Runner có “mình đồng da sắt” trước vi-rút corona?

Một vận động viên chạy bộ nghiệp dư, một người lướt sóng cừ khôi trong độ tuổi 30 phải vật lộn với vi-rút corona trong nhiều tuần lễ và tiếp tục chịu di chứng ngay cả sau khi đã “khỏi bệnh”.

Runner vs virut Corona

Runner Sara ròng rã “chiến đấu” với virut Corona trong thời gian dài.

Cho đến giờ, hẳn không ít runner Việt Nam vẫn tin rằng tập luyện thể thao đều đặn sẽ khiến mình trở nên “mình đồng da sắt” trước các loại bệnh tật, khó có khả năng nhiễm vi-rút corona, hoặc nếu có nhiễm thì cơ thể cũng đủ khoẻ mạnh để ngăn căn bệnh chuyển biến xấu. Sara Roloff, một runner nghiệp dư người Thuỵ Sĩ sống ở London cũng từng cho rằng ‘đây cũng chỉ là một dạng cúm’ hay ‘những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh chỉ có triệu chứng nhẹ’, cho đến khi cô nhiễm vi-rút này vào tháng 3/2020 và trải qua một cuộc chiến vô cùng cam go với căn bệnh quái ác. Tôi có may mắn gặp trực tiếp Sara, và sau khi nghe cô kể lại câu chuyện, tôi đã xin phép cô được chia sẻ lại với cộng đồng runner Việt Nam về trải nghiệm của cô với COVID-19. Mong rằng anh chị em trong cộng đồng chạy bộ Việt Nam sẽ luôn trân trọng những thành quả mà nước ta đạt được trong cuộc chiến chống vi-rút corona, không ngừng đề cao cảnh giác, tuân thủ các quy định và khuyến nghị về phòng dịch.

Thống kê Strava năm 2020: Covid-19 càng khiến con người có động lực tập thể thao hơn

Một nghiên cứu tại Nhật Bản: Duy nhất 1 ca nhiễm Covid-19 được cho là có liên quan đến các giải chạy bộ

Nhật: Sáng kiến tận dụng Bib thừa may khẩu trang tặng runner chống dịch Covid-19

Chuyên gia về sinh lý học chạy bộ trở thành người phụ trách dự án dùng huyết thanh điều trị COVID-19 của Mỹ

Những Người Chạy Marathon Sub3 (Phần 1)

Sara Roloff là một runner 38 tuổi người Thuỵ Sĩ từng sống 5 năm ở Anh. Cô làm công việc xúc tiến du lịch tại đại sứ quán Thuỵ Sĩ ở London. Sara khởi đầu năm 2020 vô cùng suôn sẻ, với một kỷ lục cá nhân cự li 10km tại giải Serpentine New Years, một tấm huy chương bạc tại một giải Cross Country, một kỷ lục cá nhân cự li HM (1 giờ 27 phút 14 giây) tại giải Big Half ngày 01/03 và đang nhắm tới mục tiêu FM sub 3 tại London Marathon 2020. Thế nhưng, thay vì hoàn thành kế hoạch tập luyện và hướng đến mục tiêu đáng mơ ước đó, cô đã bị quật ngã bởi vi-rút corona.

Buổi tối 27/03/2020, Sara phát hiện mình bị sốt, nhiệt độ của cô là 37,8 độ C. Trong khoảng 4 ngày đầu tiên, cô chỉ cảm thấy đau họng và nhức đầu. Nhiệt độ của cô vẫn loanh quanh ở mức 37,8 đến 38. Cô cho rằng đó chỉ là chứng cảm lạnh hoặc bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5, cô bắt đầu cảm thấy khó thở. Cảm giác của cô lúc đó là mặc dù vẫn hô hấp bình thường nhưng oxy dường như không đi vào cơ thể. Cô gọi điện tới số 111 (số điện thoại cấp cứu ở Anh) và được khuyên tĩnh dưỡng trên giường, uống thật nhiều nước, cách khoảng 6 tiếng lại uống 2 viên thuốc Paracetamol một lần và gọi lại cho họ nếu tình trạng xấu đi.

Ngày thứ 6, buổi sáng cô cảm thấy khá ổn dù nhiệt độ không hạ bớt. Rồi đến buổi chiều, cô cảm thấy một cơn đau kì quặc ở xương sườn/ngực trái. Đến ngày thứ 7, chỗ đau có cảm giác nặng hơn trước. Dù cơn sốt vẫn còn nhưng lúc này cô không đau đầu và đau họng nữa. Cô một lần nữa gọi đến số 111 và các nhân viên cứu thương đã có mặt. Họ kiểm tra nhanh và nhận định rằng tim và mức oxy của cô vẫn ổn. Các nhân viên y tế phỏng đoán rằng cô bị nhiễm khuẩn trên nền vi-rút (là triệu chứng mà rất nhiều người gặp phải) nên họ cho cô 2 liều kháng sinh rồi dặn cô để ý chỗ đau ở ngực và gọi lại cho họ nếu tình hình trở nên tệ hơn.

