Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm: Toàn cảnh biến cố thể thao lớn nhất lịch sử Trung Quốc

22/5 là một ngày thảm họa của cộng đồng chạy bộ Trung Hoa nói riêng và thế giới nói chung với 21 người không may mắn trở về trong 1 giải chạy địa hình siêu dài. Cự ly 100km giải chạy địa hình Hoàng Hà Thạch Lâm.
Chay365 – Ban biên tập Chay365 đăng tải series 3 bài viết tìm hiểu công phu của triathele/ultra runner Phạm Trung Linh, 100km VMM finisher, để tất cả chúng ta có cái nhìn bao quát, chi tiết hơn về Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm cự ly 100km. Những bài học rút ra ở thảm kịch này là kinh nghiệm rất quý báu cho các nhà tổ chức giải và các runner Việt Nam.
Với mục đích tìm hiểu những nguyên nhân gì đã xảy ra trong thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm nên người viết bài này đã lọ mọ tìm đọc một số bài trên các báo Trung Quốc để tổng kết và chia sẻ trên cộng đồng chạy bộ.
Hoàng Hà Thạch Lâm là khu công viên địa chất nằm ở tỉnh Cam Túc, phía bắc Trung Quốc. Với độ cao trung bình hơn 1.000m so với mực nước biển, Cam Túc là 1 trong 3 tỉnh ngăn cách sa mạc Gobi từ Mông Cổ với các tỉnh trù phú khác bên bờ sông Hoàng Hà. Vì thế, địa hình Cam Túc phần nhiều là sa thạch hoặc đất có nhiều cát từ phía Bắc tràn xuống. Đường đi đến Hoàng Hà Thạch Lâm không quá phức tạp, chỉ cần bay đến Lan Châu (thủ phủ Cam Túc), rồi đi tiếp 60km tới thành phố Bạch Ngân, nơi tổ chức giải chạy.
Hoàng Hà Thạch Lâm là một trong nhiều khu vực núi đá sa thạch (giống Grand Canyon bên Mỹ) của Trung Quốc. Đặc điểm của Hoàng Hà Thạch Lâm là nó nằm bên cạnh sông Hoàng Hà, ở phân đoạn độc đáo là chảy từ Nam lên Bắc. Nó là những ngọn núi phong hóa nhỏ, cao hơn 1000m, là những mỏm núi thấp nhất trong dãy Kỳ Liên Sơn (cao nhất là trên 5000m) chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Để dễ hiểu, Hoàng Hà Thạch Lâm trong dãy Kỳ Liên Sơn khá giống với Đồng Đò, Hàm Lợn trong dãy Tam Đảo vậy. Tuy nhiên Hoàng Hà Thạch Lâm không quá nổi tiếng ở Cam Túc, ít ra so với ngọn núi khác là Không Động, nơi khai sinh giáo phái nổi tiếng trong kiếm hiệp và Đạo giáo Trung Hoa.
Tác giả Phạm Trung Linh, triathlete, ultra runner từng hoàn thành 100km VMM

Tác giả Phạm Trung Linh, triathlete, ultra runner từng hoàn thành 100km VMM – Sa Pa. Ảnh: NVCC

Chính vì thế, để thu hút mọi người đến với giải chạy Hoàng Hà Thạch Lâm thì BTC đã sử dụng tiền thưởng khá lớn thu hút runner. Giải chạy chỉ có 3 cự ly là 5km, 21km và 100km. Với những người tham gia chạy cự ly 100km, họ phải đóng phí khoảng 150$ nhưng chỉ cần hoàn thành sẽ được nhận 250 US$ tiền thưởng. Giải nhất trị giá 2.500 US$, giải nhì ~ 2.000 US$ và trong Top 10 sẽ nhận 300 US$. Đây là mùa giải thứ 4, kể từ khi khai sinh ra nó năm 2018.
Giải chạy diễn ra vào sáng ngày 22/5 với COT là 20h, tức là 5h sáng hôm sau là thời điểm cuối cùng VĐV phải có mặt tại vạch đích. Điểm xuất phát là một thị trấn cách Bạch Ngân 45km. Đường chạy đa số là đường xe máy và xe ngựa sa mạc đi được, kiểu na ná đường chạy của VMM ở Việt Nam. Có một số đoạn đi từ núi này sang núi kia được thiết kế là đường trail hoàn toàn. Có 9 Checkpoint (CP) được bố trí trên toàn tuyến, là các CP 1 (km13), CP 2 (km 24), CP 3(km 32), CP4 (km 39), Lều nghỉ (km45), CP5 (km 54), CP 6 (km62), CP7 (km 75), CP 8 (km 82), CP 9 (km 91). Đánh giá địa hình thì các đoạn khó nhất là từ CP 2 đến CP5 vì có nhiều chỗ phải leo núi. Các CP khác đa số đường bằng.
Về tổng thể, giải chạy này không quá khó vì đường chạy phẳng, rộng rãi. Ở mùa trước, những người đoạt giải thường hoàn thành 100km trong khoảng 10 tiếng đồng hồ. Nổi tiếng nhất trong số những người đoạt giải là Lương Tinh (Liang Jing), ultra runner số 1 Trung Quốc.  Lương Tinh cũng là 1 trong 21 runner xấu số trong thảm kịch vừa qua. Tinh là người nắm hàng chục kỷ lục của Trung Quốc từ nhiều năm qua, như chạy 154 km trong 12h, hay 267 km trong 24h. Runner sinh năm 1990 này còn chạy 400km qua sa mạc Gobi trong 4 ngày liên tục. Ngoài ra Tinh vô địch rất nhiều giải ultra trail khắp Trung Quốc. Anh là runner chuyên nghiệp từ 2015, sống bằng các giải chạy.
Tác giả trong một sự kiện chạy leo núi Lảo Thẩn

Tác giả bài viết trong một sự kiện chạy leo núi Lảo Thẩn. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên trong số 21 runner tử nạn, Lương Tinh không phải là người nổi tiếng duy nhất, mà còn có Hoàng Quan Quân (Huang Guanjun), vô địch 10.000m Paralympic Trung Quốc. Quân từng chạy full marathon trong 2h38 phút với đầy đủ phụ kiện của người tàn tật. Một ngôi sao khác từ Thâm Quyến là Ngô Phan Vinh (Wu Panrong) – mới chạy nhưng PB marathon là 2h50 phút, lê n podium nhiều giải trail khác nhau ở Trung Quốc. Một nạn nhân khác là Tào Bằng Phi – đối thủ và là đồng đội của Lương Tinh ở tỉnh An Huy. Trong số những người tử nạn có 1 bạn nữ 25 tuổi, mới lấy chồng được vài tuần.
Một đoạn cung đường chạy Hoàng Hà Thạch Lâm

Một đoạn cung đường chạy Hoàng Hà Thạch Lâm

Trước khi xuất phát, trong video cuối cùng của mình, Lương Tinh đã quay cảnh bão cát đang ập đến, gió to dần lên, khoảng cấp 4-5 (tầm 6-10m/s). Đã có một số người lo ngại về thời tiết như Hoàng Quan Quân có hỏi BTC nhưng câu trả lời là mọi việc vẫn bình thường, dự báo thời tiết không có gì bất thường. Thực ra với địa hình ở Cam Túc, cả năm mưa chỉ tầm 200mm, tức là tổng lượng mưa cả năm ở đây chỉ ngang 1 gang tay, chưa bằng 30 phút mưa ở Thủ Đức, Sài Gòn ngày hôm trước.
Tuy nhiên đây là vùng vĩ độ khá cao của Bắc bán cầu, nên nhiệt độ thấp. Dãy Kỳ Liên Sơn ở vùng >5000m còn có sông băng. Nhiệt độ lúc xuất phát tại Hoàng Hà Thạch Lâm khoảng 10oC, gió 6-10m/s. Người ta thấy Lương Tinh mặc áo gió mỏng quen thuộc. Nhiều runner khác vẫn chỉ áo ngắn tay và quần cộc.
Lương Tinh

Lương Tinh, ultra runner số 1 Trung Quốc trong giai đoạn đầu của cuộc đua

DIẾN BIẾN NGÀY 22/5
8:20 – Lương Tinh post ảnh và video trên mạng xã hội của mình. Không ai nghĩ rằng đó là post cuối cùng của ultra runner số 1 Trung Quốc.
9:00 – Tất cả xuất phát. Thời tiết khá ổn, chỉ có gió to hơn giống lúc sáng.
10:00 – Trời xuất hiện nhiều mây, mưa nhỏ. Lúc này nhóm elite tới CP1. Đoạn này đường nhựa, đổ dốc gain/lost khoảng 200m, giống cung chạy Hà Giang.
11:00 – Trời bắt đầu đổ mưa to. Nhóm elite đã tới CP2. Đoạn từ CP1 sang CP2 đường bằng phẳng.
Các VĐV 100km xuất phát

Các VĐV 100km xuất phát

11:00-12:00 – Mưa trở nên nặng hạt hơn gió mạnh lên rất nhiều. CP 2 sang CP3 là một trong những đoạn khó nhất, có đoạn dài 3km leo từ 1400m lên 2000m. Đỉnh ngọn núi khoảng 2300m, nằm gần cuối CP2. Thực ra chỗ này về gain/loss chỉ ngang với CP 102-CP103 của VMM100. Tuy nhiên mưa nặng hạt như mưa đá và gió cực to xuất hiện. Tầm 12h hơn, gió lên tới cấp 8, tầm 20m/s. Cùng với cát và bụi thô, tầm nhìn hoàn toàn bị hạn chế.
12:30 – những tín hiệu kêu cứu đầu tiên gửi trên group chat của Wechat. BTC cử 20 người đến hiện trường. Tuy nhiên những người kêu cứu là nhóm sau elite, họ cũng mới chỉ vào đến đoạn leo ở CP2-CP3. Còn nhóm elite vẫn đang leo và tiến đến gần CP3, một số đã qua CP3, trên đường sang CP4. Lúc này những lời kêu cứu vẫn chỉ lác đác và BTC chưa hình dung được hết về số lương runner gặp nguy hiểm. Nhiệt độ trên núi còn khoảng 1oC vào giữa trưa ngày 22.
12:30 – 14:00 – không quá nhiều thông tin để biết những chuyện gì xảy ra trong khoảng thời gian này với những nạn nhân xấu số. Những cú gọi điện, kêu cứu về BTC ngày càng nhiều. Có chỗ có sóng, chỗ mất sóng và các cuộc gọi dày đặc, có phản ảnh là thấy runner đang gục hoặc mất hết tri thức do mất nhiệt. Đội cứu hộ hơn 20 người của BTC chỉ có thể hỗ trợ 1 số runner. Có runner gọi đến 120 cuộc mới liên lạc được với BTC.
15:00 – Vẫn có 1 số runner đã đến được CP4 (km39) là những người mặc đầy đủ đồ chống gió, cách nhiệt. Tuy nhiên họ không phải nhóm elite và họ phản ảnh tình hình rất bi đát. Sau đó họ dừng lại ở CP4 còn BTC đã quyết định dừng giải đấu đâu đó giữa 15:00-16:00
16:20 – Phòng cứu hỏa và giải cứu thành phố Bạch Ngân nhận được yêu cầu từ BTC để hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ.
Cung đường chạy 10km đầu tiên

Cung đường chạy 10km đầu tiên

18:00 – Đội cứu hộ tới được điểm thuận tiện gần CP4 và bắt đầu công tác cứu hộ đi ngược về CP3. Họ dự kiến cần 3,5h để đi từ CP4 tới CP3. Lúc này gió đã nhẹ đi nhưng do có cơn mưa nên đường đất đã nhão và đội cứu hộ với các thiết bị cứu hộ đã di chuyển chậm hơn dự kiến.
21:00 – Đội cứu hộ thấy được 3 người trong 1 hốc đá. 2 người đã chết, 1 người mất tri giác. Tuy nhiên đội cứu hộ đưa người này vào hang gần đó, có bác sỹ hỗ trợ thực phẩm và nhiệt độ nên người bị thương (Vương Hiểu Đông) đã hồi lại và được nhóm bác sỹ đưa vào bệnh viện dân tộc Cảnh Thái cách đó 30km.
21:26 – tìm thấy nhóm 4 người nhưng không ai sống.
1h30 – sáng ngày 23/5, đội cứu hộ đi từ CP3 sang CP2. Tiếp tục thấy 4 runner đã tử nạn. Như vậy đến rạng sáng 23/5 tìm thấy 10 người tử nạn và cứu được 1 người.
Sang buổi sáng 23/5, đội cứu nạn được huy động số lượng lớn lên hàng trăm người. đi tìm từ các CP4, CP3, và CP2. Khoảng 12h trưa thấy được 16 thi thể và 5 còn mất tích. Đến 15h chiều 23/5 với hàng trăm người đã tìm thấy toàn bộ 21 thi thể.
16:00 ngày 23/5: Kết thúc chiến dịch tìm kiếm. Có 151 được cứu sống, đa phần họ tự dừng lại, quay trở lại CP2 và đội cứu hộ của BTC cứu giúp từ đầu giờ chiều 22/5. Có 8 người bị thương trong số đó. Ngoài ra có 1 bác chăn cừu (Châu Khắc Minh) cứu được 6 người giữa CP3-CP2 khi nhóm này bơ vơ giữa núi. Bác chăn cừu này có 1 hang động bí mật gần đó chuyên để nhốt cừu, có lửa và thực phẩm hỗ trợ.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] “mỗi ngày một dặm” trong suốt hơn 52 năm qua đời ở tuổi 82 Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm: Toàn cảnh biến cố thể thao lớn nhất lịch sử … Hạ thân nhiệt khi chạy bộ Thảm kịch 21 người chết ở giải chạy […]

  • […] “mỗi ngày một dặm” trong suốt hơn 52 năm qua đời ở tuổi 82 Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm: Toàn cảnh biến cố thể thao lớn nhất lịch sử … Hạ thân nhiệt khi chạy bộ Thảm kịch 21 người chết ở giải chạy […]

  • […] Thảm kịch Hoàng Hà Thạch Lâm: Toàn cảnh biế… […]

  • […] lại những thay đổi khí hậu bất thường, những thảm họa do thiên tai gây ra gần đây, chúng đều có tác […]

  • >
    0 Shares