• You are here:
  • Home »
  • Chân dung »

Runner Hà Lan kêu gọi người nước ngoài nhắn tin ủng hộ Việt Nam chống Covid-19

Marcel Lennartz, một runner người Hà Lan yêu Việt Nam đã dịch tin nhắn của MTTQVN kêu gọi bạn bè nước ngoài ủng hộ chống virus Covid-19.

Chay365: Marcel Lennartz là một người không còn xa lạ đối với cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Anh thường xuyên có mặt ở nhiều giải chạy, ba môn phối hợp tại Việt Nam: Đà Nẵng, TP.HCM, Sa Pa… Ít ai biết rằng Marcel, đằng sau dáng vẻ “tròn trịa”, đã có tới 25 năm sinh sống tại Việt Nam và chạy nhanh không đến nỗi nào. Trừ ngôn ngữ ra, Marcel không khác gì một người Việt Nam thực thụ. Chay365 đã phỏng vấn “người Hà Lan bay” nhân dịp bắt gặp anh kêu gọi bạn bè người nước ngoài nhắn tin đến Tổng đài 1407 để ủng hộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 trên Facebook:

Chào Marcel, anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình cho các độc giả của Chay365? 

Tôi là Marcel Lennartz, người Hà Lan, năm nay 49 tuổi. Tôi là kỹ sư điện tử viễn thông. Tôi đến Việt Nam vào tháng 8 năm 1992 và bắt đầu công việc thực tập tại đây từ năm 1995. Tôi có một con trai. Cháu năm nay 9 tuổi.

Tôi thấy Facebook của anh để nickname Mặt Heo, ai đặt cho anh hay anh tự đặt?

Khi còn bé, con trai tôi không thể phát âm chính xác tên tôi và gọi tôi là MặtHeo (nghe na ná Marcel). Tuy nhiên, chẳng phải đợi đến khi ấy, nhiều người khác đã gọi tôi với biệt danh tương tự trước đó rồi.

Tôi có đọc bài viết của anh trên Facebook kêu gọi cộng đồng người nước ngoài nhắn tin cho tổng đài 1407 quyên góp ủng hộ Việt Nam (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), anh có muốn chia sẻ thêm về hành động của mình?

Tôi thường xuyên nhận được nhiều tin nhắn SMS bằng tiếng Việt quảng cáo từ những người kinh doanh bất động sản. Tiếng Việt của tôi không “xịn sò” nhưng có một tin nhắn có nội dung ủng hộ từ thiện khiến tôi chú ý.

Tôi muốn được chung tay giúp đỡ và tôi cũng chắc chắn nhiều người nước ngoài khác yêu đất nước và con người Việt Nam đều sẵn lòng hỗ trợ nhưng không biết bằng cách nào. Thông điệp của tin nhắn SMS này sẽ có tác dụng hơn nữa nếu những người không hiểu tiếng Việt có thể đọc được bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được, ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc.

Bài viết kêu gọi nhắn tin 1407 ủng hộ MTTQVN phòng chống Covi trên FB của Marcel

Bài viết kêu gọi cộng đồng người nước ngoài nhắn tin 1407 ủng hộ MTTQVN phòng chống Covi trên FB của Marcel

Tôi đã dịch nội dung tin nhắn và kêu gọi bạn bè trên Facebook nhắn tin ủng hộ MTTQVN. Trong tin nhắn đầu tiên, tôi đã thử nhắn quyên góp một số tiền nhỏ để cung cấp một ví dụ thực tế cho mọi người về cách quyên góp qua SMS.

Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch

Miễn Dịch Với Tất Cả

Nghĩ gì về chạy bộ trong mùa dịch Covid: Lời khuyên từ các huấn luyện viên hàng đầu thế giới

Tập luyện mùa dịch: vài lưu ý để không làm ức chế hệ miễn dịch

Chạy bộ mùa dịch

Anh chắc có đọc nhiều thông tin về đại dịch Covid-19 đang xảy ra ở châu Âu và Việt Nam, anh có nhận xét gì về cách đối phó với đại dịch của Việt Nam?

Việt Nam đã và đang cho thấy cách đối phó rất tốt đối với Covid-19 kể từ khi đại dịch cúm bùng phát. Lúc đầu, tôi thấy việc đóng cửa trường học có vẻ là sự phản ứng hơi thái quá nhưng sau này, tôi nghĩ đó là quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, Việt Nam chớ nên vui mừng sớm và cần tập trung chống dịch. Rút kinh nghiệm từ sai lầm của các quốc gia khác để không lặp lại.

