Ghi chép của một VĐV tham gia giải chạy vượt núi 100km Thạch Lâm Hoàng Hà, nơi có 21 VĐV tử nạn.
Chiều đó (hôm xảy ra vụ tai nạn), một người bạn nhờ tôi ghi lại những điều đã xảy ra, tôi cứ lưỡng lự không biết có nên viết hay không. Suy đi tính lại, tôi quyết định bỏ qua ý tưởng này.
Bởi vì có quá nhiều vận động viên vẫn còn ở trên núi, chưa biết sống chết ra sao…
Nhưng trong một nhóm chạy ở Cáp Nhĩ Tân, khi biết rằng trước đó tôi có tham gia cuộc đua thảm khốc ở Thạch Lâm Hoàng Hà, một người bạn nhìn thấy video đăng lại cảnh một vận động viên bị giảm thân nhiệt nên hỏi tôi xem đã xảy ra chuyện gì. Tôi có nói câu gì đó, rồi đoạn chat được lưu truyền, và chẳng bao lâu sau đoạn chat đó xuất hiện trong một số hội chạy bộ mà tôi có tham gia. Một biên tập viên chạy bộ kết bạn với tôi và nói rằng anh ta muốn phỏng vấn các vận động viên, tôi từ chối thẳng thừng.
Điều này [việc có nhiều đồn đoán liên quan tới giải đấu] khiến tôi không còn do dự được nữa. Để tin tức khỏi một chiều và bát nháo, tôi sẽ ghi lại ngay bây giờ.
Bài viết này là trải nghiệm cá nhân của tôi, không có ảnh và không có video, chỉ có ghi chép. Rất nhiều hình ảnh và video đã được đưa lên mạng. Do tôn trọng các bên trong ảnh và hoàn toàn không biết họ có an toàn sau vụ tai nạn hay không, bài viết này sẽ không đăng tải những thứ như vậy.
Giải chạy siêu marathon đường núi 100km Thạch Lâm Hoàng Hà được tổ chức tại khu danh thắng Thạch Lâm Hoàng Hà, huyện Cảnh Thái, thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Đây là một sự kiện thể thao do khu danh thắng này tổ chức để quảng bá du lịch, nằm dưới sự quản lý của Sở Thể thao thành phố Bạch Ngân, Đảng ủy và UBND huyện Cảnh Thái. Đơn vị điều hành là Ban quản lý Khu danh thắng Thạch Lâm Hoàng Hà và Công ty TNHH Phát triển Văn hóa Thể thao Thịnh Cảnh Cam Túc.
Giải đua đã được tổ chức bốn lần. Mấy lần trước, công tác tổ chức cũng tàm tạm. Nhưng chỉ cần về đích là nhận được số tiền hỗ trợ 1600 tệ (tương đương khoảng 6 triệu VND) nên các vận động viên khá hào hứng. Dù sao đi nữa, nếu trừ đi phí đăng ký 1000 tệ, khi về đích bạn vẫn còn đút túi 600 tệ, về cơ bản trang trải được các chi phí tham gia cho vận động viên.
Cung đường của giải vượt núi 100km Thạch Lâm Hoàng Hà được coi là dễ dàng nhất trong số các giải 100km ở Trung Quốc. Điều này có thể dựa trên hai yếu tố. Đầu tiên, tổng chặng đường leo núi không lớn, và độ dốc tích lũy chỉ khoảng 3000m. Thứ hai, đường chạy nói chung không khó. Nếu so sánh với các giải đua vượt núi 100km khác, cơ bản có thể chạy được khá nhanh.
Nhưng theo tôi, 100 km này không đơn giản. Thứ nhất, đường đua ở độ cao khoảng 2000m. Đối với các chân chạy đồng bằng, như thế được coi là cao, và nằm ngoài các khu danh thắng. Phần lớn đường đua ở khu vực không có dân cư. Thứ hai là thời gian chốt chặng (cut-off time, COT) chỉ 20 tiếng. Do đó những người tham gia chỉ để “khoe mẽ” trên internet không thể đăng ký, vì ít khả năng họ có thể hoàn thành cuộc đua trong vòng 20 giờ.
