẳn đã dành không ít thời gian và công sức luyện tập cho ngày chạy hôm nay. Chẳng ai muốn phân tâm vì một điều gì khác. Chỉ thỉnh thoảng có tiếng pacer hô đến trạm nước.

Chúng tôi chạy xuyên qua Monument Avenue, đại lộ đẹp nhất Richmond, với những ngôi nhà cổ kính từ đầu thế kỉ 18, với tượng của các anh hùng miền Nam như tướng Lee, tướng “Stonewall” Jackson,… (tôi biết đến các vị này khi đọc “Gone With The Wind”). Richmond mùa thu, lá phong rụng kín hai lề đường rất đẹp. Nhưng chắc hẳn không ai chủ tâm ngắm nhìn, chỉ có tiếng bước chân đạp trên lá xào xạc.

Ánh nắng ban mai làm không khí cuộc đua nóng lên rất nhanh, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mọi người cởi bỏ dần đồ và vứt sang hai lề đường. Phần tôi vẫn mặc singlet và short như mọi khi, chỉ đeo thêm hai bao tay dài tới nách. Bao tay bó sát giữ nhiệt, nếu nóng thì kéo xuống cổ tay rất tiện. Mọi người có thể tìm trên amazon, chỉ 9 USD cho hai đôi (trắng và đen). Trước giờ chạy tôi có mặc thêm một áo phông cũ, đã bỏ đi ngay từ lúc chưa chạy. Ban đầu ngại gió lạnh tôi định mặc quần dài, vợ cũng muốn tôi đội mũ len cho ấm. Nhưng việc mặc quần ngắn và không đội mũ hoá ra lại hợp lý hơn, vì chỉ chạy vài km là toàn thân nóng cả. Găng tay thì lúc nào tôi cũng đeo rồi, kinh nghiệm từ những ngày chạy bộ cùng Cao Hà qua cầu Thanh Trì mùa đông 4 năm trước. Nói chung, luôn tuân theo quy luật vàng của thi đấu: không bao giờ làm điều gì mới mẻ.

Hình chụp lấy từ Marathon Foto. Bản không che có giá 75 USD, ngang cỡ một vé chạy marathon.

10 km thứ hai

Sau 10 km đầu tiên, tôi phải ra quyết định: có tiếp tục chạy pace này hay tăng tốc. Tôi đang cảm thấy khá thoải mái, vì vậy quyết định mạo hiểm một chút để hướng tới mục tiêu A (dưới 3h 10 phút). Km số 11 chủ yếu đổ dốc, chạy một mình cũng linh hoạt hơn, không vướng người đi trước. Trời nắng và gió mạnh, từ bỏ đội pacer cũng đồng nghĩa tôi mất đi người chắn gió hiệu quả cho mình.

Từ giờ, đây sẽ là cuộc chơi của tôi với chính tôi. Tôi chạy xuyên qua khu rừng gần sông James, và bắt gặp cảm giác “thiền” quen thuộc của những buổi chạy đường dài cô độc. Đôi lúc tôi nhắm mắt lại, cảm nhận dòng vật chất lưu chuyển trong cơ thể mình. Oxy sẽ đi vào mũi qua nhịp thở 3-2, xuống phổi và về tim. Tim như một piston đều đặn bơm máu đi như động cơ xe hai thì. Máu mang oxy vào cơ và cả cơ thể chuyển động, từ cơ thắt lưng chậu, cơ tứ đầu đùi, đến gân Asin. Mọi thứ đều nhịp nhàng như một dây chuyền sản xuất công nghiệp. Khi nhắm mắt, tôi có thể cảm nhận vai mình đang thả lỏng hay hơi gồng, bắp chuối hơi tê sau mỗi lần đáp mũi khi leo dốc, cảm nhận được cả nút buộc dây giày lỏng hay chặt nữa. Ai đó nói rằng chạy bộ là để hoà mình với thiên nhiên. Với tôi, chạy bộ là nhìn vào sâu hơn trong cơ thể.

Tốc độ và độ dốc trong 10 km thứ hai

10 km thứ ba

Tôi đọc được ở đâu đó, cuộc thi marathon là 32 km cộng thêm 10 km cuối cùng. Dường như ai cũng hiểu: 10 km cuối cùng là quan trọng nhất, là thời điểm bắt đầu “hit the wall”, là sự khác biệt giữa các runner.

Qua vài kinh nghiệm đau thương trong các giải marathon trước đây, khi liên tục rớt tốc độ kể từ km số 30, tôi tin rằng đoạn đường quan trọng nhất không phải là 10 cuối cùng, mà là 10 km ngay trước đó.

