Sifan Hassan: Từ cô bé chạy tị nạn đến nữ hoàng chạy dài Olympic 2020

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất và giàu cảm xúc nhất trên đường chạy Olympic Tokyo 2020 là hình ảnh Sifan Hassan đứng dậy sau cú ngã, điên cuồng sải bước chân để đuổi theo những đối thủ đang cố gắng tăng tốc bỏ lại cô sau lưng. Hassan không những bắt kịp mà còn vượt qua lần lượt hết tất cả và về nhất ở vòng loại 1500m nữ. 

Trong tiết tấu rất nhanh, rất gấp gáp ở 400m cuối cuộc thi, đa số khán giả khi đó còn chưa biết cô gái ấy là ai. Họ phải mất vài phút để xem lại tên của VĐV xui xẻo đó và ngỡ ngàng khi biết đây là người duy nhất trong lịch sử điền kinh thế giới có can đảm tranh huy chương vàng ở cả 3 nội dung 1500m, 5000m, và 10000m tại một kỳ Thế vận hội. Một bài báo ca ngợi VĐV của quê hương Van Gogh đã viết: “Hassan như một người nghệ sỹ muốn tạo ra một bức tranh sơn dầu, một bộ phim, và một bức ảnh nghệ thuật…. trong vòng một tuần”.

Chung kết 10000m: cái kết đẹp cho Sifan Hassan

Sifan Hassan giành huy chương Vàng đầu tiên ở Olympics Tokyo

Cú ngã sấp mặt khiến “quạ” Hassan vùng dậy mạnh mẽ vượt qua 12 đối thủ ở vòng loại 1500m

Olympic Tokyo kết thúc, một nữ hoàng mới trên đường chạy dài đã trở về quê hương thứ hai của cô, đất nước Hà Lan. Với 2 tấm huy chương vàng và 1 tấm huy chương đồng, Hassan đã ghi tên mình vào lịch sử Olympic như là một trong những vận động viên xuất sắc nhất. Dù vậy, cuộc đời của cô gái nhỏ bé với chiếc áo cam nổi bật trên đường chạy Olympic đó vẫn là một bí ẩn đối với nhiều người.

Sifan Hassan đã không tiết lộ tại sao mình lại rời bỏ Ethiopia. Cô không thể nói được về điều đó vì nó sẽ phải đụng chạm đến chính trị. Hassan không muốn nhắc lại quá khứ của mình. “Tôi thấy rằng có thể quên đi những điều tồi tệ nhất, khi mình không nói về nó nữa”, cô nói. Sinh ra tại thành phố nhỏ Adama thuộc Ethiopia, Hassan ở với bà và mẹ tại nơi “chôn rau cắt rốn” đó cho đến năm 15 tuổi. 

Năm 2008, thông qua một tổ chức từ thiện, Sifan Hassan được đưa sang tị nạn tại Hà Lan. Một hành trình mới đầy hi vọng bắt đầu bên trời Âu nhưng những năm tháng đầu tiên sống trong trại tị nạn ở Zuidlaren, Hà Lan không hề dễ dàng. Chìm trong cô đơn giữa chốn xa lạ, chính Hassan đã ví mình thời gian đó như “bông hoa không có nắng mặt trời”. Cô đã khóc suốt và luôn luôn lo lắng về những mối nguy hiểm nào đó rình rập cô.

Sau 8 tháng, cuộc sống dần ổn định hơn khi cô được chuyển đến Leeuwarden, một thành phố nhỏ ở phía Bắc Hà Lan. Ở đây, cô được đi học và sống cùng nhà với 2 cô gái khác người Trung Quốc và Somali. Hassan được nhận trợ cấp 40 Euro/tuần. Khi ngỏ lời muốn tập chạy, cô được giới thiệu vào câu lạc bộ thể thao Lionitas. Hassan khao khát được chạy và mọi người xung quanh cô hiểu được phần nào lý do cô cần phải chạy. Yke Schouwstra, huấn luyện viên đầu tiên của Hassan tại Lionitas, vẫn nhớ như in những khó khăn đầu tiên của nhà vô địch Olympic. 

Hassan chỉ có mỗi một đôi giày cũ. Cô được xếp chung với đội chạy 15 người tuổi từ 16 đến 45. Hassan đã phải đi mượn quần áo và giày chạy bộ để có thể tập luyện chung với mọi người. Khi cô cất bước chạy, ai cũng thấy có điều gì đặc biệt trong cô gái này. Cơ thể Hassan như một cái dây chun, chạy rất nhẹ nhàng, không đẹp nhưng rất hiệu quả. Mặc dù Hassan không phải là người chăm chỉ tập luyện, thậm chí hơi lười chút nhưng cô đã muốn chạy thử cự ly half marathon và marathon luôn. HLV Schouwstra phải ghìm cô lại. Bà là người đầu tiên nhận ra sở trường của Hassan ở cự ly trung bình (1500m).

