Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon từ Mộc Châu đến London, 7 lục địa, 50 bang nước Mỹ, sắp hoàn thành “Big 6”

Là 1 trong số hơn 26.000 người hoàn thành London Marathon 2021, bà Châu Smith, người phụ nữ gốc Việt chạy 7 cuộc marathon trong 7 ngày liên tiếp trên 7 lục địa trong dịp sinh nhật tuổi 70 vào năm 2017, vẫn chứng tỏ sự dẻo dai đáng kinh ngạc của mình ở tuổi 74.

London Marathon 2021: Ẵm bộn tiền thưởng nhờ DNF và bị chầu rìa Olympic Tokyo 2020

“Em gái Kenya” Kipyoge vô địch Boston Marathon 125 sau 900 ngày nghỉ dịch

Berlin Marathon 2021: Thấm bài học của Kipchoge sau 4 năm, Adola đánh bại Bekele trong cuộc đua kịch tính

Tại London Marathon, bà Châu Smith đã hoàn thành với thời gian 5 giờ 38 phút, xếp hạng chung cuộc 30993 / 41327 (bao gồm cả chạy ảo), 11419 / 15750 (nhóm nữ), 32/42 trong nhóm tuổi 70-74 nữ. Ở tuổi 74, bà Châu còn khỏe hơn nhiều đối thủ trẻ tuổi hơn mình. 

Bà Châu Smith (phải) và bạn tại London Marathon 2021. Ảnh: NVCC

Rất ít khi phải dùng thuốc, không có chế độ ăn kiêng đặc biệt, chạy bộ thường xuyên hàng ngày. Thời gian dường như bất lực trước đôi chân của người phụ nữ gốc Việt bé nhỏ thích phiêu lưu, ưa khám phá này. Bà Châu, hiện sinh sống ở Kansas City và San Francisco, thường chỉ mỉm cười khi mọi người hỏi tuổi vì họ thường đoán bà ở độ tuổi 50. Đối với bà Châu, tuổi tác gây ảnh hưởng duy nhất đó là kéo tốc độ chạy của bà chậm hơn một chút. 

London Marathon 2021 – Huy chương giải Major thứ 4 mà bà Châu sưu tập được trong tổng số 6 giải marathon lớn nhất thế giới. Ảnh: NVCC

NHỮNG CỘT MỐC CHẠY BỘ ĐÁNG CHÚ Ý CỦA BÀ CHÂU SMITH

Chạy 7 cuộc marathon trên 7 lục địa trong 7 ngày kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 (năm 2017)

Chạy 8 cuộc marathon trên 8 lục địa trong 8 ngày, năm 2018 (bổ sung thêm Zealandia / New Zealand)

Hoàn thành hơn 100 cuộc chạy marathon

Hoàn thành marathon ở tất cả 50 bang của Hoa Kỳ (2020)

Hoàn thành marathon đầu tiên tại Việt Nam ở giải Vietnam Trail Marathon (Mộc Châu, Sơn La) với thời gian dưới 10 giờ đồng hồ. (2019)

Đã chạy 4/6 giải Major gồm: Boston Marathon, Chicago Marathon, NYC Marathon, London Marathon

Mất bố trước khi chào đời 5 tháng

Bà Châu trải qua tuổi thơ thiệt thòi gắn liền với thời gian ở Việt Nam. Bà sinh năm 1947 nhưng trên giấy tờ mới…71 tuổi. Bố của bà, vốn là một thầy giáo đi theo Việt Minh, bị thực dân Pháp giết trước khi bà ra đời 5 tháng. Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, mẹ bà phải đợi chờ 3 năm sau khi cảm thấy đủ an toàn mới làm được giấy khai sinh nhưng không khai báo được ngày sinh thực trong quá khứ. 

Năm 13 tuổi, bà dính phải mảnh bom và nằm viện. Các mảnh đạn hiện vẫn còn nằm trong chân phải và tay phải của bà. Đến nay, những mảnh đạn này vẫn còn khiến bà đau trong khi chạy bộ.

Bà Châu và ông Gene Dykes (áo xanh), người chạy mararathon trên 70 tuổi nhanh nhất thế giới hiện nay (sub 3). Ảnh: NVCC

“Tôi luôn cố gắng tập luyện cho đầu óc của mình suy nghĩ tích cực. Mặc dù tôi thực sự đau đớn nhưng tôi vẫn có thể nghĩ đến những điều tốt đẹp. Thay vì nghĩ ‘ôi Chúa ơi, đau quá’ thì tôi có thể nghĩ đến thác nước, dòng suối hay hồ nước”, bà chia sẻ. 

So với người em bị bại liệt sau cơn đột quỵ, bà cảm thấy mình vẫn còn rất may mắn vì còn chạy được. Bà cùng gia đình sang định cư ở Mỹ từ lâu. Sau khi li dị người chồng đầu tiên, bà phải làm việc quần quật để chăm sóc 2 cô con gái. Ca làm việc của bà bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng cho đến tận nửa đêm.

Ông Michael Smith và bà Châu tại giải chạy năm 1995. Ảnh: NVCC

Lây tình yêu chạy bộ từ chồng

“Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một runner. Tôi đã nghĩ nó là môn thể thao tẻ ngắt. Nhưng run rủi thế nào tôi gắn bó với chạy bộ. Nó giúp tôi rất nhiều về tinh thần”, bà tâm sự. 

Mùa Giáng sinh năm 1982, bà Châu tình cờ gặp Michael Smith, một runner người Mỹ thường xuyên tập luyện cho các giải chạy marathon. Hai người lấy nhau sau 6 tháng tìm hiểu. Bà vẫn thường xem ông chạy giải. Nhưng lúc đó, bà không mảy may thích chạy mà chỉ làm CĐV cổ vũ chồng. Khi ấy, bà bà thường đạp xe phía sau ông Michael trong các buổi tập luyện của chồng mình. 

Hai vợ chồng bà Châu chạy dạo cùng nhau. Ảnh: NVCC

Năm 1993, bốn anh chị em của bà Châu kèm thân nhân, tổng cộng 25 người, sang Mỹ định cư. Ban ngày, bà giúp người thân tìm việc (kiêm cả phiên dịch nếu có người thuê), nhập học, hòa nhập với môi trường mới. Đến tối muộn, bà cặm cụi làm việc hàng giờ đồng hồ. Nhiều mối lo về tài chính, thu vén cho gia đình khiến bà căng thẳng. Không những vậy, bà Châu còn gặp vấn đề sức khỏe ở lưng và cổ.

Bà bỏ xe đạp và bắt đầu chạy cùng chồng. Ngạc nhiên thay, cơn đau biến mất, và bà Châu cảm thấy hài lòng về bản thân. Chạy đã trở thành “thuốc chữa bách bệnh” của người phụ nữ gốc Việt tần tảo sớm hôm này.

Phía sau runner nữ U80 dẻo dai trên đường chạy marathon là một người chồng hết mực yêu chiều. Ảnh: NVCC

“Đó là nguyên do tại sao tôi bắt đầu chạy cùng Michael. Tôi cảm thấy tốt hơn vì nó giúp tôi giải tỏa stress. Ra ngoài đường và chạy bộ khiến tôi thư thái hơn. Khi tôi bắt đầu chạy bộ, ông ấy rất vui. Tôi không muốn chạy theo ông xã mà muốn chạy song song. Michael rất nhẫn nại và luôn khuyến khích tôi”. 

Bom đạn giữa thời bình

Năm 1995, ở độ tuổi 48, bà bắt đầu tham gia giải chạy đầu tiên trong đời ở Kansas City. Cự ly ngắn chỉ 5km nhưng khiến bà không thể nào quên. Cơn sốt khiến giải chạy đầu đời của bà trở thành cơn ác mộng. Các bác sĩ phải đeo mặt nạ oxy để giúp bà thở được. 

Những tưởng lần va vấp hụt chết khiến người phụ nữ này chùn bước, ai dè bà hỏi ngay Michael: “Chông ơi, em muốn chạy 10km”. Chồng bà trả lời vẻ hốt hoảng: “Này Châu, em suýt chết ngày hôm nay rồi. Em có biết em đang nói gì không?”. 

Bà Châu cùng huyền thoại Kathrine Switzer, nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử hoàn thành Boston Marathon năm 1967 (có mang số Bib). Năm 1972, Boston Marathon mới cho phép nữ tham gia chính thức.