Tốc độ chạy giải Copenhagen marathon tháng 5/2017. Chậm dần từ km 35, chuột rút trong 3 km cuối cùng

Tốc độ chạy giải DNIM tháng 8/2016. Chậm dần từ km 34, đoạn leo cầu Thuận Phước vòng 2

Bởi vì từ km số 20 đến km số 30, dù dường như là thời điểm sung sức nhất, sẽ quyết định 10-12 km cuối cùng bạn chạy thế nào, rệu rã hay tràn trề năng lượng, có bị chuột rút hay không. Nếu chạy quá sức trong khoảng thời gian này, đợi đến 10 km cuối thì đã muộn, bạn không thể làm gì khác ngoài việc cứ chạy chậm dần chậm dần, chiến lược negative split tan đi cùng lượng glycogen dự trữ trong cơ thể.

Tốc độ và độ dốc trong 10 km thứ ba

Do vậy, tôi kiên trì giữ tốc độ vừa phải trong quãng đường này, đặc biệt là ở km số 25-26 còn phải leo cầu Robert Lee khá gắt. Sau đó là những quãng liên tục leo dốc rồi xuống dốc, tôi mỉm cười nhận ra so với con đường quanh khu Hillsborough gần nhà thì những ngọn đồi nho nhỏ của Richmond chưa đáng kể gì.

Với tôi, thông số phản ánh rõ nhất tình trạng cơ thể là guồng chân (cadence) chứ không phải nhịp tim. Nhịp tim sẽ chỉ loanh quanh zone 3 thôi, nhưng nếu cadence giảm từ 90 xuống 84-85, đó là dấu hiệu cho thấy đôi chân bắt đầu mỏi mệt.

Những km cuối cùng

Để chuẩn bị cho 12 km cuối cùng đầy thách thức, từ tháng 7 tôi đã tích cực chạy dài nhiều hơn, vài tuần lại chạy 3 tiếng sáng quanh Hồ Gươm. Đặc biệt, đầu tháng 8 tôi có một buổi chạy 42 km sub4 cùng anh em trong hội LDR. Nó giúp tôi cởi bỏ rào cản tâm lý về quãng đường sau 30 km, vì thực sự, đó là lần đầu tiên tôi có thể kiểm soát hoàn toàn cơ thể từ đầu tới cuối, để hoàn thành 42 km một cách tươi tỉnh.

Sau khi vượt sông James lần hai, đoàn chạy quay về thành phố cùng những âm thanh rộn rã của cổ động viên. Tôi cũng nhập chung đường với các VĐV half marathon, nhưng ban tổ chức đã bố trí rất tốt để người chạy marathon chạy làn bên trái còn dân half marathon (sau hơn 2h, chủ yếu chạy chậm hoặc đi bộ) chạy lề phải. Tôi tăng dần pace và bắt đầu vượt khá nhiều người. Tôi tưởng tượng như có một “virtual runner” đang chạy song song cùng mình, hai bên so kè từng bước. Đây là một biện pháp tinh thần khá hiệu quả giúp tôi hoàn thành từng km ở nhịp tim cuối zone 4 (có lẽ vậy chứ tôi không theo dõi tần số tim). Tuy nhiên, bản năng cẩn trọng vẫn khiến tôi không bung toàn bộ sức lực trong khoảng km từ 30-35. Tôi biết rằng ở đoạn cuối sẽ là màn đổ dốc – cực có lợi nếu cơ bắp còn khoẻ mạnh và khớp gối còn linh hoạt. Ngược lại, nếu mệt mỏi, đơn giản sẽ là nguy cơ chấn thương.

Tốc độ và độ dốc trong 12 km cuối cùng

Km số 40, đám đông hò hét náo nhiệt, hò reo tên vận động viên. Đồng hồ chỉ tốc độ trung bình 4:23. Chắc chắn tôi đã hoàn thành mục tiêu A+ (chạy dưới 3h 7 phút). Tôi cảm thấy hưng phấn và nhớ tới Shalane Flanagan trong những km cuối cùng của NYC marathon. Tôi đã xem video về đích của cô không biết bao nhiều lần, và hình ảnh đó cứ hiện ra trước mắt. Tôi bắt đầu chuyển sang thở nhịp 2-1, rồi 1-1, như một buổi chạy interval. Cơ tứ đầu nhói đau, nhưng cảm giác ấy trôi qua rất nhanh. Kệ nó thôi. Meb bảo rồi “Không phải là ngày mai, không phải là lần tới, mà là ngày hôm nay, ngay thời điểm này”, không cố bây giờ thì còn đợi lúc nào nữa. Tôi không gặp khó khăn gì khi đổ dốc, cadence vẫn giữ quanh mức 90.

Công sức tập leo đồi và sự kiên trì chạy chậm trong nửa đầu quãng đường đã phát huy tác dụng. Tính ra trong nửa sau quãng đường, tôi không bị ai vượt lên (khác với Copehagen marathon, 3 km cuối bị tầm 300 người vượt mặt). Trong số những VĐV tôi vượt qua ở gần vạch đích có bác Stephen Orr, runner 53 tuổi người Úc, đã qua Sài Gòn cùng các bạn SRC nhiều lần (thành tích của anh Stephen là 3h06, cực kì đáng nể!)

