Mục tiêu chạy bộ

Sunrise running woman

Làm thế nào để đề ra mục tiêu chạy bộ

Alice nói với con mèo: “Hãy chỉ đường cho tôi” – “Cô muốn đi đâu” – “Tôi đi đâu cũng được” – “Vậy thì cô đi đường nào chẳng được, như nhau cả thôi” (Alice in Wonderland).

Mục tiêu là bản đồ dẫn dắt tới thành công. Bạn sẽ không bao giờ tiến tới sát giới hạn của mình – chưa nói là vượt qua – nếu thiếu các mục tiêu để theo đuổi. Để chạy tốt hơn, và luôn duy trì hứng thú đam mê, bạn cần một mục tiêu chạy bộ phù hợp.

Thế nào là một mục tiêu phù hợp?

1. Ý nghĩa với bản thân

Mục tiêu là của riêng bạn, không phải thứ người khác kỳ vọng ở bạn. Khi đặt ra mục tiêu hoàn thành cự ly marathon, bạn biết rằng bản thân mình ham muốn điều đó. Không ai nói với bạn “Cậu cần phải chạy được 42 km”. Nhưng mục tiêu này là động lực khiến bạn xỏ giày chạy ngay cả khi không hưng phấn, giúp bạn kiên nhẫn hoàn thành cự ly ngay cả khi hai chân mỏi rã rời. Bạn thích thử thách 21 km vượt núi ở Sapa? Hãy để thử thách đó trở thành chất xúc tác nuôi dưỡng đam mê. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cần sống vì người khác. Còn chạy bộ? Đó là lúc bạn sống cho bản thân.

2. Cụ thể

Mục tiêu nên cụ thể và có tính định lượng. Có thể là: “chạy 1 giờ liên tục”, “chạy half marathon dưới 2 giờ”, hoặc “tham gia giải Boston marathon”. Không có gì mơ hồ hay tối nghĩa ở đây. Bạn biết đích xác bạn muốn gì. Đừng đặt ra những mục tiêu quá chung chung như “Tôi muốn chạy nhanh hơn”, “Tôi muốn chạy nhiều hơn”, “Tôi muốn thi đấu tốt trong giải marathon Đà Nẵng sắp tới”,… Những thứ chung chung sẽ chẳng dắt bạn tới đâu. Hãy cụ thể: “Tôi muốn rút ngắn 1 phút ở cự ly 5 km”, “Tôi muốn chạy 5 buổi một tuần”, “Tôi muốn đạt thành tích 4 giờ ở giải marathon Đà Nẵng”,… Khi Meb nói với vợ “I want to win the Boston this year”, thông điệp rất ngắn gọn và rõ ràng.

3. Thách thức và thực tế

Không hay ho gì khi đặt ra một mục tiêu quá dễ dàng, không cần nỗ lực cũng đạt được. Nếu bạn đã chạy 10 km trong 60 phút, thì việc đặt ra mục tiêu chạy 10 km dưới 60 phút ở giải HCMC Run thật chẳng còn gì thú vị. Nếu bạn đã làm được một việc, đâu là động lực để bạn làm lại việc đó một lần nữa? Bạn phải đồ mồ hôi và công sức, như cậu bé Tom Saywer từng suy ngẫm (khi đi “cưa gái”): “Chiến đấu không gian khổ thì chiến thắng cóc vinh quang!

Nhưng bạn cũng chẳng nên cực đoan khi đề ra mục tiêu “Tôi muốn rút ngắn thời gian chạy 10 km gừ 60 phút xuống còn 40 phút”. Mục tiêu cần phải khả thi trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể cuối cùng bạn sẽ chạy 10 km trong vòng 40 phút thôi, nhưng điều này nên diễn ra trong từng giai đoạn: từ 60 xuống 55, từ 55 xuống 50,… Chạy bộ đường dài không phải là môn thể thao dành cho những kẻ hay sốt ruột. Bạn cần thực tế về năng lực của bản thân.

4. Thời hạn thực hiện

Bản chất con người là sẽ có thêm động lực khi có “deadline”. Bạn đặt mục tiêu chạy Sapa Marathon vào tháng 9, nghĩa là bạn biết còn 5 tháng nữa để luyện tập. Nói chung, 3 đến 6 tháng là một khoảng thời gian phù hợp. Không quá dài khiến bạn mệt mỏi, và không quá ngắn khiến bạn cập rập cuống cuồng.

5. Chi tiết

Mục tiêu càng chi tiết càng tốt. Nói cách khác, bạn phải có lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu. Tập chạy theo giáo án là một biện pháp hiệu quả giúp bạn theo đuổi mục tiêu. Nếu đặt mục tiêu “Chạy bộ 50 km mỗi tuần”, bạn cần xây dựng thời gian biểu cụ thể phù hợp để thực hiện điều đó. Ngoài ra, bạn cũng nên chia nhỏ mục tiêu lớn của mình. Để đạt được thành tích sau 5 tháng, hãy đặt ra mục tiêu trong từng tháng, rồi từng tuần.

      Xem thêm: Chạy bộ với các mục tiêu nhỏ

About the Author chay365

follow me on:
>
1 Shares