Chúng ta có thể chạy bộ với một đôi giày duy nhất. Nhưng luân phiên đổi giày chạy cho từng bài tập và thi đấu rất quan trọng; điều này không những đem lại thành tích cao hơn mà còn giúp chúng ta phấn chấn hơn khi luyện tập, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
Trong quá trình đi tìm một đôi giày lý tưởng cho từng mục đích sử dụng, Chay365 xin gửi đến cộng đồng lựa chọn của hai biên tập viên Bruce Vu và Đinh Linh. Cả hai là những người am hiểu chạy bộ, tập luyện nghiêm túc, cũng như có thành tích tốt khi thi đấu (đều đã đạt chuẩn Boston Marathon).
Do các thế hệ khác nhau của cùng một dòng giày không có nhiều khác biệt nên Chay365 chỉ nêu tên dòng giày và hãng sản xuất, kèm theo link đến sản phẩm cụ thể. Bài viết thể hiện quan điểm riêng dựa trên trải nghiệm cá nhân của tác giả.
Mục lục
Bruce Vu: Nhiều người cho rằng Skechers GOrun Razor chỉ tốt ở những cự ly ngắn. Những người này phần đông phụ thuộc vào những dòng giày có phần đệm khá dày ở gót để chạy cho êm. Riêng với tôi thì đôi Skechers GOrun Razor là lựa chọn tuyệt vời cho mọi tình huống, với trọng lượng 184gr size 9.5US, tương đương với đôi Nike Vaporfly trong khi giá tiền thì chỉ bằng một nữa thì đôi này có thể gọi là “bang for your buck” – đáng đồng tiền bát gạo. Một điều nổi trội nữa là đôi giày này được thiết kế với miếng cao su đặc biệt ở phần đế, vừa nhẹ vừa bền. Phần mũi được in bằng máy 3D cho nên khá bó, tôi đã phải nâng lên nửa size từ 9 lên 9.5 để khỏi bị đau ngón chân út. Tôi có thể chạy với đôi Skecher này ở mọi cự ly từ 5K đến marathon, trọng lượng nhẹ giúp tôi có thể thực hiện các bài tập tốc độ thành công và phần đệm êm giúp bảo vệ đôi chân khi thực hiện các buổi chạy dài 30km.
Đinh Linh: Nếu được lựa chọn một đôi giày duy nhất để sử dụng trong mọi hoàn cảnh từ tập luyện đến thi đấu, kể cả chạy trên máy chạy bộ, tôi sẽ chọn đôi Newton Distance. Đôi giày này có đế mỏng và độ dốc gót mũi thấp (2 mm) nên được xếp vào dòng giày tối giản (minimalist). Nhờ đó khiến bắp chân khoẻ hơn và cổ chân phải làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên độ đệm của giày vẫn rất tốt, tránh chấn thương cho người sử dụng nếu phải tập bài chạy dài.
Nếu bạn chưa từng sử dụng giày đế mỏng thì tôi nghĩ bạn nên thử. Người chạy sẽ có xu hướng tiếp đất nhẹ nhàng hơn (hãy thử chạy chân trần và bạn sẽ hiểu cảm giác đó). Sau 5 năm sử dụng giày này mà không hề bị chấn thương (chấn thương thường do loại giày khác), Newton Distance với tôi như một người bạn trung thành đáng tin cậy. Giày khá nhẹ, trọng lượng khoảng 220gr cho một chiếc size 9US, nên có thể dùng để chạy tốc độ, hoặc thậm chí thi đấu.
Lựa chọn thay thế cho Newton Distance trong (trường hợp tôi chạy thẳng từ bệnh viện ra công viên) là New Balance 1400, một đôi giày chạy đua nhưng có độ đệm tốt và rất bền. Điểm yếu của nó là phần đế hơi cao.
