Giải marathon đi vào lịch sử với 42 runner đạt sub 2:10 ở Nhật Bản

Kengo Suzuki (áo trắng)

Kengo Suzuki (áo trắng)

Giải Lake Biwa Mainichi Marathon (hay Biwako Mainichi Marathon), giải marathon lâu đời nhất của Nhật Bản vừa tổ chức lần cuối cùng vào Chủ Nhật 28/2 vừa qua và lập ra một kỷ lục vô tiền khoáng hậu với 42 vận động viên về đích trước 2 tiếng 10 phút.

Suzuki Kengo, vận động viên 25 tuổi của đội Fujitsu đã trở thành người Nhật đầu tiên vượt qua bức tường 2 giờ 5 phút ở cự li 42.195km. Anh có một màn bứt phá vô cùng ngoạn mục khi còn cách đích 6km và hoàn thành đường đua với thời gian 2:04:56. Thế nhưng, điều khiến giải Lake Biwa Mainichi Marathon đi vào lịch sử của bộ môn marathon không chỉ của Nhật Bản mà của cả thế giới là trong 335 người hoàn thành cuộc đua, 5 vận động viên đạt thành tích dưới 2:07 (trong đó có 4 vận động viên người Nhật), 15 người về đích trước 2:08, 28 người phá ngưỡng 2:09, 42 người có thành tích sub 2:10 và 174 người về đích trước mốc 2:20.

Người phụ nữ trên 60 tuổi duy nhất trên thế giới đạt sub 3 FM vừa phá sâu kỷ lục 10.000m

Ultra runner Nhật Bản chạy 100km DLUT 2020: Tôi chọn DNF

Tại sao Nhật Bản lại có nhiều vận động viên marathon cừ khôi đến vậy?

Để hình dung được kết quả này “khủng” đến mức nào, hãy nhớ rằng trong suốt chiều dài lịch sử, chỉ có 21 người Mỹ từng phá ngưỡng 2:10 trên một đường đua không có lợi thế đặc biệt. Trước đây, từng có những giải marathon có kết quả đáng nể, ví dụ như Valencia Marathon tháng 12 năm ngoái có 30 vận động viên về đích trước 2:10 hay London Marathon 1991 có 105 vận động viên đạt thành tích tốt hơn 2:20, nhưng giải Biwako Mainichi 2021 đã lên một đẳng cấp hoàn toàn mới.

Trong 15 năm qua, các giải bán marathon ở Nhật Bản có 150, 175 hay hơn 250 vận động viên đạt thành tích dưới 1:06 không phải là hiếm hoi. Trong số đó thậm chí còn có nhiều giải diễn ra cùng trong một mùa thi đấu và có đường chạy hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, ở cự li marathon thì đây là kỉ lục chưa từng có. Điều gì đã dẫn đến kết quả này vậy?

Đoạn đầu đường đua

Sự tập trung của các chân chạy đỉnh cao và sự góp mặt của Siêu Giày

Hằng năm, khoảng thời gian từ tháng Hai đến đầu tháng Ba, các chân chạy hàng đầu Nhật Bản sẽ bị phân tán ra trên 4 giải cấp elite trong nước của Nhật bao gồm: Beppu-Oita Marathon, Nobeoka Marathon, Lake Biwa Marathon và Tokyo Marathon. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh corona hoành hành, các vận động viên chỉ có một lựa chọn duy nhất là giải Lake Biwa.

Trong bốn giải này năm ngoái, có 31 vận động viên nam người Nhật đạt thành tích dưới 2:10 và 155 người có kết quả sub 2:20. Do đây là lần tổ chức cuối cùng của giải marathon lâu đời nhất Nhật Bản nên giải Lake Biwa năm nay trở nên đặc biệt hấp dẫn, nên xét về kết quả tổng thể, đây chỉ là một bước tiến đều đặn của 4 giải lớn năm ngoái được tập trung hết tại một nơi mà thôi. Vì vậy, đây chắc chắn không phải tín hiệu cho thấy một sự bùng nổ đột ngột của marathon Nhật Bản, và các giải marathon sau này khó có thể lặp lại thành tích tương tự khi dịch bệnh qua đi.

