Trái tim thuần khiết (phần 1)

Amby Burfoot 

Lời giới thiệu

Runner’s World 50 Selects là tuyển tập 50 bài báo hay nhất đăng trên tạp chí Runner’s World, kỉ niệm 50 năm ngày thành lập. Chay365 đã có dịp giới thiệu một bài trong số này, Duel in the Sun (Đọ sức dưới ánh mặt trời)

Hôm nay, Chay365 xin trân trọng giới thiệu toàn văn một bài khác, Pure Heart (tạm dịch “Trái tim thuần khiết”), viết về vận động viên chạy marathon Ryan Shay, đăng trên Runner’s World tháng Hai 2008, ba tháng sau khi câu chuyện diễn ra. Đây không chỉ là câu chuyện về chạy bộ, dù tình yêu lớn lao với chạy bộ là chủ đề xuyên suốt. Đây còn là bản tình ca của Ryan và vợ anh, Alicia, với những trang viết lãng mạn và xúc động. Như chính tác giả, huyền thoại Amby Burfoot – nhà vô địch Boston 1968 – nhận xét, câu chuyện của Ryan Shay trở thành di sản, vì anh không phải là vận động viên có tố chất quá nổi trội, như Meb, như Ryan Hall. Nhưng anh đã đạt được thành công nhờ sự khổ luyện và niềm đam mê cháy bỏng với chạy bộ, cũng như chỉ hài lòng với điều xuất sắc nhất.

Chắc hẳn chúng ta có ai đó đã nghe câu chuyện về Shay, hoặc đơn giản có thể tìm kiếm trên Google về anh. Nhưng nếu chưa biết, hãy kiên nhẫn đọc hết câu chuyện cảm động và tràn đầy cảm hứng này, để biết chạy bộ có thể có ý nghĩa thế nào với một con người và toản bộ cộng đồng. Bài báo gốc được in trong cuốn Going Long, dài 15 trang. Bản dịch tiếng Việt gần 9000 từ. Chay365 sẽ chia thành nhiều phần để anh chị em tiện theo dõi. 

Sau khi kết thúc, Chay365 cũng sẽ mở ra một chuyên mục thảo luận về các vấn đề sức khoẻ tim mạch liên quan đến chạy bộ, chắc hẳn là vấn đề mà mọi người sẽ hết sức quan tâm. 

PHẦN 1

Họ giống như nhiều cặp vợ chồng mới cưới khác đến thăm thành phố New York. Chưa vướng bận con cái, họ tản bộ dọc các con phố, tay trong tay, cùng chạy bộ trong Công viên Trung tâm, ghé qua mấy cửa hàng nhỏ, mua vài thứ phù phiếm, chẳng phải lo kinh tế gia đình. Nhưng mùa thu năm ngoái, Ryan và Alicia Shay tới New York không chỉ để ngắm cảnh và nghỉ ngơi. Có một cuộc đua mà Ryan cần tham gia.

Đó là cuộc đua tuyển chọn đội marathon Mỹ dự Olympic, sự kiện 4 năm mới có một lần, sẽ lựa ra những người tranh tài tại thế vận hội Bắc Kinh mùa hè này. 4 giờ 30 sáng thứ Bảy, ngày 3 tháng 11 năm 2007, buổi sáng của giải chạy, Ryan và Alicia trượt ra khỏi giường khách sạn trong khu Manhattan, chuẩn bị cho cuộc đấu sẽ khởi tranh lúc 7 giờ 35. Ryan cần ăn sáng thật nhanh, kịp bắt chuyến xe buýt lúc 5 giờ 20 đưa anh đến địa điểm xuất phát tại Trung tâm Rockefeller. Không dư thời gian để chậm trễ.

Ryan đã dành phần lớn 28 năm cuộc đời anh chuẩn bị cho ngày hôm nay. Anh chưa tới 10 tuổi khi bắt đầu tham gia giải chạy băng đồng dữ dội ở phía bắc tiểu bang Michigan. Ở trường trung học, rồi đại học, và sau đó nữa, ít ai có thể bắt kịp anh. Cự ly càng dài, thành công của anh càng hoành tráng. Marathon có vẻ là nội dung hoàn hảo với anh. Khắt khe, như nó vẫn luôn như thế, đòi hỏi lưu ý đến từng chi tiết, cộng với những tuần dài bất tận tập chạy 140 dặm. Lì lợm hơn tất cả? Đó chính là Ryan Shay. Chuyên chú hơn. Tập trung hơn. Cô độc hơn.

Với nhiều người chạy bộ, môn thể thao này là dịp giao tiếp xã hội. Dù vậy, ở trình độ của Shay, gần như chẳng ai tập cùng bạn, ngay cả khi bạn chưa đạt thành tích marathon 2:11 và nhắm đến một vị trí trong đội tuyển Olympic. Đa số thời gian, bạn phải tập luyện một mình. Nhưng điều đó chẳng thành vấn đề. Ryan nắm lấy mọi thứ liên quan đến chạy bộ, các giải đua, cuộc săn lùng một màn trình diễn thay đổi cuộc đời trong kỳ tuyển chọn Olympic. Anh biết nó đòi hỏi điều gì: một ngày, một giải đấu, người đàn ông đối mặt với đường chạy.

Alicia Shay không đi ra Trung tâm Rockefeller cùng người chồng mới cưới gần 4 tháng. Ryan bảo không cần. Anh muốn gặp cô ở Công viên Trung tâm hơn. Đội đua sẽ tua 5 vòng quanh Công viên. Họ tạm biệt nhau tại bến xe buýt, lúc 5 giờ 20 phút.

Vài ngày sau, Alicia nhớ lại khoảnh khắc ấy. “Tôi đã chuẩn bị sẵn nhiều điều để khích lệ anh ấy, nhưng cuối cùng tôi quyết định chỉ nói ‘Em yêu anh’”.

“Anh biết”, anh đáp lại bằng một nụ hôn. “Anh cũng yêu em”.

* * *

Với dân số 990 người, thị trấn Central Lake, bang Michigan, nằm cách Detroit 225 dặm về phía Tây Bắc, giống như một ngôi làng nhỏ, nơi biển hiệu chào mừng đề dòng chữ “Nhà của đội bóng mềm nữ vô địch hạng D tiểu bang năm 1980” (1). Trung tâm thị trấn chỉ gồm 4 khu nhà, giới hạn bởi quán pizza Rocket Rob và cửa hàng Crossings Bait. “Tôi vẫn nói với mọi người, đây là Mayberry của miền Bắc (2), một thị trấn gồm toàn những người chăm chỉ và gắn bó thân thiết với nhau”, Quinn Barry, giáo viên trường phổ thông Central Lake, giới thiệu.

[Chú thích của người dịch: (1) Khi thi đấu thể thao, các trường phổ thông ở bang Michigan được chia thành 4 hạng. Năm học 2017-2018, những trường có >881 học sinh thi đấu ở hạng A, 406-880: hạng B, 204-405: hạng C, dưới 203 học sinh: hạng D, (2) Mayberry: một thị trấn giả tưởng ở phía Bắc bang North Carolina, bối cảnh của một số phim truyền hình dài tập trong thập niên 80. Cả thị trấn chỉ có một đèn giao thông, một trạm điện thoại đường dài, gần như không có tội phạm, ngoại trừ nấu rượu lậu ]

Gia đình Shay chuyển đến Central Lake từ Nashville, bang Michigan, khi Ryan mới được 9 tuổi. Từ nhỏ, Ryan đã là một đứa trẻ thích đua tranh. Cậu chẳng có lựa chọn nào khác. Ryan là con thứ năm trong một gia đình 8 người con. Người anh duy nhất, Case, hơn Ryan 5 tuổi, nhanh nhẹn, lì lợm, thuộc loại không kiềm chế nổi. Case, giờ đây là giáo viên ở Hàn Quốc, nhớ lại “Hồi ấy, tôi là một thằng nhóc tệ hại, hoàn toàn không phải người anh mẫu mực. Ryan và tôi có sự đối đầu của anh em ruột. Nó muốn làm mọi thứ giống tôi, còn tôi bắt nạt nó suốt ngày. Ban đầu, nó không theo nổi tôi. Nhưng nó thích thử thách và có khả năng cao chịu đựng đau đớn”.

Ryan không theo kịp Case trong nhiều năm, nhưng cậu không bao giờ ngừng nỗ lực. Cậu bắt chước mọi việc Case làm, nhảy cao, chơi guitar, các hoạt động ở trường – luôn với mục đích giỏi hơn anh trai mình. “Cuối cùng cậu ấy cũng chạy thắng tôi khi cậu ấy 20 tuổi, năm thứ hai đại học”, Case thú nhận.

8 đứa trẻ trong gia đình Shay. Ryan, 7 tuổi, ngồi hàng trên, ngoài cùng bên trái. Nguồn: Runner’s World

Ryan dường như chỉ có một phương pháp duy nhất, với cường độ tối đa, mà cậu áp dụng vào mọi lĩnh vực. Huấn luyện viên Barry là một trong những người đầu tiên được chứng kiến máu ăn thua thô ráp của của Ryan. Ông nhớ lại với một nụ cười pha lẫn cái rùng mình. Năm lớp 8, Ryan tham gia đội bóng rổ trường Central Lake. Trong một trận đấu, cậu ghi phân nửa điểm số cho đội, nhưng đội vẫn thất bại. Lúc bắt tay sau trận đấu, Ryan đã dành cho các thành viên đội bạn những lời lẽ xấu xí. Barry khi ấy phụ trách đội thể thao của trường, kéo Ryan ra một góc và chấn chỉnh hành vi không đẹp này. Chàng vận động viên trẻ phản kháng “Nhưng em thực sự muốn thắng trận này”, rồi cậu nói lời xin lỗi.

Tuy nhiên, chạy bộ mới là lĩnh vực Ryan ghi dấu ấn ở Central Lake. Bố mẹ cậu, Joe và Susan Shay, đã huấn luyện đội chạy băng đồng và đội chạy cự ly ngắn của trường trong hai thập kỉ. Ông Joe, 58 tuổi, hồi trước là vận động viên chạy 400m, giờ béo đẫy đà. Ông nói và di chuyển chậm chạp, hệ quả của bệnh tiểu đường, trông chẳng có vẻ gì giống một huấn luyện viên chạy bộ nghiêm khắc. Ông có cách tiếp cận của một triết gia, sở hữu thư viện gồm 100 đầu sách về chạy bộ. Ông đọc kĩ từng cuốn, tìm tòi những ý hay phục vụ việc huấn luyện. Bà Susan, 56 tuổi, thủ thư của trường Central Lake, cứng nhắc, kiệm lời, và tách biệt hơn chồng. Cả 8 đứa trẻ nhà Shay đều chạy trong đội tuyển trường, đa số chạy tốt. Nhưng Ryan toả sáng hơn tất thảy. Cậu giành 11 danh hiệu tiểu bang, trong đó có 4 lần liên tiếp vô địch Michigan ở nội dung băng đồng, thành tích chưa ai từng đạt được. Chức vô địch cuối cùng của cậu là đáng nhớ nhất. Cậu không chỉ thắng danh hiệu dành cho học sinh tiểu học, mà còn nhanh hơn tất cả các học sinh trung học ở bang Michigan, gồm cả đám con nhà giàu ở vùng ngoại ô phía nam.

Gạt các danh hiệu qua một bên, sự tự tin của Ryan cho thấy cậu có những hoài bão lớn hơn nhiều so với gốc gác tỉnh lẻ của mình. Có lần, khi một bạn cùng lớp trầm trồ chiếc huy chương Ryan dành được ở một giải chạy trong vùng, cậu bảo “Một ngày nào đó, đây sẽ là huy chương Vàng Olympic”.

Sau tất cả những chiến thắng, Ryan vẫn cảm thấy ít người thấu hiểu mình. Cậu đam mê sự xuất sắc, và cậu yêu chạy bộ đường dài. Hàng xóm láng giềng không thể hiểu nổi tại sao một cậu bé tuổi teen có thể quăng mình ra đường, tập chạy 10 dặm trong bão tuyết và nhiệt độ dưới zero. Năm 15 tuổi, Ryan được bố tặng cuốn Pre, hồi kí của huyền thoại chạy bộ đường dài Mỹ Steve Prefontaine. Trước khi tử nạn trong một tai nạn giao thông ở tuổi 24, Pre được biết đến với cách chạy đua không giống bất cứ vận động viên Mỹ nào trước đó. Tại Olympic 1972, nội dung 5000m, anh dẫn đầu cuộc đua với những bước chạy táo bạo, và lẽ ra đã giành được huy chương nếu như chỉ nhắm đến huy chương Bạc hay Đồng. Nhưng anh chạy để lấy Vàng, và suýt nữa đạt được, trước khi tụt xuống vị trí thứ tư trong những mét cuối cùng. Ryan chỉ mất vài ngày để đọc trọn cuốn sách.

“Con thấy sao?” ông Joe hỏi con trai – “Cuối cùng thì cũng có ai đó hiểu con.”

Rất nhanh, tường trong phòng Ryan dán kín các câu chuyện và các tấm hình của Pre. Cậu bắt đầu luyện tập nặng hơn. Cậu tuân theo thời khoá biểu không suy chuyển: chạy bộ buổi sáng, đến trường, chạy ở chỗ thực tập, về nhà và hoàn thành bài tập trước khi ăn tối. Cậu không bao giờ cho phép bản thân động vào bữa tối cho đến khi làm xong tất cả bài tập. Đây không phải một điều luật của gia đình, đó là sự kỉ luật riêng mà cậu áp dụng cho bản thân. Năm 1997, Ryan tốt nghiệp trường Central Lake với điểm GPA 4.0 [thang điểm cao nhất – ND]. Cậu cũng là lớp trưởng và là một trong những học sinh được chọn để đọc bài diễn văn trong lễ tốt nghiệp.

“Thằng bé sống có mục đích và cực kì kỉ luật”, ông Joe kể, giọng pha chút thích thú, “Nó không cho phép bản thân bị sao nhãng bởi bất cứ điều gì bên ngoài”.

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

About the Author chay365

follow me on:
  • […] Trái tim thuần khiết (phần 1) […]

  • […] Trái tim thuần khiết (phần 1) […]

  • […] Trái tim thuần khiết (phần 1) […]

  • […] Mình thích nhất các trang viết của Amby Burfoot (nhà vô địch Boston 1968), thích đến mức đã dịch trọn một bài về Ryan Shay (Bản dịch “Pure heart”, câu chuyện về Ryan Shay: https://chay365.com/trai-tim-thuan-khiet-phan-1/) […]

  • […] nhất được đăng trên tạp chí Runner’s world bình chọn nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Trout là tên của cô chó nhỏ – bạn chạy bộ đồng hành cùng tác giả […]

  • […] Đọc thêm: Trái tim thuần khiết […]

  • […] một số trường hợp đột tử như thế, Ryan Shay chẳng hạn. Tuy nhiên, không có khuyến cáo sàng […]

  • […] vận động viên chuyên nghiệp, như xảy ra với Ryan Shay hay “Ngựa Trắng” Caballo Blanco chỉ gặp với xác […]

  • >
    41 Shares