Bruce Vu: Khi còn theo giáo án Jack Daniels, đa số các bài chạy là phục hồi ngoại trừ hai buổi chạy chất lượng (Quality) trong tuần. Vào những ngày chạy phục hồi tôi cần mang những đôi có chút phần đệm, vì tốc độ không quan trọng cho nên bất cứ giày nào không phải giày đế mỏng (minimalist) đều ổn. Tôi có một lô giày để phục vụ mục đích này, bao gồm Brooks Adrenaline GTS, HOKA ONE ONE Bondi, Nike Flex RN, Mizuno Wave Inspire, Nike Flyknit Lunar, Nike Pegasus Turbo. Trong số đó tôi thích nhất Nike Zoom Pegasus Turbo vì nó có cấu trúc giống Vaporfly chỉ có điều không có miếng đệm carbon fiber bên trong.
Đinh Linh: Để tránh chấn thương, tôi không bao giờ tập nặng hai ngày liên tiếp. Các buổi tập nặng bao gồm bài tập tốc độ (tempo/interval) hoặc tập leo cầu ở giữa tuần, và bài chạy dài kết thúc tốc độ cao vào cuối tuần. Ngày sau đó hoặc nghỉ ngơi, hoặc chạy nhẹ nhàng để phục hồi. Đôi Nike Zoom Pegasus Turbo có độ đệm tốt (phần mũi giày cao 18 mm, phần gót giày cao 28 mm, độ dốc gót mũi 10 mm), đồng thời lại khá nhẹ (210gr cho cỡ 9US) nên rất phù hợp với mục đích tập phục hồi.
Bạn có thể hỏi: vậy tại sao không dùng Pegasus Turbo một cách thường xuyên? Lý do là giày êm quá cảm giác tiếp đất không thật chân. Bạn không biết mình tiếp đất phần nào của bàn chân. Đế giày quá cao cũng khiến người chạy có xu hướng bước dài hơn, tiếp đất bằng gót, và tăng nguy cơ chấn thương khớp gối.
Bruce Vu: Những buổi chạy tốc độ chỉ xảy ra một hoặc hai lần trong tuần theo giáo án Jack Daniels, thường là Q2 và đôi khi là Q1 vào ngày cuối tuần. Vào những buổi tập này tôi cần mang đôi giày nhẹ nhất. Tôi có hai đôi giày để dành cho các buổi tập này là Saucony Originals Men’s Bullet Classic minimalist và Mizuno Wave Emperor. Hai đôi này siêu nhẹ (dưới 200gr một chiếc) mang vào có cảm giác như đang chạy chân đất. Đôi Saucony làm bằng nhựa cứng và nhẹ như mấy đôi dép rọ xuất hiện ở miền Nam sau năm 1975 do bộ đội từ Bắc mang vào, khi chạy nó phát ra những tiếng kêu lạch cạch rất to. Đôi Mizuno Wave Emperor tôi mua trong một chuyến du lịch ở Seoul, đôi này đúng là hàng hiếm chỉ có sản xuất ở Nhật, tôi đã chạy được 800 km rồi mà đế chỉ bị mòn chút đỉnh. Mấy đôi giày đế mỏng khác chạy chưa đến bằng ấy cây số đã quăng vô thùng rác từ lâu rồi.
Đinh Linh: Lựa chọn của tôi là đôi Nike Zoom Streak (không phải Zoom Streak LT). Đây là dòng giày chạy thi đấu của Nike. Thực sự, trước khi Vaporfly ra đời, các vận động viên elite của Nike đều sử dụng đôi giày này khi chạy đua. Giày có độ dốc gót mũi 8mm, và trọng lượng khá nhẹ (180gr cho cỡ 9 US). Độ dốc gót mũi 8mm đảm bảo độ đệm tương đối tốt. Tuy nhiên, vì là giày chạy đua nên khá mỏng. Tôi đã từng bị đau gân Asin sau một đợt liên tục sử dụng đôi giày này trong các buổi chạy. Độ bền của giày cũng là một hạn chế (giày chạy đua nào cũng vậy). Chỉ sau 200 km là phần thân giày làm bằng vật liệu mesh có thể bị rách. Do đó cần “tiết kiệm mileage” cho đôi giày này. Các lựa chọn khác cho bài tập tốc độ là Asics Hyperspeed (giờ đã ngừng sản xuất), Asics Tartherzeal, hoặc Asics Piranha 5 – đôi giày có trọng lượng thấp đáng kinh ngạc (100gr).
