Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: “Ngợp” giữa 8000 ultra runner ở Chamonix

Chay365 – Năm 2017, anh Vũ Văn Thịnh là người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành UTMB với thời gian gần 44 giờ đồng hồ. Chỉ cần tập đúng cách thì bất cứ ai không bị khiếm khuyết cơ thể đều có thể hoàn thành UTMB, anh Thịnh chia sẻ.

Chay365  xin đăng lại bài viết của ultra runner Thịnh ghi lại hành trình từ “tấm chiếu mới”, thuở còn coi mấy người chạy bộ là không bình thường cho đến khi anh cán đích UTMB tại Chamonix. Những suy nghĩ, trải nghiệm của anh Thịnh trước, trong và sau cuộc đua có thể sẽ mang lại chút cảm hứng và thông tin hữu ích cho các độc giả Chay365, những người muốn chinh phục UTMB, một trong những giải chạy ultra trail lớn nhất, hấp dẫn nhất thế giới vào một ngày nào đó…

Đọc phần trước (P2): Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: “Chỉ có bọn điên mới chạy như thế”

Phần 1: Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: Tại sao tôi chạy Ultra Trail de Mont Blanc?

Chiều thứ 4, 30/08 đi lấy số. Cả dòng người dài dằng dặc đứng dưới một đám mây đen ngòm như muốn đè sập cả Chamonix. Sau khoảng 1h chờ đợi, cũng vào tới cửa kiểm soát an ninh. Có khoảng 8000 vận động viên (VĐV) tham gia đến từ hơn 90 nước. Nên an ninh là một trong những vấn đề thiết yếu. Tất cả mọi thứ đều phải phơi bày như trước khi lên máy bay. Sau đó đến cửa kiểm tra thiết bị bắt buộc: mỗi cự ly có một số thiết bị bắt buộc được ghi rõ trong luật của UTMB. VĐV nào không đủ thiết bị bắt buộc sẽ phải quay ra mà không lấy được số. Sự nghiêm ngặt của BTC giúp đảm bảo an toàn cho chính các VĐV khi ở trên núi cao một mình giữa đêm dưới trời mưa, tuyết,… VĐV nào bị thiếu gì có thể quay ra ngoài có hội chợ bán hàng trail để mua bổ sung. Tuy nhiên mình chọn mang đầy đủ từ nhà.

Số bib UTMB

Số bib UTMB

Ngoài biển số (bib – Chay365), ban tổ chức phát cho mỗi VĐV 3 cái túi nilon nhỏ để đựng rác của mình và nếu có thể thì nhặt rác của các VĐV khác nếu chẳng may ai đó làm rơi ra môi trường tự nhiên sau đó tới chỗ nào có thùng rác mới được vứt. Phát cùng với 3 chiếc túi là một tờ 1/2 A4 ghi một số điều luật bảo vệ môi trường với các hình vẽ cần lưu ý; ví dụ biển báo khu vực bảo tồn – nếu có biển này cắm ở một bãi cỏ chẳng hạn thì sẽ không được dẫm lên bãi cỏ đó; bởi vì nơi đó có thể có các cây nhỏ hoặc các con côn trùng bé tí đang cần được bảo vệ. Gặp các biển báo kiểu này, các VĐV cần ở bên trong đường chạy; không được dẫm lung tung ra ngoài.

Thiết bị cần mang theo khi chạy UTMB khá nhiều. Để đảm bảo an toàn và sự thoải mái, mình đã chuẩn bị và thử thiết bị từ khi nhặt điểm – từ trước khi chạy khoảng 1.5 năm. Thiết bị chính gồm:

