Thế là bạn đã có mặt ở vạch xuất phát trên phố Hopkinton vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ ba trong tháng Tư cùng hơn ba vạn runner từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Suốt mấy ngày vừa qua không khí nơi đây thật sôi sục, đi đâu cũng gặp runner với những chiếc áo gió thêu hình con kỳ lân một sừng, người dân địa phương nồng hậu tiếp đón runner và xem họ như những ngôi sao nhạc rock. Bạn có thể cảm nhận được niềm phấn khích lan tỏa khắp không gian đâu đây, trên thị trấn cổ xưa của tiểu bang Massachusetts.
Trước mắt bạn là cung đường sẽ đưa bạn đến 7 thành phố khác nhau của nơi chốn được mệnh danh là thánh địa chạy bộ. Bạn sẽ bay bổng từ vạch xuất phát, chạy qua đường hầm inh ỏi (scream tunnel) tại Wellsley để thoải mái ôm hôn các cô sinh viên xinh đẹp ở km thứ 21, bạn sẽ không quên được đám đông hai bên đường reo hò cổ vũ cho đến khi bạn tiến vào Copley Square của thị trấn Boston. Ở đây, ngay vạch kết thúc này, bạn sẽ vươn hai tay và ngẫng cao đầu để các nhiếp ảnh gia chụp cho bạn một tấm ảnh thật đẹp và nhớ đời. Ôi, nghe quá mê ly phải không?
Nhưng… Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ.
Nói chuyện với các bạn từng chạy giải Boston Marathon ai cũng bảo tôi rằng Boston là cung đường tiềm ẩn không ít thử thách. Thật khó mà tin được vì đây là đường đua có độ dốc tổng cộng là xuống thay vì lên (net downhill). Là một người đạt chuẩn thời gian để góp mặt ở Boston vào tháng 4 năm nay cho nên tôi bắt buộc phải quan tâm và tìm hiểu về cung đường này, mặc dù trong thâm tâm tôi dự định sẽ chạy để trải nghiệm thay vì đua lấy thành tích.
Thông thường các đường đua xuống dốc nhiều hơn lên dốc sẽ giúp giảm ảnh hưởng của lực hấp dẫn, do đó các cung đường này được gọi là sân chạy nhanh. Boston Marathon bắt đầu ở vùng ngoại ô xa xôi của Hopkinton với độ cao 150m so với mực nước biển và sau đó là hành trình xuống dốc đều đặn cho đến khoảng km thứ 14. Đường kết thúc có độ cao chỉ 3m trên Cảng Boston. Thêm vào đó, người hâm mộ chật kín hai bên cổ vũ; tuyến đường chạy thì thẳng tắp từ tây sang đông, ngoại trừ vài vòng cua 90 độ; mặt đường thì được trải nhựa, dễ chịu cho đôi chân hơn là dộng lên trên nền bê tông. Các yếu tố đó làm chúng ta phải nghĩ rằng đây là sân chạy dễ lấy kỷ lục cá nhân (PB). Nhưng… coi vậy chứ không phải vậy! Đời không như là mơ…
Theo các bảng thống kê những sân đua nhanh thì Boston lúc nào cũng được xếp hạng gần trên đỉnh, điều đó không có nghĩa đây là đường đua dễ chạy. Bảng thống kê thường dựa theo thời gian trung bình hoàn thành giải đua, mà những ai đã đạt chuẩn để chạy Boston, ngoại trừ một thiểu số mua bib lậu, đều có khả năng chạy rất nhanh cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thời gian trung bình của các runner ở Boston lúc nào cũng nhanh hơn ở các giải khác. Nếu muốn so sánh theo chuẩn mực thời gian hoàn thành thì cách tốt nhất là nhìn vào thành tích của các elites, chẳng hạn vô địch nam ở Boston 2019 là Lawrence Cherono về đích với thời gian 2:07:57 trong khi vô địch ở giải Berlin là 2:01:41 và Tokyo là 2:04:48. Người đạt chức vô địch ở Chicago 2019 cũng là Cherono với thời gian 2:05:45. Còn chức vô địch ở London 2019 thuộc về chân chạy marathon nhanh nhất thế giới hiện nay, Eliud Kipchoge, với thời gian 2:02:37. Không phải ngẫu nhiên mà Kipchoge chưa bao giờ tham gia chạy Boston.
Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ. Yếu tố đầu tiên là thời tiết. Boston như một cô gái khó tính, ở cô nắng mưa thất thường runner không thể lường được, có năm nóng kinh khủng như 2004, nhiệt độ lên đến 30 độ C và nhiều người phải nhập viện vì bị sốc nhiệt, nhưng rồi có hôm gió rét và mưa tuyết như năm 2018 các elites thay phiên nhau rụng như lá mùa thu. Đặc biệt những ngày không có mây, chạy từ Hopkinton đến Boston bạn sẽ bị mặt trời đốt cháy bên phải của cơ thể, nhằm lúc trời mưa thì đường trơn trượt như có thoa mỡ bò. Mưa xuống có thể làm bạn mát mẻ, không sợ thiếu nước, nhưng mưa cũng làm cho bộ quần áo bạn đang mặc nặng chình chịch. Ở giải đua Marines Corp Marathon 2019 các bạn của tôi chạy hôm đó kể lại rằng đôi giày của họ như nặng thêm cả kí lô. Rồi còn ẩm độ, ai cũng tưởng ở phía Bắc Hoa Kỳ không như tiểu bang Florida, Boston sẽ khô ráo, nhưng sự thật ở đây cũng có những ngày ẩm ướt không thua gì miền Nam nước Mỹ, mà một khi không khí bị ẩm thì khó có thể cho cơ thể chúng ta thải nhiệt. Nói chung, thời tiết ở Boston vào mùa Xuân rất khó lường trước được, năm 2007 trời rét căm căm cộng thêm gió lạnh thấu xương, nhưng đến năm 2012 thì nhiệt độ chạm ngưỡng 30 độ C và hơn nghìn runner phải nhập viện.
