Chiến đấu với bệnh tim mạch

Đinh Linh (lược dịch từ Runner’s World và DMSEsport.com)

Để tổ chức một sự kiện thể thao vĩ đại, bạn cần phải là một vận động viên vĩ đại. Điều này đúng với Dave McGillivray, giám đốc giải chạy danh giá Boston Marathon. Ông từng bơi liên tục 24 giờ trong … bể bơi (1884 vòng), đạp xe liên tục 24 giờ (385 dặm), từng chạy xuyên nước Mỹ – băng qua 3552 dặm trong 80 ngày, từng đạt vị trí thứ 14 ở Kona, từng leo 86 tầng của tháp Empire State Building trong 13 phút, hoàn thành Boston Marathon trong 3 giờ 14 phút trong hoàn cảnh bị bịt mắt,… Tổng cộng, ông đã chạy vài lần xuyên nước Mỹ, tham gia 1200 giải đấu, trong đó có gần 150 giải marathon. Trong lịch sử các môn thể thao sức bền, Dave thực sự là một tượng đài. Ông còn là niềm cảm hứng cho rất nhiều vận động viên khác, với phương châm “It’s my game, so it is my rule” – sống theo cách bạn muốn sống, chơi theo cách bạn muốn chơi, chứ không phải cách người khác muốn.

Ai từng nghe buổi phát thanh “The Runner’s Heart” do Runner’s World tổ chức tháng Bảy năm ngoái hẳn sẽ biết câu chuyện đầy cảm hứng của Dave. Ở tuổi gần 60, với bề dày thành tích huy hoàng, Dave McGillivray tưởng như “mình đồng da sắt”. Thế rồi, vào cái năm 2013 đen tối (Boston Marathon bị đánh bom), Dave nhận thêm tin dữ khi các thày thuốc chẩn đoán ông bị tổn thương động mạch vành. Động mạch vành có chức năng cấp máu nuôi cơ tim, mạch vành bị hẹp đồng nghĩa với việc một số vùng cơ tim bị thiếu máu, dẫn đến thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Các biểu hiện bệnh lý sẽ càng rõ rệt khi người bệnh gắng sức, nhu cầu oxy tăng cao. Thói quen ăn uống không điều độ, căng thẳng tâm lý, cùng tiền sử gia đình mắc bệnh tim là những yếu tố dẫn đến tổn thương động mạch vành của ông.

Dave từng nghĩ rằng, với nền tảng thể lực tích luỹ suốt bao năm, ông có thể thoải mái ăn bất cứ thứ gì mình muốn – và chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cùng chia sẻ suy nghĩ ấy. Giờ đây, ông phải thay đổi, giảm bớt bia, soda, thịt, ngủ nhiều hơn, quay trở lại tập luyện đều đặn. Kết quả thu được thật ngoạn mục – mà ai nghe “The Runner’s Heart” đều biết – Hai năm sau, phim chụp mạch vành cho thấy mức độ hẹp chỉ còn 40%. Sau 25 năm, Dave lại hoàn thành thêm một giải Kona nữa (nâng tổng số lần dự Kona của ông lên con số 9). Đầu năm 2018, Dave McGillivray chạy 7 giải marathon trên 7 châu lục trong vòng 7 ngày. Lịch tập luyện của ông vẫn được duy trì đều đặn ở mức 80-90 km mỗi tuần, với một buổi chạy dài 25-30 km vào cuối tuần.

Nếu có hai lĩnh vực nào mình hiểu biết rõ hơn mặt bằng chung của cộng đồng – đó là tim mạch và chạy bộ. Mình đã gắn bó với tim mạch trong gần 15 năm, nửa thời gian đó nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý mạch vành. Phải thú nhận, trường hợp của Dave phần nào làm lung lay nền tảng kiến thức của mình – liệu có thể chỉ bằng việc tập luyện và thay đổi lối sống mà đảo ngược được tổn thương mạch vành, liệu mình có thể cho phép các bệnh nhân tim mạch của mình theo đuổi marathon hay 140.6, liệu có nên khuyên một bệnh nhân hẹp mạch vành chạy bộ 50 km mỗi tuần? Chẳng có tài liệu hay nghiên cứu nào đề cập đến các đối tượng “siêu nhiên” này. Dù sao, mình tin rằng ca lâm sàng của Dave là cá biệt, và vẫn thận trọng khi đưa ra các lời khuyên cho những bệnh nhân có bệnh lý tương tự.

Tháng Một năm nay, sau khi hoàn thành 7 giải marathon, Dave bắt đầu thường gặp cảm giác tức nặng ở ngực. Khi chạy bộ, nhịp tim của ông không thể tăng lên như trước kia. Các thăm dò xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, đánh giá chức năng tim phổi không phát hiện bất thường – nhưng một linh cảm kín đáo nào đó mách bảo ông rằng tổn thương mạch vành đã quay trở lại. Dave được chụp động mạch vành – lần thứ ba trong vòng 5 năm – kết quả cho thấy một nhánh chính bị hẹp 80%, một nhánh khác hẹp 40%. Ông cần phải phẫu thuật. Từng đúc kết suy nghĩ của mình về chạy bộ “Chạy an toàn, chạy trung thực, và để đầu óc tự do thoải mái”, Giờ đây, ông không thể hoàn toàn thoải mái khi chạy bộ được nữa. Sự thật dường như quá phũ phàng – khi ông đã phấn đấu để có một lối sống lành mạnh. Ông biết mình không phải là người khoẻ nhất, nhưng thật khó để chấp nhận mình lại là một bệnh nhân yếu ớt.

Tuy nhiên, Dave Gillivray vẫn lạc quan. Ông hy vọng rằng sau thủ thuật, ông vẫn đủ sức để trở lại Boston 2019 – không chỉ với vai trò giám đốc giải đấu, mà còn để chạy marathon, trên đúng đường đua từ Hopkinton về phố Boyslton, vào buổi đêm sau khi giải đấu kết thúc – một thói quen ông đã duy trì suốt 46 năm qua. “Tôi có nhiều người bạn tuyệt vời ở quanh, họ nói rằng tôi sẽ lại có thể chạy bộ như trước kia. Tôi cố gắng giữ suy nghĩ tích cực, tìm kiếm tia sáng giữa đám mây mù. Tình trạng bệnh của tôi được phát hiện sớm, vì vậy tôi vẫn còn cơ hội để quay lại với chạy bộ”.

Hẹn gặp ông, Dave McGillivray!

About the Author chay365

follow me on:
  • […] Chiến đấu với bệnh tim mạch, câu chuyện của gi&… […]

  • […] chạy bộ thường xuyên và khoẻ mạnh – như Dave McGillivray, giám đốc đường đua Boston […]

  • […] ví dụ kinh điển là trường hợp của Dave McGillivray, giám đốc đường chạy Boston Marathon, ông […]

  • […] người muốn dự giải chạy này. Nói như Dave McGillivray – trưởng BTC Boston marathon, “I want that BQ” không chỉ […]

  • >
    34 Shares