Bruce Vu: Lựa chọn của tôi là Saucony Fastwitch, đôi này thuộc dòng giày đế mỏng nhưng lại chạy rất êm chân. Phần mũi giày thiết kế tương đối rộng và thoải mái khi chạy đường dài. Phần đế rất mỏng nhưng lại có độ nhún và bám đường rất tốt. Tuy nhiên theo phê bình từ RunRepeat – một trang mạng bình luận giày nổi tiếng – thì dòng giày này không thích hợp cho những người có bàn chân bẹt bởi vì phần đế có cấu trúc vòm cung hợp với những bàn chân có phần lõm ở giữa hơn.
Thật ra nếu mang được những đôi giày nhẹ mà có phần đệm dầy và có thêm miếng lót carbon fiber như Vaporfly thì quá tuyệt vời, nhưng tôi hạn chế tối đa chạy đôi này khi tập luyện vì hai lý do: thứ nhất Vaporfly quá đắt và tuổi thọ không cao nên dùng để tập luyện quá phí, thứ hai là mang đôi này vào thì chắc chắn thành tích sẽ cao hơn bình thường cho nên hãy để chuyện đó xảy ra ở giải đấu.
Đinh Linh: Với tôi, bài chạy dài 32km+ cuối tuần là bài tập quan trọng nhất. Có thể bỏ bài nào chứ không được bỏ bài chạy dài. Trước kia tôi vẫn dùng Newton Distance cho buổi chạy đường dài, và khá ổn. Tuy nhiên khoảng nửa năm nay tôi dùng đôi Vaporfly 4%, nó giúp tôi có thể đẩy tốc độ lên gần với tốc độ thi đấu hơn, đặc biệt tôi có thói quen chạy 6-10km cuối cùng về đích ở tốc độ cao.
Tôi ngạc nhiên về độ bền của đôi giày này. Đôi Vaporfly 4% Flyknit tôi đã dùng chạy đua 2 giải marathon, 1 giải HM, và 2 giải 10K, cộng thêm trên 10 buổi 32 km mà vẫn ổn. Hiện tại tôi có 1 đôi Newton Distance duy nhất, trong khi có 2 đôi Vaporfly 4% và 1 đôi Vaporfly Next%, vì thể sử dụng Vaporfly cho bài tập chạy dài cuối tuần có vẻ là một lựa chọn tiết kiệm hơn.
Lý do tôi không dùng Vaporfly cho mọi buổi tập vì tôi muốn dùng giày đế mỏng để cảm nhận tốt hơn sự tiếp đất của bàn chân, cũng như không muốn đôi bắp chân mình trở nên “lười biếng và dễ dãi”.
Bruce Vu: Tôi rất ít tham gia chạy trail, nhưng tôi có sẵn một đôi Merrell Vibram mua ở Việt Nam trong một chuyến du lịch Sapa. Lần đó tôi không mang theo giày chạy trail nên nhiều lần vấp ngã khi chạy qua các mõm đá trơn trượt. Chúng tôi tấp vô một tiệm bán đồ tạp hóa ở địa phương, giá quá rẻ làm tôi nghi ngờ đây có thể là hàng mã từ Trung Quốc, nhưng rồi cũng nhắm mắt mua đại một đôi “Made In Vietnam”. Cuối cùng đây là hàng thật của hãng sản xuất giày trail nổi tiếng Merrell. Về Mỹ tôi cũng vài lần chạy luyện tập vài lần trên địa hình trail bằng đôi này, tôi cũng mua dự bị một đôi Asics Venture nhưng đôi này rất nặng cho nên hai lần thi đấu ở giải trail 50K và 55K tôi đều dùng đôi Merrell và chạy rất ổn.