Càng gần đích càng nhiều người chụp ảnh. Thói quen tạo dáng được “rèn luyện” cùng các tay máy LDR giúp tôi thoải mái dù ở tốc độ cao. Tiếc là ảnh không đẹp lắm, và vô cùng đắt đỏ. Thế mới biết trân trọng đóng góp của các nhiếp ảnh gia đối với phong trào chạy bộ đường dài ở Việt Nam.

Khi băng qua vạch đích, tôi may mắn nhận được một tấm hình của Richmond Times, không bị che bởi Watermark. Polar chỉ 3h 05 phút 41 giây.

Hào hứng băng qua vạch đích. Ảnh lấy từ Richmond Times

Sau cuộc thi

Chúng tôi mất hơn 1 giờ để tìm thấy nhau trong đám đông gần 10 ngàn người. Trước đó tôi đã kiểm tra thành tích của Minh qua app của ban tổ chức và biết vợ về đích an toàn. Gió lạnh căm căm. Rất nhanh sau khi ngừng lại, Mẹ Thiên nhiên cho tôi thấy tiết trời khắc nghiệt ra sao. Thật may, ban tổ chức tặng cho mỗi VĐV một tấm chăn ấm áp kỉ niệm 40 năm giải chạy Richmond.

Những hình ảnh dưới đây có thể diễn tả một phần không khí hào hứng của khu “Post race party” và niềm vui của chúng tôi sau giải chạy.

Quà tặng cho người đạt BQ là một túi nhỏ màu xanh mà tôi chẳng rõ sẽ sử dụng làm gì

Chúng tôi về hostel lấy đồ (đã check-out từ sáng sớm), sau đó đi ăn. Dọc đường vẫn gặp vài người đang hoàn thành nốt những km cuối cùng của cự ly marathon. Lúc đó khoảng giữa trưa, đây là những VĐV chạy FM trong khoảng 5-6h. Thật hay vì mình có cơ hội cổ vũ họ, như đã được đám đông cổ vũ suốt chặng đường trước đó.

Những vận động viên marathon sub6

Chúng tôi dành buổi chiều để tham quan bảo tàng Nội chiến (Civil War) và White House (nơi ở và làm việc) của tổng thống Miền Nam Jefferson Davis. Dễ dàng nhận ra những runner trong số khách tham quan, nhờ vào dáng đi và leo cầu thang đặc biệt. Bảo tàng Nội chiến nằm sát trung tâm y khoa VCU (Virginia Commonwealth University), một niềm tự hào khác của Richmond. Thật tiếc vì không có cơ hội tham quan địa điểm này.

Trên chuyến Megabus muộn quay về Durham, chúng tôi gặp hai VĐV Kenya vừa giành giải nhất và giải ba cự ly half marathon. Họ ăn tập ở Duke (nhưng hoàn toàn không phải sinh viên Duke), tự bỏ tiền tham gia giải chạy này. Phần thưởng cho giải nhất là 1000 USD. Khi nào có dịp sẽ tìm hiểu nhiều hơn về công việc chính của họ.

Lời kết

Richmond marathon được quảng cáo như giải chạy sôi động nhất nước Mỹ, nhưng với tôi không khí chạy ở đây thua xa Copenhagen marathon, với những tiết mục hát live, màn đồng ca, hay múa samba rộn rã. Có sao đâu, điều quan trọng là tôi đã có được trải nghiệm tập luyện và thi đấu tuyệt vời, đồng thời phá PR 28 phút và nhặt cho mình BQ. Hy vọng thành tích này giúp tôi đủ điều kiện đứng ở vạch xuất phát trên phố Hopkinton.

Ngày hôm nay, khi ngồi gõ những dòng này, cơ thể ê ẩm vì DOMS, tôi cảm thấy hài lòng khi nhớ lại chặng đường 4 tháng vừa qua. Nếu sắp xếp được công việc, nhất định tôi sẽ chạy Boston 2019. Một mục tiêu đã hoàn thành.

Tuy nhiên tôi sẽ nghĩ về nó sau. Giờ là lúc quay lại với những mục tiêu khác không kém phần quan trọng trong cuộc sống, đòi hỏi thời gian và công sức chuẩn bị kĩ lưỡng. Lĩnh vực nào cũng vậy, “the will to win means nothing without the will to prepare!”

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] “đụng tường” từ sau km số 32 trong lúc thi đấu ở Richmond Marathon, không những thế còn có thể bứt tốc nhanh […]

  • […] Hành trình Richmond Marathon […]

  • >
    129 Shares