Ở giải chạy năm nay, đơn vị tổ chức vẫn vậy. Tuy nhiên, tại cuộc họp kỹ thuật vào tối 21/5, giám đốc đường đua nói rằng cung đường có thay đổi đôi chút. Một số thành viên ban tổ chức là những gương mặt mới. Tôi nhận thấy những nhân sự mới này khá đáng tin cậy.
Xem thêm: Thiết kế cung đường cho giải chạy địa hình và vai trò của giám đốc đường đua
Như đã nói ở trên, địa phương tham gia rất sâu vào sự kiện thể thao này. Tất nhiên, điều này không liên quan gì đến công tác tổ chức giải đua. Nguyên nhân không phải là vì có nhiều quan chức tham gia, mà vì sự kiện này phải được tổ chức tốt. Bạn nào từng tham gia giải đều biết điều này.
Ngay cả khi công tác tổ chức không được hoàn toàn ưng ý thì sau vài mùa, Thạch Lâm Hoàng Hà vẫn có thể được coi là một giải chạy uy tín. Đường đua mấy năm nay không thay đổi, các nhân viên, tình nguyện viên và các nhân sự liên quan đều nắm vững cung đường. Thêm nữa, các năm trước không hề có một vấn đề nào nảy sinh, dù là nhỏ nhất. Một số vận động viên không hoàn thành có phàn nàn về thời gian chốt chặng ở nửa đầu quá gắt. Họ cho rằng ban tổ chức cố tình gạt bỏ bớt vận động viên để tiết kiệm chi phí. Dù sao đi nữa, bớt đi 10 người về đích là đã tiết kiệm được 16000 tệ rồi.
Tuy nhiên, năm nay, một số chi tiết đã được thể hiện rõ cho mọi người đều thấy, chẳng hạn như sơ đồ đường chạy được trình bày tường minh. Có cảm giác như giải đấu có ít người tham gia hơn và tổ chức chu đáo hơn.
Thế nhưng giải năm nay có một vấn đề đã xảy ra, và đó là vấn đề nghiêm trọng.
Đó là thời tiết, thời tiết cực kỳ khắc nghiệt.
Ngay cả bản tin dự báo ngày 21/5 cũng không dự báo được thời tiết khắc nghiệt cho ngày hôm sau.
Vào ngày 22/5, buổi sáng chỉ có nắng và nắng. Thậm chí còn có dấu hiệu trời nóng lên trước khi chúng tôi lên xe bus để tới vạch xuất phát.
Tại thời điểm xe bus đưa chúng tôi tới điểm xuất phát, bầu trời trở nên u ám, rồi gió nổi lên với sức gió cấp 4, cấp 5. Nhiệt độ lập tức giảm xuống. Tôi đã tham gia các giải chạy vượt núi 100 km. Lần này, tôi chạy vài kilomet để khởi động trước khi bước vào cuộc đua, điều tôi chưa bao giờ làm trước đó. Điều khó chịu là sau khi chạy vài kilomet như vậy, người tôi vẫn không ấm lên.
Cuối tháng Năm, Bạch Ngân đã vào hạ. Dựa vào kinh nghiệm các giải trước, áo khoác không được đưa vào danh sách những trang bị bắt buộc phải có. Chỉ có tờ hướng dẫn của Ban tổ chức khuyên người chạy nên chuẩn bị áo gió. Không một ai phản đối điều này cả. Áo khoác của tôi được cất trong túi trung chuyển và giữ tại điểm kiểm tra số 6 (CP6), ở kilomet số 62. Thường thì tôi có thể tới đó trước khi trời tối.
