Triển Vọng Nào Cho Các Giải Đấu Mùa Thu 2020?

Việt Nam tạm thời ra khỏi giai đoạn cách ly xã hội, nhưng còn quá sớm để nói rằng COVID-19 đã được khống chế hoàn toàn. Trong bối cảnh hàng loạt giải đấu mùa xuân bị huỷ hoặc hoãn, những đám mây mù u ám tiếp tục phủ bóng tối lên tương lai của các sự kiện thể thao sẽ diễn ra vào cuối năm.

Lịch thi đấu mùa thu đã kín đặc. Đầu tháng Chín là Ecopark Marathon, sau đó tới Huế Marathon – diễn ra cùng thời điểm với Ironman 70.3. Tuần kế tiếp tới lượt Challenge Vietnam, VMM, Sunset Bay Triathlon, VJM, Hanoi Heritage, Long Bien,… Danh sách chưa dừng lại, bởi nhiều khả năng chúng ta sắp có lịch thi đấu mới của Quy Nhơn, Tiền Phong, DNIM, Hanoi Midnight Marathon.

Nói như Wall Street Journal, những giải đấu này được tổ chức đúng vào thời điểm tồi tệ nhất: đợt bùng phát thứ hai của COVID-19 trên thế giới.

Lịch sử cho thấy mọi dịch bệnh lớn suốt thế kỉ XX, từ cúm cho tới AIDS, luôn xảy ra thành nhiều đợt, trong đó đợt thứ hai sẽ nặng nề hơn đợt đầu tiên, cả về số người mắc bệnh lẫn số ca tử vong. Chừng nào chưa có vắc-xin, dịch bệnh bùng phát trở lại là điều tất yếu.

Dịch cúm năm 1918

Dịch cúm H1N1 năm 2009-2010

Chỉ cần nới lỏng kiểm soát, COVID-19 sẽ quay trở lại. Chẳng có gì tươi sáng hứa hẹn ở cuối chân trời. Nói như tiến sĩ Anthony Fauci, trưởng ban phòng chống COVID-19 của Mỹ, “Tương lai thế nào do con virus quyết định, không phải chúng ta”. Chưa nói đâu xa, hãy chứng kiến Singapore đang phải gánh chịu đợt bệnh thứ hai này, sau khi tưởng rằng đã khống chế virus thành công.

Câu hỏi không nằm ở chỗ đợt bùng phát thứ hai có đến hay không, mà là toàn bộ xã hội và hệ thống y tế đủ khả năng chịu đựng nó tới mức nào.

Khi những biện pháp cách ly dần được nới lỏng, hoạt động nào được mở cửa trở lại đầu tiên? Chắc chắn chính quyền sẽ ưu tiên những hoạt động thiết yếu và nguy cơ lây nhiễm thấp. Trường học, bệnh viện, chợ, là những nơi nhiều nguy cơ do tụ tập đông người, nhưng đó là các hoạt động cần thiết cho xã hội. Ngược lại, bán trà sữa trân châu không có gì cấp thiết, nhưng lại ít nguy cơ, nếu người mua chỉ đến quán và mang sản phẩm về nhà.

Trên cả hai khía cạnh (sự cần thiết và độ an toàn), các giải đấu thể thao – cùng với những lễ hội văn hoá – đều đứng cuối bảng ưu tiên.

Giải marathon còn tệ hơn thế, đó là một ngày hội thể thao và văn hoá.

Những trận bóng Ngoại hạng Anh hay V-League có thể diễn ra trong sân vận động không có khán giả. Một số giải golf có thể được tổ chức trong sự kiểm soát chặt chẽ, với lác đác vài người di chuyển trên diện tích rộng lớn.

Nhưng đó không phải là triển vọng dành cho giải chạy với 5000 người tụ tập ngoài không gian công cộng (chưa kể hàng ngàn tình nguyện viên và người cổ vũ), diễn ra trong vài hôm, tính từ thời điểm lấy bib cho tới lúc vận động viên cuối cùng được trao huy chương. Chạy marathon cũng như khi đi cắt tóc, giữ khoảng cách 2 met là bất khả. Chạy marathon còn xa mới cấp thiết bằng cắt tóc.

Một quan chức Nhật đã bi quan về tương lai của thế vận hội Tokyo 2020 (giờ đây dự tính được tổ chức vào tháng 8.2021): “Để Olympic diễn ra cần có hai điều kiện: Nhật Bản kiểm soát được dịch bệnh, và tất cả các quốc gia khác kiểm soát được dịch bệnh. Tôi có thể tin vào điều thứ nhất, nhưng chẳng có gì đảm bảo cho điều thứ hai”. Những giải chạy cũng vậy. Lấy gì đảm bảo chắc chắn một vận động viên đến từ một thành phố hay quốc gia nào đó không phải là F0 – người mang bệnh? Trừ khi chúng ta có thể xét nghiệm cho tất cả mọi người tham gia, xét nghiệm hai lần cho kết quả âm tính.

