Sinh ra để chạy. Chương 5

cb-running

BORN TO RUN – SINH RA ĐỂ CHẠY

CHƯƠNG 5

Phần 1

“Đúng vậy, anh phải ở dưới này một thời gian rất dài trước khi họ cảm thấy thoải mái với anh” – Đêm đó, tôi được Ángel Nava López, người đang quản lý ngôi trường dành cho người Tarahumara ở Munerachi cách đó vài dặm xuôi theo dòng sông từ túp lều của gia đình Quimare chia sẻ. “Anos y anos – phải mất nhiều năm. Như Caballo Blanco.”

“Chờ đã,” tôi ngắt lời anh ta. “Ai cơ?”

Ngựa Trắng, Ángel giải thích, là một người đàn ông da trắng bóc, cao, gầy, nói bằng thứ tiếng kỳ lạ của riêng mình và hay xuất hiện từ các ngọn đồi mà không báo trước, cứ bỗng chốc xuất hiện trên đường mòn và lê bước vào nhà. Anh ta xuất hiện lần đầu tiên cách đây mười năm, không lâu sau bữa trưa vào một buổi chiều Chủ nhật nóng bức. Người Tarahumara không có chữ viết, lại càng không có các ghi chép về những lần chạm trán với những con người kì quặc, nhưng Ángel lại biết chắc như đinh đóng cột rằng cuộc chạm trán đó diễn ra ngày nào, năm nào và kỳ lạ đến đâu, bởi vì anh ta chính là người trong cuộc.

Ángel vừa về đến nơi, sau khi đi quan sát các tường vách của thung lũng để theo dõi lũ trẻ quay trở về trường. Học sinh của anh ta ngủ lại trường trong tuần, và toả đi vào Thứ Sáu, leo lên các ngọn núi cao để trở về nhà của chúng. Vào Chủ Nhật, chúng lại thong thả đi đến trường. Ángel thích đi đếm học sinh khi chúng đi tới, đó là lý do tại sao tình cờ anh ta lại đang ở ngoài vào buổi trưa nắng nóng khi hai đứa trẻ đi từ trên triền núi xuống, nước mắt vòng quanh.

Hai đứa chạy hết sức bình sinh tới con sông, rồi vội vàng lội qua như thể đang bị ma quỷ đuổi bám. Và khi về tới trường, chúng bám chặt lấy Ángel như thể đã gặp quỷ thật.

Bọn trẻ đang đi chăn dê trên núi, chúng kể, khi một giống vật kì quặc phóng qua các hàng cây phía trên chúng. Sinh Vật đó có hình dáng con người, nhưng lại cao hơn bất kỳ người nào chúng đã từng nhìn thấy. Nó trắng bệch và xương xẩu như một cái xác, và có các lọn tóc màu lửa chĩa ra từ hộp sọ. Nó cũng chẳng mặc quần áo. Với một cái xác trần truồng khổng lồ, Sinh Vật này chạy khá nhanh; nó biến mất vào bụi cây trước khi mấy thằng bé kịp nhìn kỹ hơn.

Mà chúng cũng chẳng dám ở lại để nhìn ngó thêm. Hai thằng bé cúp đuôi chạy vội về làng, băn khoăn không hiểu chúng vừa nhìn thấy ai, hay cái gì. Tuy vậy, sau khi tới chỗ Ángel, chúng bắt đầu trấn tĩnh lại, hít thở sâu, và rồi nhận ra đó là ai.

“Đó là chuhuíl đầu tiên mà em thấy,” một thằng bé nói.

“Một con ma á?” Ángel nói. “Tại sao em lại nghĩ nó là ma?”

Tới lúc này, nhiều già làng người Rarámuri đã thong thả đi tới để biết điều gì vừa xảy ra. Lũ trẻ kể lại câu chuyện, mô tả dáng vẻ như bộ xương của Sinh Vật, mớ tóc bù xù của nó, cái cách mà nó chạy trên đường mòn phía trên bọn chúng. Các già làng nghe hết câu chuyện, rồi sau đó chấn chỉnh lại bọn trẻ. Các cái bóng trong thung lũng có thể bày trò với tâm trí của bất kỳ ai, do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trí tưởng tượng của lũ trẻ lại đi xa đến thế. Nhưng chúng không nên làm cho đám nhóc bé hơn hoảng sợ với các câu chuyện kì dị.

“Nó có bao nhiêu chân?” các già làng hỏi.

“Hai ạ.”

“Nó có nhổ nước bọt vào các cháu không?”

“Không ạ.”

À, vậy là rõ rồi. “Đó không phải là ma,” các già làng bảo. “Đó chỉ là một ariwará.”