Còn một điểm nữa, Ban tổ chức nhận đồ tiếp tế của vận động viên vào đêm trước của cuộc đua. Nếu họ nhận đồ ký gửi vào buổi sáng hôm đua, rất có thể nhiều người sẽ mặc áo khoác để chạy.
Do tiền thưởng cho 10 vị trí đầu bảng rất cao, và ngay cả ngoài top 10 vẫn nhận được khoản hỗ trợ 1600 tệ nếu hoàn thành, nên năm nào cũng vậy, khá nhiều chân chạy số má tham dự giải. Tại vạch xuất phát, các cao thủ mặc quần lửng, run lập cập chờ đợi. Tiếng súng lệnh vang lên, họ lao về phía trước như những mũi tên.
Ở đoạn đầu, có vài kilomet đổ dốc trên con đường đầy gió. Mọi người đều lợi dụng xuống dốc để nhanh chóng làm ấm cơ thể. Ít nhất là tôi nghĩ vậy.
Vấn đề là khi xuất phát lúc 9h, gió vẫn tiếp tục mạnh lên, và trên đường chạy xuống con dốc này, tôi không biết bao nhiêu người đã bị thổi bay mũ, phải dừng lại để nhặt.
Từ điểm xuất phát tới CP1, đường chạy chủ yếu ở trong khu danh thắng, giữa các khe núi đá nên được rừng đá chắn bớt gió. Sau CP1 là bình nguyên Gobi, nhưng trước CP2, hầu hết đường chạy đều xuôi gió nên vẫn ổn.
Trước khi tôi tới được CP2, trời bắt đầu mưa, từ mấy giọt lác đác cho đến khi mưa dày hạt. Lúc này khoảng 10h30.
Sau CP2, rắc rối mới thực sự bắt đầu.
Trước tiên là ngược gió. Sức gió bắt đầu tăng tới cấp 7, cấp 8, và mưa mỗi lúc một dày hạt. Gió kết hợp với mưa quất vào mặt, giống như những viên đạn, rất đau. Có đeo kính cũng chẳng thấy gì, nhưng không đeo kính thì mắt không thể nào mở được trong mưa gió, chỉ có thể he hé nhìn nghiêng, và tầm nhìn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phần khó khăn nhất của đường chạy Thạch Lâm Hoàng Hà nằm ở đoạn này. Từ CP2 đến CP3 dài 8km, phải leo 1000m dốc, chỉ có leo lên thì mới không bị ngã. Ngọn núi này đá lẫn với cát, và nhiều đoạn rất dốc.
Trong các giải trước, phần này cực khó. Vận động viên cần phải dùng cả tay lẫn chân mới trèo lên được. Đoạn này xe máy không lên được, vì vậy CP3 không có hỗ trợ tiếp tế gì cả. Nghĩa là ngay cả khi bạn có trèo được lên đỉnh núi thì cũng chẳng bổ sung được gì. Không thức ăn, không nước uống, nước ấm lại càng không. Ngọn núi trơ trọi không có nơi nào để nghỉ ngơi, muốn quay về cũng không được, chỉ có thể đi tới CP4.
Nhưng ngày hôm nay, rắc rối trở nên lớn gấp nhiều lần. Càng leo lên cao, mưa càng to, gió càng lớn, nhiệt độ càng giảm, và thân nhiệt cũng giảm.
Xem thêm:
Khi trèo lên, tôi thấy vận động viên bỏ cuộc đầu tiên đang bước từ trên đỉnh núi xuống, nói rằng lạnh quá không chịu nổi. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: Anh ấy vừa từ bỏ 1600 tệ sao? Về sau mỗi lần nghĩ tới điều này, tôi chỉ muốn tát cho mình một cái .
Tôi tiếp tục leo lên, thêm một số vận động viên nữa lần lượt đi xuống. Kể cả các cao thủ.