  1. Hai đôi giày và hai bộ tất giống hệt nhau cả về độ mòn: một đôi đi từ đầu, một đôi để thay ở giữa đường tại điểm nghỉ ở Courmayeur bên Ý. Gọi là hai bộ tất vì khi chạy mình đi hai đôi: một đôi mỏng và bó ở bên trong, một đôi dày và không bó ở ngoài.
  2. Hai bộ quần áo giống hệt nhau cả về độ cũ gồm: đồ lót, áo T-shirt, quần chạy lửng và một đôi bảo vệ bắp chân – tất cả đều bó và đàn hồi cao. Nguyên tắc có hai bộ để sử dụng giống như với giày.
  3. Hai cái đèn của hai hãng khác nhau chạy hai loại pin khác nhau: vốn trước đây mình làm việc trong ngành hàng không dân dụng; nên vẫn giữ thói quen đồ dự phòng phải khác với đồ chính để nói chung cả hai không hỏng cùng lúc.
  4. Áo thun ấm 180g như theo yêu cầu của ban tổ chức: đến đêm, tuyết rơi, gió to trên đỉnh núi mới thấy ban tổ chức có lý.
  5. Áo, quần bên ngoài bằng vải chống mưa và thoát mồ hôi.
  6. Một đôi gậy bằng các-bon gấp lại được.
  7. Pin thay cho đèn, pin để sạc điện thoại, đồng hồ.
  8. Đồ đạc được chia thành nhiều túi nilon để phòng mưa.
  9. Tất cả để trong một ba-lô chạy có kèm theo còi, túi đựng nước uống và mảnh chăn bảo vệ.

Có số rồi. Trong hai ngày chờ đợi lại tiếp tục các hoạt động thể thao và thăm thú cùng gia đình. Tiếp tục đi leo núi, đi thăm nơi sản xuất loại thịt muối Aosta của Ý. Tất nhiên không quên mua thịt muối ở đây và cả rượu nữa. Cũng phải nói đôi điều về thịt muối Aosta: đùi lợn được tẩm muối và treo trong phòng lạnh tự nhiên với nhiệt độ của lòng đất khoảng 2 năm. Nền nhà trải cỏ tự nhiên lấy từ trên núi. Trong 2 năm, hương cỏ sẽ bốc lên và thấm vào thịt. Vì vậy thịt muối Aosta có hương vị đặc biệt của vùng núi cao Alpes. Rượu ở đây có loại rượu ngâm với cây hoa cúc genepy sống trên núi cao và rượu vang đỏ để uống khi ăn thịt muối. Rượu vang đỏ vùng Alpes làm từ nho sống trên các mảnh vườn bậc thang trên vách núi đá. Nho trên núi có vị chát đặc biệt tạo ra loại rượu có cá tính.

Trong xưởng làm thịt muối ở Ý

Một kỷ niệm đẹp hôm đi đến nơi làm thịt muối ở Saint-Rhemy-de-Bosse ở Ý. Sau khi đã mua thịt muối, định bụng đi mua bánh mỳ rồi kẹp với thịt vừa mua được để ăn trưa. Đi vòng quanh làng mà chẳng thấy hiệu bánh mỳ nào cả. May quá, cuối cùng thấy một bác (khoảng 60-70 tuổi) lái xe ở phía sau. Không bỏ lỡ cơ hội tóm được thổ dân. Bác ấy rất vui vẻ chỉ cho cái hiệu bánh ở đầu làng; nhưng lại bảo: không biết giờ này có mở cửa không. Sau đó bác ấy bảo nếu muốn ăn trưa thì bác ấy chỉ quán cho – là quán của cháu bác ấy. Bác ấy nói lái xe theo sau. Đến một cái đường cụt – nơi có thể quan sát cả cái thung lũng phía dưới; bác ấy dừng lại và chỉ cho cái quán cùng đường đi tới. Nhưng sau đó, cảm thấy không yên tâm; bác ấy bảo đi theo; bác sẽ dẫn tới tận nơi. Sau khoảng 5 hay 7 lần lắc trái, lắc phải và qua một cái cầu nhỏ và một cái hẻm chỉ sợ xước xe đến trước một cái nhà gỗ rất to. Bác thổ dân bảo muốn đỗ xe chỗ nào cũng được rồi cứ vào quán mà ăn. Sau đó bác ấy mới giới thiệu là một nhà điêu khắc trên gỗ. Nói chuyện một lúc rồi bác ấy đi.

Vào quán; không khí thật ấm cúng – một căn phòng lớn bằng gỗ thông nhìn ra một vạt sườn núi đầy cỏ xanh dưới ánh nắng vàng. Xa xa là những rặng thông dưới màu tuyết trắng. Vợ chồng chủ quán chừng 40 tuổi, trông chân chất và thân thiện. Bọn mình chưa biết ăn gì, nên hỏi xem chủ quán có gợi ý gì không. Anh chủ giới thiệu đang có món mỳ nấu với nấm tươi vừa đi nhặt ngoài rừng vào. Sau đó anh chủ còn mang cây nấm ra cho xem. Một cây nấm Bolet tươi (Bolete trong tiếng Anh), to tướng – đường kính khoảng 30cm toả hương thơm đặc biệt. Bọn mình đồng ý ngay. Lấy mỗi người một đĩa. Trước khi mang mỳ ra; chủ quán còn khuyến mãi một đĩa nấm áp chảo với pho-mát thơm phức. Ăn hết đĩa mỳ; mình không thể không yêu cầu đĩa thứ hai 😉 Ăn mỳ, uống café Ý xong, đến món cuối cùng – hoá đơn. Ăn rất ngon, ngồi chỗ đẹp; phục vụ nhiệt tình; mình đã chuẩn bị tinh thần… Nhưng thật bất ngờ – cả nhà ăn hết tận…. 32 Euros; chỉ bằng một bữa ăn tương đương như thế ở Paris cho một người – tất nhiên, bữa ăn ở Paris sẽ không có nấm tươi hái ở ngoài rừng. Cũng cần nói thêm, trong quán có cả một cái bảng to chứa đầy chữ ký của các VĐV đạp xe Tour de France đã ghé qua đây.

Một ngôi làng nhỏ trên Alpes

Trong tuần lễ UTMB ở Chamonix có nhiều cuộc chạy với các cự lý khác nhau:

  • YCC:   15km/1.0kmD+, cho các bạn trẻ không quá 22 tuổi.
  • OCC:   56km/3.5kmD+, bắt đầu từ Orcières của Thụy Sỹ và kết thúc ở Chamonix.
  • CCC:   101km/6.1kmD+, bắt đầu từ Courmayeur của Ý và kết thúc ở Chamonix.
  • TDS:    119km/7.2kmD+, bắt đầu từ Courmayeur của Ý và kết thúc ở Chamonix.
  • UTMB: 171km/10.3kmD+, bắt đầu và kết thúc ở Chamonix.
  • PTL:     290km/26.5kmD+, bắt đầu và kết thúc ở Chamonix. Khác với các cuộc kia; PTL là road chứ không phải trail. Ban tổ chức chỉ đưa ra một số điểm bắt buộc phải đi qua và một gợi ý đường đi với tọa độ trên mặt đất (kinh tuyến + vĩ tuyến). Các VĐV tự tìm và quyết định đi theo đường nào để qua các điểm bắt buộc. PTL được chạy theo đội 2 hoặc 3 người (các cuộc kia chạy theo cá nhân).

Các cự ly khác nhau trong tuần lễ UTMB

Ngay từ đầu tuần đã có xuất phát của các VĐV PTL. Nhà mình không thể bỏ qua cơ hội ra vạch xuất phát từ sáng sớm để chiêm ngưỡng giờ phút khởi đầu của một cuộc chạy không bình thường. Người chạy hớn hở vui vẻ đợi hiệu lệnh xuất phát. Một số VĐV không giấu được cảm giác bồi hồi chờ đợi. Một số khác không quên tranh thủ ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi của cuộc đời bằng điện thoại di động. Người đưa tiễn bùi ngùi như tiễn người nhà đi làm ăn ở xa (mình không dám ví với đi ra trận vì như thế sẽ thiếu tôn trọng với các anh bộ đội). Mọi người không quên nhắn nhủ nhau “hẹn đến cuối tuần”. Với độ phức tạp của PTL, đội nhanh nhất có thể hoàn thành trong khoảng 120h và chậm nhất được quy định bởi ban tổ chức 150h. Nên mọi người mới hẹn nhau đến cuối tuần. Đặc biệt PTL không phải là cuộc đua; bởi vì tất cả những ai hoàn thành PTL đều đã thành chính quả; nên ban tổ chức không xếp loại nhất, nhì,… mà chỉ có hoàn thành hay không hoàn thành.

Sau khi tiễn các VĐV PTL đến thời gian các em chạy YCC ở Chamonix. Thế hệ mới lớn chạy rất hăng. Chủ yếu các em đến từ các thành phố và các làng lân cận Chamonix và Courmayeur.

Các trailers trẻ bắt đầu YCC

Tiếp theo, các VĐV TDS xuất phát vào sáng sớm thứ 4 ở Courmayeur, chạy xuống phía Nam rồi về Pháp ở gần Bourg-Saint-Maurice ở phía nam của Chamonix. Nhà mình chọn một quán để ăn tối ngay cạnh đường chạy, cách vạch đích vài trăm mét. Mỗi khi có người chạy về cả khu phố lại rộn vang tiếng pháo tay và tiếng mọi người chúc mừng. Nhà mình không bỏ lỡ cơ hội để nhìn tận mắt các VĐV hớn hở về trong đêm. Gần trưa hôm sau mình có một cô bạn – Aurélie về đích. Trời mưa lạnh, trông Aurélie nhăn nheo nhợt nhạt. Bùn đất từ chân tới đầu. Cô ấy bị trượt chân, ngã, nên quần áo có cả vệt bùn dài. Trong cái vẻ bi đát đó, vẫn sáng lên nụ cười thật tươi trên khuôn mặt vui vẻ lấn át hết sự mệt mỏi mà cô ấy vừa trải qua. Aurélie vào quầy nhận quà sau cuộc chạy – một chiếc áo vét “Finisher”. Nhìn Aurélie run run cầm cái áo (chắc do vừa lạnh vừa nhiều cảm xúc), mình nói cô ấy sao không mở ra mặc cho ấm. Aurélie bảo: “Tay em đầy bùn đất, nếu cầm vào sẽ làm bẩn mất chiếc áo quý giá”. Lúc này, cô bạn đi cùng Aurélie lấy trong túi sách ra một chiếc áo khoác đã chuẩn bị sẵn để cô ấy mặc. Nhà mình đứng trò chuyện với hai cô một lúc rồi chia tay để hai cô về nghỉ và không quên chúc các cô ấy ngon giấc (đương nhiên là ngon giấc rồi). Lúc đó khoảng 12h trưa. Do trời mưa, nên lễ trao giải TDS được hoãn lại đến ngày hôm sau – sáng thứ 6.

Sau TDS, các VĐV OCC xuất phát từ sáng sớm thứ 5 ở Orcières, chạy về phía Tây, qua đèo La Catogne rồi về Pháp. Christophe – một anh bạn của gia đình mình chạy cự ly này. Anh bạn về khá sớm. Nhà mình theo dõi vị trí của Christophe và ra vạch đích đợi sẵn. Khi anh ấy chạy qua, cả nhà gọi Christophe, Christophe, Christophe; nhưng anh ấy không nghe thấy. Đón Christophe ở sau vạch đích. Anh ấy rất vui, giống như một đứa trẻ vừa hoàn thành tốt một bài thi khó. Christophe hồ hởi kể chuyện anh ấy đã chạy ra sao. Đường trơn và dốc thế nào. Anh ấy thấy mệt mỏi ra sao… Nhà mình trò chuyện và hoan nghênh anh ấy đã hoàn thành một cách an toàn OCC. Cuối cùng anh ấy chốt lại một câu: “Thật thán phục chú em sẽ chạy cự ly UTMB. Đây là lần cuối cùng anh chạy dài như thế này”. Với nụ cười trên môi, mình trả lời anh ấy: “Lần sau anh sẽ không thán phục nữa đâu. Cứ đợi một tuần nữa rồi anh hãy nói có chạy dài như thế nữa hay không ;)”.

1001 điều cần biết về UTMB Mont Blanc – giải ultra trail lớn nhất thế giới

Kết quả UTMB qua những con số: Tỉ lệ DNF cao “đi dễ khó về”

Chạy trail băng rừng vượt núi: Càng gian nan càng hấp dẫn

Sáng sớm thứ 6, các VĐV CCC xuất phát ở Courmayeur, chạy vòng lên phía Bắc, qua đèo Grand Ferret, sang Thụy Sỹ rồi qua đèo La Catogne để sang Pháp và kết thúc ở Chamonix. Có em Chi Nguyễn là người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên chạy và hoàn thành cự ly này. Mình còn có một người bạn nữa – Maelane cũng hoàn thành CCC. Mình không gặp hai cô ấy hay bất kỳ vận động viên CCC nào khi về đích vì lúc đó mình cũng đang mải mê chạy.