Chủ nhật tuần trước, hàng nghìn người tập trung ở Thủ Thiêm để thả diều. Mặc dù không khí rất vui nhưng đây là thời điểm không phù hợp và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Một tờ báo có đề cập chuyện trẻ em chơi đùa, có đeo khẩu trang và nhận thức được sự việc. Thực tế là nhiều người không đeo khẩu trang. Đáng lẽ cần phải lấy đó làm ví dụ để cảnh báo cho tất cả mọi người. Các phòng gym…đều mở cho đến ngày hôm qua, xem chừng là muộn.

Marcel-Lennartz

Marcel-Lennartz từng phải phẫu thuật cả 2 chân. Ảnh: NVCC

Kể từ ngày Việt Nam có ca nhiễm bệnh Covid đầu tiên, việc tập luyện chạy bộ hàng ngày của anh có gì thay đổi so với trước đây không?

Vì lý do cá nhân, tôi gần như nghỉ chạy bộ từ tháng 1 (không liên quan đến đợt bùng phát Covid-19). Thói quen chạy bộ của tôi sẽ không thay đổi nhiều trong trường hợp tôi đã chạy trong thời gian này. Chúng tôi cần phải làm gương bằng ví dụ và mặc dù luật không bắt buộc, tôi đã quyết định hủy bỏ tất cả các buổi tập luyện hàng tuần của Runclub bởi vì sẽ là vô trách nhiệm nếu tiếp tục duy trì tại thời điểm này.

Hầu hết những người chạy bộ là những người mạnh mẽ và khỏe. Chúng ta có thể ít gặp rủi ro hơn nhưng chúng ta vẫn có thể truyền vi-rút và làm cho những người khác bị bệnh.

Marcel Lennartz

Marcel Lennartz (dưới) trong một lần nhảy dù. Ảnh: NVCC

Nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu mọi người không được ra khỏi nhà trong phạm vi 1-2km trừ trường hợp cần thiết như nước Pháp áp dụng, anh có sẵn sàng hợp tác không?

Chắc chắn. Việt Nam là nhà của tôi trong phần lớn cuộc đời và chúng ta nên tôn trọng nước chủ nhà. Nếu chính phủ yêu cầu chúng tôi giới hạn di chuyển trong thời gian này, tôi sẽ tuân thủ điều đó. 50 vòng lặp 2km vẫn tạo ra một khoảng cách 100km đẹp, phải không? 😉

Các giải chạy, ba môn phối hợp đều hoãn, hủy gần đây vì đại dịch Covid-19. Điều này có ảnh hưởng tâm lý của anh không?

Không, mọi tiêu cực đều có khía cạnh tích cực vì vậy tôi không quá lo lắng về các cuộc đua bị hủy bỏ hoặc hoãn. Sức khỏe tốt là tài sản quan trọng nhất mà một người có thể có. Nhiều người không có được may mắn như tôi. Cho đến nay, khoảng 7 giải mà tôi đã đăng ký đã bị hủy bỏ. Tôi không thể ở nhà và gắt gỏng về chuyện không may ấy. Thay vào đó, hãy tiếp tục mỉm cười và chờ đợi. Nhiều giải đầu năm mà tôi đăng ký được xem là những buổi tập huấn cho một số giải lớn hơn vào cuối năm. Tôi cần cân nhắc lại bởi nếu các giải được lên lịch lại, tôi có thể bỏ qua chúng.

"MặtHeo" ở Vũng Tàu năm 1992

Marcel “MặtHeo” tại Vũng Tàu năm 1992. Ảnh: NVCC

Anh còn lưu giữ kí ức, hình ảnh nào khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam? 

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào tháng 8/1992 khi tôi 21 tuổi. Tôi có quá nhiều kỷ niệm tuyệt vời từ thời điểm đó và tôi sẽ cần một cuộn giấy vệ sinh ngay bây giờ để viết ra tất cả. Mọi người rất thân thiện. Tôi có một lá thư nhỏ của gia đình người Việt sống ở Hà Lan nhờ tôi mang tiền về cho gia đình họ ở đường Hưng Phú, quận 8. Rất nhiều người đã đến xem người nước ngoài đó là ai và họ đã phá lên cười khi tôi ăn quả chuối. Họ cho tôi ăn ngập mặt trái cây; tình yêu của tôi dành cho trái Mãng Cầu ngay tắp lự. Bà Hồ Thị Hiếu, thông qua phiên dịch nói rằng tôi có thể ở với họ trong 3 tuần nhưng theo luật thì điều này không được phép. Vì vậy, công an đã đến kiểm tra. Không biết mọi chuyện được thu xếp như thế nào nhưng tôi có thể ở cùng họ trong 3 tuần. Không có vòi tắm hoa sen nhưng có xô, không có nước nóng và tôi thích cách sinh hoạt ấy.

