10 lý do tham gia giải chạy 10K

Vào thuở hồng hoang của phong trào chạy bộ đường dài Hà Nội, có một giải đấu rất thú vị, là “điểm hẹn” cho mọi người yêu chạy bộ mỗi dịp đầu Xuân – giải chạy 10K Turn Up and Run do hội chạy Red River Runners tổ chức. Chẳng ngẫu nhiên mà “Turn Up and Run” lại chọn cự ly 10K. Bên cạnh thuận lợi cho công tác tổ chức, giải chạy 10K còn phù hợp với đa số vận động viên.

Giải Turn Up and Run 2014

Hãy cùng Chay365 tìm hiểu 10 lý do bạn nên chạy giải 10K nhé.

1. Cự ly thi đấu “vừa miếng” với tất cả

Trước hết, quãng đường 10km không ngắn cũng không dài. Chạy 5K quá nhanh, chỉ 20-25 phút là bạn đã kết thúc cuộc đua, tim đập dồn dập ở zone 5 trong khi cơ thể còn chưa kịp sản sinh ra endorphins. Chạy 21km hay marathon là một thử thách dài hơi hơn, bạn phải dành nhiều thời gian tập luyện, phải chiến đấu vất vả trên đường chạy, cũng như nghỉ ngơi đang kể sau cuộc đua. Cự ly 10K phù hợp với tất cả.

2. 10K là một ngưỡng phù hợp với người mới bắt đầu

Bất cứ ai cũng có thể chạy bộ. Nhưng không phải ai cũng chạy được 10km. Bạn cần phải luyện tập để tạo dựng nền tảng thể lực cho mình. Với những người nhập môn, hoàn thành giải chạy 10K là một cột mốc quan trọng, chứng tỏ bạn đã thực sự đam mê, bạn không còn “newbie” nữa. Ngay cả khi chỉ có thể chạy 8km và đi bộ 2km còn lại, đó cũng là một bài kiểm tra tinh thần xem bạn có đủ bền bỉ để theo đuổi môn thể thao này hay không.

3. Giải chạy 10K  là bài tập cho các chân chạy giàu kinh nghiệm

Không chỉ dành cho người mới, chạy đua 10K cũng có ích cho các runners lâu năm. Bạn đang luyện tập cho giải marathon, bán marathon? Hãy chạy một giải 10K. Phần lớn marathoner có thể hoàn thành 10km trong khoảng 40-60 phút, vì thế cuộc đua 10K trở thành một bài tập tempo lý tưởng. Và đừng ngạc nhiên nếu vài tuần trước khi thi đấu marathon, bạn có được PR ở một giải đấu 10K.

4. Chạy đua 10K kết hợp các yếu tố cần thiết với người chạy bộ đường dài

Giải chạy 10K đòi hỏi tất cả: tốc độ, sức bền, sức mạnh, khả năng bứt tốc trong những met cuối cùng. Để đua tốt 10K, bạn cần sự bền bỉ của cuộc chạy marathon, cũng như sự bùng nổ của bài chạy 5K hay biến tốc. Đó là lý do mà những vận động viên chạy 10K giỏi nhất sau này sẽ trở thành các marathoner hàng đầu: Haile Gebrselassie, Kenesisa Bekele, Eliud Kipchoge, Mo Farah, Galen Rupp, và sắp tới có thể là Joshua Cheptegei nữa.

5. Tích hợp giải đấu 10K vào giáo án luyện tập

Cuộc đua marathon là bài chạy đường dài 32km và 10km cuối cùng. Trải nghiệm trong 10km ấy, khi bạn phải vận dụng toàn bộ sức mạnh thể lực và tinh thần của mình, sẽ định nghĩa bạn là người chạy bộ giỏi tới đâu. Vậy còn gì tốt hơn là “mô phỏng” 10km cuối cùng bằng một giải đua thực sự?

