Seoul marathon

Seoul Marathon được Hiệp hội điền kinh quốc tế (IAAF) xếp hạng Vàng, ngang tầm giải Paris, Amsterdam, HongKong, Singapore. Đây là một trong những giải marathon lâu đời nhất trên thế giới. Giải lần đầu được tổ chức năm 1931, nghĩa là từ hồi Cụ Hồ vẫn bôn ba tìm đường cứu nước, nhóm Tự lực văn đoàn mới manh nha phát triển, còn thủ đô Hà Nội bé bằng cái kẹo, đủ để runner “chén” được (giá mà bây giờ nó lại bé xinh như cái kẹo.) Đoàn Việt Nam có 6 anh chị em tham gia chạy giải lần thứ 90 này, tất cả đều đạt PR. Ngồi trên máy bay khá rảnh, mình viết vài dòng review để mọi người tham khảo.

No photo description available.

1. Đăng ký

Cổng đăng ký mở ngày 17/12/2018, và đóng trước ngày thi đấu 1 tháng. Tóm lại thời gian đăng ký chỉ kém mấy giải Việt Nam thôi, chứ dư dả hơn Tokyo hay New York. Website chủ yếu tiếng Hàn, không thân thiện lắm, nhưng có thể mua bib qua trang của World’s Marathons. Sau khi đăng ký, một điều cần làm là gửi track log cho Ban tổ chức để họ xếp nhóm xuất phát. Điều này rất quan trọng vì nếu không gửi sẽ mặc định bị xếp vào nhóm E (cùng các pacer 4:30, 4:40,…) Xuất phát sai nhóm sẽ bị tính DNQ. Mình gửi thành tích 3:00:06 ở giải Surf City Marathon 2019 cho họ, được xếp vào nhóm A. Đây là nhóm xuất phát thứ hai, sau nhóm “Hall of Fame”.

Nói chung, website của giải đấu không tương xứng với một giải chạy hạng Vàng. Rất nhiều thứ (như password để truy cập, hay Cut-Off Time) cần phải chat trực tiếp với page của Ban tổ chức. Nhân viên trực messenger nhiệt tình, nhưng theo kinh nghiệm chạy giải của mình, BTC nào phải nói chuyện với runners là lởm khởm, thiếu chuyên nghiệp, chứ không có gì hay ho đáng tự hào. Mấy giải của Mỹ hay Singapore mọi thông tin đều tường minh trên website, viết thư hay gửi tin nhắn sẽ không được phản hồi. BTC không phải là chính quyền phường để nghe bạn trình bày.

Trước ngày chạy may mắn được anh Bruce Vu giới thiệu hội Seoul Flyers, làm quen với bạn admin Joe (PR 2:52:xx, sẽ chạy Boston 2019 sắp tới.) Mình vào group hỏi vài câu, được mọi người trả lời rất nhiệt tình. Group quy mô khoảng 4000 thành viên, nhưng có vẻ chuyên nghiệp (ví dụ điều lệ ghi rõ không được post bài liên quan tới tặng/bán bib.) Mọi người định kỳ tổ chức chạy cùng nhau, như thứ Ba chạy trong sân vận động. Sau buổi tập cũng post ảnh sống ảo, ảnh ăn uống,… tóm lại là gần tương tự Chay365.

2. Expo

Đây là lần thứ hai mình ghé thủ đô Seoul. Lần đầu từ năm 2013, khi ấy còn bánh bèo, chủ yếu lang thang chụp ảnh hoa anh đào.

Hoa anh đào Seoul. Hình chụp tháng 4/2013

“Mùa xuân nay khác rồi”, đợt này mình sang chỉ để chạy marathon. Expo được đặt ngay ngoài sân vận động Olympic, mở cửa từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày thứ Bảy. Có vẻ các vận động viên bản xứ đã được nhận bib qua đường bưu điện từ trước nên expo khá vắng vẻ. Tụi mình đến sân lúc 10:30, các gian hàng rất sơ sài và buồn tẻ. Không khí giống một công trường xây dựng hơn một “thánh đường chạy bộ” mà mình từng kỳ vọng. Chỗ đông đúc nhất là gian hàng bán ức gà chiên theo kiểu Hàn. Mình muốn tìm mua vài gói gel và tất xỏ ngón mà không có. Race kit tối giản, gồm bib, áo ba lỗ của New Balance (chất liệu thun mè chỉ ở chất lượng trung bình), một quyển sách hướng dẫn tiếng Hàn, và một túi nilon lớn có in sẵn số bib để runners gửi đồ trong ngày chạy giải (cái này các giải chạy ở Việt Nam nên học tập.) MC cứ gào lên bằng tiếng Hàn một cách ầm ĩ (race briefing chăng?) khiến cả nhóm quyết định về sớm load carb.

