“Ở mỗi cuộc đua, tôi đều thi đấu hết mình để không phải hối tiếc sau đó”, Ironman Spidey Nguyễn, người từng nhiều lần chạy Boston Marathon chia sẻ.
Tháng 7 năm 2019, anh Quang Nguyễn (Spidey Nguyễn) là một trong số rất ít người Việt (quốc tịch Mỹ) giành suất chính thức tham dự giải VĐTG Ironman Kona (Hawaii), giải ba môn phối hợp danh giá nhất thế giới. Được tham dự Ironman Kona nhờ thành tích thi đấu có thể coi là một “kỳ tích” đối với VĐV gốc Việt nói chung.
“Người thép” sinh năm 1973 này hoàn thành cuộc thi ba môn phối hợp cự ly 140.6 ở giải Ironman Canada với thời gian 10:16:33 (bơi 01:03:30, đạp 05:23:39, chạy 03:41:57), xếp hạng 4 nhóm tuổi 45-49, qua đó có vé tham dự Ironman Kona. Đặc biệt hơn nữa, anh là VĐV gốc Việt đầu tiên giành suất chính thức tham dự cả hai giải VĐTG Ironman 70.3 (Nice, Pháp) và Ironman Kona (Hawaii, Mỹ) trong năm 2019.
Bắt đầu từ lời rủ chơi triathlon của bạn
“Tất cả bắt đầu thật đơn giản. Này Quang, cậu biết bơi rồi, cậu cũng đạp xe đi làm cả năm nay rồi. Điều cậu cần làm bây giờ là chạy và cậu có thể chơi ba môn phối hợp với tôi. Đó là lời rủ rê của Beltran Cambronero, một người bạn của tôi, tham dự cuộc thi triathlon cự ly Olympic ở khu vực tôi sinh sống. Anh ấy cần tìm một người bạn để tập chung và tham dự các cuộc đua”, Spidey Nguyễn chia sẻ.
“Sau 10 năm chơi ba môn phối hợp và kể từ lần tham dự Ironman (cự ly 140.6) đầu tiên ở Vineman vào năm 2015, lần nào mục tiêu của tôi cũng là phấn đấu đạt chuẩn để được tham dự Ironman Kona. Ở mỗi cuộc đua, tôi đều thi đấu hết mình để không phải hối tiếc sau đó”, anh nói.
Ironman Kona được gọi là thiên đường triathlon. Đây là đích đến trong mơ của những người yêu thích ba môn phối hợp trên toàn thế giới bởi độ khó của nó. Để được đứng ở vạch xuất phát Ironman Kona, những triathlete được trúng tuyển phải vượt qua rất nhiều đối thủ hòng đứng đầu nhóm tuổi tại các giải Ironman cự ly 140.6 (bơi 3,8km, đạp xe 180km, chạy marathon 42,2km) trên khắp thế giới (trừ một số giải Ironman 70.3 được đặc cách ở Trung Quốc).
Hoàn thành một cuộc đua Ironman cự ly full 140.6 đã khó. Để đạt “sub 10h30” (dưới 10 giờ 30 phút đồng hồ) và giành suất tham dự giải VĐTG Ironman ở Kona đối với người Việt Nam nói riêng và người gốc Việt nói chung còn khó hơn rất nhiều.
Tập thể thao giảm bệnh tật
Quang Nguyễn sinh ra ở TP.HCM và theo gia đình sang Mỹ định cư từ khi 15 tuổi. Thuở nhỏ, anh hay bị ốm bệnh. Khi qua Mỹ, anh tìm gặp HLV ở CLB bơi gần nhà để tập cho khỏe. “Lúc ấy tôi còn chưa biết bơi, mới chỉ biết nổi. Tôi cứ nghĩ ai cũng tập cho vui, cho khỏe như mình”, anh nhớ lại. “Ngờ đâu, CLB toàn người bơi khá và thường xuyên thi đấu cọ xát lấy thành tích. Sau 2 tuần thì tôi cũng biết bơi và nằm trong Top 5 của CLB”.
Quang Nguyễn bắt đầu chơi triathlon từ năm 2010. Một năm sau, anh thử sức chạy cự ly marathon. “Tôi hiểu rằng muốn chơi triathlon giỏi thì mình phải chạy tốt”, anh chia sẻ. Lần đầu tiên chạy giải marathon để lại kỷ niệm không thể nào quên đối với “người thép” này. Do thiếu kinh nghiệm nên anh bị chuột rút và ngã ở km thứ 35. Anh phải vào trạm y tế và suýt nữa bỏ cuộc.
“Ở trạm y tế, tôi bắt gặp VĐV còn chạy chậm hơn tôi. Anh ta nghỉ vì mệt nhưng không có ý định bỏ cuộc. Anh ấy tâm sự lần trước chạy marathon bỏ cuộc khi về nhà bị con hỏi huy chương Finisher đâu nên lần này phải hoàn thành để chuộc lỗi. Tôi như tỉnh ngộ. Trên quãng đường 7km còn lại tôi đi bộ lùi hoàn toàn để chân bớt đau. Vợ tôi vẫn đợi ở cổng đích dưới mưa”.
Từ Boston Marathon đến Ironman Kona
Năm 2013, chứng kiến nước Mỹ bị khủng bố bom ở giải Boston Marathon khiến Quang Nguyễn đặt mục tiêu đạt BQ (Boston Qualify) để tham dự Boston Marathon 2014. Rút kinh nghiệm từ bài học đầu tiên, anh Quang đã đạt chuẩn BQ 2014 với thành tích 3 giờ 09 phút (nhanh hơn chuẩn BQ 6 phút) tại giải San Rosa Marathon 2013. Kể từ đó đến nay, anh thường xuyên tham dự các giải Boston Marathon, một trong sáu giải marathon lớn nhất thế giới.