Đinh Linh: Tôi không phải người mê chạy đường mòn. Buổi chạy đường mòn chỉ có tác dụng bổ trợ cho nội dung chạy đường nhựa, vì thế tôi chọn cung đường không quá lầy lội hay phức tạp. Gần đây tôi hay tập chạy trên núi Hàm Lợn, nơi có bề mặt đường không quá cứng như đường nhựa, đồng thời độ dốc tốt giúp tôi có thể tập chạy dốc. Với mục đích đó, đôi giày Salomon Slab Sense là lựa chọn phù hợp. Giày bám đường tốt, thích nghi được với nhiều bề mặt địa hình khác nhau, đồng thời đủ nhẹ (220gr) để tôi có thể đổ dốc pace 4 nếu cần thiết.
Bruce Vu: Chắc chắn phải là Nike Vaporfly. Tôi có một đôi Vaporfly 4% và một đôi Next %, cả hai được một người bạn ở tiểu bang Illinois tặng. Anh ấy có phần mũi chân hơi to cho nên hợp với dòng giày New Balance hơn. Tôi chỉ mang hai đôi này để thi đấu ở các giải Half Marathon và Marathon.
Miếng carbon fiber có thể nói là một phát minh đã cách mạng hóa môn thể thao chạy bộ. Tuy có cấu trúc khác biệt nhưng trên lý thuyết thì miếng carbon này có tác dụng cũng như bộ lò xo; khi chân tiếp đất lò xo co lại và tích trữ năng lượng và khi rời đất lò xo bung ra, vì thế runner tiết kiệm được năng lượng đáng kể khi được miếng carbon fiber hỗ trợ. Đặc biệt là ở cuối cuộc đua khi năng lượng cạn kiệt thì sự hỗ trợ này vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta không thể ỷ lại quá nhiều vào công cụ này, muốn có thành tích tốt cũng vẫn phải tập luyện siêng năng. Nhiều người cứ nghĩ mang đôi Vaporfly vào là như mọc thêm đôi cánh, tha hồ bay. Tôi đã thấy nhiều người mang đôi 4% hay Next % nổi bật phải dừng lại căng cơ ở kilômét thứ 35 vì bị chuột rút. Rốt cuộc thì muốn có thành tích tốt thì chúng ta vẫn phải siêng năng tập luyện.
Đinh Linh: Khi đã sử dụng đôi Nike Vaporfly chạy marathon rồi, bạn sẽ không muốn dùng đôi khác nữa. Ai cũng hiểu Vaporfly cùng với dự án Breaking2 là một chiến dịch tiếp thị bài bản của Nike, nhưng phải công nhận họ không hề “chém gió”. Lớp đệm carbon đặc biệt có ý nghĩa ở 10km cuối của cuộc đua, khi đôi chân bạn đã mỏi mệt.
Đã có quá nhiều cuộc tranh luận về tính hợp lệ của Vaporfly, thậm chí Hội đồng Điền kinh thế giới phải đưa ra quy định về giày thi đấu để ngăn trước những tiến bộ công nghệ quá nhanh có thể dẫn tới lợi thế bất công. Nhưng trong lúc này, hãy sử dụng Vaporfly khi thi đấu và cùng chờ đợi sự phản pháo của những ông lớn khác như Asics, adidas, hay New Balance.
Giữa Vaporfly 4% và Next% tôi thậm chí còn thích Vaporfly 4% hơn vì chất liệu flyknit tạo cảm giác ôm chân hơn.