Hassan là một cô gái rất đặc biệt trong mắt mọi người. Nếu mọi thứ đúng theo kế hoạch, cô sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi thi đấu không tốt, cô sẽ tự dằn vặt mình qua nhiều ngày. Hassan cũng không phải là cô gái hoà đồng với mọi người. Cô thường nhanh chóng trở lại phòng thay đồ mỗi khi kết thúc buổi tập. Có vẻ như vẫn có một nỗi sợ sệt vô hình nào đó bao trùm lên cô. Hassan luôn dè chừng với tất cả những người lạ. “Nếu người chúng ta gặp không phải người tốt thì sao?”. Yke Schouwstra luôn phải cố gắng làm mọi cách an ủi để cô cảm thấy yên tâm. Dần dần, Hassan bắt đầu có những thành tích tốt và có thể kiếm được thêm tiền nhờ tham gia các giải chạy. Tuy nhiên,  Schouwstra vẫn luôn nhắc nhở cô “Hassan vẫn còn quá trẻ…”

Năm 2010, Hassan rời đến Eindhoven, một thành phố ở phía Nam Hà Lan, nơi có một cộng đồng nhỏ người Ethiopia sinh sống. Hassan rời khỏi Leeuwarden một cách bất ngờ như cách cô đến. Sau kỳ nghỉ, mọi người ở Leeuwarden không thấy cô quay trở lại tập luyện. Jaap de Beer, người có nhiệm vụ bảo hộ Hassan trong thời gian ở đây, lý giải: “Những đứa trẻ tị nạn thường vậy. Chúng luôn lo lắng, bất an và khao khát tìm chỗ cho riêng mình, tìm một nơi để tự ổn định cuộc sống”.

Ở Eindhoven, cuộc sống của Hassan vẫn rất khó khăn. Cô ngủ dưới sàn nhà với chỉ một cái vali quần áo để bên cạnh. Hassan đăng ký theo học y tá và tham gia tập luyện cùng đội điền kinh địa phương của Eindhoven dưới sự hướng dẫn của HLV Ton van Hoesel. van Hoesel nhớ lại ngày Hassan đến gặp ông trên một chiếc xe đạp cũ và môt đôi giày đã mòn gót. “Hồi đó Hassan trông bụ bẫm hơn bây giờ, thậm chí phải cố gắng lắm cô bé mới theo được mọi người”. 

Ở đây, những kỹ năng bẩm sinh của Hassan dần được phát hiện. “Cái cách cô ấy di chuyển rất đơn giản, nhẹ nhàng, thời gian tiếp đất ngắn, bước chạy thẳng”. Tuy nhiên về kỹ thuật, Hassan vẫn có thể cải thiện một chút. “Đặc biệt là khi cô ấy mệt, cô ấy không còn giữ được đúng phom chạy của mình nữa”. Hassan được tập cùng với Ruth van der Meijden (vô địch châu Âu hai môn phối hợp năm 2010) và Casper van der Putten (VĐV điền kinh Hà Lan chuyên chạy các cự ly trung bình). “Kiểu cách chạy của cô ấy rất ổn định, Hassan đã có thể bám theo được những vận động viên tốt nhất”, van Hoesel nhận xét.

Điều ấn tượng nhất với HLV van Hoesel là nghị lực và quyết tâm của Hassan. “Cô ấy luôn đặt mục tiêu rất cao cho bản thân và luôn dằn vặt mình nếu chưa đạt được”. Ở Eindhoven, Hassan bắt đầu cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc của mọi người. Van Hoesel mua cho cô đôi giày chạy mới, đưa đi khám bệnh khi cô được chẩn đoán thiếu máu, đến đồn cảnh sát cùng cô khi cô làm mất thẻ tạm trú. Hassan cũng thường được mời tới nhà HLV van Hoesel ăn tối và chơi với 2 đứa con gái của ông. “Thật tuyệt khi có Hassan ở đây, bọn trẻ con rất yêu quý cô ấy”. 

Nhưng rồi sau khoảng hơn 1 năm, Hassan lựa chọn một huấn luyện viên khác người Ethiopia. HLV Van Hoesel không cảm thấy buồn vì điều đó. “Huấn luyện viên không bao giờ giữ được VĐV, mà chính VĐV sẽ lựa chọn người huấn luyện phù hợp”. Chỉ 2 cô con gái của ông là cảm thấy hơi lạ khi Hassan không còn đến nhà chơi thường xuyên nữa. Nhưng có lẽ đó là cách sống của những người châu Phi. Cuộc sống ở đó khắc nghiệt hơn, mỗi cá nhân phải vững vàng lựa chọn con đường đi của riêng mình…

Phần 2: Sifan Hassan: Từ cô bé tị nạn đến nhà vô địch Olympic xuất chúng

About the Author PhamBaoTung

  • […] với thời gian 65:16, phá kỉ lục đường đua do Sifan Hassan lập năm 2019 […]

  • >
    0 Shares