Buổi chiều ngày thứ 8, cô sốt bùng lên còn ngực/xương sườn cô thì đau không chịu nổi, cảm giác như có thứ gì đang nghiền nát xương lồng ngực. Cô lại gọi đến số máy 111 và lần này một chiếc xe cứu thương đã đưa cô đến phòng cấp cứu. Cô được chụp X-quang phổi và thử máu. Kết quả thử máu cho thấy cô có triệu chứng viêm nhưng phim chụp phổi vẫn bình thường nên cô lại được đưa về nhà. Thời điểm tháng 3/2020, người ta chưa hiểu rõ về corona như bây giờ và cô cũng chẳng được xét nghiệm do được đánh giá là không nằm trong nhóm gặp nguy hiểm.

Sara lần đầu đến phòng cấp cứu

Ngày thứ 9 của Sara diễn ra khá yên ả, có lẽ nhờ thuốc nên các triệu chứng cũng giảm bớt. Nhưng đến ngày thứ 10, cô lại sốt cao lên, lưng cô bắt đầu bị đau (cảm giác bỏng rát) và cô lại cảm thấy khó thở. Ngày thứ 11, Sara cảm thấy càng lúc càng khó thở hơn trước, đầu cô bắt đầu thấy lơ mơ còn lưng thì như có lửa đốt bên trong. Ngày hôm đó, nhiệt độ của cô vọt lên 38 rồi rớt xuống 37 độ trong 3 lần liên tiếp. Cô cầu cứu bác sĩ nhưng vẫn được trấn an rằng đang được cho đúng thuốc.

Ngày thứ 12, nhiệt độ của cô vẫn tiếp tục chơi đùa, nhảy nhót từ 36,9 cho đến 38,1. Lưng cô không còn đau nữa nhưng cả buổi tối hôm đó xương sườn trái của cô bắt đầu đau buốt. Suốt từ ngày thứ 12 đến ngày thứ 18, Sara trải qua tình trạng rất giống nhau, buổi sáng cơn đau và sốt giảm xuống nhưng chiều tối thì mọi thứ lại bùng lên. Buổi đêm, Sara không tài nào ngủ nổi vì dù xoay trở nhiều tư thế, lưng và xương sườn của cô vẫn đau không chịu nổi.

Trưa ngày thứ 18, cô lại gọi cấp cứu và được xe cứu thương đưa vào bệnh viện nhưng phim chụp X-quang, huyết áp và điện tâm đồ của cô vẫn ổn. Xét nghiệm máu cho thấy cô vẫn đang bị viêm nhiễm. Người ta cho Sara loại kháng sinh mới nhưng cô vẫn không được xét nghiệm nCoV dù cô đã đề nghị. Bác sĩ trả lời rằng họ không thể làm xét nghiệm cho cô vì họ không đủ vật tư và phải ưu tiên cho các nhóm bệnh nhân khác nên cô đành trở về nhà.

Vào bệnh viện nhưng không được test COVID

Suốt 6 ngày tiếp theo, từ ngày thứ 19 cho đến ngày thứ 24, nhiệt độ của cô vẫn tiếp tục trồi sụt ở mức trên dưới 38 độ C. Các cơn đau ở lưng và xương sườn cứ liên tục đến và đi nhiều lần trong ngày trong khi cô cũng chẳng được kê bất cứ loại thuốc điều trị gì khác ngoài kháng sinh và thuốc giảm đau hạ sốt. Cô đã chẳng buồn gọi cho số máy khẩn cấp 111 nữa và tự tìm hiểu thêm trên các hội nhóm trợ giúp người bệnh COVID-19. Qua các hội nhóm này, Sara biết được rằng có rất nhiều người khác cũng có các triệu chứng giống cô trong nhiều tuần lễ, và thời gian để người có triệu chứng tương tự như cô bình phục là khoảng từ 4 đến 6 tuần. Đến ngày thứ 25, nhiệt độ của cô bắt đầu dịu bớt, cơn đau ở xương sườn cũng giảm.

Ngày thứ 26, lần đầu tiên Sara làm xét nghiệm COVID-19. Đây là một gói xét nghiệm kháng thể mà cô tự bỏ tiền mua riêng. Ngày thứ 27, nhiệt độ của cô lần đầu tiên không lên đến 38 độ trong suốt cả ngày mà không cần phải uống thuốc hạ sốt. Ngày thứ 28, cô nhận được e-mail từ phòng thí nghiệm. Mẫu xét nghiệm của cô cho kết quả âm tính! Sau khi tham vấn các bác sĩ, Sara cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì kết quả cho thấy cô đã không còn vi-rút trong cơ thể và có thể ra đường. Ngày thứ 29 là lần đầu tiên Sara bước chân xuống phố và tận hưởng ánh nắng mặt trời sau gần 1 tháng ròng rã (chỉ trừ những lúc lên xe cứu thương).