Sáng thứ 6, diễn ra lễ trao giải TDS. Rất giản dị – như tính cách của các Ultra-Trailers. Bà Catherine POLETTI – vợ của ông Michel POLETTI – đồng sáng lập UTMB và là chủ tịch ban tổ chức lên nói vài câu ngắn gọn về lịch sử 15 năm UTMB. Catherine hoan nghênh các VĐV,… và không quên xin lỗi mọi người do thời tiết mà phải lùi lễ trao giải mất 1/2 ngày. Đặc biệt sự chậm trễ này đã làm vắng mặt một số VĐV trên bục nhận giải. Nếu ai đó hy vọng nhìn thấy các chân dài hay các bộ váy đẹp trong lễ trao giải sẽ thất vọng tràn trề. Chân dài có – nhưng là những đôi chân gân guốc như của các chú ngựa khỏe. Quần áo thì từ chủ tịch ban tổ chức cho tới các VĐV và các người tham gia trao giải, kể cả bác chủ tịch thành phố đều mặc đồ thể thao.

Do thời tiết tuần này thay đổi thất thường; nên tất cả mọi người đều chờ đợi quyết định cuối cùng của ban tổ chức xem có thay đổi gì về đường chạy UTMB không. Cũng cần nói đôi điều là yếu tố an toàn của các VĐV được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt khi ở trên núi cao vào ban đêm thì thời tiết rất quan trọng. Có tin nhắn của ban tổ chức khi đang trong lễ trao giải TDS: 1. Do thời tiết không thuận lợi, nên sẽ có hai thay đổi về đường chạy ở biên giới Pháp-Ý và ở gần nơi về đích; 2. Sẽ có tuyết rơi từ độ cao 2000m và nhiệt độ cảm nhận khoảng -9°C; 3. Thời gian xuất phát sẽ lùi lại 30 phút.

Chạy siêu dài đường núi có giống chạy marathon?

Các Cuộc Đua Sức Bền Siêu Dài: Nữ Đang Dần Đánh Bại Nam? – Kỳ 1

Tại Sao Nước Tiểu Đỏ Sau Khi Chạy Bộ Đường Dài?

Mọi thứ đã rõ ràng. Ôn lại bài và kiểm tra lại áo ấm trong lúc đợi em yêu nấu cho đĩa mỳ cuối cùng trước khi lên đường. Do thời gian xuất phát và đường chạy có thay đổi; nên cần điều chỉnh lại một chút về tốc độ chạy cũng như thời gian nghỉ. Tuy nhiên thay đổi không nhiều; về cơ bản vẫn như cũ ở các điểm chính.

Ăn đĩa mỳ của em yêu xong; cũng đã khoảng 14h. Hai mẹ con đưa nhau ra ngoài chơi để cho bố tranh thủ ngủ một lúc. Nhưng giống như đứa trẻ háo hức sắp được đi chơi xa; bố nằm im mà không ngủ được. Mình gọi hai mẹ con về; nói chuyện, uống trà/café một hồi rồi dẫn nhau ra vạch xuất phát.

Trong khu phố đi bộ từ cách vạch xuất phát chừng 500m, không khí náo nhiệt, hừng hực. Đã có nhiều người đứng ở hai bên đường nơi các VĐV sẽ chạy qua. Tại quảng trường – điểm xuất phát đông nghịt người. Hai mẹ con ở với bố một lúc thì phải đi ra tìm chỗ đứng cạnh đường chạy đón bố khi bố sẽ qua. Hai mẹ con đi cách vạch xuất phát chừng 300 m mới tìm được một chỗ bé tý chen giữa mọi người…

Đọc phần sau (P4):  Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: Tiết kiệm từng phút xuyên đêm để “đốt sạch” ở Courmayeur

(*) Tiêu đề do Chay365 đặt, ảnh do tác giả cung cấp

About the Author chay365

follow me on:
  • […] chưa thấy ai có đủ tiềm năng cạnh tranh với Chi Nguyễn, khi chị ở một đẳng cấp quá khác biệt so […]

  • >
    0 Shares