Dân chơi thể thao là những người lạc quan. Một khảo sát gần đây trên Hội những người thích chạy đường dài (LDR) cho thấy gần 60% vẫn tiếp tục duy trì tập luyện để sẵn sàng cho những giải đấu mùa thu. Nhưng chúng ta phải thành thật với nhau rằng, tổ chức giải chạy vào tháng Chín là chơi với lửa. Nó tiềm ẩn những nguy cơ khủng khiếp cho toàn thể cộng đồng. Nếu các ban tổ chức không công nhận điều ấy, thì chính quyền cũng sẽ đưa ra quyết định.

Đó cũng là viễn cảnh tồi tệ chờ đợi các giải Major cuối năm. Berlin Marathon đã trở thành giải đấu đầu tiên bị huỷ. Khi các bệnh viện và nhà xác đang chật kín, thật khó hình dung thống đốc bang và thị trưởng thành phố sẽ ủng hộ New York City Marathon, với 50 ngàn vận động viên và nửa triệu người cổ vũ.

Khảo sát trên LDR về câu hỏi: Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh các giải đấu bị huỷ/hoãn?

Cộng đồng chạy bộ sẽ phải quen hơn với việc tiêu hoá những nỗi thất vọng kế tiếp nhau, khi mà bầu không khí expo với nhiều người chúng ta cũng quan trọng như khí thở. Chúng ta cũng phải tự hỏi mình về động lực chạy bộ. Sẽ không có bảng kết quả nào ghi nhận thành tích nữa. Liệu không có huy chương trong mấy tháng tới thì giáo án ngày hôm nay có thể diễn ra theo đúng kế hoạch, giả thiết rằng mỗi người được phép ra đường thực hiện bài tập đó?

Các ban tổ chức giải thì sao? Tokyo Marathon chỉ cho phép vận động viên elite tranh tài. Boston Marathon hoàn trả phí đăng ký. Chicago và Tokyo đảm bảo dân chạy phong trào được bảo lưu suất chạy sang năm 2021 không cần bốc thăm, nhưng không được hoàn tiền.

Ở Việt Nam, may ra  Tiền Phong Marathon có thể diễn ra theo cách của Tokyo, vì nó là giải đấu quan trọng trong hệ thống thi đấu quốc gia, có xếp hạng thành tích các đoàn địa phương. Chẳng thể kỳ vọng VMM100 diễn ra với 10 người chạy vượt núi trong 10 đến 20 giờ.

Hiện tại, thông tin duy nhất đến từ các giải đấu ở Việt Nam là hoãn giải sang thời điểm khác trong năm. Có giải đã phải hoãn tới hai lần.

Mặc dù các giải đấu đều có điều khoản không hoàn trả chi phí nếu giải chạy bị huỷ vì lý do bất khả kháng, còn rất nhiều bài toán bên lề cần một lời giải hợp tình hợp lý. Chi phí đi lại, ăn ở của VĐV thì sao, liệu có nên khi “ép” VĐV thi đấu trong nhiều tuần liên tiếp, sự hỗ trợ của chính quyền sở tại,…

Đây sẽ là bài kiểm tra nặng ký cho ngành công nghiệp tổ chức giải đấu còn non trẻ ở Việt Nam. Hy vọng tất cả sẽ tìm ra cách xử lý phù hợp nhất.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Vào tháng Ba, Boston Marathon đã được dời ngày thi đấu từ tháng Tư xuống 14 tháng Chín. Thời điểm đó, dịch bệnh COVID-19 chưa trầm trọng với nước Mỹ như hiện tại, và Ban tổ chức hy vọng rằng vào mùa thu, dịch bệnh này sẽ không còn là một mối đe doạ đối với sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, rõ ràng đó là một tính toán quá lạc quan. Tới thời điểm này (cuối tháng Năm) đã có trên 5,6 triệu người nhiễm, và hơn 100000 ca tử vong vì COVID trên toàn nước Mỹ. Đó là chưa kể vào mùa thu có thể bùng phát đợt dịch bệnh thứ hai. […]

  • […] vào thời điểm đó. Khi mà nguy cơ nhiều giải đấu mùa thu bị huỷ ngày càng trở nên rõ rệt, triển […]

  • >
    253 Shares