Giàn Siêu Giày tại giải Lake Biwako 2021

Lý do thứ hai cần nhắc đến dĩ nhiên là sự hiện diện của những đôi Siêu Giày. Vaporfly 4% và Next% của Nike có ảnh hưởng không nhỏ đến Nhật Bản, nhưng đến thời điểm này thì hầu hết các thương hiệu giày khác cũng đã có những lời đáp trả và được chấp nhận rộng rãi. Điều này rõ ràng đã có tác động đến kết quả của giải Lake Biwa. Nhưng cụ thể là tác động này lớn đến mức nào? Cuối năm 2019, tiến sĩ Helmut Winter đã công bố một kết quả nghiên cứu ước tính rằng thành tích của các vận động viên cao cấp trên toàn thế giới đã cải thiện được 1 phút 45 giây kể từ khi công nghệ giày mới ra mắt. Ta có thể giả định rằng kết quả đã tiếp tục được cải thiện trong một năm một quý kể từ khi đó tới nay và đoán mức tiến bộ ở thời điểm này là khoảng 2 phút.

Những Người Chạy Marathon Sub3 (Phần 1)

Chương trình huấn luyện 1000 sub4

Chiến thuật đỉnh cao: Runner 9X ranh mãnh “đào tẩu” lập KLQG Nhật Bản phá mốc sub 2:05

Điều đó có tác động trực tiếp như thế nào đến kết quả của giải Lake Biwa? Nếu điều chỉnh giảm 2 phút trên kết quả cũ, cụ thể là người về đích có thành tích khoảng 2:06, 4 người đạt mốc 2:08, 10 người có thành tích sub 2:09 và 143 người vượt ngưỡng 2:20, và tính thêm việc các chân chạy cấp cao hội tụ về giải này năm nay thì phỏng đoán ở trên có vẻ là khá gần với thực tế.

Tuy nhiên, chúng ta đang xem xét một giải chạy có tất cả các vận động viên sống tại Nhật Bản. Làm thế nào nền chạy bộ nước này lại đạt đến chiều sâu và chất lượng như vậy?

Những tài năng từ trường đại học

Việc phát triển tài năng sinh viên vẫn luôn gắn chặt với bộ môn chạy đường dài ở Nhật Bản, đặc biệt là cự li bán marathon, cự li của các chặng trong giải Hokone Ekiden, giải chạy đường bộ sinh viên nam bắt đầu tổ chức từ hơn 100 năm trước với mục đích ươm mầm các thế hệ marathoner tương lai đi dự Olympic. Kết quả của cách làm này không phải lúc nào cũng ổn định, nhưng trong 30 năm vừa qua, ít nhất là từ thời gian giải này bắt đầu được truyền hình trực tiếp trên kênh Nippon TV, chất lượng của giải ngày càng tăng, đặc biệt là từ năm 2013, kết quả của các vận động viên cải thiện nhanh chóng cả về chất lượng và chiều sâu. Ba vận động viên phá kỉ lục quốc gia gần đây nhất, ba thành viên chính và thành viên dự bị đội tuyển marathon Olympic Tokyo và vận động viên giành chức vô địch tại hai giải marathon lớn gần đây nhất của Nhật Bản, tất cả những cái tên đang tạo nên các bước đột phá hiện nay đều từng giành chiến thắng tại các chặng đua giải Hakone khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

Hakone Ekiden

Điều gì đã làm nên thay đổi? Một phần là do các huấn luyện viên thành công ở trường đại học hầu hết là thế hệ lớn lên và được xem giải Hakone trên tivi, tự mình tham gia giải và nay đã ở vị trí được quyền ra quyết định. Các học trò của họ cũng lớn lên và xem giải này. Năm nay, có đến hơn 65 triệu người, hơn một nửa dân số Nhật Bản xem giải này qua tivi. Cũng giống như các vận động viên dự giải và huấn luyện viên của họ, lũ trẻ trên khắp cả nước đều xem cuộc thi đấu và nói “Tôi muốn làm được NHƯ VẬY!” Điều đó giúp cho các tài năng bớt bị bỏ sót, và khi các huấn luyện viên trẻ tuổi tiếp cận tốt hơn với các ý tưởng đào tạo trên toàn thế giới và được tự do áp dụng thử. Tất cả những điều này tạo nên làn sóng chay bộ sinh viên mà chúng ta đang được chứng kiến từ 2013 đến nay.