3. Ngày chạy giải

Giải đấu bắt đầu lúc 8h sáng. Tiết trời khoảng 3 độ C, khô ráo, lại có chút nắng ấm, lý tưởng cho chạy bộ và chụp hình sống ảo. Seoul Marathon có trên 20 ngàn người tham gia nên không khí vạch xuất phát không khác gì Hồ Gươm sau khi Việt Nam vô địch AFF. Lưu ý không nên hẹn hò ở khu vực này vì xác suất “Ơn Giời cậu đây dzồi!” là cực kỳ thấp. Một kinh nghiệm khác là theo chân các runners xứ Hàn vào mấy khu nhà kho lân cận để đi vệ sinh, sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian.

Hôm thứ Bảy, mình lên group Seoul Flyers hỏi chỗ mua gel, thì nhận được inbox của chị Maho Morita, hẹn sáng hôm sau mang vài gói cho mình. Trước giờ xuất phát 30 phút, mình túm được chị trong đám đông 20 ngàn người, hai chị em ôm chầm nhau như bạn thân lâu ngày không gặp. Chị Maho từng chạy Boston hai lần (vậy là biết đẳng cấp rồi nhé), khuyên mình nên chạy cẩn thận vì 18 km đầu rất chen chúc. Chị đưa mình ba gói gel, rồi tự cắn một gói (rất đúng bài.) Dĩ nhiên là mình cũng làm tương tự.

Giải đấu có pacer rải đều từ 2:50 tới 5:00, cách nhau mỗi khoảng 10 phút. Cần tìm hiểu kỹ pacer có thuộc nhóm xuất phát với mình không. Như mình định theo pacer 3:00 nhưng chủ yếu họ chạy trước trong nhóm “Hall of Fame”, chỉ duy nhất có một bác đầu bạc xuất phát cùng mình. Bác này người nhỏ nhắn (cỡ 1m60), hai bắp chân thon chắc như đồng hun. Mình cảm thấy yên tâm vì bác có vẻ giàu kinh nghiệm chinh chiến và dẫn tốc. Một runner kế bên ngó bib của mình và nhắc mình phải chạy ở hàng A chứ không phải hàng Hall of Fame. Dĩ nhiên mình biết điều đó, và chẳng bao giờ có ý giành lấy những thứ không thuộc về mình.

Về quá trình chạy thì mình không trình bày nhiều. Cảm xúc nhất là nửa đầu quãng đường khi sát cánh cùng gần 200 người chạy theo pacer 3:00, nghe tiếng bước chân nện rầm rập trên mặt đường như vó ngựa. Trong buổi sớm Seoul còn mờ hơi sương, thứ âm thanh dồn dập và đều đặn ấy, kết quả của những tháng ngày luyện tập bền bỉ, kích thích người chạy bộ hơn bất cứ một loại hình cổ vũ nào khác. “Sát cánh” là đúng nghĩa đen vì bên trái, bên phải, phía trước, phía sau, không có một khoảng không nào thừa. Rõ ràng, ở những giải đấu đông đúc thế này, cần trung thực đăng ký theo đúng thành tích thật của mình, vì nếu chỉ một người chậm lại đôi chút là cả nhóm sẽ va vào nhau dúi dụi. Chạy đông khiến sải chân của mình thu ngắn đáng kể, guồng chân cũng phải nhanh hơn. Mình học được rằng giống như trên đường cao tốc, phải di chuyển đúng “làn” của mình. Nếu muốn đổi “làn” (để lấy nước chẳng hạn), cần giơ tay “xi-nhan”, trong khi vẫn không giảm tốc độ.

Đường chạy Seoul Marathon

Giải Seoul Marathon có đội ngũ tình nguyện viên rất tuyệt vời, hiểu việc và chuyên nghiệp. Với mình, marathon là 42 km chứ không chỉ có những cờ hoa ở vạch xuất phát và vạch đích, 99% trải nghiệm của người chạy bộ là trên đường chạy, mà ở đó, tình nguyện viên là bộ mặt của Ban tổ chức. Về sau tìm hiểu, mình được biết tình nguyện viên được huy động từ các trường đại học và các tổ chức xã hội. Chắc ở Việt Nam mới có sự “xa xỉ” là huy động những runners giàu kinh nghiệm đi phục vụ giải chạy. Giải Seoul marathon chủ yếu người bản xứ tham gia (có lẽ vì vậy mà website tiếng Anh không thân thiện lắm.)

Trong 15 km cuối của đường chạy, mình tăng tốc dần và bắt đầu vượt từng nhóm nhỏ. Những nhóm mình vượt qua thường gồm 10-15 người, nòng cốt là các runners thuộc cùng một câu lạc bộ chạy nào đó ở Hàn Quốc, mặc quần áo giống nhau. Họ chạy ở tốc độ sub3 một cách khá thư thái, điều đó cho thấy phong trào chạy bộ ở đây có trình độ cao.

Thành tích của mình theo Ban tổ chức là 2:56:18. Mình chạy negative split hoàn toàn. Nói thật cảm giác còn có thể chạy nhanh hơn, nhưng thôi hăng hái quá cũng không phải tốt. Sau khi kết thúc, các vận động viên được hướng dẫn di chuyển gần 1 km để nhận huy chương, chuối, bánh, bột sâm, cũng như lấy lại đồ. Huy chương của giải vừa xấu vừa nhỏ, độ tinh xảo chắc chỉ bằng 1% huy chương của các giải chạy ở Việt Nam, nhưng mình thấy không ai quan tâm. Các vận động viên về đích cùng lúc với mình chủ yếu mang bib “Hall of Fame”, chắc hẳn ai cũng hài lòng khi tự giành được một huy chương cho riêng mình.

Dưới đây là split của mình:

Việc mình có PR là khá dễ hiểu chứ không có gì quá hoành tráng, vì nhiều website đánh giá Seoul, với đường chạy phẳng và tiết trời dễ chịu, thuộc loại “nhanh nhất trên thế giới”. Nói thêm, cũng chính ở Seoul Marathon 2019 này, Soh Rui Yong – đương kim vô địch SEA Games hai lần liên tiếp – đã phá kỷ lục quốc gia Singapore tồn tại 23 năm qua, với thời gian 2:23:42. Ai xem trực tiếp giải đấu sẽ thấy đoạn cuối Soh đua với nhà vô địch nữ rất thú vị. Soh có thể chậm lại, nhưng anh có mục tiêu phá kỷ lục quốc gia. Hai người so kè từng bước cho tới mét cuối cùng, và Soh đã rất chuyên nghiệp né ra nhường sân khấu chính cho nữ hoàng đăng quang.

Chụp ảnh cùng Joshep, admin Seoul Flyers, sau giải đấu. Thành tích của Joshep là 2:57:xx. Update 2022: cuối năm ngoái chàng trai người Mỹ này vừa lập gia đình với một cô gái Hàn Quốc rất xinh, giờ chắc định cư lâu dài ở Seoul rồi

Mình còn nhớ ấn tượng đầu tiên của mình về marathon, đó là hồi tháng Mười Hai 2012, khi mình ở Singapore. Một ngày Chủ nhật, từ bệnh viện SGH về nhà, qua nhà ga trung tâm City Hall thấy ngập tràn sắc xanh của người chạy bộ giải Singapore SC marathon. Ai cũng mặc áo 42km Finisher, mặt ngẩng cao đầy kiêu hãnh. Kết thúc giải Seoul Marathon, mình bắt tàu từ sân vận động Olympic về khách sạn (gần ngay vạch xuất phát.) Cả toa tàu toàn người vừa chạy giải. Dân chạy bộ ở Seoul có vẻ khiêm nhường và ít phô trương hơn, chỉ lặng lẽ ngồi chuyện trò hoặc chúi mũi vào smart phone. Trời lạnh, ai cũng mặc áo ấm, chẳng ai đeo huy chương (cái huy chương quá xấu, chắc nhiều người không thèm đeo.) Nhưng vẫn có nhiều cách để nhận diện những người chung đam mê, rất nhiều Vaporfly, rất nhiều dấu hiệu của các giải Major. Có thể nói rằng dù không rình rang, nhưng không khí chạy bộ vẫn âm ỉ len lỏi ở thành phố này.