Marcel Lennartz. Ảnh: NVCC

Marcel Lennartz ở giải Danang Marathon 2014 (giải này người viết cũng tham dự, cự ly marathon). Ảnh: NVCC

Trong 3 tuần ở lại, tôi chỉ thấy đúng một người nước ngoài. Không ô nhiễm, rất nhiều xe đạp và xích-lô. Mọi người đã nói một từ tiếng Anh duy nhất còn đâu trong 3 tuần nói chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể. Tất cả mọi người đóng cửa trước 6 giờ tối và ngủ quá sớm. Tôi đã đến thăm Vũng Tàu cùng với một người bạn Việt Nam từ Hà Lan. Vì là người nước ngoài nên tôi không được ở khách sạn. Chúng tôi gõ cửa nhà một số người dân địa phương và chúng tôi ngủ nhờ họ.

Không ai nói được tiếng Anh nhưng mọi người vô cùng thân thiện. Thực sự tuyệt vời. 3 tuần nói chuyện bằng tay.

Khi ấy, anh có nghĩ mình sẽ gắn bó với một đất nước (ngoài quê hương anh) lâu đến như vậy không?

Nếu nói Có sẽ là nói dối nhưng tôi đã dự kiến đến đây trong một khoảng thời gian rất dài. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 1996, tôi trở lại Hà Lan một thời gian. Tôi đã không muốn ở lại đó nên đã trở về Việt Nam và không quay trở lại nữa. Việt Nam là ngôi nhà đầu tiên của tôi và tôi không coi Hà Lan là ngôi nhà thứ hai của mình. Đến lúc tôi chết, rất có thể Việt Nam là điểm cuối cùng.

Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam, không có nghi ngờ gì về điều đó. Tôi cảm thấy an toàn và được chào đón ở đây. Mọi thứ sống động, mọi người trẻ trung, vui vẻ, thân thiện và rất dễ cười với bất cứ ai không kể tuổi tác. Thật là một niềm vui lớn khi được làm việc với người Việt Nam. Bất cứ nơi nào tôi làm việc, chúng tôi luôn có rất nhiều tiếng cười. Các đồng nghiệp của tôi rất tuyệt.

Như đã nói ở trên, tôi thích Sài Gòn 25 năm trước khi không có nhiều người nước ngoài (hầu như là chuyên gia làm việc tại đây, không có khách du lịch), khi tủ ATM đầu tiên xuất hiện phía sau khách sạn New World và không khí không có ô nhiễm.

Marcel Lennartz ở một giải chạy tại TP.HCM

Marcel Lennartz ở một giải chạy tại TP.HCM. Ảnh: NVCC

Thế còn cộng đồng chạy bộ thời anh mới đến Việt Nam thì sao? 

Rất dễ: Không có ai. Thời đó, tôi chạy ra ngoài và mọi người nghĩ rằng tôi bị điên (họ có thể đúng). Những người lái xích lô dừng lại và một số người hỏi tôi có cần đến bệnh viện không và những người khác nói rằng nếu tôi không có tiền, họ có thể cho tôi mượn. Thật dễ thươnggggg!

Anh đã chạy tất thảy bao nhiêu cuộc thi marathon? 

Tôi không nhớ chính xác. Cuộc chạy half marathon đầu tiên của tôi từ 25 năm trước nhưng sau đó tôi dừng 15 năm vì chân tôi quá đau (hai chân gặp vấn đề sau phẫu thuật). Mãi đến năm 2010, tôi chạy half marathon trở lại ở Siêm Riệp. Cuộc đua marathon đầu tiên của tôi chỉ mới được thực hiện gần đây vào năm 2016. Tôi đã chạy 90km và 100km trước khi tôi chính thức chạy một giải marathon. Kể từ năm 2016, tôi đã tham gia khoảng 10 giải cự ly full marathon.

PB (kỷ lục cá nhân) HM của tôi 1h18 (1994) còn PB FM 4h22 (2019).

