Trao đổi thêm về MAF

Chạy bộ theo phương pháp MAF  (Maximum Aerobic Function) được khá nhiều runner quan tâm trong thời gian gần đây.

Lời Ban biên tập:

Dưới đây là bình luận của bạn Nguyễn Mạnh Hiền, liên quan tới chạy bộ MAF, cùng các vấn đề mà Chay365 đưa ra trong bài viết Tìm hiểu về chạy bộ MAFChay365 xin đăng lại bình luận của bạn Hiền dưới dạng một bài viết, để chúng ta rộng đường trao đổi: 

Tôi cũng đã tìm hiểu về MAF đã lâu, và cũng có chung nhiều điểm thắc mắc như tác giả đã nêu ra. Phần kết luận, như tác giả đã đưa ra là hoàn chỉnh cho việc kết luận về hiệu quả của phương pháp tập chạy này, như bao phương pháp khác, hoặc kể cả chạy không theo phương pháp nào cả. Cứ chạy nói riêng và tập thể thao nói chung là có ích cho sức khỏe.

Gần đây, tôi có đọc cuốn Arthur Lydiard’s Athletic Training của tác giả Lydiard, tôi đã hiểu rõ về MAF và những bí ẩn của nó. Chạy theo nhịp tim tính theo kiểu MAF, chính là chạy giai đoạn Condition theo Lydiard. Giai đoạn Condition chính là giai đoạn chạy nền tảng, trong một chu kỳ chuẩn bị cho thi đấu của vận động viên. Khi ở giai đoạn này, vận động viên sẽ chạy ở mức hiếu khí cao nhất. Do Lydiard chuyên về đào tạo các vận động viên chuyên nghiệp nên ông yêu cầu, vận động viên phải tự cảm nhận pace chạy phù hợp với mức hiếu khí này.

Với người chạy thông thường, sự cảm nhận này rất khó nhận biết. Vì vậy cùng với sự phát triển của các thiết bị đo nhịp tim cá nhân cho dân thể thao, MAF chỉ đơn giản cho rằng lấy 180 trừ đi số tuổi để ra một con số dễ nhớ để mọi người có thể áp dụng. Cũng chính vì sử dụng lý thuyết của Lydiard, nên những yếu tố khác liên quan không được MAF làm rõ, có thể do tác giả không muốn đi sâu thêm.

Xem thêm:

Cha đẻ của bài tập chạy đường dài tốc độ chậm

Tại sao tôi không thể chạy nhanh hơn?

Cải thiện chỉ số VO2max để chạy nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn

Nếu đọc sách của Lydiard ta sẽ có câu trả lời cho những thắc mắc này, ví dụ như các thắc mắc của tác giả:

  • Trong cả hai cuốn sách, không thấy chỗ nào nói cụ thể phải tập với thời lượng bao nhiêu, mileage thế nào. Các vận động viên của Lydiard có tốc độ chạy 10 dặm/h, và chạy 100 dặm/ tuần. Vậy thời gian chạy 1 tuần là khoảng hơn 10 giờ.
  • Không nêu rõ sự khác biệt về năng lực của VĐV (Ví dụ tập cho FM sub3 khác tập FM sub4 ra sao), theo MAF: vận động viên nào cũng chạy theo nhịp tim = 180- số tuổi. Theo Lydiard, VĐV chạy ở mức 100% tốc độ hiếu khí. Chạy theo MAF không hề chậm so với hệ quy chiếu của từng cá nhân cụ thể nhất là đối với những người chạy lâu năm, kiểm soát trọng lượng cơ thể tốt.
  • Không đề cập các bài tập tốc độ. Giai đoạn condition của Lydiard không tập “strength” và “leg speed”. Nhưng giai đoạn này, các vận động viên chạy ở các địa hình khác nhau, có một chút biến tốc, có tempo. MAF không đưa các bài chạy này vào phương pháp của mình vì như thế sẽ thấy rõ nguồn gốc phương pháp là condition của Lydiard
  • Không phân biệt đến các giai đoạn trong quá trình luyện tập chuẩn bị cho giải đấu (giai đoạn tạo sức bền, taper,…) Tác giả yêu cầu làm test MAF. Tuy nhiên không nói rõ nếu thành tích không cải thiện thì sẽ điều chỉnh thế nào. Chính vì MAF chỉ là giai đoạn condition của Lydiard nên không có các giai đoạn này.

Có thể thấy, MAF là một bản copy không hoàn chỉnh của giáo trình chạy bộ của Lydiard, quyển sách được giải thích đầy đủ về toàn bộ quá trình chuẩn bị cho giải đấu. Ngoài ra, các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến nhịp tim như nhiệt độ môi trường… cũng không được đề cập đến trong sách của MAF. Có thể có nhiều người có PR với MAF, nhưng biết đâu khi họ chạy theo những phương pháp đầy đủ hơn, sẽ có PR tốt hơn.

Với quyển sách về MAF dày ngang ngửa cuốn Suối nguồn, với hơn nữa bàn về các thông tin chuyên ngành về dinh dưỡng, lối sống, với tôi rất khó có thể đánh giá đây là một quyển sách có ích cho dân chạy bộ.

About the Author chay365

follow me on:
  • Minh says:

    Theo tôi nói MAF phát triển từ Condition của pp Lydiard còn có lý chứ bộp 1 phát kết luận “MAF là một bản copy không hoàn chỉnh của giáo trình chạy bộ của Lydiard” thì quả là võ đoán.
    Theo cảm nhận của tôi MAF giống kiểu 1 phương pháp thực dưỡng chứ không phải training plan chi tiết nên chắc làm người viết thất vọng nên nảy sinh tư duy chụp mũ đó chăng?
    Tôi cũng không nghiên cứu gì nhiều MAF nhưng ngay trả lời câu hỏi đầu tiên “phải tập với thời lượng bao nhiêu, mileage thế nào” đã có rồi, từ Table 4 trang này thì tự suy ra được (https://philmaffetone.com/white-paper-maf-exercise-heart-rate-can-help-improve-health-sports-performance/)
    Với câu hỏi “Tác giả yêu cầu làm test MAF. Tuy nhiên không nói rõ nếu thành tích không cải thiện thì sẽ điều chỉnh thế nào”: “Dr. Maffetone says you should run this test once a month to see how you are improving. Your average pace should increase each month as you become more fit. If your time is not improving, it may indicate an oncoming injury” (https://marathonhandbook.com/maf-method-maffetone-method/)
    Có thể thấy câu trả lời hầu hết đều có, chỉ là tác giả bài viết không chịu tìm hiểu thôi.

  • manh hien nguyen says:

    Khổ, comment bị đưa lên thành bài viết, đâm ra lại phải có trách nhiệm theo.
    – Quan điểm của mình thôi mà, bạn cho rằng đó là võ đoán thì mình cũng không phản đối. Mình cũng không thất vọng gì cả vì với mình các training plan chi tiết đến mấy cũng, cũng chưa chắc đã phù hợp để sử dụng đối với mình. Chính vì vậy, mình cho rằng vai trò của huấn luyện viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm cùng với những trao đổi trực tiếp sẽ giúp ích cho vận động viên nhiều hơn là chỉ với một cái đồng hồ đo nhịp tim.
    – Với cùng một quyển sách, mỗi người cũng có một cách hiểu khác nhau, do khác nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nên mình cũng không ngại mà thừa nhận đọc table 4 bạn chỉ ra, mình vẫn không suy được thời lượng và mileage thế nào.
    – Và phần sau, “nếu thời gian không cải thiện, có thể bạn sẽ chấn thương”, vậy theo bạn câu trả lời là sẽ điều chỉnh như thế nào?

  • >
    0 Shares