Linh hồn của người chết; đúng thế, như vậy có lý hơn nhiều. Ma là các cái bóng độc ác đi lại vào ban đêm, bò trên cả bốn chân, giết lũ cừu và nhổ nước bọt vào mặt con người. Các linh hồn người chết thì khác, chúng không làm hại ai và chỉ giải quyết nốt các vướng bận trần gian. Ngay cả đối với cái chết, người Tarahumara vẫn tôn thờ sự trốn chạy. Sau khi chết đi, linh hồn của họ lang thang khắp nơi để lấy lại các dấu chân, hoặc các sợi tóc do cái xác để lại. Cách mà người Tarahumara cắt tóc là kéo căng tóc qua một cái chạc cây rồi cứa đứt bằng một con dao, vì vậy, các đụn tóc thừa cần phải thu lại hết. Sau khi linh hồn người chết đã xoá sạch tất cả các dấu vết của mình trên mặt đất, nó mới có thể đi vào cõi vĩnh hằng.

“Chuyến đi đó kéo dài ba ngày,” các già làng nhắc nhở mấy đứa nhỏ. “Nếu là phụ nữ, thì mất bốn ngày.” Vì vậy, dĩ nhiên là ariwará sẽ có đầu tóc bù xù, với đám tóc bị cắt rời đó cắm ngược trở lại trên đầu; và đương nhiên là nó sẽ đi nhanh nhất có thể, vì nó chỉ có vài ngày để hoàn thành biết bao nhiêu việc. Nghĩ lại thì bọn trẻ thật phi phàm khi nhìn thấy được một ariwará; linh hồn của người Tarahumara thường chạy rất nhanh, tất cả những gì bạn nhìn thấy là một đám bụi cuốn lên trên mặt đất. Ngay cả khi đã chết, các già làng nhắc nhở bọn trẻ, thì họ vẫn là những Người Chạy Bộ.

“Các cháu sống được là vì cha các cháu có thể chạy đuổi được một con hươu. Cha các cháu sống được là vì ông nội các cháu có thể chạy nhanh hơn một con ngựa chiến của người Apache. Khi ta bị trì xuống bởi xác thịt mà còn chạy nhanh được đến vậy, thì các cháu thử tưởng tượng xem mình sẽ lướt nhanh thế nào khi vứt bỏ nó.”

Ángel ngồi nghe và băn khoăn rằng anh ta có nên chỉ ra một khả năng khác hay không. Ángel là một trường hợp bất thường ở Munerachi, một người Mexico lai Tarahumara, đã rời hẳn khỏi vùng thung lũng trong một thời gian và đi học ở một ngôi làng Mexico. Anh ta vẫn đi dép xăng đan truyền thống của người Tarahumara và buộc tóc bằng dây koyera, nhưng không giống các già làng xung quanh mình, Ángel mặc quần dài vải thô thay vì mặc váy. Con người bên trong của anh ta cũng đã thay đổi; mặc dù vẫn thờ các vị thần của người Tarahumara, nhưng anh ta vẫn băn khoăn không biết Vật Kỳ Lạ chạy trên hoang mạc đó liệu có phải chỉ là một chabochi lang thang từ thế giới bên ngoài vào hay không.

Giả dụ như vậy, thì việc đi cùng trên đường mòn với một hồn ma lang thang vẫn có vẻ an toàn hơn. Chưa ai từng đi vào sâu tận đây, trừ khi họ có lý do nào đó quan trọng. Có thể anh ta là một kẻ lẩn trốn pháp luật? Một ẩn sỹ đi tìm kiếm ảo mộng? Hay một gã đào vàng bị sức nóng làm thành điên loạn?

Ángel nhún vai. Một chabochi đơn độc có thể là bất kỳ ai trong số những kẻ nói trên, và vẫn không phải là người đầu tiên xuất hiện trong lãnh thổ của người Tarahumara với một trong các lý do đó. Như một định luật tự nhiên (hoặc siêu nhiên, nếu bạn cứ nhất định như vậy), rằng những điều kỳ quặc thường xuất hiện ở những nơi mà con người hay biến mất. Rừng rậm châu Phi, các hòn đảo ngoài Thái Bình Dương, các vùng đất hoang ở Himalaya – cứ nơi nào có các đoàn thám hiểm bị mất tích, là nơi đó lại xuất hiện các loài vật đã mất, những người xếp đá kiểu Stonehenge, bóng thấp thoáng của người tuyết, và các binh sĩ Nhật không chịu đầu hàng từ thời xa xưa.