Buổi chiều sau giải đấu, mình mò ra cửa hàng bán đồ chạy bộ mang tên “Runner’s Club” được các thành viên nhóm Seoul Flyers giới thiệu. Chủ cửa hàng, bác Minos Chung, là người từng chạy Boston từ năm 2003. Bộ sưu tập có cả Tokyo 2007 và NYC 2011. Thật thú vị khi biết cái huy chương giải Boston hồi trước bé tẹo. Bác Minos còn có bằng cấp về dụng cụ chỉnh hình chân. Cửa hàng gọn gàng xinh xắn, chủ yếu bán các phụ kiện như tất, bó chân, găng, vài bộ quần áo, nhưng có nhiều giày Nike giá khá mềm. Mình mà có máu “gian thương” kiểu gì cũng ôm vài đôi về. Hay nhất là có dịp trò chuyện với người cùng đam mê chạy bộ, uống loại trà đặc biệt mà bác Minos Chung thường hay sử dụng sau các buổi tập chạy đường dài. Nếu ai có dịp ghé Seoul rất nên tới thăm cửa hàng này. Quả thật, nhờ chạy bộ mà những người xa lạ có thể trở nên gần gũi và thân thiết thật dễ dàng.

Cửa hàng Runners’ Club

Bộ sưu tập huy chương của chủ cửa hàng

4. Kết luận

Đánh giá chung về giải Seoul Marathon

  • Tổ chức: ổn, ngoại trừ vài khúc mắc trong quá trình đăng ký, còn lại Ban tổ chức làm rất tốt công việc của mình
  • Đường chạy: phẳng, ít dốc, ít góc cua. Cộng thêm trời lạnh nên rất dễ có PR
  • Tình nguyện viên: chuyên nghiệp
  • Trạm nước: 5 km một trạm, nhưng gồm 20-30 bàn (xen kẽ nước và điện giải). Cứ 7,5 km lại có một trạm phát bọt biển làm mát
  • “Đồ chơi”: Huy chương xấu. Áo đẹp nhưng chất liệu tệ
  • Không khí cuộc đua: hoạt động cổ vũ khá sôi động. Ban tổ chức bố trí vài điểm đánh trống, ca hát. Đám đông không thể so sánh về độ “điên cuồng” với mấy giải mình từng chạy ở Châu Âu hay Mỹ, nhưng so với mặt bằng Châu Á hay Việt Nam là quá cuồng nhiệt.

Tóm lại, bạn nên chạy Seoul Marathon nếu như:

  • Bạn muốn có PR
  • Bạn muốn có thành tích cao để đạt chuẩn BQ, hay NYC (2:55 cho tuổi 35-39), hay Berlin (2:45 cho tuổi 35-39)
  • Bạn muốn trải nghiệm một giải chạy đẳng cấp cùng không khí sôi động
  • Bạn là fan cứng của phim Hàn Quốc, của “Crash Landing on You”, của K-Pop, Big Bang, T-ara, BTS, Super Junior, cũng như các nam diễn viên “đẹp trai nhất hệ mặt trời”
  • Bạn thích mua sắm mỹ phẩm ở khu Myeong-dong, hoặc đang tìm hiểu về công nghiệp phẫu thuật thẩm mĩ xứ Hàn
  • Bạn thích đồ nướng Hàn Quốc và cơm Bibimbap (như Đinh Linh)

Bạn không nên chạy Seoul Marathon nếu như:

  • Bạn không quen chạy trong thời tiết dưới 5 độ C
  • Bạn nghĩ rằng tổng số tiền 400-500 USD để chạy giải là quá nhiều (gồm tiền mua bib, vé máy bay, ăn ở, di chuyển,…)
  • Bạn dự tính khó có khả năng hoàn thành FM trong 5 giờ
  • Bạn thích mề-đay to, đẹp, lóng lánh sắc màu
  • Bạn kỳ vọng ngắm hoa anh đào (hoa anh đào chỉ nở sau đây 1 tháng)
  • Bạn chưa từng chạy bộ trong công viên Thống Nhất ở thủ đô Hà Nội bao giờ, dẫn đến thiếu kỹ năng len lỏi luồn lách qua đám đông
  • Bạn không tải app Google Translate về máy, vì gần như không nhà hàng nào có thực đơn tiếng Anh

Xem thêm: Seoul Marathon – Giải chạy marathon đầu tiên của tôi

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] lại Breaking3 Marathon (phần II) Seoul marathon Chùm ảnh 1001 kiểu chống rét khi chạy Breaking3 Marathon Runner phong trào […]

  • >
    0 Shares