3 tháng sau, bà trả lời chồng mình bằng cách… đăng ký một giải chạy khác, không những 10km mà là half marathon. 

Từ đó đến nay, bà đã chạy khoảng hơn 100 giải marathon lớn nhỏ ở khắp nơi trên thế giới. Có những giải chạy khiến bà ám ảnh. Năm 2013, bà Châu chạy được marathon trong 4 giờ 23 phút, đạt đủ chuẩn thời gian BQ cho Boston Marathon. Những tưởng sẽ có một kỷ niệm vui vẻ ở giải marathon trong mơ, bà Châu lại một lần nữa hụt chết trong biến cố đau thương của nước Mỹ. 

Bà Châu cầm tờ báo The Boston Globe có hình vụ nổ bom khủng bốgiải Boston Marathon ở trang nhất

Tại giải Boston Marathon năm đó, vụ nổ bom khủng bố xảy ra khi bà cách đích chỉ 400m. Bà Châu và rất nhiều VĐV khác buộc phải ngừng chạy khi cảnh sát cố gắng phong tỏa hiện trường và bảo đảm an toàn tính mạng cho các VĐV. 

“Trong ngày đua, khi nhìn thấy biển ‘1 more mile’, tôi chạy xuống dốc rất nhanh. Đang vui mừng thì cảnh sát bắt dừng lại. Lúc đó chỉ có tôi và vài người khác. Tôi bắt đầu thấy lạnh và muốn chạy qua. Có nhiều người bị thương và chết. Năm sau Boston Marathon mời nhưng tôi nghỉ. Thy, con gái tôi, vốn là một người chuyên viết về ẩm thực ở California. Mỗi lần đi đến đâu, con tôi cũng phải đi thăm các nhà hàng hoặc tiệm ăn nổi tiếng. Thy hay mua bánh ngọt và làm hoa giấy cho tôi. Rất may mắn nếu không nó sẽ ở ngay chỗ bom nổ tại Boston Marathon”.

Bông hoa giấy mà chị Thy Trần, con gái bà Châu, làm từ gói bọc đồ ăn định để tặng mẹ ở vạch đích trước thời điểm quả bom phát nổ tại Boston Marathon 2013

Ông Michael khi ấy ở rất gần trái bom thứ 2 vì biết bà Châu sẽ chạy đến đó. Hai năm liền sau đó, khi tới Boston, hai vợ chồng bà Châu đi ngang qua chỗ bé trai 8 tuổi xấu số, bà vẫn bùi ngùi nhớ lại Boston năm 2013. 

“Kinh hoàng. Không bao giờ tôi cầm được nước mắt. Năm 2014, khi finish, tôi đã xỉu khi dẫm lên vạch đích. Nhìn bên mặt chỗ em Richard (cậu bé 8 tuổi bị chết vì bom – N.Đ), tôi chỉ biết khóc. Người ta phải dìu tôi vào lều y tế. Tôi chỉ biết khóc. Tại sao những người đó phải chết vì cuộc chạy marathon của chúng tôi?”

Chiến thắng tử thần, cô gái 8X ung thư gan hoàn thành half marathon để mừng tái sinh

Nữ đại biểu quốc hội Việt Nam chạy marathon: Chạy bộ rèn tính kiên nhẫn

Hành trình chạy đua tới Boston Marathon của bà ngoại 51 tuổi

Triple 7 – Tôi không muốn một ngày nào đó nhìn lại và hối hận vì đã không làm

“Vì cả tôi và chồng đều là những người thích chạy và thích du lịch, chúng tôi đã sớm quyết định sẽ kết hợp các chuyến du lịch của mình với các cuộc chạy marathon. Sau một vài năm, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã chạy marathon ở hầu hết các lục địa, vì vậy mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là hoàn thành một cuộc chạy marathon ở cả 7 lục địa”, bà Châu kể lại. 