Yếu tố thứ hai là cao độ, mặc dù mang tiếng là “net downhill” nhưng đổ dốc không phải lúc nào cũng là tốt, đặc biệt đối với những ai không quen tập dốc, kết quả là hai đùi trước và đầu gối sẽ phải gánh chịu nhiều lực khi phải liên tục lao nhanh ở gần 15km đầu tiên sau khi xuất phát. Các con dốc lên của Boston cũng tàn ác không kém, đặc biệt ở từ km thứ 26 đến 34, khi mà lượng đường cơ thể bắt đầu cạn kiệt thì những con dốc ở đây sẽ hiện ra. Nhiều người từng chạy Boston cho rằng các con dốc ở Boston như được đặt ra để hành hạ người chạy, và ngọn đồi mang tên Vỡ Tim (Heartbreak Hill) là một miêu tả chính xác. Những con dốc xuống ở đoạn đầu như muốn xui khiến runner chạy thật nhanh để mau hết sạch năng lượng và ê ẩm đôi chân, rồi những con dốc lên ở gần cuối khi cơ thể cạn kiệt năng lượng và đôi chân quá rã rời. Đúng là một sự sắp xếp tinh vi để dẫn đến thảm họa!
Yếu tố thứ ba là gió. Nếu là cung đường tới lui hay lập vòng thì bạn còn trải nghiệm được gió trước mặt và sau lưng, nhưng Boston là đường chạy point-to-point, do đó gió có thể ở sau lưng bạn hoặc thổi vào mặt bạn xuống hết quảng đường 42km, chúng ta chỉ cầu nguyện là gió thổi từ đằng sau vào ngày giải đua diễn ra. Nếu gió thổi vào mặt thì bạn có thể núp gió đằng sau lưng người khác, nhưng rất tiếc là Boston không có pacer, nên bạn phải thay phiên che gió cho nhau, chứ núp gió đằng sau bạn nào đó mãi chắc chắn sẽ bị ăn chửi. Gió từ đằng sau chắc chắn sẽ giúp chúng ta có PB nhưng gió mạnh quá cũng có thể khiến chúng ta chạy nhanh hơn tốc độ trong luyện tập và rất dễ dẫn đến bị chuột rút.
Yếu tố cuối cùng là các góc cua. Khi đường đua được đo thì nó nhắm vào đoạn ngắn nhất, có nghĩa là bạn phải ôm cua thật sát thì mới không bị chạy quá lố. Tuy nhiên ở một giải đua với hơn 30 nghìn người thì chạy sát góc là điều không phải dễ.
Qua 4 yếu tố ở trên thì chúng ta có thể phần nào chuẩn bị thật tốt để có một giải đua tốt đẹp. Những con dốc thử thách có thể khắc phục được nếu chúng ta chịu khó tập chạy dốc, gặp ngày trời gió thì kiếm người to xác hơn mình để nấp gió, ở các góc cua thì chấp nhận phải chạy đường dài hơn tí. Chỉ có yếu tố thời tiết là nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Đành rằng Đời Không Như Là Mơ, nhưng không ai đánh thuế giấc mơ cả. Chúng ta hãy mơ ước và cầu nguyện rằng vào ngày 20 tháng 4 sắp tới đây sẽ là một ngày mát mẻ, nhiều mây. Và, cầu trời gió không quá mạnh, thổi từ hướng Tây Nam thổi đến. Cuối cùng, chúng ta phải chấp nhận đua marathon tức là chịu nếm nỗi đau ngọt ngào, nếu trời có mưa to gió lớn, bão tuyết rét cắt da cắt thịt thì không phải chỉ mỗi mình bạn gánh chịu, ba vạn runner khác cũng bị hành hạ như bạn mà. Và suy cho cùng, có biết bao nhiêu runner đang mơ ước được trải nghiệm vết thương đau ngọt ngào mà chúng ta sắp có được.
Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
Tôi thì mong thời tiết năm nay cứ “mát mẻ” như năm 2018 là ok :))). Chí ít cũng hy vọng được chứng kiến nỗ lực của các bạn runner Việt Nam. Chạy Boston như vậy mới thực sự đáng nhớ. Ngoài ra thì những nụ hôn trong mưa ở km 21 chẳng phải rất lãng mạn sao?!
[…] Boston Marathon: Đời không như là mơ […]
[…] Boston Marathon: Đời không như là mơ […]