Tokyo Marathon 2020: Triệu phú đô-la Suguru Osako “kiếm bộn” nhờ săn kỷ lục quốc gia

Yuki Kawauchi lập kỷ lục Guinness 101 lần chạy marathon Sub 2:20

10 Lý Do Để Yuki Kawauchi Nên Là Thần Tượng Của Bạn

Ngược lại, hệ thống vận động viên cổ cồn trắng, đội ngũ vận động viên bán chuyên nghiệp hậu đại học trước đây vẫn sản sinh ra hầu hết các ngôi sao marathon của Nhật Bản dường như lại thích nghi chậm hơn. Nhật Bản vẫn nặng về quyền lực thứ bậc, và trong nhiều trường hợp, các huấn luyện viên trợ lý trẻ hơn có những ý tưởng mới mẻ phải chấp nhận quyết định của những huấn luyện viên trưởng già hơn, vốn chỉ quen với những khuôn mẫu cũ từ hồi những năm 70 và 80. Nhưng kể cả điều đó cũng đang dần được thay đổi. Rất nhiều đội chạy của doanh nghiệp đạt thành tích cao tại giải Lake Biwa như Kurosaki Harima, Honda, GMO cũng có huấn luyện viên trưởng trẻ tuổi.

Mileage khủng không còn là chân lý

Khi nói đến tập luyện thì cách tiếp cận cổ điển rập khuôn là mileage (tổng cự li chạy) cao vẫn còn được tồn tại ở một mức độ nhất định, và các sinh viên đại học vẫn áp dụng phương pháp tập luyện truyền thống đó để chuẩn bị cho giải Hakone và từ đó phát triển lên thành chân chạy cho doanh nghiệp. Nhưng có một loạt các ý tưởng và cách tiếp cận mới được áp dụng dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc về các thành công trên khắp thế giới. Ví dụ như vận động viên Yuya Yoshida của đội GMO, người vừa ra mắt tại giải Beppu-Oita hồi năm ngoái với thành tích 2:08:30 khi còn ở độ tuổi 22. Sau khi tốt nghiệp trường đại học giành chức vô địch giải Hakone là Aoyama Gakuin, Yoshida đã công bố chương trình tập luyện giúp anh chức vô địch tại giải Fukuoka Marathon hồi tháng 12 (khi anh đã tròn 23 tuổi) với thành tích 2:07:05.

Yoshida Yuya (trái) thi đấu tại Hakone Ekiden trong màu áo đại học Aoyama Gakuin

Yoshida nhấn mạnh rằng anh ưu tiên nghỉ ngơi, phục hồi và coi trọng chất lượng hơn là tổng thời gian chạy. Anh chia sẻ rằng trong khi tập trung tập luyện để phá kỉ lục cá nhân các cự li 5000m và 10.000m hồi tháng 9, anh có tập 8 bài chạy dài tốc độ chậm, thời lượng từ 2 tiếng đến 2 tiếng rưỡi ở pace 3:45 ~ 4:00/km. Để tập luyện cho giải Fukuoka, anh tập 4 bài chạy dài cự li 40km, và thêm các bài tập cự li bán marathon và 30km ở nhiều tốc độ khác nhau. Các bài chạy bán marathon gồm 5 tổ bao gồm 3km trong thời gian 8 phút 55 giây và 1km trong 3 phút 35 giây, kết thúc bằng 1km pace 2:45. Các bài tập 30km thực hiện theo 6 tổ bao gồm 3km ở pace 3:30 ~ 3:35/km và 2km ở pace 3:00 ~ 3:02km, trong đó, tổ cuối cùng có tốc độ cao nhất, tuỳ theo cảm giác của anh khi đó.

Công nghệ giày cũng có ảnh hưởng đến việc tập luyện. Oyagi Hiroaki, huấn luyện viên trưởng của Đại học Komazawa, trường đại học giành chức vô địch tại cả hai giải: Giải vô địch quốc gia Ekiden sinh viên và Hakone Ekiden, đồng thời là huấn luyện viên của Shogo Nakamura, chân chạy giành chiến thắng trong các giải marathon tuyển chọn đội Olympic 2020, nói rằng không chỉ cải thiện trực tiếp kết quả trong giải chạy mà lợi ích của các đôi giày thế hệ mới là cho phép mọi người tập luyện ở tầm chất lượng cao hơn với rủi ro chấn thương thấp hơn. Điều này cho phép các vận động viên tập các bài tập mà các thế hệ trước không thể đạt tới, tạo ra sự tự tin và kết quả tốt hơn trong các giải chạy.

Niềm khát khao Olympic

Ngoài tập luyện, còn nhiều yếu tố khác góp phần mang lại kết quả này. Sau khi Tokyo giành quyền tổ chức Thế vận hội 2020, bộ môn marathon của Nhật Bản đã nhận được những khoản đầu tư cực lớn, trong đó tiêu biểu là Project Exceed. Đây là một chương trình giải thưởng được tài trợ bởi Hiệp hội điền kinh công nghiệp Nhật Bản (JITA), trao tặng khoảng 1 triệu đô la Mỹ cho người phá được kỉ lục quốc gia, gần 100.000 đô la cho ai vượt được ngưỡng 2:06 và khoảng 50.000 đô la cho người có thành tích dưới mốc 2:07. Các vận động viên nữ khi phá được các mốc thời gian tương đương của nữ cũng sẽ nhận được số tiền như trên, ngoài ra, 50% giá trị các giải thưởng sẽ được trao tặng cho các huấn luyện viên nếu họ là thành viên đăng ký trong Hiệp hội công nghiệp điền kinh Nhật Bản.

VĐV điền kinh Việt Nam nào gần đạt chuẩn Olympic nhất?

VĐV tiêu biểu toàn quốc 2020: Giành HCV châu Á, đoạt vé dự Olympic, phá KLQG điền kinh vẫn thua “vua bóng đá”

Còn phía Liên đoàn điền kinh Nhật Bản (JAAF) thì có bước đi vô cùng táo bạo là tổ chức một giải thi đấu chọn đội tuyển Olympic duy nhất hoàn toàn mới, với các tiêu chuẩn xét duyệt quyền tham dự vô cùng phức tạp. Nhờ vậy, đội chạy bộ của các doanh nghiệp trở nên tập trung hơn bao giờ hết, cả về kinh phí và định hướng tập luyện, với mục đích đưa bằng được vận động viên đội mình vào giải đấu dự tuyển và giành suất tham dự Thế vận hội. Ngay cả đội Asahi Kasei, đội nổi tiếng nhất về cách tiếp cận cứng nhắc khắc khổ của người Nhật cũng đã trang bị một phòng mô phỏng môi trường tập luyện trên cao độ với mức áp suất không khí và lượng oxy thấp quy mô lớn nhất thế giới tại sân nhà ở Nobeoka.

Vận động viên phá kỉ lục, huấn luyện viên cũng nhận giải thưởng bằng nửa giá trị

Các quan chức điền kinh cũng quyết định rằng pace 3:00/km sẽ là pace tiêu chuẩn để dẫn tốc. Đã chạy marathon là phải theo pace đạt thành tích 2:06 bằng mọi giá, làm hay là chết. Những người trong thế hệ chuyển giao vật lộn một cách vô vọng với tiêu chuẩn tốc độ ấy, nhưng thế hệ vận động viên mới lớn lên với tiêu chuẩn như vậy nên họ đã chấp nhận nó một cách đương nhiên. Sau khi dự giải Fukuoka Marathon hồi năm ngoái, Asuka Tanaka, một vận động viên có thành tích cá nhân 2:10:13 đang đặt mục tiêu lần đầu tiên xuống dưới mốc 2:10, hiểu được rằng chạy ở gần mức tốc độ đạt thành tích 2:10 (pace 3:04/km) sẽ dễ đạt mục tiêu cá nhân của mình hơn nhưng anh vẫn phát biểu: “Pace 3:00/km có nhịp độ dễ chịu hơn và tôi nghĩ rằng chạy ở pace đó sẽ cho tôi cơ hội phá được kỉ lục.” Khi có đủ số người nghĩ theo cách như vậy, nó sẽ tạo ra một đoàn người chạy đồng tốc như trong các giải bán marathon, một kiểu tàu siêu tốc Shinkansen mà mọi người có thể nhảy lên để bám theo cho đến khi không trụ nổi nữa và phải “xuống tàu”.