Tuy chạy marathon tốt như vậy nhưng triathlon mới là niềm đam mê của anh Quang Nguyễn. “Triathlon đối với tôi là cuộc sống, là thói quen hàng ngày chứ không chỉ là một cuộc đua làm cho xong”, anh cho biết.
Đường đến Kona của Quang Nguyễn không hề dễ dàng. Kỹ sư cơ khí hàng hải 45 tuổi này phải mất 10 năm để hiện thực hóa giấc mơ. Cũng như nhiều VĐV nghiệp dư khác, anh Quang chỉ có thời gian tập luyện triathlon ngoài giờ hành chính. Tuy vậy, anh vẫn dành ra được khoảng 12 tiếng đồng hồ để tập luyện mỗi tuần. Hàng ngày, anh đạp xe đến chỗ làm thay vì đi ô tô.
“Mỗi sáng, tôi dậy sớm đi bơi khoảng 1 tiếng đồng hồ trước khi vào làm. Chiều về, trước khi cơm nước với gia đình thì tôi chạy hoặc đạp 1 tiếng trên trainer. Vào cuối tuần, một ngày dành cho chạy dài, một ngày cho đạp dài (trên trainer). Chỉ có lúc gần đi đua mới đem xe ra đạp ngoài đường”, anh tiết lộ.
Bên cạnh sự nỗ lực kiên trì của bản thân, thành công của Quang Nguyễn không thể thiếu sự đóng góp của gia đình. “Rất may mắn là tôi được vợ con thông cảm và ủng hộ. Mặc dù việc tập luyện cần nhiều thời gian song tôi vẫn ưu tiên gia đình. Trước mỗi lần tập đạp xe hay chạy đường dài, tôi đều hỏi bà xã xem có cần tôi làm việc gì không. Vợ tôi tạo điều kiện để tôi tập triathlon là điều may mắn lớn”.
Ấn tượng cộng đồng triathlon Việt Nam
Tháng 5 năm 2019, Quang Nguyễn và những người bạn thuộc CLB SJVRC (San Jose Vietnamese Running Club) đã có dịp trở về Việt Nam để tham dự cuộc thi Ironman 70.3 Vietnam tại Đà Nẵng.
Là một người mang dòng máu Việt nên Quang Nguyễn quan tâm đến giải Ironman 70.3 Vietnam ngay từ năm đầu tiên. Do khó thu xếp cho cả gia đình về nơi chôn rau cắt rốn nên phải đến khi Việt Nam đăng cai giải Vô địch châu Á Thái Bình Dương, “người thép” mới trở về nước để thi thố cùng với những triathlete Việt Nam trên dải đất hình chữ S.
“Tôi đã được làm quen với các VĐV trẻ hơn có khả năng thi đấu tốt như Cao Hà, Tuân Võ, ..Hiện tại, phong trào ba môn phối hợp ở Việt Nam đang phát triển rầm rộ. Giải Ironman 70.3 ở Việt Nam được tổ chức khá tốt. Tôi sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho bất cứ VĐV Việt Nam nào yêu thích triathlon. Hi vọng thời gian tới Việt Nam có thêm nhiều VĐV mạnh như Cao Hà nữa”.
One Mile For One Child – Mỗi dặm vì một đứa trẻ
Bên cạnh việc thi đấu, Quang Nguyễn cùng các thành viên CLB SJVRC còn dành thời gian đi thăm một số cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng. Đây cũng chính là mục tiêu, sứ mệnh mà anh và SJVRC theo đuổi. Thông qua thể thao, cùng chung tay giúp đỡ các mảnh đời còn khó khăn, đặc biệt là trẻ em ở Việt Nam. Cho đến nay, SJVRC đã có nhiều chuyến đi từ thiện, tặng quà, xây trường học ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Hà Giang…
“Ở giải Ironman Canada, có những thời điểm khiến tôi cảm thấy thực sự khó khăn để đạt mục tiêu. Lúc ấy, tôi nghĩ về những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, về đặc quyền. Những đứa trẻ không có cơ hội khó có cơ hội được trải nghiệm như mình còn tôi đang có được đặc quyền như thế nên lại ráng giữ tốc độ. Chỉ cần cố gắng một chút, thêm nhiều người hơn sẽ biết đến SJVRC, biết đến những đứa trẻ cần giúp đỡ”.
Thành tích tốt nhất (PB) của Quang Nguyễn (Spidey Nguyễn):
Sinh năm 1973
4 lần tham gia chạy Boston Marathon
2015 Ironman Lake Tahoe, 10h42, hạng 13 AG
2016 Ironman Vineman, 10h19, hạng 11 AG
2018 Ironman Santa Rosa, 10h34, hạng 19 AG
2019 Ironman Canada, 10h16, hạng 4 AG
Olympic distance PR 2h10
Ironman 70.3 PR 4h36
Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Bơi Đạp Chạy, Chạy365 / By Thuan […]
[…] Ironman Spidey Nguyễn: Muốn chơi triathlon giỏi thì phải chạy tốt […]
[…] Ironman Spidey Nguyễn: Muốn chơi triathlon giỏi thì phải chạy tốt […]
[…] Ironman Spidey Nguyễn: Muốn chơi triathlon giỏi thì phải chạy tốt […]
[…] tích cực vào bài chạy nhanh ngày thứ Tư do huấn luyện viên Quang Nguyen hay còn gọi là Spidey tổ chức. Chị có thể chia sẻ với chúng tôi […]
[…] Ironman Spidey Nguyễn: Muốn chơi triathlon giỏi thì phải ch̐… […]