Tình hình của tôi ngày càng trở nên tồi tệ. Khắp người ướt sũng, kể cả giày lẫn tất. Gió mạnh tới mức không chịu nổi. Tôi cứ sợ bị thổi văng xuống núi. Càng lúc càng lạnh quá sức chịu đựng. Tôi thấy một nơi trú khá ổn nên lấy chăn giữ nhiệt ra quấn quanh người. Gió thổi bay mất nên chẳng còn chăn mà dùng nữa. Còn có một cái chăn giữ nhiệt khác dành cho vận động viên, nhưng cũng bị gió xé tơi tả.
Tôi đeo một đôi găng tay thủng ngón và dùng gậy trekking. Tay tôi lạnh cóng, vì vậy tôi kẹp gậy xuống dưới nách và chậm chạp leo lên đỉnh núi.
Chẳng mấy chốc tôi thấy mười đầu ngón tay mất dần cảm giác. Đây là tình huống chưa bao giờ xảy ra, trừ phi vào mùa đông ở vùng Đông Bắc. Tôi cho ngón tay vào miệng và thấy có thể giữ được một lúc, nhưng ngón tay của tôi vẫn không có cảm giác, còn lưỡi tôi thì tê cóng.
Tại thời điểm này, tôi quyết định bỏ cuộc và đi xuống núi.
Tôi chỉ muốn xuống càng nhanh càng tốt và tìm chỗ nào ấm áp càng nhanh càng tốt, nhưng không thể.
Leo lên dễ hơn leo xuống rất nhiều, đặc biệt là trong địa hình cực dốc này. Đá trơn trượt, mắt chỉ nhìn thấy lờ mờ. Cơ thể tôi run lên cầm cập, không tài nào kìm được.
Tôi dò dẫm từng bước nhỏ, với một cảm giác mơ hồ bao trùm. Càng run càng cảm thấy mơ hồ. Tôi chỉ có một niềm tin duy nhất. Tôi phải kiên trì xuống tới chân núi, ngay cả nếu tôi muốn khuỵu ngã thì phải khuỵu ngã ở chân núi.
Tôi nghĩ mình may mắn khi kịp thời quyết định vào giây phút cuối cùng. Tại thời điểm tôi quyết định DNF là lúc thân nhiệt chuẩn bị giảm, một thời khắc quan trọng. Và khi tôi đi xuống thì thân nhiệt bắt đầu giảm.
Như vậy, nếu như tôi không kịp thời bỏ cuộc, bước tiếp theo có thể sẽ là bất ngờ ngã lăn ra lúc nào không biết.
Tụt thân nhiệt là điều kinh khủng. Lý do vì trong thời tiết khắc nghiệt như ngày hôm nay, những vận động viên bị mất nhiệt ở khúc đua khó khăn nhất của chặng đua.
Tôi về tới ven núi, và được nhân viên đội cứu hộ Blue Sky dẫn tới một căn nhà gỗ nơi có khoảng mười vận động viên đã về từ trước. Ngồi trong ca bin chờ cứu hộ khoảng một tiếng, số người lên tới gần năm mươi người.
Khi tôi leo xuống núi, những vận động viên đang tiếp tục cuộc đua vẫn còn tỉnh táo. Khi tôi xuống núi, vẫn có rất nhiều người đi lên. Thế rồi tôi nghe những người bỏ cuộc khi quay về cabin kể rằng họ thấy một số người bị ngã, nằm bất động ven đường, sùi bọt mép (các nhóm chạy có ghi lại video). Một người nói rằng có một người tầm sáu mươi tuổi nói rằng “không còn trụ được nữa.” Anh ta nhờ đội cứu hộ Blue Sky lên núi cứu ông ấy càng nhanh càng tốt. May mắn là họ cứu được ông ấy.
Khi bước vào lán nghỉ, môi tôi hồng hào và không có vấn đề gì nghiêm trọng. Đối với những vận động viên còn ở trên núi, đội cứu hộ không làm được gì tại thời điểm đó. Họ chỉ biết dùng bộ đàm để liên lạc với ban tổ chức.
Hơn một tiếng sau, một nhân viên cứu hộ bảo rằng xe không vào tới được, nếu các anh còn đi được thì hãy quay lại CP2 và ngồi xe quay về vạch đích. Nếu không đi được thì chỉ có thể chờ cứu hộ.
Tôi đi xuống núi cùng một nhóm và quay lại CP2. 20 người lên một chiếc minibus. Chúng tôi là nhóm vận động viên đầu tiên rút lui an toàn về vạch đích. Lúc này khoảng 16h.
Xem thêm: DLUT 2020: Tại sao tôi chọn DNF
Trên đường quay về khách sạn, tôi tiếp tục kiểm tra tình hình các vận động viên và tin tức của họ. Lúc này đã là nửa đêm.
Hồi chiều, mọi người đều nghĩ sẽ cứu được các vận động viên trước khi trời tối, nhưng bây giờ đã là nửa đêm. Từng nhóm lính cứu hỏa và cảnh sát vũ trang lần lượt lên núi từ chiều, và lực lượng cứu hộ ngày càng đông thêm.
Có rất nhiều người bị ngã và chảy máu, bị thương đủ kiểu.
Có nhiều vận động viên bị kẹt trên núi, và họ ở trong các tình huống khác nhau. Một số người bị mất thân nhiệt, một số tìm thấy nơi ẩn nấp để tránh gió và một số khác được cứu. Một vài người có sức mạnh siêu nhiên nên tiếp tục chạy cho đến khi trời tối.
Về cơ bản, các chân chạy đường núi hàng đầu của Trung Quốc đều bỏ cuộc. Vị trí GPS không nhúc nhích trong nhiều giờ, một số người không có sóng điện thoại nên không liên lạc được.
Một cô bạn thân của tôi bị tụt thân nhiệt ở gần đỉnh núi. Cô bảo rằng cô thấy rét, ngồi xuống, và sau đó được một nữ vận động viên khác đánh thức dậy. Sau đó, cô thấy chân mình bị gãy và chảy máu, nhưng không nhớ chân cô bị gãy như thế nào. Điều này có nghĩa là cô bị gãy chân trong khoảng thời gian bị ngất. Tôi nói: hãy cảm ơn cô gái đã đánh thức bạn dậy, hôm nay bạn suýt nữa thì đã ra đi…
Trước khi Ban tổ chức kết thúc cuộc đua vào tối hôm đó, hầu như toàn bộ các vận động viên đều không thể tiếp tục thi đấu.
Bài viết được thực hiện vào 24h00 ngày 22/5. Tại thời điểm này, công tác cứu hộ vẫn tiếp tục diễn ra.
Chỉ ước một điều: Mọi vận động viên đều xuống núi an toàn.
(Bản dịch của Chay365 từ Lưu Lạc Nam Phương (流落南方) trên News.sina.com.tw.)
Lê Khánh Toàn làm kinh doanh ở Sài Gòn. Anh xuất thân là biên tập viên Anh ngữ tại NXB Thế Giới, với các tác phẩm dịch thuật như "Hoa trên mộ Algernon," "Phù thủy phố Portobello," "Tình dục thuở hồng hoang,"... Với anh, chạy bộ là một cách để rèn luyện sức bền và tinh thần kỷ luật.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
Trong vụ này, Barometer không biết có tác dụng gì không các bạn?
[…] thể thao lớn nhất lịch sử Trung Quốc Hạ thân nhiệt khi chạy bộ Thảm kịch 21 người chết ở giải chạy ultra 100km Trung Quốc: Điều gì đã xảy … Sốc: 21 người chết trong giải chạy vượt núi ở Trung Quốc Chạy […]
[…] thể thao lớn nhất lịch sử Trung Quốc Hạ thân nhiệt khi chạy bộ Thảm kịch 21 người chết ở giải chạy ultra 100km Trung Quốc: Điều gì đã xảy … Sốc: 21 người chết trong giải chạy vượt núi ở Trung Quốc Chạy […]