Vùng Copper Canyons cũng chẳng phải ngoại lệ, và theo cách nào đó, thì còn tệ hơn. Vùng Sierra Madre là đường nối của một dãy núi trải dài không đứt đoạn từ Alaska tới Patagonia. Một kẻ liều lĩnh có kinh nghiệm tìm đường có thể cướp nhà băng ở Colorado và lẩn trốn vào Copper Canyons, chạy cắt qua các lối mòn hoang vắng và hoang mạc mà không tới gần bất kỳ con người nào trong vòng mười dặm.

Là chỗ trú ẩn an toàn lộ thiên tốt nhất trên lục địa, tự nhiên, Copper Canyons không chỉ sản sinh ra những con người dị thường, mà còn thu hút những kẻ dị thường kéo đến. Vài trăm năm qua, vùng thung lũng này đã là nơi chốn cho đủ thành phần bất hảo: các băng cướp, ẩn sỹ, những kẻ sát nhân, những kẻ ăn thịt người, các chiến binh da đỏ Comanche, kẻ cướp người da đỏ Apache, những người đi khai khoáng bị hoang tưởng, và phiến quân của Pancho Villa đã thoát khỏi vòng truy đuổi bằng cách lẩn trốn vào vùng Barrancas.

Geronimo đã từng trốn vào vùng Copper Canyons khi anh ta lẩn tránh khỏi kị binh Hoa Kỳ. Cả người được anh ta bảo trợ, Nhóc Apache, kẻ có khả năng “di chuyển như bóng ma trên sa mạc”, như một người chép sử từng nói, cũng từng lẩn trốn ở đây. “Hắn không theo một quy luật nào. Không ai biết hắn sẽ xuất hiện lần tiếp theo ở đâu. Cảm giác hoang mang luôn thường trực khi bạn chăn gia súc, hay đi khai mỏ, mà mỗi cái bóng, mỗi tiếng động nhẹ, đều có thể là Nhóc Apache đang tiến lại để ra tay hạ sát”. Một cư dân luôn sống trong lo lắng ở vùng này đã miêu tả chính xác nhất: “Thường thì, khi bạn nhìn thấy Nhóc Apache, thì đã là quá muộn.”

Đuổi theo họ vào trong mê cung này đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro không bao giờ quay ra được nữa. “Nhìn ngắm thiên nhiên ở đây thì thật là hùng vĩ; nhưng đi lại trong đó, thì chẳng khác nào địa ngục”, một đại uý kỵ binh Hoa kỳ tên là John Bourke đã viết như vậy sau khi suýt mất mạng trong một cuộc truy đuổi Geronimo bất thành trong vùng Copper Canyons. Tiếng một viên sỏi lăn qua lách cách có thể vang vọng khắp nơi đến phát điên, càng ngày càng to hơn chứ không chìm xuống, âm thanh đó nảy qua phải, qua trái rồi vang qua trên đầu. Hai cành bách tròn cọ vào nhau có thể khiến cả một đại đội kị binh vội vàng rút súng, những cái bóng của chính họ vặn xoắn một cách ma quái trên các vách đá khiến họ hoảng loạn tìm kiếm khắp mọi phía.

Không chỉ các tiếng vọng và những hình ảnh tưởng tượng thót tim làm cho Copper Canyons trở nên ma mị; sự dằn vặt này có thể chuyển thành nỗi dày vò khác nhanh đến mức khó có thể không tin rằng vùng Barrancas được bảo vệ bởi các linh hồn giận giữ, với một sự hài hước ác độc. Sau nhiều ngày chịu đựng ánh mặt trời tàn nhẫn thiêu đốt, binh lính có thể sẽ phấn khởi khi nhìn thấy một vài đụn mây đen. Nhưng chỉ trong vài phút, họ sẽ bị kẹt trong một cơn nước lũ mạnh hơn vòi cứu hoả, và chạy toán loạn trong nỗi tuyệt vọng để trốn lên các gờ tường đá trơn trượt. Đó chính xác là cách mà một kẻ nổi loạn người Apache tên là Massai đã quét sạch một tiểu đội kỵ binh: “Bằng cách đưa họ vào một hẻm núi cạn vừa đúng lúc để bị cuốn đi bởi một cơn mưa giông miền núi.”

Vùng Barrancas hiểm ác tới mức, ngay cả một ngụm nước cũng có thể giết chết bạn. Thủ lĩnh da đỏ Apache Victorio thường dẫn các toán kị binh Hoa Kỳ theo một cuộc đuổi bắt kiểu mèo vờn chuột vào sâu trong vùng thung lũng, và rồi nằm chờ gần một hố nước. Các kị binh chắc chắn phải biết rằng anh ta ở đó, nhưng không thể chống chọi với bản thân. Bị lạc lối và điên loạn bởi sức nóng, họ thà nhận một cái chết nhanh chóng từ một viên đạn vào đầu hơn là dần dần chết ngạt bởi cái lưỡi khát khô sưng phồng.

Ngay cả những tay cừ khôi nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ cũng không chống cự nổi vùng Barrancas. Khi các đạo quân của Pancho Villa tấn công một thị trấn ở New Mexico vào năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilson đã đích thân ra lệnh cho cả Pershing Xì dách (Black Jack Pershing) và George Patton phải lùa hắn ra khỏi hang ổ ở Copper Canyon. Mười năm sau, con Báo Đốm vẫn nhởn nhơ. Ngay cả khi có đầy đủ lực lượng hùng hậu của quân đội Hoa Kỳ, Patton và Pershing vẫn bị lúng túng trước mười nghìn dặm hoang mạc, với nguồn thông tin duy nhất là người Tarahumara, những người thường xuyên biến mất khi chỉ nghe thấy một tiếng hắt xì. Kết quả là: cả Tướng quân Xì dách lẫn Tướng quân Gạo cội Máu và Gan lì, những người có thể hạ gục quân Đức trong hai cuộc thế chiến, đều phải chịu thúc thủ trước vùng Copper Canyons.

Thời gian trôi qua, các nhà cầm quyền Mexico đã tìm ra được một chiến lược tỉnh táo hơn. Họ nhận ra rằng, địa ngục dành cho những người truy đuổi, thì chẳng thể tốt đẹp gì hơn cho những kẻ bị truy đuổi. Bất kỳ điều gì xảy đến với những kẻ trốn chạy trong đó – cơn đói, thú dữ tấn công, bị loạn trí, bản án chung thân dưới hình thức giam hãm tự nguyện trong cô độc – có thể còn đáng sợ hơn bất kỳ hình phạt nào mà hệ thống toà án Mexico có thể đề ra. Vì vậy, thường thì các nhà chức trách liên bang sẽ ghìm cương ngựa và để mặc cho lũ kẻ cướp đã vào tới vùng thung lũng tự thử vận may của mình với nhà tù do chúng tự tạo ra.

Nhiều người mạo hiểm đã lẻn vào đây và không bao giờ quay trở ra, tạo nên danh tiếng cho vùng thung lũng này như Tam giác quỷ Bermuda vùng biên giới. Nhóc Apache và Massai đã cưỡi ngựa theo Lối mòn Bạch cốt vào Copper Canyons lần cuối cùng và không ai còn nhìn thấy họ nữa. Ambrose Bierce, nhà báo chuyên trang nổi tiếng và là tác giả của cuốn sách bán chạy The Devil’s Dictionary, được kể là đang trên đường tới một điểm hẹn với Pancho Villa vào năm 1914 khi anh ta bị cuốn vào theo sức hút của Copper Canyons và mất tăm mất tích. Cứ thử tưởng tượng Anderson Cooper biến mất khi đang làm nhiệm vụ cho CNN, và bạn sẽ hình dung được cuộc tìm kiếm dành cho Bierce lớn tới mức nào. Nhưng chẳng ai tìm thấy nổi một dấu vết.

Có phải những linh hồn lạc lối trong vùng thung lũng đã phải chịu một số phận nghiệt ngã, hoặc các số phận nghiệt ngã của họ chồng lấn lên nhau? Chẳng ai có thể biết được. Ngày trước, họ có thể bị giết bởi sư tử núi, bọ cạp, rắn cạp nong, cơn khát, cái lạnh, cơn đói hoặc cơn sốt thung lũng, còn bây giờ, bạn có thể thêm một viên đạn bắn tỉa vào danh sách này. Kể từ khi các băng đảng ma tuý chuyển vào vùng Copper Canyons, chúng bảo vệ mùa màng của mình bằng các ống ngắm viễn vọng mạnh tới mức có thể thấy rõ sự lay động của một chiếc lá ở cách đó vài dặm.

Điều đó khiến Ángel băng khoăn rằng liệu anh ta có thể nhìn thấy Sinh Vật kia được hay không. Ngoài đó, quá nhiều thứ có thể giết chết kẻ này, và điều đó có thể sẽ xảy ra thật. Nếu Sinh Vật đó không biết là phải giữ khoảng cách với các cánh đồng cần sa, thì anh ta thậm chí sẽ chẳng kịp nghe thấy tiếng súng đã bắn nát đầu mình.

….
(còn tiếp)

About the Author chay365

follow me on:
>
7 Shares