Dạo phố sau gần 1 tháng nằm bẹp trên giường

Từ ngày 30 đến ngày 34, cô hầu như hết sốt, ngoại trừ một số lần nhiệt độ lên gần 38 độ C. Tuy vậy, cô lại bị nổi hạch ở nách, ở ngực và ở bẹn. Các hạch này sưng tấy lên, đau buốt nhưng Sara vẫn cố gắng ra ngoài đi bộ nhẹ nhàng khoảng 1 dặm mỗi ngày. Các triệu chứng như nổi hạch, nhức đầu, đau họng và đau ở xương sườn vẫn bám theo Sara dai dẳng đến ngày tận ngày thứ 58 (tức là sau khoảng 8 tuần kể từ cô bắt đầu có triệu chứng đầu tiên).

Đeo khẩu trang khi chạy sẽ ảnh hưởng thế nào?

Chống dịch Covid-19: Ultra runner Malaysia chạy “nát nhà” 263km trong 36 giờ

Tại sao không chạy/đi bộ/đạp xe gần nhau trong mùa Covid-19

Đặc biệt là từ ngày thứ 35 trở đi, Sara nhận thấy nhịp tim của cô thường xuyên vọt lên bất thình lình, khoảng 100 nhịp/phút ngay cả khi cô chỉ đang ngồi nghỉ. Băn khoăn về kết quả xét nghiệm âm tính mà cô nhận được lúc trước, cũng như các triệu chứng đeo đẳng, Sara đã trao đổi với một số bác sĩ chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 và được biết rằng các triệu chứng mà cô đang có như nhức đầu, sốt cao, chân tay ra mồ hôi, nổi hạch, đau họng… đều là các triệu chứng điển hình sau thời gian nhiễm vi-rút corona.

Các bác sĩ cũng đồng thời khẳng định rằng cô chắc chắn đã nhiễm COVID-19 dù kết quả xét nghiệm (kháng thể) cho kết quả âm tính, và có rất nhiều bệnh nhân khác cũng có các triệu chứng tương tự mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính giống như cô. Các kết quả xét nghiệm khác cho thấy Sara là một trường hợp điển hình mà cơ thể không sản sinh kháng thể để tấn công vi-rút mà lại dùng tế bào T (T-cell) để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm vi-rút (xem giải thích chi tiết ở đây).

Bắt đầu đạp xe trở lại

Cuối cùng thì đến khoảng ngày thứ 40, Sara không còn sốt nữa và cảm thấy có dấu hiệu hồi phục. Đến ngày thứ 51, Sara bắt đầu trở lại tập luyện, trước tiên là tập đạp xe trên máy tập. Cô tập đạp xe 2 lượt, mỗi lượt chỉ 5 phút nhưng phải nghỉ nguyên 1 ngày sau đó vì cơ thể rệu rã và nhịp tim lên quá cao. Tuy nhiên, được thực sự vận động trở lại khiến Sara cảm thấy phấn khởi hơn nhiều.

Cô tiếp tục tăng dần khối lượng vận động, tập thêm một số bài tập sức mạnh nhưng luôn duy trì cường độ ở mức nhẹ nhàng sao cho nhịp tim không vượt quá 130 nhịp/phút. Đến ngày thứ 79, cô mới bắt đầu trở lại với bài tập chạy/đi bộ xen kẽ và đến tuần thứ 11, Sara đã chạy được đến cự ly 20km và quay trở lại với các bài tập tốc độ.

Trở lại đường chạy

Tháng 10/2020, Sara Roloff chuyển tới Tokyo để làm công việc xúc tiến du lịch tại đại sứ quán Thụy sĩ ở Nhật Bản. Giải chạy đầu tiên của cô kể từ khi bình phục căn bệnh COVID-19 là giải chạy nội bộ của câu lạc bộ Namban Rengo cùng tác giả bài viết. Cô hoàn thành cự li bán marathon với thời gian 1:32:44, chậm hơn 5 phút 30 giây so với kỉ lục cá nhân cô lập hồi tháng 3, ngay trước khi mắc bệnh. Tuy nhiên, Sara vẫn cảm thấy rất hài lòng vì cô đã có thể tự tin sải bước trở lại trên đường chạy.

Sara (đeo băng-đô) cùng bạn chạy trong câu lạc bộ đi xem và cổ vũ giải chạy Hakone Ekiden (tháng 1/2021)

Câu chuyện được kể lại với sự đồng ý của Sara Roloff. Nội dung bài viết này dựa chủ yếu trên blog của Sara và lời kể lại trực tiếp của nhân vật. (Xem toàn bộ nội dung câu chuyện trên blog của Sara trong link sau: https://www.runningfoodie.co.uk/post/my-covid-19-marathon)

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

>
0 Shares