Thuật ngữ chạy bộ

Bị Tào Tháo đuổi vẫn về hạng 6 ở giải Olympic Trials Marathon

Tất cả những điều này tình cờ xảy ra khớp với làn sóng các tài năng sinh viên năm 2013 trỗi dậy trong bộ môn marathon, nhiều người trong số đó còn chưa tốt nghiệp. Shitara Yuta đã cho thấy điều gì là khả thi khi phá kỉ lục quốc gia với thành tích 2:06:11 tại giải Tokyo Marathon 2018, và Osako Suguru đã có màn trình diễn còn tuyệt vời hơn với kết quả 2:05:50 tại giải Chicago Marathon cùng năm đó. Trong 6 giải Abbott World Marathon Majors năm 2018, 4 giải có sự tham gia của các vận động viên đỉnh cao Nhật Bản. Các vận động viên này giành được 1 vị trí thứ Nhì ở giải Tokyo, 1 giải Nhất ở Boston, giải Tư ở Berlin (trong giải mà kỉ lục thế giới mới được xác lập), và một giải Ba ở Chicago. Năm ngoái, Osako phá sâu hơn nữa kỉ lục với thành tích 2:05:29. Giờ đây, pace 3:00 cũng chẳng còn đủ nhanh nữa. Đám người cùng đẳng cấp với các kỉ lục gia này và những người hâm mộ trẻ tuổi nhìn vào họ và nói “Chúng tôi cũng có thể làm như vậy.”

Lớp trẻ đang nổi lên

Đó là một trong các điểm quan trọng đáng chú ý nhất của giải Lake Biwa. Hãy xem ba người về đích đầu tiên giải này và Yoshida, người về nhất giải Fukuoka. Anh ta mới chỉ 23 tuổi. Người phá kỉ lục quốc gia ở giải Lake Biwa, Suzuki Kengo 25 tuổi. Người về vị trí thứ nhì là Hijikata Hidekazu, 23 tuổi. Người về thứ ba với thành tích 2:06:35 là Hosoya Kyohei, 25 tuổi. Họ là những cậu bé học sinh cấp hai và cấp ba chứng kiến Shitara và Osako tung hoành trong giải Hakone trên máy thu hình và nói “Mình cũng sẽ làm được như thế!” Bọn họ là thế hệ kế tiếp của làn sóng trỗi dậy, họ có niềm tin và cả sự tự tin. Họ biết họ có thể làm được.

Các chân chạy nhí đua tài tại giải Half Marathon Shinjuku

Giống như một nhà thơ vĩ đại người Mỹ từng viết:

Tôi chẳng còn vượt trội nữa.

Lũ trẻ con

đang trỗi dậy

từ phía sau tôi.

Tổng kết lại: Họ có một sự kiện khổng lồ được truyền thông rộng rãi có khả năng hấp dẫn các tài năng trẻ, hệ thống đào tạo huấn luyện hiệu quả trong trường đại học và sau khi tốt nghiệp để hỗ trợ số lượng lớn các tài năng này, đầu tư quy mô lớn thực hiện trên sân nhà Olympic, các hình mẫu thành công để cho thấy có thể đạt được những điều gì, một niềm tin lan rộng rằng những điều đó là khả thi, và trong trường hợp giải Lake Biwa, là một giải đấu hội tụ tất cả các tài năng, tạo thành một đoàn tàu tốc độ cao để lôi họ theo. Và những đôi giày công nghệ mới nữa. Không có gì là bí mật hay bất ngờ ở đây, nhưng phải mất cả một thế kỉ để gây dựng và không dễ gì lặp lại ở bất kì nơi nào khác.

Câu hỏi lớn nhất là điều gì sẽ xảy ra sau mùa hè này. Hỗ trợ từ các doanh nghiệp đối với phát triển tài năng sẽ sụt giảm đến mức nào khi cơ hội đến từ Olympic trôi qua và khủng hoả kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch corona đang treo lơ lửng trên đầu. Không có dấu hiệu nào cho thấy làn sóng tài năng sinh viên đang giảm nhiệt, nhưng không ai dám chắc liệu sau này những điều kiện chắp cánh cho họ còn nữa hay không.

 

Dịch từ bài viết của Brett Larner đăng trên podiumrunner.com.

Link bài gốc: https://www.podiumrunner.com/culture/42-runners-under-210-at-one-japanese-marathon/

Brett Larner chụp cùng Kawauchi ngày anh lên bục chiến thắng tại Boston Marathon

Brett Larner là tác giả của blog thể thao Japan Running News. Brett có thành tích đáng nể: FM 2:34:43.

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

>
0 Shares