Marcel Lennartz

Marcel Lennartz tại giải chạy Vietnam Mountain Marathon. Ảnh: NVCC

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh khi tham gia một giải chạy?

Giải Vietnam Mountain Marathon năm 2018 (70km và 15km) và Đà Lạt 2019 vì một người đặc biệt đợi ở vạch đích chờ tôi hoàn thành cuộc đua của mình, đó là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng.

Anh tập luyện để nâng cao thành tích hay đơn giản chỉ là thói quen, sở thích hàng ngày?

Với tôi, chạy để đạt được những điều mà bạn nghĩ là không thể và để truyền cảm hứng cho những người khác rằng nếu một ông già có thể làm điều đó, thì các bạn đều có thể làm được! Tất nhiên cần phải chú ý không chấn thương.

Marcel Lennartz ở giải Challenge Vietnam (Nha Trang). Ảnh: NVCC

Marcel Lennartz ở giải Challenge Vietnam (Nha Trang). Ảnh: NVCC

Chạy bộ có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của anh?

Chạy bộ mang lại cho tôi những người bạn mới thuộc nhiều quốc tịch, nền tảng khác nhau và nhiều cơ hội mới nữa. Nó giúp tôi tập trung và làm cho tôi mạnh mẽ hơn về tinh thần. Nó dạy tôi rằng các vấn đề trong cuộc sống có thể được khắc phục miễn là bạn tin vào chính mình và nó khiến tôi nhận ra rằng chúng ta nên chia sẻ niềm đam mê và hỗ trợ những người khác muốn bắt đầu chạy. Chạy bộ nhắc nhở tôi rằng sức khỏe tốt là tài sản quan trọng nhất của con người và chúng ta nên đề cao điều này mỗi ngày vì nhiều người không may mắn chỉ ước có thể bước đi một bước.

Chạy Bộ Và Chấn Thương

Nhờ chạy bộ, tôi đã gặp David Shin, người làm cho một tổ chức sự kiện thể thao có trụ sở tại Hồng Kông. Anh ấy tạo điều kiện cho tôi tham gia vào việc tổ chức chạy vertical run và cũng như chạy road. Năm 2016, anh ấy đã cử tôi làm giám đốc giải full marathon đầu tiên được tổ chức trên đảo Phú Quốc. Từ đó, hàng năm tôi hỗ trợ tổ chức các sự kiện ở Bắc Kinh, Manilla, Hồng Kông, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Osaka và Thượng Hải. Năm 2018, tôi là giám khảo cho Giải thưởng Công nghiệp thể thao Châu Á được tổ chức tại Bangkok.

Marcel này, anh chạy cũng không ít, vậy anh có giảm được kí-lô nào không?

Wooops, câu hỏi này “xoáy” nhỉ. Tôi không thể giảm cân trực tiếp từ việc chạy. Nhưng nhờ chạy bộ mà tôi thay đổi chế độ ăn uống và điều đó khiến tôi giảm cân. Tôi không muốn uống bia vào ngày trước khi chạy và tôi cũng không muốn ăn nhiều nữa. Tôi chỉ ăn một lần một ngày nên nhiều người hỏi tại sao tôi không gầy. Đó là tất cả về chế độ ăn uống.

Marcel Lennartz với một runner người Việt. Ảnh: NVCC

Marcel Lennartz và một runner người Việt. Ảnh: NVCC

Anh là người lập ra CLB Runclub.vn, anh có thể nói gì về “đứa con tinh thần” này? CLB gồm đa số là người nước ngoài? 

Ồ có sự hiểu lầm ở đây. Phillip Nguyễn, Bady Phạm và Noel Tolentino (Pulse Active) đã thành lập Runclub để chuẩn bị cho giải chạy HCMC Run đầu tiên. Khi họ chuẩn bị tổ chức cuộc thi Danang Marathon, tôi đã tiếp quản việc tổ chức khi họ trở nên quá bận rộn. Theo thời gian, chúng tôi đã tổ chức thêm nhiều buổi tập luyện và bắt đầu thực hiện một cách tiếp cận chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi hiện có 5 buổi tập mỗi tuần vào thời gian cố định.

Marcel ở giải chạy Dalat Ultra Trail. Ảnh: NVCC

Marcel ở giải chạy Dalat Ultra Trail. Ảnh: NVCC

Một số nhóm chạy khác gọi chúng tôi là nhóm chạy người nước ngoài, nhưng không hẳn thế. Chúng tôi có nhiều người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác nhau nhưng phần lớn là người Việt Nam. Thành thật mà nói, tôi không muốn dẫn dắt một nhóm chỉ có Nước-ngoài. Tôi đến và ở Việt Nam vì tôi thích người Việt Nam. Oh oh, một số người nước ngoài sẽ đá đít tôi trong buổi tập tiếp theo của chúng tôi khi họ đọc nó.

Đọc thêm:

10 Tư Thế Yoga Đơn Giản, Hiệu Quả Cho Chạy Bộ

Tư Thế Chạy Bộ Đúng Cách

Marcel và các sáng lập viên của Runclub

Marcel và các sáng lập viên của Runclub. Ảnh: NVCC

Tôi thấy anh vừa chia sẻ kỷ niệm 9 năm tham gia giải Ironman 70.3 lần đầu tiên ở Singapore. Môn nào khó nhất đối với anh? 

Điểm yếu lớn nhất của tôi là bơi lội. Mặc dù tôi có thể bơi từ khi còn bé, tôi chưa bao giờ học bơi sải và nói chung bơi không khác gì…cá dọn bể. Ở cuộc thi triathlon đầu tiên, tôi là người cuối cùng hoàn thành bơi và trong giải IRONMAN 70.3 đầu tiên, tôi bơi áp chót (67 phút). Tất cả đều là bơi ếch. Cuối cùng, tôi đã tự học bơi sải, và giờ tôi bơi nhanh hơn gần 30 phút và hoàn thành thử thách này dễ chịu hơn nhiều.

Đọc thêm:

Ironman Spidey Nguyễn: Muốn chơi triathlon giỏi thì phải chạy tốt

10 Mẹo Tập Luyện Cho Người Tập Marathon Lần Đầu

Trong nhiều năm, Frank Heldoorn là huấn luyện viên của tôi. Frank (6 lần vô địch ba môn phối hợp đường dài Hà Lan và 3 lần hoàn thành Top 10 ở Kona, Hawaii) đã cung cấp lịch tập luyện của tôi. Vì lý do cá nhân, tôi đã ngừng tập luyện ba môn phối hợp nghiêm túc vào năm 2018 và vì thế tôi đã ngừng tập luyện với Frank. Sau khi tình hình dịch cúm Corona trở lại bình thường, tôi sẽ bắt đầu nghiêm túc tập trung vào ba môn phối hợp một lần nữa và sẽ tiếp tục tập luyện với Frank.

Từ năm 2016, tôi có chứng chỉ Huấn luyện viên được IROMAN chứng nhận và là thành viên của Hiệp hội Huấn luyện viên IRONMAN, nhưng tôi thích được huấn luyện bởi những người khác.

Đọc thêm:

Tại Sao Nên Tập Chạy Theo Giáo Án?

Quá trình biến hình của Marcel

Quá trình biến hình của Marcel. Ảnh: NVCC

Nhiều người nước ngoài ngán thời tiết nóng ẩm, giao thông lộn xộn, còn với anh điều gì khiến anh cảm thấy khó chịu nhất khi chạy bộ ở Việt Nam?

Tôi có lẽ khác với nhiều người nước ngoài khác. Tôi chạy khi trời có tuyết nhưng cũng có khi trời nóng 37 độ C hoặc khi trời mưa. Điều khó chịu duy nhất ở Sài Gòn là giao thông. Nhiều tài xế lái xe ngược chiều và tỏ ra coi thường người già, trẻ em, người đi bộ và người chạy bộ. Một số lái xe nên quay trở lại xích lô thì hơn.

Đọc thêm:

Giãn cơ sao cho đúng?

Chạy Marathon: Những Câu Hỏi Cho Người Mới Tập

Điều anh thích làm nhất sau khi hoàn thành xong một buổi chạy dài?

Ngồi tám vui với bạn bè.

Anh có dự định gì về chạy bộ hay ba môn phối hợp trong thời gian tới? 

Tôi muốn hướng dẫn các runner / triathlete tập luyện và phòng ngừa chấn thương một cách định kỳ thường xuyên. Rất nhiều vận động viên nghiêm túc, có tiềm năng nhưng họ tập luyện hoàn toàn sai.

Cảm ơn anh đã kêu gọi bạn bè ủng hộ Việt Nam trong lúc khó khăn vì đại dịch Covid-19 và dành thời gian trả lời phỏng vấn. 

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
>
170 Shares