Bruce Vu: Nếu gọi ultra là chạy dài hơn cự ly marathon thì các hai giải ultra tôi tham gia diễn ra trên đường trail, cho nên các bạn có thể tham khảo phần “Giày chạy trail” ở trên. Tuy nhiên, đôi khi trên các cung đường trail ở cự ly dài như Western Pacific Trail Marathon năm 2019 tôi có dùng đôi Adidas Ultra Boost Uncaged. Một điều ấn tượng về đôi này và dòng Ultra Boost của Adidas nói chung là miếng đệm của nó có tuổi thọ khá cao, chẳng hạn như đôi Uncaged tôi đang mang đã chạy được 808 miles (1300km) mà vẫn chưa được về hưu, mặc dù phần đế của nó bị mòn thấy rõ nhưng chạy vẫn còn êm và tôi vẫn dùng nó cho các buổi chạy phục hồi.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn dựa theo cơ địa từng người. Tôi biết có người phải thay giày liên tục, cứ quá 500km là không thể chạy tiếp được vì miếng đệm đã bị mòn, nếu không thay giày mới là bị đau đủ thứ từ gan bàn chân, lên đến bắp đùi, đầu gối và hông. Nếu bạn nằm trong số đó thì đừng nên tiếc tiền, đầu tư cho đôi giày để bảo đảm có thể chạy được bền bỉ và khỏe mạnh một đầu tư sáng suốt.
Đinh Linh: Tôi không có nhiều kinh nghiệm lắm với cự ly dài hơn 42km. Tôi mới chỉ một lần chạy 50km và một lần chạy 12 tiếng. Cả hai lần đó tôi đều dùng giày Asics Nimbus. Đôi giày Nimbus có ưu điểm êm chân nhưng quá nặng (300gr cho cỡ 9US), tôi nghĩ nó chỉ phù hợp với người mới tập chạy thôi. Đôi adidas UltraBoost êm tương tự Nimbus nhưng lại nhẹ hơn khá nhiều. Nếu bây giờ cần chạy ultra, UltraBoost sẽ là lựa chọn của tôi.
Đôi giày với người chạy bộ cũng như ống kính máy ảnh đối với nhiếp ảnh gia. Nó có thể là vũ khí hữu dụng cho bạn trong từng hoàn cảnh cụ thể, cũng có thể khiến bạn chìm trong những thông số kỹ thuật và quên đi điểm mấu chốt nhất, đó là nỗ lực và đam mê của người chạy bộ. Không phụ kiện nào có thể “đốt cháy giai đoạn” và đưa chúng ta tới thành công ngay tức thì.
Dù vậy, sở hữu nhiều lựa chọn cho các bài tập chuyên biệt có thể giúp chúng ta tập luyện và thi đấu tốt hơn, cũng như tránh chấn thương. Nếu được sử dụng phù hợp, giày chạy sẽ là thứ tạo nên sự khác biệt. Chay365 cũng hiểu rằng mỗi người lại phù hợp với một loại giày khác nhau và không có chuẩn chung cho tất cả. Hy vọng bài viết này của Chay365 hữu ích với cộng đồng chạy bộ.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]
[…] Top Giày Chạy Bộ Của Chay365 […]
[…] 6 lỗi thường gặp khi chạy máy treadmill Những Cuốn Sách Chạy Bộ Được Mong Đợi Nhất 2020 Chuyên gia về sinh lý học chạy bộ trở thành người phụ trách dự án dùng huyết thanh điều trị COVID-19 của Mỹ “Soi” Strava của các VĐV thể thao Việt Nam 10 Nguyên Tắc Luyện Tập Của Alberto Salazar Cách chạy 63 giờ không ngủ 1001 kiểu chạy marathon ở nhà “siêu dị” trên thế giới khi bị cách ly vì Covid-19 Cool Down Đi cầu khi chạy Top Giày Chạy Bộ Của Chay365 […]
[…] Thiết Bị Bạn mua những đôi giày tốt nhất, quần áo, băng buộc đầu, v.v. giống của runner […]
[…] Top Giày Chạy Bộ Của Chay365 […]
[…] Top Giày Chạy Bộ Của Chay365 […]
[…] tiềm năng tập luyện của bạn. Từ công nghệ giày, cách phục hồi cho đến nạp năng lượng tới […]
[…] Top giày chạy bộ của Chay365 […]