Người cha bế con chạy qua vạch đích giải marathon

CÂU CHUYỆN ĐẦY XÚC ĐỘNG ĐẰNG SAU BỨC ẢNH MARATHON NỔI TIẾNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Tại sao một người cha về đích trong khi vẫn bế trên tay cậu con trai nhỏ còn đang trong độ tuổi sơ sinh. Đây là câu chuyện đầy cảm động của Robby Ketchell, một thành viên của Breaking2 cũng như dự án INEOS 1:59, đã lần đầu chạy marathon để gây quỹ cho đứa con của mình.

(Câu chuyện về giải chạy diễn ra trước khi INEOS 1:59 hoàn thành).

Robby Ketchell bên các thành viên nhóm INEOS 1:59

===

Tôi là một trong những nhà khoa học làm việc trong dự án Nike Breaking2 để giúp con người có thể hoàn tất việc chạy marathon trong 2 giờ đồng hồ. Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thi chạy đường mòn và ultramarathon như giải 100 – dặm Leadville Marathon. Nhưng với giải chạy New York City Marathon năm nay là giải chạy marathon đường nhựa đầu tiên của tôi.

Robby Ketchell (áo đỏ), chuyên gia phân tích dữ liệu thành tích, đang cùng các pacer của INEOS1:59 khảo sát đường chạy ở Vienna, Áo

Đầu năm nay, ngày 12 tháng 3, vợ tôi đã sinh một bé trai và chúng tôi đặt tên là Wyatt. Cậu bé mắc hội chứng Down bẩm sinh. Tôi đã muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho con trai mình và những người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này. Vì vậy tôi đã quyết định tham gia giải chạy New York để tôn vinh thằng bé và để gây quỹ cho những người cùng hoàn cảnh tương tự.

Năm nay thật sự là một năm khó khăn. Wyatt sinh ra bị thiếu tháng, vợ chồng tôi đã dành 67 ngày để chăm con trong phòng cấp cứu đặc biệt. Con rời bệnh viện trong tình trạng có thể bú bình, và chúng tôi đã chiến đấu mỗi ngày để giữ cho con mình không phải quay lại phòng cấp cứu thêm lần nào nữa. Có rất nhiều vấn đề cần làm để giữ cho con khỏe mạnh như phương pháp can thiệp sớm, vật lý trị liệu, các trị liệu đặc biệt. Đó quả thật là một hành trình đầy gian nan.

Những người mắc hội chứng Down đều là một bản thể duy nhất, không giống nhau vì họ mang trong mình một bản sao thứ 3 của nhiễm sắc thể thứ 21 trong tất cả các tế bào. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới rất nhiều thứ và hậu quả có thể từ trung bình tới nghiêm trọng. Điều đó càng khiến cho các nghiên cứu trở nên khó khăn vì không thể áp dụng cùng phương pháp điều trị lên tất cả những người mắc hội chứng này. Dị tật tim là một trong những vấn đề lớn nhất đối với những em bé mắc phải hội chứng Down. Wyatt có lịch phẫu thuật tim mở vào tháng 4. Thằng bé cũng rất chật vật trong việc ăn vì các khối cơ yếu và cấu tạo miệng của con cũng khác thường. Không có nhiều nghiên cứu để cải thiện tình trạng này, nên sẽ rất cần gây quỹ và các nguồn lực để giúp con và những bệnh nhân khác.

Robby Ketchell bên đứa con của mình, theo dõi Kipchoge “đổ bộ lên mặt trăng”

Tôi đã liên hệ với tổ chức nghiên cứu LuMind, một tổ chức từ thiện dành cho những người muốn chạy để gây quỹ nghiên cứu cho hội chứng Down, và nẩy ra ý tưởng sẽ hoàn thành cuộc thi NYC Marathon trong khoảng thời gian 3 giờ 21 phút, để đại diện cho 3 bản sao nhiễm sắc thể thứ 21 của cậu bé. Mục tiêu gây quỹ của tôi là $3,210. Một con số tượng trưng, có phải không?  Và kết thúc giải chạy chúng tôi đã kêu gọi được sự đóng góp hơn $11,000.

Năm ngoái, tôi đã chạy từ 80 đến 110 km mỗi tuần để luyện tập cho việc chạy đường mòn. Nhưng năm nay, tôi đã rất nỗ lực để có thời gian hoàn thành 60 km mỗi tuần đều đặn. Khi chúng tôi ở trong bệnh viện, tôi không có thời gian để làm việc này [chạy bộ]. Và thật lòng mà nói, ngay tại vạch xuất phát của cuộc thi, cả hai chân của tôi đều bị viêm cân gan chân.

Điều quan trọng tôi muốn nói với mọi người rằng đừng tạo giới hạn cho bản thân mình mà hãy nỗ lực để vượt qua những giới hạn đó. Đó là một điều quan trọng đối với những ai mắc hội chứng Down. Vợ chồng tôi đấu tranh với điều này mỗi ngày, khi mọi người có suy nghĩ rằng Wyaat là cậu bé bị hạn chế về thể chất và năng lực. Đối với tôi, hoàn thành việc chạy marathon trong vòng 3:21 phút là một điều có ý nghĩa rất lớn. Tôi phải rất nỗ lực vì nó, và bạn có thể thấy là tôi chưa  thực hiện được. Nhưng ít nhất tôi đã nỗ lực hết mình.

Ở khoảng kilomet số 13, tôi biết tôi có một số vấn đề. Ở kilomet số 27 tôi phải ra một quyết định: Giảm tốc độ của mình xuống pace 4:40 phút/km, đủ để hoàn thành cuộc thi với thời gian 3:40 hoặc tiếp tục chạy hết mình và xem điều gì sẽ xẩy ra. Từ kilomet số 27 tới 32, tôi biết mọi chuyện đã kết thúc, nhưng tôi vẫn muốn vượt qua những giới hạn của bản thân. Thể lực của tôi lúc đó rất kém. Tôi tạt vào vỉa hè nhưng tôi đã giữ pace 4:40 và quyết tâm duy trì điều ấy. Ở kilomet thứ 32, chân tôi như sắp gẫy. Chính xác là như vậy. Thời điểm đó tôi biết tôi có thể đi bộ [về đích] nhưng tôi vẫn muốn làm hết sức mình.

Tôi luôn luôn muốn bế Wyatt vượt qua vạch đích nhưng tôi biết khoảng thời gian 3:21 đã sắp hết và tôi không thể đạt được mục tiêu này. Sau kilomet 32, tôi đi bộ và nhắn tin cho vợ mình kể cho cô ấy nghe những điều xẩy ra và rằng tôi đang tiếp tục về đích vì Wyatt. Vợ tôi đã phải rất vất vả để có thể tới gần vạch đích vì cuộc thi marathon rất lớn, có khoảng 50.000 người tham dự và rất nhiều người xem. Cô ấy đã trao Wyatt cho tôi ngay tại dặm thứ 26. Và tôi đã bế con trai mình chạy về đích.

Đối với tôi, điều đó còn tuyệt vời hơn cả hoàn thành mục tiêu 3:21. Tôi đã vượt qua những giới hạn của bản thân, đó mới là điều quan trọng. Tôi đã không thể đi tiến xa hơn trong cuộc thi chạy. Nhưng chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc về đích.

Tôi không thực sự khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn ra. Mọi người xung quanh chúng tôi cũng khóc – cả những người không hề biết về câu chuyện của gia đình tôi, họ chỉ đơn giản là những người nhìn thấy tôi bế con trai mình về đích. Khi chạy marathon, mọi người luôn để tên của mình trên bib để mọi người hò reo cổ vũ bạn. Tôi đã để tên của Wyatt trên bib của tôi để mọi người có thể gọi to tên của Wyatt trong suốt cuộc thi. Điều đó khiến mọi thứ trở nên đầy cảm xúc ngay từ dặm 1.

Khi tôi đang đi bộ với con trai mình về phía vạch đích, mọi người vẫn reo hò tên của cậu bé. Tôi đã bảo mọi người rằng “Đây là Wyatt”, và điều đó thật đặc biệt.

Sáng nay tôi tỉnh dậy với bức ảnh này và đã rất sốc vì rất nhanh mọi người đã tìm ra tôi trên mạng xã hội. Vợ tôi đã liên hệ với người chụp bức ảnh qua trang Instagram, nơi cô ấy kể câu chuyện về Wyatt tại @tour_de_wyatt.

Việc có một cậu con trai mắc hội chứng Down đã thay đổi chúng tôi theo một cách tích cực và cho chúng tôi một góc nhìn khác về cuộc sống. Tình yêu, sự kết nối và hành trình mà chúng tôi trải qua thật tuyệt diệu.

Tôi biết tôi sẽ quay lại năm tới và hoàn thành mục tiêu 3:21.

Ghé thăm trang gây quỹ của Robby tại đây (https://www.gofundme.com/c/crowdrise)

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares