Olympic Marathon: Sự trở lại của Nhà Vua

Màn trình diễn đỉnh cao

Eliud Kipchoge vẫn là nhà vô địch của đường chạy marathon. Bất chấp những nghi ngại về tuổi tác và phong độ, trong một sáng cuối tuần nóng ẩm, Kipchoge áp đảo tất cả các đối thủ để về đích đầu tiên, 2:08:38, bỏ xa người thứ hai 80 giây. Đường chạy Sapporo 2021 đã vinh danh màn trình diễn của vận động viên marathon vĩ đại nhất mọi thời đại.

Cuộc đua khởi đầu chậm chạp trong nửa đầu, khi đoàn đua chạy 5 km đầu tiên quanh công viên Odori trong 15:17, tốc độ tương đương thời gian 2:08:49 cho cự ly marathon. Những km sau đó thậm chí còn chậm hơn, khi cả nhóm bắt đầu chặng leo dốc, và tiết trời ngày một nóng nực. Lác đác có những người bỏ cuộc, khá sớm ở đẳng cấp này. Stephen Kiprotich (huy chương Vàng Thế vận hội 2012) bắt đầu đi bộ. Shura Kitata (vô địch London Marathon 2020) đau cơ đùi sau và buộc phải ngừng cuộc đua.

Nhiều ứng cử viên vô địch có dấu hiệu chững lại, nhưng tốp dẫn đầu, gồm cả ba VĐV Kenya, Kipchoge, Cherono, Kipruto, vẫn chạy tương đối ổn định. Ở km số 20, Kipchoge còn thoải mái đấm tay thân thiện với một chân chạy người Brazil.

Các VĐV đầu tiên hoàn thành nửa đầu chặng đường trong 65 phút, khi ánh mặt trời bắt đầu thiêu cháy mặt đường Sapporo. Khoảng 30 người còn theo được Kipchoge. Với tốc độ này, dự tính người về đầu sẽ hoàn thành cuộc đua trong khoảng 2:08-2:10.

10 km tiếp sau, mặt trời lên cao và nhiệt độ lên tới 27-28ºC. Sisay Lemma (PR 2:03:36) và Lelisa Desisa (PR 2:04:45) lần lượt DNF, và đội Ethiopia không còn ai. Điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi, liệu cuộc đua 35 km tiến hành cách đây 3 tháng chọn đội tuyển Ethiopia có phải nguyên nhân khiến những elite của quốc gia này quá tải?

Tổng hợp các bài viết về điền kinh ở Olympic 2020

Olympic Marathon: Eliud Kipchoge có bảo vệ được ngôi vương?

Theo Chân “Học Lỏm” Kipchoge, Bekele Tập Chạy Dài

Giáo Án Tập Luyện Của Eliud Kipchoge

Làm Thế Nào Eliud Kipchoge Phá Vỡ Giới Hạn Lịch Sử Trong Chạy Bộ (Phần 1)

Eliud Kipchoge là một VĐV thông minh, anh kiểm soát cuộc đua theo cách của mình. Dưới ánh nắng gay gắt, Kipchoge không vội vàng tăng tốc mà điềm tĩnh ở trong nhóm đầu, trước khi quyết định bứt phá từ km số 30. Lúc Nhà Vua hỏi, không ai đủ sức trả lời, và cuộc đua thế là an bài.

5 km sau đó, từ 30-35K, Kipchoge chạy trong 14 phút 28 giây (pace trung bình 2:53, nghĩa là tương đương tốc độ của KLTG 2:01:39), để mở rộng khoảng cách lên thành 27 giây so với những người bám đuổi. Galen Rupp, nhà vô địch Mỹ, và Suguru Osako, chân chạy nổi tiếng của Nhật Bản, là những người rớt lại đầu tiên. Sau đó tới lượt Amos Kipruto của Kenya (PR 2:03). Khi tất cả phải vật lộn với cái nóng, Kipchoge như đến từ hành tinh khác, tiếp tục làm chủ cuộc chơi với những bước chạy như được lập trình – hệt như cách anh đã làm trong suốt 8 năm qua.

“Tôi muốn tạo không gian để mọi người thấy rằng đây là một cuộc đua tuyệt vời. Tôi muốn thử thách thể lực bản thân, muốn thử xem mình sẽ cảm thấy thế nào. Tôi muốn cho mọi người thấy chúng ta có nhiều hy vọng trong tương lai”.

Tiết trời Sapporo sáng qua không phải quá nóng ẩm nếu so với các giải chạy ở Việt Nam. Nhưng so với những giải Major ở các nước ôn đới, nơi Kipchoge từng thi đấu, đây là một bài test thể lực không đơn giản, và chắc chắn ảnh hưởng thành tích của các VĐV. Dù không ai có thể chạy tốt như nhà vô địch, nhưng chiến thuật thi đấu hợp lý của anh (ổn định trong tốp đầu ở 30 km đầu tiên để thăm dò thời tiết và đối thủ, bung sức trong 10 km cuối cùng) là điều mỗi chúng ta, dù chỉ ở đẳng cấp phong trào, đều có thể học hỏi ít nhiều.

Không có gì bất ngờ trong khoảng 5 km cuối cùng, khi tuyến đường ngang qua đại học Hokkaido trở thành đường chạy cá nhân của Eliud Kipchoge. Anh chạy cuộc đua của riêng mình, như ở London hay Berlin đã nhiều lần như thế. Khi Kipchoge đấm tay vào ngực và băng qua vạch đích, đó là lời tuyên bố mạnh mẽ về vị thế của Nhà Vua. Lần thứ 13 trong số 15 giải marathon anh từng tham gia, Kipchoge lại là người cán đích đầu tiên…

“Tôi đã hoàn thành di sản của mình khi vô địch Olympic hai lần liên tiếp. Đó là niềm hạnh phúc của tôi và là niềm cảm hứng cho những thế hệ tiếp nối”

Những người bám đuổi

Phía sau Kipchoge là cuộc đua khô máu cho huy chương Bạc và huy chương Đồng. Lawrence Cherono, VĐV Kenya từng thắng ở Boston và New York, dẫn đầu tốp bám đuổi, đã sẵn sàng cho pha nước rút như cách anh vượt qua Desisa ở Boston Marathon 2019. Nhưng đến vài trăm met cuối cùng, Cherono bị Abdi Nageeye của Hà Lan và Bashir Abdi của Bỉ vượt mặt.

Điểm đặc biệt là cả Nageeye và Abdi đều sinh ra ở Somali trước khi nhập tịch thành công dân châu Âu, họ có chung một huấn luyện viên và tập trong cùng đội để chuẩn bị cho Olympic này. Khi Nageeye tăng tốc giành huy chương Bạc với thành tích 2:09:58, anh vừa chạy vừa quay lại vẫy và cổ vũ Abdi. VĐV người Bỉ rướn theo, giành huy chương Đồng với thời gian 2:10:00, nhanh hơn Cheronon 2 giây.

Abdi Nageeye trước đây từng tập cùng Kipchoge một thời gian. Nhưng đầu năm nay, anh đổi huấn luyện viên và tập dưới sự hướng dẫn của Gary Lough (chồng huyền thoại Paula Radcliffe – người nắm KLTG từ 2003-2016). “Gà nòi” cưng nhất của Lough là Mo Farah không thể tham gia Thế vận hội, vì thế, huấn luyện viên này đã dành rất nhiều thời gian cho đội marathon, và hai học trò của ông đã lên podium ở Olympic.

Nhiều người chưa biết Bashir Abdi, nhưng anh là một chân chạy rất ổn định, khởi đầu bằng thành tích 2:10:46 ở Rotterdam Marathon, sau đó liên tục lập rồi tự phá kỉ lục quốc gia Bỉ, 2:07:03 ở London 2019, 2:06:14 ở Chicago 22019, rồi 2:04:49 ở Tokyo 2020. Cuộc đua hôm nay dưới cái nóng khắc nghiệt là lần đầu tiên anh chạy marathon mà không đạt PR.

Trong cuộc đua cuối cùng trước khi giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, VĐV người Nhật Suguru Osako xuất sắc về hạng 6, với thành tích 2:10:41. Anh là VĐV không sinh ra ở châu Phi có thứ hạng cao nhất. Osako đã thi đấu đầy nỗ lực, khi ống kính truyền hình ghi được anh phải vượt qua cơn đau hông lưng khi còn cách đích khoảng vài kilomet.

Nhà vô địch Mỹ Galen Rupp chỉ về hạng 8 với thành tích 2:11:41. Tại Rio 2016, Rupp đã giành huy chương Đồng. Nhưng hôm nay, anh chỉ đủ sức bám theo Kipchoge khoảng 30 km.

Sự thất bại của Ethiopia

Nhiều người tự hỏi nếu Kenenisa Bekele góp mặt, liệu anh có thể gây khó dễ cho Kipchoge? Ở Rio 2016, Liên đoàn điền kinh Ethiopia bất ngờ loại Bekele khỏi đội tuyển, để rồi chứng kiến anh vô địch Berlin Marathon một tháng sau đó với thành tích 2:03:03 (nhanh thứ hai thế giới tại thời điểm ấy).

Năm nay, có lẽ để tránh mọi điều tiếng, Ethiopia quyết định tổ chức vòng tuyển chọn. Đó là một cuộc đua chẳng giống ai, cự ly 35 km, ở độ cao 2000m so với mực nước biển, không có chip tính giờ, và chỉ cách Olympic có 3 tháng. Mặc dù mục đích của cuộc đua đã đạt được, khi đội tuyển Ethiopia quy tụ 2 trong số những chân chạy xuất sắc nhất thế giới những năm gần đây (Shura Kitata và Sisay Lemma), cộng thêm cái tên quen thuộc Lelisa Desisa, rõ ràng nó quá khắc nghiệt cho người tham dự. Cả ba VĐV Ethiopia đều DNF trong ngày Chủ nhật. Còn ở giải nữ, 2 VĐV Ethiopia cũng không thể hoàn thành cuộc đua, chưa nói tới cạnh tranh với nhà vô địch Peres Jepchirchir.

Kitata và Desisa thắng cuộc đua nội địa nhưng DNF khi tranh tài ở sân chơi Olympic

Bekele tuyên bố rằng anh sẽ không tham gia vòng tuyển chọn vì nó quá sát Thế vận hội. Hệ quả, anh bị loại khỏi Olympic. Sẽ không mấy người ngạc nhiên nếu một Bekele hoàn toàn sung sức lại đăng quang ở một giải Major mùa thu tới đây, Berlin chăng?

Nói thêm, Liên đoàn điền kinh Ethiopia còn có một quyết định lạ lùng ở nội dung 5000m. Thông thường nhà vô địch 10000m sẽ là ứng viên sáng giá cho nội dung 5000m (Mo Farah từng giành cú đúp 5000-10000m ở London và Rio, Sifan Hassan cũng thắng cú đúp năm nay). Thế nhưng Selemon Barega không được đăng ký chạy 5000m, dù đã đánh bại Cheptegei trên đường chạy 10000m. Kết quả là điền kinh Ethiopia thảm bại ở nội dung 5000m, chẳng có lấy một VĐV vào chung kết.

Nhà vô địch vĩ đại nhất mọi thời đại

Hãy quay lại với Eliud Kipchoge. Nếu lấy sự kiện Breaking2 làm mốc (trước khi những đôi siêu giày đệm carbon ra đời), sự nghiệp của Eliud Kipchoge có thể chia thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn đơn lẻ cũng đủ để đưa anh trở thành VĐV marathon xuất sắc nhất lịch sử.

2013-2017

  • 8 lần vô địch trong tổng số 9 lần chạy marathon
  • 6 lần vô địch Major
  • Lập kỉ lục đường đua ở London Marathon
  • Vô địch Olympic Rio 2016
  • PR 2:03:05
  • Chạy 2:00:25 trong sự kiện Breaking2

2018-2021

  • 5 lần vô địch trong tổng số 6 lần chạy marathon
  • 4 lần vô địch Major
  • Lập kỉ lục thế giới (2:01:39)
  • Vô địch Olympic Tokyo 2020
  • Chạy 1:59:40 trong sự kiện INEOS 1:59

Chúng ta chưa từng thấy ai áp đảo phần còn lại như Kipchoge trên đường chạy marathon, và có thể sẽ không bao giờ có ai như anh. Trước Kipchoge, marathon không phải là môn thể thao mà một cá nhân có thể thống trị quá lâu (như quần vợt hay bơi). Các VĐV thắng vài giải lớn, thua một số giải khác, tận hưởng khoảnh khắc ngắn ngủi trên đỉnh cao trước khi chấn thương, sự suy giảm phong độ, và yếu tố tuổi tác khiến họ thất bại trước thế hệ kế cận. Kipchoge đã là VĐV marathon số 1 thế giới trong 7 năm liên tiếp, và có thể sẽ còn vài năm nữa. Hãy nhìn lại khoảng cách giữa anh với phần còn lại ngày hôm nay (1 phút 20 giây), so với ở Rio 5 năm trước (1 phút 10 giây).

Ngay cả đối thủ lớn nhất Kenenisa Bekele, người thuộc top những chân chạy đường dài vĩ đại nhất, cũng thiếu thứ mà Kipchoge luôn sẵn có: sự ổn định. Bekele đã chạy 11 giải marathon trong đời, chỉ cán đích bảy lần, và chỉ có hai lần tiệm cận đẳng cấp Kipchoge (Berlin 2016 và Berlin 2019). Khi nhiều người chờ đợi màn so tài giữa Bekele với Kipchoge ở London 2020, Bekele cũng rút lui vì chấn thương. Chưa bao giờ Kipchoge phải bỏ một giải đấu ngay sát giờ thi đấu vì chấn thương cả.

Xét cả trên những cự ly khác, sự trường tồn của Kipchoge cũng vô cùng đáng nể. Usain Bolt chỉ dự 3 kỳ Thế vận hội. Nữ VĐV Allyson Flex của Mỹ giành huy chương trong 5 kỳ Thế vận hội liên tiếp. Eliud Kipchoge cũng gần tương tự, khi ngoại trừ London 2012 mà anh không góp mặt, anh giành huy chương ở 4/5 lần Olympic gần nhất, huy chương Đồng 5000m năm 2004, huy chương Bạc 5000m năm 2008, và huy chương Vàng marathon hai lần liên tiếp (2016, 2020). Đây không chỉ là VO2 max hay DNA vô địch, đây là câu chuyện của những nỗ lực bền bỉ, của sự kỷ luật và kiên định, mà đặt chúng vào một VĐV có tài năng thiên phú, chúng ta có được một tượng đài bất tử của marathon.

Vậy còn những giới hạn nào cho anh? Kipchoge tin rằng con người không bị giới hạn. Những fan hâm mộ trung thành hẳn vẫn chờ đợi Nhà Vua chinh phục những đường chạy dốc không có người dẫn tốc, như ở Boston Marathon. New York cũng là nơi anh chưa in dấu giày của mình. Từ giờ tới giải New York còn gần 3 tháng, liệu có đủ để Kipchoge nghỉ ngơi cho một cuộc chinh phục mới? Hoặc Tokyo 2022 hay Boston 2022 cũng rất hấp dẫn? Hay anh muốn trở lại London một lần nữa để xoá đi kí ức đau buồn tháng 10.2020?

Cuộc khổ chiến trong “hoả lò” và sự xuất hiện của một nữ anh hùng mới

Dù thế nào, đây chưa phải là lúc nghĩ về điều đó. Hãy để Kipchoge nghỉ ngơi, còn chúng ta tận hưởng thời khắc này, khi anh còn thi đấu và chinh phục những đỉnh cao. Được chứng kiến những bước chạy mạnh mẽ và ổn định của VĐV marathon vĩ đại nhất lịch sử là một niềm vui rất lớn.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • Thang says:

    Một bài viết rất hay. Cảm ơn BS. Đinh Linh.

  • NNT says:

    Cảm ơn tác giả. Bài viết rất hay.

  • […] dài Olympic 2020 Tổng hợp các bài viết về điền kinh ở Olympic 2020 Olympic Marathon: Sự trở lại của Nhà Vua Tokyo 2020: VĐV marathon tranh nước, xô đổ cả bàn không để ai uống gây […]

  • […] chiến thắng thong thả tại Olympic Marathon tại Nhật Bản, Eliud Kipchoge đã đặt dấu chấm […]

  • >
    0 Shares