Bà Châu làm tình nguyện viên tiếp nước ở một giải chạy địa phương. Ảnh: NVCC

Trên thế giới, những người chinh phục “Triple 7” có khoảng 400 người nhưng không phải ai cũng có thể chạy liền mạch trong vòng 1 tuần. Đa số thường tích lũy, bổ sung dần vào bộ sưu tập 7 marathon trên 7 lục địa của mình trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Năm 2015, bà Châu Smith hoàn tất việc chạy marathon ở 7 lục địa khác nhau nhưng không chạy liên tục trong nhiều ngày liên tiếp. Vì thế, bà quyết tâm làm lại khi tham gia Marathon Adventures với thử thách đặt ra trong 1 tuần phải hoàn thành. Trong số những người tham gia thử thách khi ấy, bà Châu Smith là người cao tuổi nhất.

Hai vợ chồng bà Châu chạy marathon ở Athens, quê hương của marathon. Ảnh: NVCC

“Tôi và Michael đã chạy ở các lục địa cùng nhau trong 12 năm. Chúng tôi đã thực hiện chuyến đi marathon cuối cùng của mình đến Nam Cực với Steve Hibbs, nhà tổ chức Marathon Adventures. Một năm sau, Steve công bố dự án hành trình chinh phục Triple 7- chạy marathon trên mọi lục địa trong những ngày liên tiếp. Tôi tự hỏi mình tại sao không, vì vậy tôi quyết định làm điều đó. Tôi không muốn một ngày nào đó nhìn lại và hối hận vì đã không làm. Tôi không muốn nói với bất kỳ ai rằng tôi không thể hoàn thành bởi vì nó rất khó hay đại loại vậy. Tôi tập luyện rất chăm chỉ và tôi biết mọi thứ đều có thể xảy ra”.

Các Cuộc Đua Sức Bền Siêu Dài: Nữ Đang Dần Đánh Bại Nam? – Kỳ 1

Sifan Hassan: Từ cô bé chạy tị nạn đến nữ hoàng chạy dài Olympic 2020

6 bài học cuộc sống từ những người phụ nữ tiên phong trong phong trào chạy bộ Mỹ

“Sau hơn 30 năm chung sống với nhau, tôi không còn nói với vợ tôi rằng “em không thể làm được” nữa”, ông Michael chia sẻ. “Tính tôi vốn hoài nghi bởi chấn thương lúc nào cũng lơ lửng trên đầu trong những cuộc thi hành xác như vậy. Tôi không muốn thấy Châu bị chấn thương ở tuổi 70 và sở thích chạy bộ bị gián đoạn”.

Hai vợ chồng bà Châu chạy marathon ở Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: NVCC

Bà Châu đã tham khảo ý kiến từ HLV chạy bộ, bác sĩ thể thao, bác sĩ trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng để lập ra chương trình tập luyện nhằm giúp bà có đủ thể lực tham gia thử thách.

Để tập luyện cho Triple 7, bà Châu thường chạy trước và sau giờ làm việc. “Thứ 7 tôi làm việc khoảng 4 tiếng đồng hồ. Tôi dậy sớm, chạy đi làm, sau đó chạy về nhà, quãng đường 2 chiều khoảng 48 dặm. Chủ nhật và thứ Hai là những ngày tôi được nghỉ, nên tôi sẽ chạy marathon. Những ngày khác trong tuần, tôi sẽ chạy từ 6 đến 8 dặm”.

Bà Châu giao lưu với các VĐV trẻ tuổi trong lần đầu chạy marathon trên quê hương Việt Nam tại giải Vietnam Trail Marathon (Mộc Châu, Sơn La). Ảnh: NVCC

Người phụ nữ rắn rỏi này đã tập luyện nghiêm túc như thế trong 8 tháng trước khi tham gia “Tour de marathon” chặng đầu tiên ở Australia. Bà Châu đến đài tưởng niệm Liberty Memorial ở Kansas City, nơi bà sống để…chạy lên, xuống bậc thang trong 4-5 giờ đồng hồ liền. Ngay cả khi bà đến thăm cháu gái ở San Francisco, bà cũng tranh thủ dành thời gian luyện tập, chạy trên cây cầu nổi tiếng Golden Gate, bất chấp thời tiết.

“Không cần biết mưa hay nắng, tôi chạy. Tôi tập với mọi loại hình thời tiết”, người phụ nữ gốc Việt này chia sẻ.

Xem phần 2: Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon 50 bang nước Mỹ, sắp hoàn thành “Big 6”

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
  • […] Châu Smith: Cụ bà U80 chạy marathon từ Mộc Châu đ&#7… […]

  • >
    0 Shares