Nếu hôm đó bạn phải chạy bài 28km, hãy chạy trước 18km – chạy nhẹ nhàng theo cách bạn vẫn chạy dài, rồi bắt đầu cuộc đua 10K của mình – tập trung, nỗ lực, theo cách bạn sẽ chạy đua. Chạy giải 10K hoàn toàn không làm gián đoạn giáo án luyện tập của bạn, mà còn giúp quá trình chuẩn bị đầy đủ và phong phú hơn.

6. Đánh giá sự tiến bộ của bản thân

Trong quá trình tập chạy theo giáo án, bạn có thể cảm thấy tốc độ trong các bài tập tăng lên, bước chạy nhẹ nhàng và hơi thở thoải mái hơn. Nhưng chẳng ai nói được gì vào ngày đua cả. Hãy thử chạy đua 10K để xem mình đã nhanh hơn chừng nào, qua đó rút kinh nghiệm và tiếp thêm động lực cho chu trình tập luyện tiếp sau.

7. Tích luỹ kinh nghiệm thi đấu với giải chạy 10K

Để đạt thành tích tối ưu khi thi đấu, nguyên tắc chung khá rõ: khởi đầu không quá nhanh, kiểm soát tốc độ trong từng chặng nhỏ, chạy nửa sau nhanh hơn nửa đầu, tăng tốc hết sức trong đoạn về đích. Tuy nhiên để thành thạo chiến thuật này cần có sự luyện tập. Giải chạy 10K, với quãng đường và thời gian vừa phải, là dịp lý tưởng dể thực hành chiến thuật đó. Nó không đốt hết năng lượng về thể chất và tinh thần của bạn như cự ly marathon, vì thế bạn vẫn còn đủ tỉnh táo và sáng suốt để bình tĩnh chạy theo chiến thuật của mình. Trải nghiệm tâm lý có được từ giải chạy 10K cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn ở lần chạy đua tiếp sau, dù ở nội dung thi đấu nào.

8. Chạy 10K để về đích tốc độ cao

Ai từng chạy đua chắc hẳn đều hiểu cảm giác adrenaline trào lên trong máu khi “chén” hết người này tới người khác trong đoạn rút đích cuối cùng. 10km cuối cùng của mỗi cuộc đua luôn khó khăn và tưởng chừng kéo dài vô tận, để hoàn thành không chỉ đòi hỏi thể lực mà cả ý chí và đôi chút “kỹ năng”. Chạy đua 10K thường xuyên và bạn sẽ quen với việc chạy trong cơn đau. Bạn cũng có thể áp dụng kỹ năng đó trong những bài chạy dài về đích nhanh, hoặc trong các cuộc đua marathon thực sự.

So tài khi rút đích là sự thú vị khi chạy đua 10K (ảnh: giải Turn Up and Run 2014)

9. Công tác tổ chức của giải 10K thường rất tốt

Trong hoàn cảnh Việt Nam, không dễ tổ chức một giải marathon trong đô thị mà hoàn toàn  không bị cản trở bởi xe cộ lưu thông, không bị ảnh hưởng bởi đèn tín hiện giao thông,… Tuy nhiên, quy mô vừa vặn và gọn nhẹ của cự ly 10K cho phép Ban tổ chức có thể đảm bảo  đường chạy “sạch” hoàn toàn. Các trạm tiếp nước, đội ngũ hỗ trợ, cổ động viên cũng dễ bố trí hơn. Điều này tạo cơ hội cho người chạy có được trải nghiệm thi đấu tốt nhất.

Xuất phát cự ly 10K trong giải Hanoi Half Marathon 2018

10. 10K là cự ly thi đấu phổ biến nhất

Với những lý do trên, 10K là cự ly quy tụ đông đảo nhất vận động viên tham gia. Khi tập luyện cho nội dung marathon, có thể bạn phải đợi vài tháng mới có giải đấu, nhưng những giải 10K phổ biến hơn. Tất cả các giải marathon, bán marathon ở Việt Nam đều có cự ly 10K. Ngoài ra, cũng còn nhiều giải đấu chỉ dành riêng cho nội dung này, như giải Turn Up and Run của Red River Runners, giải Garmin 10K năm 2019, hay giải Viettel Fastest sắp tới đây.

 

 

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares